BẠN ĐÃ NGHE CÂU CHUYỆN NÀO RẤT ĐAU LÒNG CHƯA?

Bà ngoại tôi tự tử, qua đời rồi.

Bà trèo lên ban công, gieo mình từ tòa chung cư cao tầng, rơi xuống đất rồi mất, mất một cách rất thê thảm. Năm đó tôi chỉ vừa tròn 4 tuổi.

Nhà chúng tôi sống ở tầng 5. Khi còn nhỏ tôi rất lười biếng, cảm thấy leo cầu thang là công việc khổ sở, mệt mỏi nhất trần đời.

Một hôm sau khi tan lớp mẫu giáo, tôi không nhớ vì lý do gì mà mình cứ ngồi bệt ở bậc thềm không muốn leo lên, vừa khóc lóc vừa nằng nặc đòi mẹ bế lên lầu. Nhưng mẹ tôi cũng rất mệt, dỗ tôi mãi không được thì cứ kệ tôi ngồi ở đó rồi về nhà một mình.

Chỉ vài giây sau, một tiếng hét thảm thiết vang khắp hành lang. Sau đó, thứ còn lại duy nhất trong trí nhớ của tôi là tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi, và một nhóm người lớn đang hối hả, tất bật ngược xuôi.

Khi lớn lên, nhớ lại kỷ niệm đau buồn này, tôi đã hối hận và tự trách mình không biết bao nhiêu lần. Tôi luôn cảm thấy rằng mình chính là nguyên nhân gây ra cái chết của bà. Nếu ngày hôm ấy tôi không lười biếng, nếu tôi không ngại leo cầu thang, có lẽ mẹ tôi đã có thể lao về nhà trước khi bà ngoại nhảy lầu tự sát.

Nhưng dần dần tôi lại nghĩ, giả sử hôm ấy chúng tôi cứu được bà, nhưng liệu những lần sau có cứu được nữa không? Ai có thể đủ sức ngăn được một người đã quá tuyệt vọng với cuộc sống này và chỉ chăm chăm đi tìm cái chết.

Người đã khiến bà ra nông nỗi này, có lẽ chính là bố tôi.

Mẹ tôi nói rằng mẹ là người đầu tiên nhìn thấy xác bà dưới đất. Khi chạy đến bên bà, mẹ tôi thấy bàn tay trái của bà đang nắm chặt lại, như thể đang nắm một vật gì đó. Mẹ nhẹ nhàng gỡ tay bà ngoại, bên trong là một mảnh giấy nhỏ. Trong đó có ghi.

“Người đã giết tôi là XXX.”

Mà XXX, không ai khác chính là tên của bố tôi.

Tôi hỏi mẹ tôi, sau đó đã xảy ra chuyện gì? Mẹ nói rằng mẹ đã khóc ngay tại chỗ, rồi xé tờ giấy ra từng mảnh và kể từ đó không bao giờ nhắc với ai về chuyện đó nữa.

Tôi tự hỏi, tại sao mẹ lại không nói cho cảnh sát. Bởi kẻ đã giết bà chính là bố tôi cơ mà. Nhưng khi lớn lên một chút, dần dần tôi đã hiểu ra rồi.

Bởi vì người thật sự có lỗi với bà, là mẹ tôi mới đúng. Lúc đó, mẹ tôi rất thích chơi mạt chược. Mỗi khi mẹ chơi là quên cả thời gian, quên cả giờ giấc. Bà ngoại ngày càng già yếu, mẹ sợ bà sẽ chạy lung tung nên trước khi ra ngoài, mẹ đều phải nhốt bà trong phòng rồi khóa cửa lại.

Vào ngày mà bà tôi tự sát, mẹ tôi vì chuyện đánh mạt chược mà đã cãi nhau một trận rất to với bà ngoại, sau đó khóa cửa như thường lệ và đi ra ngoài. Khi đón tôi trở về nhà, mẹ bảo mẹ có linh cảm không lành, nên mặc tôi ngồi khóc lóc ở cầu thang, vội vàng đi thẳng lên lầu. Lúc mẹ mở cửa ra thì thấy trong phòng không có ai, chỉ có cửa sổ đang mở.

Ngay khoảnh khắc đó, thời gian như đứng yên và não mẹ tôi trống rỗng không biết làm gì. Mẹ tôi nói rằng cửa đã khóa rồi cơ mà, bà có thể đi đâu được cơ chứ. Lúc đó đột nhiên bị cảm xúc lôi kéo, mẹ bước lại phía cửa sổ và nhìn thấy cảnh tượng thảm thương bên dưới đất.

Và khi mẹ tôi nhìn thấy tờ giấy trên tay bà ngoại, thì không kìm được nữa khóc nấc lên. Bởi vì mẹ biết tại sao bà ngoại lại viết tờ giấy đó, là vì hận.

Nhưng không phải hận bố tôi, mà là hận mẹ tôi.

Bà ngoại viết tờ giấy ấy để mẹ hiểu rằng bà đã chết vì mẹ. Nhưng bà ngoại vẫn còn thương mẹ, không muốn con gái ruột bị buộc tội “giết” mẹ mình. Vì vậy, trên tờ giấy, bà đã viết tên bố tôi.

Mẹ tôi biết rằng đây là sự “che chở” cuối cùng của bà ngoại dành cho mình. Nhưng đồng thời cũng là cách trả thù tàn nhẫn nhất.

(Lời người dịch: nhiều bạn đọc đến đây sẽ bực mình vì tại sao tự nhiên bà ngoại lại ghi tên người bố lên tờ giấy dù người bố không có lỗi gì. Mình nghĩ đây đều là suy đoán của nhân vật “tôi”, nên chưa chắc đã là sự thật. Với lại ở phần sau sẽ thấy người bà thần trí còn không ổn định, nhiều khi lẩm cẩm, hoang tưởng rồi viết lung tung thì sao.)

Lớn hơn một chút nữa, tôi lại nghĩ cậu Ba của tôi mới là người đáng trách nhất.

Khi cậu Ba còn trẻ, cậu rất phong độ và đẹp trai. Vào năm cậu 21 tuổi, Đơn vị muốn chọn một người đại diện để làm chỉ huy tổ giao thông tình nguyện trong vài tháng. Cậu vì muốn chứng tỏ bản lĩnh nên đã xung phong, thuận lợi trở thành người đại diện của Đơn vị.

Nhưng số phận thực sự là một trò đùa. Hôm sau một chiếc xe tải lớn lao đến và cậu bị bánh xe chèn vào người. Tuy là cứu được tính mạng nhưng một bên chân không còn nữa. Cả tương lai tươi sáng phía trước đều chìm vào bóng tối. Thậm chí người vợ sắp cưới của cậu, người đã cùng cậu thề hẹn yêu thương chăm sóc nhau cả đời, cũng không thể chịu nổi sức ép của gia đình và nói lời chia tay.

Sau đó cậu Ba kết hôn rồi. Mợ Ba là một người phụ nữ nông thôn. Vì khác biệt về thói quen và lối sống nên mợ Ba và bà ngoại thường xuyên xảy ra cãi vã. Chính vì chuyện này mà mẹ tôi đã đưa bà ngoại về nhà chúng tôi sống.

Nhưng thường là cha mẹ sẽ luôn yêu thương những đứa con chịu thiệt thòi hơn của mình. Bà ngoại vẫn rất thương cậu Ba, thường lén quay về nhà thăm cậu nhưng mỗi lần về là một lần cãi nhau long trời lở đất. Mẹ tôi cũng không còn cách nào khác, nên trước khi ra ngoài đều khóa cửa nhốt bà ngoại một mình ở trong nhà.

….

Nhưng rồi sau đó tôi lại nghĩ, có lẽ nguyên nhân khiến bà tự sát là do cậu Hai mới đúng. Khi ấy nhà còn nghèo, nhưng cậu Hai đã được làm công nhân mỏ, vào thời đó, đây là điều cực kỳ vinh dự.

Cậu Ba vừa biết tin đã ôm chặt lấy mẹ tôi không buông. Sau này mẹ tôi kể lại, cuộc đời mẹ có hai khoảnh khắc hạnh phúc nhất, đó là khi biết cậu Hai được làm công nhân và khi được nhận giấy báo trúng tuyển đại học.

Nhưng ông trời vẫn không tha cho gia đình bà ngoại. Cậu Hai làm công nhân tại mỏ, không được bao lâu thì xảy ra tai nạn ở nơi khai thác. May mắn thay là cậu Hai đã chạy ra ngoài trước khi đất đá sập xuống. Nhưng vì để cứu người nên cậu không ngần ngại quay trở vào trong, vừa chạy vào thì khu mỏ đổ sụp. Khi đưa được cậu ra thì chỉ còn là một cái xác tím ngắt.

Đất nước đã truy điệu cho cậu với tư cách là một liệt sĩ. Nhưng đối với bà ngoại, thà rằng cậu cứ hèn nhát, chỉ lo cho thân mình còn hơn, ít ra bây giờ cậu đã có thể quay trở về nhà.

Mợ Hai khi đó mới mang thai được gần 3 tháng. Sau khi cậu Hai qua đời, mợ đau lòng quá nên không giữ nổi đứa trẻ, cuối cùng bỏ nhà đi biệt tích.

Từ đó trở đi tinh thần của bà ngoại bắt đầu không bình thường. Mãi về sau khi cậu Ba gặp tai nạn thì bà ngoại đã hoàn toàn suy sụp và trở thành một con người khác. Bà bị bệnh Alzheimer, lúc nào thần trí cũng mơ mơ hồ hồ, luôn luôn tìm cách cãi nhau với mọi người xung quanh.

Đôi khi tôi nghĩ nếu ngày đó cậu Hai không xả thân cứu người mà mất mạng, thì có lẽ bây giờ tình trạng của bà sẽ tốt hơn chăng?

….

Cuối cùng tôi lại nghĩ, nguyên nhân lớn nhất khiến bà phải đi đến bước đường cùng này có lẽ chính là ông ngoại.

Ngày ấy ông ngoại là một bác sĩ giỏi được nhiều người mến mộ. Khi bà trở thành thực tập sinh của ông, thì bà đã yêu ông từ cái nhìn đầu tiên. Gia đình hai bên khi ấy cũng rất khá giả, có thể gọi là môn đăng hộ đối, nên cuối cùng họ đã quyết định về chung một nhà.

Trong hồi ức của mẹ tôi thì ông ngoại rất hiền và thương bà ngoại. Khi ăn cơm, ông đều sẽ gắp miếng ngon nhất vào bát cho bà. Khi đó họ đã sống hạnh phúc và tình cảm biết bao.

Ông ngoại là người sống rất ngay thẳng, luôn cố gắng hành nghề chữa bệnh cứu người. Vào giữa và cuối những năm 1960, Cách mạng Văn hóa bắt đầu được thực hiện. Những tấm áp phích có các nhân vật lớn được dán khắp đường phố. Ông ngoại vì không chịu được nên đã nói một số lời không hay.

Chỉ vì một câu nói như thế mà cả gia đình ông bà ngoại rơi vào cảnh khốn cùng. Ông bị đuổi về nông thôn, bà ngoại vì ông cũng từ bỏ công việc của mình, đưa các con trở về miền quê sinh sống. Sau một thời gian dài sống trong nghèo khổ, vất vả, sức khỏe của ông ngoại ngày càng yếu. Cuối cùng ông qua đời vì bệnh nặng, để lại bà với một bầy con thơ.

Để có thể nuôi nấng các con khôn lớn, bà ngoại tôi đã phải chịu không ít khổ sở. Những câu chuyện đằng sau thì các bạn cũng đã biết rồi. Bà đã được đoàn tụ với cậu Hai, với ông ngoại tôi ở thế giới bên kia, nơi không còn bất kỳ khổ đau nào nữa.

Nói đến đây, có lẽ cũng chẳng thể trách ông ngoại tôi vì chuyện này.

Nhưng rốt cuộc ai mới là người đáng trách đây…

Chính tôi cũng không biết nữa…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *