Có thể các bạn chưa biết, tiền cũng giống như quần áo, cũng có thể bẩn và cũng cần được giặt. Nếu giặt một lần không sạch, bạn cần giặt, giặt nữa, giặt mãi, giặt đến khi tiền sạch thì thôi. Trong bài viết này, tôi sẽ khai thác chủ đề về tiền bẩn và hướng dẫn cách rửa tiền bẩn sao cho thật sạch nhé.
Để dễ hình dung, trước tiên sẽ giải thích các thuật ngữ liên quan đến tiền bẩn và hành vi rửa tiền, tiếp đó đưa ra một case thực tế về cách làm thế nào doanh nghiệp đã rửa doanh thu để trốn thuế.
Tiền được cho là bẩn (hoặc đen), khi tiền đó được tạo ra thông qua các giao dịch không có sự kiểm soát, thống kê của cơ quan nhà nước và vì thế không thể bị đánh thuế. Nói cách khác, tất cả dòng tiền mà nhà nước không hề hay biết sự tồn tại của nó, như tiền trốn thuế, kinh tế vỉa hè, buôn lậu xuyên biên giới, tham nhũng,… đều được xem là tiền đen. Tất nhiên, khi chính phủ phát hiện ra tiền đen, số tiền đó nhiều phần hoặc toàn phần sẽ được cống hiến vào ngân sách nhà nước. Do vậy, chủ sở hữu tiền đen chỉ có thể giấu giếm chính phủ dùng tiền đen trong khu vực kinh tế ngầm, hoặc phải hợp pháp hóa loại tiền phi pháp này để sử dụng trong nền kinh tế công khai, bằng cách rửa tiền.
Rửa tiền là tất cả các hành vi với mục đích đổi đen thay trắng, làm mất dấu nguồn gốc ban đầu của tiền đen, khiến nhà nước nghĩ rằng tiền này không đen và không thể tịch thu hay đánh thuế. Thông thường, chủ sở hữu tiền đen đánh lạc hướng chính phủ bằng cách thay tên đổi chủ liên tục, ví dụ như chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua qua bán lại,… Về bản chất, các hành động này không nhằm mục tiêu giao thương, đầu tư hay tạo thêm tiền. Các hình thức này nhằm tạo ra một hoặc nhiều lớp vỏ bọc bên ngoài che mắt chính phủ, với đích đến cuối cùng khi nguồn thu nhập đen được bao bọc bởi một ngoại hình trắng, do đó không bị nhà nước phát hiện và hẫng tay trên.
Một trong những thủ đoạn rửa tiền các doanh nghiệp FDI áp dụng nhằm trốn thuế là chuyển giá, điển hình là chính câu chuyện của Metro Cash & Carry.
Trong suốt 13 năm hoạt động tại Việt Nam (2002-2015), Metro đã “ăn không” 507 tỷ đồng tiền thuế nhờ việc liên tục báo lỗ. Theo Tổng cục Thuế, lỗ này có được chủ yếu do Metro con hàng năm phải đưa một khoản lớn chi phí nhượng quyền thương mại cho công ty mẹ – Metro Đức. Về bản chất, 507 tỷ đó chính là tiền thuế phải nộp nhưng tập đoàn đã cứng đầu không giao. Metro con qua mắt nhà nước bằng cách gắn lên số tiền này chiếc mác chi phí nhượng quyền thương mại và tạm thời mang qua Đức tránh thu hút sự chú ý. Khi vài năm trôi qua, 507 tỷ trốn thuế ban đầu có thể đường hoàng về nước ngay lúc mẹ Đức đầu tư chính con số đó vào công ty con. Tất nhiên, câu chuyện chỉ kéo dài đến 2015, trước khi nhà nước vào cuộc điều tra và đòi toàn bộ số thuế đó.
Không chỉ Metro, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp FDI dấy lên nghi vấn rửa tiền và đã lãnh hậu quả, mới nhất là Coca cola. Sau nhiều năm dài trốn thuế, Coca cuối cùng cũng phải ngậm ngùi đưa ra 821 tỷ, bao gồm tiền thuế đã trốn và tiền phạt do trốn thuế. Nhìn vào tình hình thực tế, mấy ông bà hẳn đã tìm được ví dụ kinh điển cho việc “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” đúng không?
Hy vọng bài này đã giúp nhiều bạn “thông thoáng” các thuật ngữ tiền bẩn, rửa tiền cùng một số (ít) các phương pháp tẩy rửa!
Nguồn: Kinh Tế Học Giản Đơn