Tệ hơn, bạn không nhận ra đó là những hành vi kiểm soát? Bạn nghĩ mình chỉ đang “muốn tốt cho họ”. Mình không làm gì sai cả. Nhưng chỉ đến khi chia tay, thậm chí là rất lâu sau đó bạn mới nhận ra những hành động của mình?
Tôi và cậu ấy yêu nhau năm 18 tuổi. Cậu ấy là một người bạn cùng lớp đại học. Với tôi, cậu ấy là một chàng trai tốt.
Cậu ấy hiền lành, tốt bụng và yêu tôi rất nhiều. Chính vì tôi biết cậu ấy yêu mình rất nhiều nên tôi chẳng thể ngờ lời chia tay mình nói trong lúc tức giận ấy lại thành sự thật.
Đến giờ phút này, sau 4 năm, tôi chẳng còn nhớ đã chia tay cậu ấy vì lý do gì. Tôi cũng không nhớ đó là lời nói chia tay thứ bao nhiêu, nhưng chắc chắn không dưới chục lần.
Tôi chỉ nhớ rằng, chúng tôi “chính thức” chia tay khi tôi đề nghị quay lại và cậu ấy không đồng ý. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy lạnh lùng và dứt khoát như vậy.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra, mình đã chạm đến giới hạn của cậu ấy rồi. Giới hạn ấy chính là lòng tự trọng của một người đàn ông.
Bạn biết gì không? Đêm đó tôi đã khóc rất nhiều. Tôi hối hận về chính những gì đã nói ra. Đó là cảm giác mà trước đây, dù có nói ra bao nhiêu lời chia tay, tôi cũng không có.
Vì tôi tự tin vào tình yêu của cậu ấy dành cho mình. Vì tôi nghĩ cậu ấy yêu mình rất nhiều nên cậu ấy luôn ở đó đợi tôi.
Đúng là cậu ấy yêu tôi rất nhiều. Nhưng chính điều đó đã khiến lòng tự trọng của cậu bị tổn thương.
Ngày ấy, tôi đoán mình cũng giống nhiều cô gái khác, cứ hễ cứ giận dỗi là nói chia tay.
Giận dỗi vì mình không cho đi chơi mà cậu ấy vẫn đi. Giận dỗi vì bảo cậu ấy học hành chăm chỉ mà vẫn lười. Đôi khi, giận dỗi chỉ vì cậu ấy có quan điểm khác mình.
Tôi muốn cậu ấy phải làm theo lời mình. Ý kiến của tôi tốt hơn. Việc tôi muốn cậu ấy làm chỉ là “muốn tốt cho cậu ấy”.
Chơi game không tốt, phải học mới tốt. Đi chơi đêm không tốt, phải ngủ sớm mới tốt. Làm cái này không tốt, làm cái kia mới tốt.
Sự tự cao nói với tôi rằng: “Mình chẳng làm gì sai cả. Mình chỉ muốn tốt cho cậu ấy”
Vậy tại sao cậu ấy lại khó chịu với mình? Tại sao cậu ấy không nghe mình? Cậu ấy không biết mình đang “nghĩ cho cậu ấy” ư?
Mình “yêu” cậu ấy nên mới làm như thế. Đáng nhẽ cậu ấy phải cảm ơn mình mới đúng. Vậy mà cậu ấy lại không thèm trả lời tin nhắn của mình, vẫn cố tình đi chơi đêm. Thậm chí là trách móc mình quá đáng.
Cuối cùng, tôi nhận ra, những việc đó không phải là “muốn tốt cho cậu ấy” mà tôi “muốn tốt cho chính mình”.
Bạn đã bao giờ nói với người yêu rằng: “Nếu kỳ học này không được học lực khá, em sẽ chia tay anh” chưa? Tôi đã nói như vậy với người yêu mình.
Tôi cứ nghĩ rằng, đe dọa “chia tay” sẽ là động lực cho cậu ấy học tập.
“Cậu ấy sợ mất mình nên sẽ cố gắng vì mình mà học hành thật chăm chỉ” Tôi thầm nghĩ.
Có thể tôi đang muốn tốt cho cậu ấy thật. Nhưng dù như vậy thì tôi cũng đang làm sai cách.
Thực tế thì, tôi chỉ đang nghĩ cho mình. Nghĩ cho sự bất an về tương lai của hai đứa.
Tôi muốn có một người yêu giỏi giang, “có tương lai” chứ không phải người thấp kém hơn mình. Và định nghĩa “giỏi”, “có tương lai” của tôi là kết quả học tập, là điểm số.
Trong khi cậu ấy lại không thích học. Cậu ấy không cảm thấy đam mê và yêu thích những gì mình đang học. Nhưng khi tôi “dọa” chia tay, cậu ấy cũng cố gắng học.
Chỉ là với tôi, như thế là chưa đủ. Kết quả học tập vẫn tiến triển chậm. Thế mà cậu ấy lại “dám” đi hái xoài đến 2, 3h sáng với mấy người bạn cùng lớp.
Cậu ấy phải ngủ sớm, không được đi chơi với bạn. Như thế mới có sức khỏe để ngày mai nghe giảng được.
Tình yêu của hai chúng tôi cứ diễn ra như thế. Tôi kiểm soát cậu ấy. Cậu ấy kiểm soát tôi.
Cậu ấy ghen tị với những hành động mà tôi dành cho thằng bạn thân của mình. Cậu ấy không cho tôi đi chơi riêng với bạn thân là con trai.
Cậu kiểm soát tôi vì cảm thấy tình yêu của tôi dành cho cậu là “chưa đủ”. Vì cậu ấy cảm thấy không được coi trọng bằng bạn của tôi.
Còn tôi thì kiểm soát cậu vì “muốn tốt cho tương lai” của hai đứa.
Nhưng lúc đó, tôi không hề nhận ra mình cũng đang kiểm soát người khác. Tôi chỉ đổ lỗi, trách móc cậu ấy kiểm soát mình và không chịu cố gắng học hành vì tương lai của hai đứa.
Tôi chẳng có lỗi gì cả. Tôi đi chơi với bạn bè thì sao chứ. Là con trai thì đã sao? Tôi và nó chơi với nhau từ năm cấp 2. Nếu có tình cảm thì tôi đã yêu nó từ lâu rồi chứ sao phải đợi đến bây giờ?
Tôi khó chịu. Tôi cảm thấy gò bó và không được tin tưởng.
Tôi muốn thoát ra khỏi tình yêu này. Tôi không thể ở trong một mối quan hệ mà không được làm những gì mình muốn.
Bạn thấy không? Đó là những tiếng nói nội tâm trong tôi ngày ấy.
Tôi trách cậu ấy kiểm soát tôi. Tôi cảm thấy khó chịu, bực dọc như nào. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cậu ấy cũng trải qua cảm giác tương tự.
Tôi trách cậu ấy không tin tưởng mình. Nhưng lại không biết chính những lời nói, hành động của mình khiến cậu ấy cảm thấy không được trân trọng, yêu thương.
Tôi 5 lần, 7 lượt nói chia tay vì tức giận. Còn cậu ấy nghĩ rằng tôi yêu “không đủ nhiều”, tôi “không trân trọng” nên mới làm như vậy.
Lời chia tay với cậu ấy là một điều rất quan trọng. Thực tình, cậu ấy chưa bao giờ nói chia tay tôi.
Nhưng tôi lại không nghĩ chia tay là cái gì đó nghiêm trọng cả. Với tôi, chia tay chỉ là một lời nói lúc giận dỗi. Không đồng nghĩa với việc tôi yêu ít hay hết yêu cậu ấy nữa.
Tôi biết nhiều bạn gái cũng như tôi, tức lên thì nói thôi. “Nói xong vẫn quay lại được mà” tôi nghĩ.
Những lần trước, tôi là người nói chia tay, tôi cũng là người nói quay lại. Chính vì cậu ấy dễ dàng chấp nhận nên tôi lại càng không biết trân trọng.
Chỉ cho đến một ngày, sau nhiều lần tương tự lặp lại, cậu ấy không đồng ý quay lại với tôi nữa. Lúc ấy, tôi mới nhận ra mình đã sai.
Những lần chia tay trước, tôi chẳng buồn lắm vì không nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc.
Nhưng đâu biết rằng, với cậu ấy, mỗi lần chia tay là một lần tổn thương. Giống như vết cắt, gọt dần vào trái tim, tổn thương đến tận cùng.
Và cho đến một ngày, khi cậu ấy đã quen với những nỗi đau. Vết cắt ấy không còn làm cậu ấy đau nữa. Đó là lúc cậu ấy nói lời “đồng ý”.
Tôi nghĩ đã mình “yêu” cậu ấy. Nhưng hóa ra tôi chỉ “nhân danh tình yêu”.
Tôi nghĩ mình “muốn tốt cho cậu ấy”. Nhưng hóa ra tôi chỉ đang “muốn tốt cho mình”.
Tôi chỉ nhận ra điều này rất lâu sau khi kết thúc mối quan hệ.
Trong cuộc tình thứ 2, tôi dặn mình không được kiểm soát người yêu nữa, phải để cho anh ấy tự do làm những gì mình muốn. Khi giận dỗi, tôi cũng không dễ dàng nói ra lời chia tay nữa.
Nếu bạn cũng như tôi, rút kinh nghiệm từ mối tình trước để mối tình sau tốt đẹp hơn thì tôi xin chúc mừng bạn đã nhận ra sai lầm của mình và sửa đổi.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể bạn sẽ thay đổi ở một số hành vi cũ nhưng rất dễ lặp lại những hành vi kiểm soát khác trong vô thức.
Việc rút kinh nghiệm và thay đổi giống như việc bạn dùng thuốc để điều trị triệu chứng. Quan trọng là bạn phải hiểu gốc rễ của hành vi.
Trong bài viết này, tôi muốn bạn biết về căn nguyên của hành vi kiểm soát. Tại sao bạn và tôi lại có hành động như vậy.
NỖI SỢ HÃI, BẤT AN
Nỗi sợ bị bỏ rơi là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có hành vi kiểm soát. Bạn muốn kiểm soát mọi thứ theo ý mình. Bạn sợ cảm giác lo lắng, thất vọng nếu mọi việc không diễn ra như kế hoạch.
MẤT MÁT VÀ TỔN THƯƠNG TRONG QUÁ KHỨ
Những tổn thương, mất mát trong quá khứ khiến bạn không muốn bất kỳ ai có thể làm tổn thương mình thêm nữa.
Ví dụ: Bố bạn ngoại tình và bỏ mẹ con bạn đi. Bạn cũng có xu hướng muốn kiểm soát người yêu trong tầm tay vì lo sợ đối phương lừa dối mình.
Bạn kiểm soát mọi thứ để có được cảm giác an tâm. Bạn sợ lặp lại tổn thương thêm lần nữa.
LÒNG TỰ TRỌNG THẤP
Lòng tự trọng thấp tức là bạn đánh giá thấp giá trị bản thân mình. Bạn không tin mình xứng đáng được yêu thương hoặc hạnh phúc nhiều hơn. Bạn không đánh giá cao những suy nghĩ, cảm xúc, ý kiến, sở thích và mục tiêu của chính mình.
Bạn sợ họ sẽ không yêu bạn nữa và sẽ bỏ bạn đi. Bạn nghi ngờ khả năng thành công của bản thân trong mối quan hệ.
Vì thế, kiểm soát đối phương là cách để bạn có thể “chắc chắn” hơn trong mối quan hệ. Cũng có thể trước đây, bạn đã từng bị người yêu vô tâm hoặc phớt lờ. Bạn cảm thấy không được chú ý và đánh giá thấp bản thân.
CÁI TÔI CÁ NHÂN
Một số người muốn kiểm soát đối phương vì niềm kiêu hãnh và cái tôi của họ. Họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ khiến cái tôi và lòng kiêu hãnh của mình được thỏa mãn.
Họ muốn đối phương phải làm theo kỳ vọng của mình hơn là điều chỉnh bản thân. Có thể một số trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ khiến họ làm như vậy. Họ từng ở trong một mối quan hệ bị kiểm soát. Vì thế, họ kiểm soát người tiếp theo để thỏa mãn cái tôi bản thân bị kìm nén trước đây.
HỌC ĐƯỢC TỪ NGƯỜI KHÁC
Hành vi kiểm soát có thể học được từ người khác. Có thể bạn đã lớn lên trong một gia đình bị bạo hành và học được từ chính người thân của mình. Bạn nghĩ rằng mình có quyền sử dụng quyền lực đối với người khác.
Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi hành vi và thái độ của mình nếu thực sự muốn. Dù sức khỏe tinh thần và những tổn thương trong quá khứ có thể góp phần làm bạn trở thành một người kiểm soát.
Một số rối loạn nhân cách có thể là nguyên nhân của hành vi kiểm soát
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng
- Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế
- Rối loạn nhân cách phân liệt
- Rối loạn nhân cách kịch tính
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Rối loạn nhân cách ranh giới
Bài viết trên là câu chuyện cá nhân của tôi về hành vi kiểm soát trong tình yêu. Hi vọng rằng, qua đây bạn cũng nhận ra được hành vi kiểm soát của mình (nếu có) và nguyên nhân gốc rễ của nó.
– Nhu Quynh Blog –