Tuy tôi không quen bạn, nhưng tôi biết điều này về bạn: bạn có thể truy cập internet, và bạn có đủ thời gian ở trên mạng để đọc điều gì đó.
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng điều này cho tôi biết hai điều quan trọng về bạn: Một, bạn đang giàu hơn một nửa dân số của thế giới, bởi vì một nửa còn lại của thế giới vẫn chưa có internet để sử dụng. Và hai, nếu bạn đọc bài này, bạn đang tham gia một cuộc chiến mà hầu hết những người hiện đại đều tham gia. Bạn có lẽ đã được đáp ứng những nhu cầu cơ bản – thức ăn, một mái nhà để ở. Đối với bạn, những khó khăn bạn phải đối mặt để có một cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn đều không rõ ràng. Bạn đang phải cố gắng để đánh bại những kẻ thù vô hình: sự lười biếng, sự chán nản, sự nghi ngờ bản thân và sự trì hoãn.
Nhưng bạn cần biết điều này: Tất cả những khó khăn kể trên đều là một và chúng rất giống nhau. Và chỉ có một cách duy nhất để đối phó với chúng.
Bạn không lười biếng. Bạn không cảm thấy chán. Bạn không bị mất động lực. Bạn – và tất cả chúng ta – đều đang sợ hãi mà thôi. Lời Khuyên tốt nhất để vượt qua được nỗi sợ hãi là một câu nói gồm 3 từ tẻ nhạt, mà Nike đã biến thành một câu khẩu hiệu tiếp thị thành thành công nhất mọi thời đại (sau khi điều chỉnh một chút những lời trăng trối của một kẻ sát nhân hàng loạt): Cứ làm thôi – Just do it.
BẠN KHÔNG THIẾU ĐỘNG LỰC
“Tôi không có động lực” không bao giờ là một câu nói đúng cả. Bạn không có động lực để làm cái gì? Làm việc à? Nếu như vậy, không phải là bạn đang có động lực để không làm việc sao? Mỗi hành động của con người đều có một động lực thúc đẩy đằng sau, đó có thể là tiền bạc, hoặc sự hạnh phúc, hoặc sự bình thản hoặc đơn giản là nghe theo tiếng gọi của lương tâm. Những động lực của bạn không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng bạn chắc chắn bị thúc đẩy bởi một điều gì đó.
Nếu bạn ghét mỗi phút giây phải làm việc, điều đó không có nghĩa là bạn không có động lực để nhảy việc. Mà là bạn chưa có động lực để làm điều này thôi, điều này có nghĩa rằng có điều gì đó đang giữ chân bạn lại. Vì một lí do nào đó, bạn cảm thấy mình không thể thay đổi được. Nó quá khó, tốn nhiều công sức, khiến bạn cảm thấy dễ bị tổn thương nếu bị từ chối. Vì thế bạn thậm chí còn không dám thử.
BẠN KHÔNG CHÁN
Tôi đã từng bắt chuyện với một người phụ nữ trên Tinder, cô ấy là một scrum master (người dịch: một vị trí gần giống với người quản lí) và là một bác sĩ sinh lý. Cô ấy từng theo học tại một trường dạy về kinh doanh, nhưng thực sự cô ấy muốn học về thời trang và cô ấy đã bắt đầu một công ty chuyên về phát triển các giải pháp sáng tạo trong kinh doanh (creative company). Nói một cách ngắn gọn, cô ấy là một người thú vị.
Khi tôi hỏi về lí do tại sao cô ấy lại dùng Tinder, cô ấy lặp lại cái câu nói dối kinh điển nhất thế giới: “Tại vì em chán thôi.”
Làm thế nào tôi biết cô ấy nói dối? Bởi vì không ai chán nản hay gì cả. Không có lí do nào cho việc đó. Hầu hết chúng ta thậm chí còn không thử làm nữa kia. Chúng ta đều có kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi.
Chúng ta chỉ đơn giản giả vờ là mình chán, nhờ thế chúng ta có thể sống ngày này qua ngày khác với những thứ vô nghĩa, ví dụ như trò chuyện trên Tinder. Bởi vì chúng ta biết rằng đằng sau sự yên lặng là sự lo lắng và bất an. Nếu bạn bước qua cánh cửa của sự nhàm chán, nỗi lo lắng và bất an chính là những gì bạn sẽ khám phá được.
Nhà khoa học và toán học vĩ đại, Blaise Pascal đã từng nói: “Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.” Bạn không chán, chỉ là bạn sợ việc bạn phải đối diện với chính bạn mà thôi.
BẠN KHÔNG LƯỜI
Sự lười biếng chỉ là công cụ của những kẻ đang cố lợi dụng bạn khi bạn nói mình “đang chán” mà thôi. “Bạn đang chán bởi vì bản thân bạn quá nhạt nhẽo!” – đây là điều họ sẽ nói với bạn. Vì thế bạn cần một sở thích, hay một cuộc gọi hoặc một chương trình luyện tập thể hình với giá 250$ với một chế độ ăn được thiết kế riêng cho bạn.
Điều này, cũng rất nhảm nhí. Sự lười biếng cũng giống như sự chán chường, đều không tồn tại. Như giáo sư tâm lý học Devon Price đã giải thích trên Medium: “Không ai muốn cảm thấy mình vô dụng, thảm hại hay kém cỏi cả. Nếu bạn nhìn vào hành động của một người (hoặc khi họ không làm gì cả) và bạn chỉ thấy sự lười biếng, tức là bạn đã bỏ lỡ nhiều điều chi tiết quan trọng rồi đấy.” Những điều giống như sự lười biếng hay tự hủy hoại bản thân, luôn có một thứ gì đó đằng sau nó – sự thiếu tự tin, hoặc một nhu cầu không được đáp ứng, ông ấy viết.
Một lần nữa, không phải sự thiếu động lực hay sự không muốn làm gì cả đang cản trở bạn trên con đường đến thành công và hạnh phúc; mà nó chính là những ranh giới vô hình tồn tại trong tâm trí mà bạn gặp phải – đôi lúc chúng không hề di chuyển gì cả.
CÁCH “CHỮA” CÁC TRIỆU CHỨNG
Bố tôi đã từng kể cho tôi nghe câu chuyện này: Một đồng nghiệp của bố đang lái xe đến một cuộc hẹn với khách hàng. Khi anh ta đang vượt một chiếc xe tải, chiếc xe tải đã di chuyển vào làn đường của anh ta. Nhìn thấy chiếc xe của mình bị tông từ phía ghế ngồi cho hành khách và mọi thứ đang đổ dồn về phía mình, bản năng thú tính của anh ta bỗng nổi dậy. Anh hét lên một tiếng dữ dội và dùng một tay giật phăng chiếc cần số của hộp số tự động.
Đây là hộp số tự động (xem hình):
Rõ ràng, chúng ta không nói về việc ngắt một cái núm vặn trên cái ra-đi-ô nhà bạn. Mà là về một bộ phận máy móc rất nặng và khó phá vỡ. Đây chính là sức mạnh của sự sợ hãi. Nó có thể khiến bạn làm những điều không tưởng.
Bây giờ hãy tưởng tượng việc sử dụng sức mạnh tương tự nhưng không phải vào môi trường vật lý xung quanh, mà là dùng để chống lại tâm trí của chính bạn. Đây là những gì chúng ta có xu hướng làm khi đối mặt với vấn đề – chúng ta lấy nguồn sức mạnh tuy thô sơ nhưng vô cùng mạnh mẽ này và tự sử dụng nó lên chính mình. Chúng ta làm điều đó bằng cách tự mua thuốc, tự pha chế và tự điều trị các triệu chứng như lười biếng và buồn chán. Thay vì thấy người khác “kéo phăng cần số ra khỏi xe”, chúng ta chỉ thấy họ nhìn chằm chằm vào điện thoại trên tàu điện ngầm, hoặc trì hoãn những việc sắp đến hạn hoàn bằng cách xem TV, hoặc bị lôi kéo vào những cuộc cãi cọ ngu ngốc trên mạng xã hội.
Thật ra, tất cả chúng ta đều sợ điều gì đó; và chúng ta chỉ chọn cách chữa trị nỗi sợ hãi đó theo những cách khác nhau mà thôi.
CON CHÓ TIẾP TỤC ĐUỔI THEO
Có hàng vạn thứ khiến bạn sợ hãi trên đời.
Bạn sợ chết sớm vì một vụ tai nạn máy bay hoặc trong một vụ cướp có vũ trang hoặc trong một thảm họa thiên nhiên hay bởi vì một loại ký sinh trùng mới phát hiện, mặc dù xác suất để chuyện đó xảy ra gần như bằng không. Bạn sợ cô đơn vì nỗi sợ hãi luôn hiện hữu, nhưng có lẽ vì cô đơn trông kì lạ và khó hiểu, nên nếu bố mẹ bạn không hỏi tại sao bạn vẫn độc thân, thì chắc chắn bạn bè của bạn đã hỏi điều này trước rồi.
Bạn sợ phải bắt đầu viết chương đầu tiên của cuốn sách mà bạn ấp ủ bấy lâu bởi vì ai mà biết được liệu cuốn sách có thành công hay không? Nhưng đồng thời bạn cũng sợ rằng mình sẽ lãng phí thêm 10 tiếng nữa chỉ để xem bộ phim Trò chơi vương quyền (Game of Thrones), trong khi bạn đã xem hết cả bộ hai lần rồi. Bạn sợ mình sẽ không bao giờ trở nên giàu có, nhưng nỗi sợ này không lớn bằng việc bạn sợ mất đi một thứ gì đó bạn đang sở hữu.
Tôi có thể ngồi cả ngày để liệt kê những nỗi sợ mà bạn có thể có. Sợ thất bại, sợ thành công, sợ trông mình có vẻ ngu ngốc, sợ mất ai đó hay điều gì đó, sợ chính nỗi sợ hãi, sợ lãng phí thời gian, sợ mình không đủ tốt, không đủ thông minh, không đủ sự hấp dẫn.
Để đối phó với tất cả những nỗi sợ hãi này, bạn có thể mua một cuốn sách mới mỗi tuần từ những chuyên gia khác nhau, và thế là bạn thu thập và bổ sung một loạt các giả dược tuyệt đẹp trên kệ sách của bạn, chúng đề cập đến các hệ thống có tổ chức, các câu thần chú và các giải pháp để giúp bạn giải quyết các vấn đề. Hoặc, bạn có thể “thức tỉnh” và nhận ra rằng tất cả những nỗi sợ hãi này đều giống nhau.
Nỗi sợ hãi là một sinh vật bóng tối biến hóa khôn lường và nó luôn tìm cách cản trở chúng ta và nó sẽ tiếp tục và sẽ không bao giờ ngừng tạo ra ra những dụ ngôn để lừa chúng ta. Bạn phải học cách sống chung với sinh vật bóng tối này.
Sinh vật này chính là con chó sẽ đuổi theo bạn cho đến khi bạn lìa đời. Và đôi lúc, nó sẽ tóm được bạn. Nhưng bạn phải tiếp tục di chuyển. Không bao giờ ngừng lại. Cái ngày bạn đến được nơi có ánh sáng rực rỡ cuối đường hầm, tôi muốn bạn nhìn lại và đưa ngón tay giữa trước con chó đứng lại ở phía sau.
CÁCH CHỮA
Tôi không tài giỏi hơn một ai, kể cả một người lạ bạn vô tình gặp trên đường, để có thể nói về nỗi sợ hãi. Tôi không có bằng cấp về tâm lý học, tôi thậm chí còn không được đào tạo một cách chính quy để trở thành một nhà văn. Nhưng, giống như bạn, tôi đã sống với nỗi sợ hãi cả đời. Và, bằng cách nào đó, tôi đã có được công việc yêu thích, tôi có toàn quyền sử dụng thời gian theo cách tôi muốn và tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng có những vấn đề cá nhân cần giải quyết, nhưng tôi cảm thấy ổn khi sống trọn vẹn từng ngày. Tất cả chỉ có thế. Tôi đánh bại con chó, hết lần này đến lần khác.
Tiêu điểm của tôi trong năm nay là ‘Sự tập trung.’ Trong tất cả những khía cạnh trong cuộc sống, tôi đang cố gắng hết sức để tập trung vào những gì thực sự quan trọng với tôi: các dự án cá nhân, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và độc giả của tôi, cách tôi quản lý, sử dụng thời gian và năng lượng của mình.
Và điều đã giúp tôi bám sát mục tiêu của bản thân, hoàn thành mọi thứ, bất chấp nỗi sợ hãi là một khẩu hiệu rõ ràng nhưng gây khó chịu của Nike: Cứ làm thôi (Just do it).
Ngoài việc rõ ràng là nó gây khó chịu, về cơ bản thì câu này rất đúng. Và “Cứ làm thôi” không phải là một giải pháp tuyệt hảo. Nó không mang tính khinh khi hay hợm hĩnh, mà nó có giá trị nâng đỡ và khiêm tốn. Đó là Động lực, là Cảm hứng, là Hành động, là Năng lượng để sống.
Hầu hết mọi người không biết được câu khẩu hiệu này sâu sắc như thế nào. “Nếu mọi thứ dễ dàng như vậy, bạn không nghĩ rằng mọi người sẽ ‘Cứ làm thôi’ hay sao?” Không, không và không. Ý tôi không phải như vậy. Tôi đang nói đến điều mà Marcus Aurelius đã tự nói với chính mình 2.000 năm trước: “Bạn phải xây dựng cuộc đời của mình bằng một chuỗi các hành động, và hãy cảm thấy hài lòng nếu mỗi hành động của bạn đều hướng đến mục tiêu – và không ai có thể ngăn cản bạn làm điều này”.
Nếu tất cả những gì chúng ta làm là tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, chúng ta sẽ hoàn thành 99% mục tiêu của mình và có thể là một vài mục tiêu khác nữa. Đương nhiên, đôi lúc chúng ta phải tạm dừng và phản tư những gì đã làm, và bạn sẽ nhận ra không phải tất cả các mục tiêu đều đáng để theo đuổi ngay từ đầu, nhưng dù sao chúng ta đã đạt được chúng.
Đây là tất cả những gì cần thiết, chúng là toàn bộ chiến lược bạn cần. Bạn không có thời gian để suy nghĩ về một bức tranh toàn cảnh nếu chỉ bận tâm đến khi nào thì bạn làm gì. Và ý tôi không phải là chạy tán loạn cả ngày như một con chuột bị lạc trong mê cung. Ý tôi là bạn hãy kiên trì thực hiện và luôn tái tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.
CHIẾN LƯỢC “CỨ LÀM THÔI”
Chiến lược là một cách tiếp cận lâu dài để đạt được những gì bạn muốn. Đó là một tập hợp các hành vi mà bạn cam kết thực hiện, là tập hợp những nguyên tắc mà bạn không muốn thỏa hiệp.
Việc sử dụng chiến lược “Cứ làm thôi” để dẫn lối cho cuộc đời bạn có nghĩa là bạn sẽ phải tự tìm kiếm những gì bạn mong muốn. Bạn theo đuổi mục tiêu của mình dựa trên những gì bạn tin tưởng. Nếu bạn nghĩ nghệ thuật nên được miễn phí, thì hãy làm nghệ thuật miễn phí và nhận hỗ trợ tài chính từ các mạnh thường quân hoặc nhà tài trợ. Nếu bạn không tin vào tính hiệu quả khi làm việc trực tuyến, hãy thuê một văn phòng và tuyển dụng những người địa phương.
“Cứ làm thôi” là lời khuyên tốt nhất vì đó là lời khuyên duy nhất có hiệu quả.
Khi tôi mới bắt đầu viết, tôi đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cụ thể trong các bài viết của mình, chẳng hạn như cách đặt mục tiêu, những thói quen tốt buổi sáng, cách làm việc hiệu quả. Nhưng những chi tiết cụ thể thì đầy Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias). Vì thế bây giờ tôi chỉ cung cấp cho độc giả 10% những gì có hiệu quả, nhất là những thứ hiệu quả đối với tôi. Còn 90% những thứ lộn xộn khác đã phần nào giúp tôi đạt được những kết quả trên? Tôi hoàn toàn loại bỏ chúng khỏi các bài viết của mình.
Và các lời khuyên cụ thể của tôi sẽ chỉ có hiệu quả đối với một phần nhỏ những người tình cờ thấy bài viết vào đúng thời điểm phù hợp và họ sẽ nhấn vào để đọc ngay khi họ thấy bài viết của tôi. Còn những người khác, họ sẽ bỏ qua bài đăng và tự trải nghiệm mọi thứ. Trong quá trình này, họ sẽ cảm thấy đơn độc và vẫn cảm thấy bị mắc kẹt với nỗi sợ hãi. Ngoại trừ bây giờ, họ còn cảm thấy thất vọng nữa.
“Cứ làm thôi” có thể không hoàn hảo, nhưng ít nhất nó đã làm rõ ngay từ đầu: Rằng, bạn chỉ có một mình, nhưng bạn cũng có mọi thứ bạn cần. Bạn sẽ mắc nhiều sai lầm, nhưng vì không ai trên đời có thể cho bạn câu trả lời hoàn hảo cho những câu hỏi mà bạn đặt ra trong trường hợp riêng của bạn, nên việc lựa chọn đường đi cho mình và tiếp tục tiến lên chính là điều tốt nhất và duy nhất bạn có thể làm.
CHIẾN THUẬT “CỨ LÀM THÔI”
Chiến thuật là một quá trình hành động từ ngắn hạn đến trung hạn giúp bạn thực hiện đúng chiến lược của mình.
“Cứ làm thôi” là một chiến thuật để hạn chế những khó khăn bạn gặp phải mỗi ngày, đồng thời nó cũng giúp bạn không ngừng tập trung vào hành động tiếp theo – những hành động đơn giản nhất mà bạn có thể kiểm soát.
Sếp của bạn không thích bài thuyết trình? Tốt thôi, hãy thử làm cách khác và cho cô ấy xem lại. Bạn đã hết khách hàng và công việc kinh doanh tự do của bạn chưa bao giờ thực sự khởi sắc? Tốt thôi, hãy dẹp nó sang một bên và bắt đầu lại từ đầu. Không tìm được ai phù hợp trên Tinder? Tốt thôi, hãy xóa ứng dụng này đi và thử những cách khác để gặp gỡ mọi người. Bạn tập trung trở lại những điều quan trọng sau thất bại càng nhanh, bạn càng tiến bộ nhanh hơn.
Một lần nữa, điều này không có nghĩa là bạn không nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Mà nó có nghĩa là, nếu bạn tập trung vào việc tiến về phía trước, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc xử lý (con chó) khi nó xuất hiện.
HÃY HỨA VỚI CHÍNH MÌNH
Bạn không bị mất động lực. Bạn không lười biếng. Bạn không chán. Chỉ là bạn đang sợ. Tất cả chúng ta đều sợ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở đây. Vì vậy, mỗi ngày, hãy chọn “tại đây” để tiến về phía trước.