ban-nguyen-thuy-o-xu-muong

Bản nguyên thủy ở xứ Mường

Bản “nguyên thủy” ở xứ Mường. Nguồn: A Páo.

Cách đây khoảng 20 năm, một số hộ người dân tộc Mông di dân từ các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái về Suối Rằm định cư. Ban đầu chỉ có vài hộ, đến nay đã có 21 hộ dân về sinh sống ở đây.

Bản “nguyên thủy” 5 không

Nơi họ ở cách trung tâm xã Cun Pheo khoảng 8km. Ngày ngày họ làm nương, trồng ngô, trồng sắn và lúa nương. Họ ở nơi 5 không: Không điện, không trường, không trạm y tế, không chợ và không thuộc đơn vị nào quản lý.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 1.

Những ngôi nhà đơn sơ trên đỉnh núi ở bản Suối Rằm. Ảnh: A Páo

Sau mỗi năm, số trẻ em sinh ra ngày một nhiều. Chúng lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Do ở quá xa trường học, không đứa trẻ nào nơi đây đến tuổi đi học được đến trường. Hiện 21 hộ dân này vẫn thuộc diện “vô thừa nhận”, những phúc lợi về xã hội cho đồng bào cũng chưa tới được với họ.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 2.

Những ngôi nhà nằm tít trên đỉnh núi được dựng lên bằng tre, nứa, 21 hộ dân nơi đây làm nương, trồng ngô, trồng lúa, chăn nuôi trâu bò và sống như thời “nguyên thủy”. Ảnh: A Páo

Ông Vàng A Sáu – người đầu tiên chuyển đến khai sơn, phá thạch ở vùng đất này. Cũng có thể coi ông là “Trưởng bản” vì ông là người già và có tiếng nói nhất bản Suối Rằm. Quê ông ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Ông đến đây đã được 8 năm. Ngày đó, ông cùng vợ chồng của 3 người con trai ngày đêm vượt đường rừng đến đây tìm đất sản xuất.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 3.

Bên trong một ngôi nhà của bà con người Mông ở bản Suối Rằm. Ảnh: A Páo

Trẻ em chưa từng được đến trường

Những năm trước, đường lên bản Suối Rằm chỉ có một lối mòn nhỏ. Từ khi công ty lâm nghiệp đóng ở huyện Mai Châu mở đường lên núi, bà con người Mông nơi đây có thể đi xe máy về bản. Nói là đường chứ mỗi khi lên bản Suối Rằm là một lần thử thách sự dũng cảm của người đi. Đường đèo, dốc cao, suối sâu và nhiều khúc cua nguy hiểm.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 4.

Trẻ em sinh ra ở bản Suối Rằm chưa được đi học, sống hồn nhiên giữa thiên nhiên khoáng đạt. Ảnh: A Páo

Người lên tới bản không muốn xuống, người rời bản “thề” không quay lại. Cuộc sống của hơn trăm con người “vô thừa nhận” này đã trải qua 8 mùa trăng. Điều đáng buồn hơn là mấy chục đứa trẻ đến tuổi đi học mà chưa một lần được đến trường.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 5.

Hiện bản Suối Rằm có 21 hộ dân đều là người dân tộc Mông. Họ đến từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Thanh Hóa. Ảnh: A Páo

Hơn bao giờ hết, các hộ dân người Mông nơi đây mong muốn được nhập khẩu tại địa phương. Song đây vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo cho biết: “21 hộ dân tại khu dân cư Suối Rằm di cư tự do đến xã Cun Pheo. Năm 2016, chính quyền địa phương có vận động người dân trở về quê cũ. Tuy nhiên họ không về. Được biết, UBND huyện Mai Châu đã có phương án xây dựng khu tái định cư để giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 6.

Cuộc sống của bà con người Mông ở bản Suổi Rằm vô cùng vất vả. Bản Suối Rằm được gọi là “bản nguyên thủy” vì nơi đây không điện, không đường, không trạm, không nước sạch và không được đơn vị hành chính nào quản lý. Ảnh: A Páo

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 7.

Ngôi nhà hay nói chính xác hơn là một túp lều nhỏ được dựng lên bên sườn núi. Ảnh: A Páo

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 8.

Đường lên bản Suối Rằm là một lần thử sự dũng cảm. Con đường đất dài 8km, dốc ngược và trơn trượt. Ảnh: A Páo

Bản nguyên thủy ở xứ Mường - Ảnh 9.

Hơn bao giờ hết người Mông ở bản Suối Rằm mong được chính quyền địa phương tiếp nhận. Chỉ khi đó, con cháu họ mới được đến trường, đến lớp: Ảnh: A Páo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *