[Bàn về bản chất của người Việt và sự giáo hóa]

Bàn về bản chất của người Việt và sự giáo hóa

Theo chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử, trước những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, các quan trong triều có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vua Tự Đức cho rằng không cần nghe theo Nguyễn Trường Tộ, bởi: những phương pháp cũ đã đủ để điều khiến quốc gia rồi.

Theo tác phẩm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một số người ở Nghệ An đã xuất ngoại nên nắm bắt được tình hình thế giới đương thời mà điển hình là ông Nguyễn Trường Tộ. Khi về nước, Nguyễn Trường Tộ liền thỉnh cầu Hoàng đế gấp rút cải cách kẻo mất nước. Tiếc thay, quần thần ngăn cản nên ông cũng từ chối ban hành cải tổ. Không phải tại vua Tự Đức không muốn cải cách đất nước nhưng vì tình trạng chung lúc đó giới quan lại và Nho sĩ Đại Nam chưa ý thức được sự cấp bách của việc cải cách nên nhà vua cũng không có quyết tâm thực hiện những cải cách quan trọng dẫn đến mất nước.

“Cái gì còn xài được thì xài thôi” – bản chất của người Việt đã hiện lên qua sự khước từ của vua Tự Đức đối với ý tưởng tiếp cận những cái mới của Nguyễn Trường Tộ.

Vậy nó tốt ở những đâu và xấu ở những chỗ nào?

Người phương Bắc đã không thể đồng hóa hoàn toàn người Việt vì đã không thể thay thế hoàn toàn lối suy nghĩ cũ của người Việt bằng lối suy nghĩ của văn hóa Trung Nguyên (tức Trung Hoa hay Trung Quốc). Rằng người Việt là “con lạc, cháu hồng”, có tổ tiên không phải là người Trung Quốc. Rằng người Việt có ngôn ngữ riêng, có cách ăn ở riêng. Rằng “ông ăn chả, bà ăn nem”, tức chồng đã sống khác thì vợ cũng có thể sống khác, sự thay đổi sao cho hòa hợp về cách sống sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp, chứ không bắt buộc người phụ nữ phải chịu sự nô dịch trong khuôn khổ:

– Tại gia tòng phụ: tức người phụ nữ khi còn ở nhà phải nghe theo cha

– Xuất giá tòng phu: tức lúc lấy chồng phải nghe theo chồng

– Phu tử tòng tử: tức nếu chồng qua đời phải nghe theo con trai

Một góc nhìn khác, từ khi được sinh ra, con người đã biết bắt chước. Việc bắt chước có hệ thống sinh ra sự học hỏi. Việc học hỏi có chọn lọc sinh ra sự giáo hóa. Nếu mục đích của sự giáo hóa là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thì từ khi người Việt ăn ở có đạo đức (tức có đường lối tốt đẹp), sự giáo hóa đã xuất hiện. Chữ viết chỉ là một dị điểm cho sự khởi đầu của một nền văn hiến có tính liên kết chặt chẽ hơn và tính kế thừa toàn vẹn hơn, và là một cái mới cho sự giáo hóa mà thôi. Tương tự đối với chữ số và nhiều thứ khác nữa

Nước thường chảy về chỗ trũng. Những cái hữu dụng thường thay thế những cái kém hiệu quả hơn. Nhưng, nếu ý chí của con người không cho phép, dẫn đến việc không tạo điều kiện cho sự tồn tại của những cái mới, thì việc thay thế những cái kém hiệu quả hơn là không thể. Ấy là chưa kể những cái mới chưa chắc đã hữu dụng hơn những cái cũ. Việc kiên định tư tưởng thủ cựu giúp kế thừa văn hóa dân tộc, dẫn đến việc giữ vững ý thức về cội nguồn dân tộc mà không bị đồng hóa hoàn toàn với người phương Bắc. Nhưng nó cũng có thể khiến cho dân tộc trở nên lỗi thời. Việc kế thừa văn hóa dân tộc gắn với việc tạo điều kiện cho sự tương tác giữa những cái mới và những cái cũ là hết sức cần thiết

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *