Bạn đã bao giờ thử nấu ăn trong nhà vệ sinh chưa?

Ở Hong Kong, rất nhiều gia đình phải chen chúc sống trong những căn phòng rộng chưa đầy chục mét vuông, nấu ăn ngay trong nhà vệ sinh… Thậm chí, căn phòng của họ không đủ chỗ để cả gia đình có thể cùng ăn cơm một cách tử tế.
Thiếu Linh là một bà mẹ làm việc toàn thời gian, chồng cô làm bảo vệ ở Hong Kong và kiếm được hơn 10.000 NDT (khoảng 1.500 USD) mỗi tháng. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với gia đình 4 miệng ăn này. Họ sống chen chúc trong những căn hộ chia nhỏ có diện tích chưa đầy 5m2.
Vì nơi ở quá nhỏ, việc nấu nướng được thực hiện ngay trên máy giặt, Thiếu Linh thường chọn những thực phẩm đơn giản nhất có thể, như vậy sẽ tương đối ít khói khi nấu nướng. Ngoài việc mua thức ăn ở chợ, Thiếu Linh thường đến ngân hàng thực phẩm để lấy thức ăn, ở đó sẽ phát miễn phí một số mì và nhiều phiếu giảm giá khác nhau, nhờ đó cô có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền trong một năm.
Thiếu Linh đã quá quen với Hong Kong. Ngay từ năm 13 tuổi, cô cùng mẹ đến nơi đây để tìm cha. Sau đó, cô kết hôn và an cư tại đây. Sau tám năm kết hôn, đã nhiều lần chuyển nhà nhưng chưa lần nào cô thoát khỏi kiếp phải sống trong các căn hộ chia nhỏ.
“Căn hộ chia nhỏ” là một hình thức thuê nhà phổ biến ở Hong Kong. Để có thể chứa nhiều người hơn và đáp ứng nhu cầu của nhiều người nghèo, chủ nhà sẽ chia một ngôi nhà bình thường thành nhiều phòng và sau đó cho những người khác thuê. Dù mỗi phòng chỉ có vài mét vuông nhưng tiền thuê lại lên đến 3-5 nghìn NDT. Suy cho cùng, ở Hong Kong tấc đất tấc vàng, nếu muốn tồn tại mà lại không đủ tiền mua nhà riêng, thì bạn chỉ có thể sống trong các căn hộ chia nhỏ.
Trong căn hộ của mình, Thiếu Linh phải tận dụng không gian hết sức có thể. Bếp từ đặt trên máy giặt, đồ dùng nhà bếp và những đồ dùng cần thiết hàng ngày được treo trên cùng một kệ. Ngoài ra, bức tường được dùng để treo TV và các đồ lặt vặt khác. Khi nấu ăn, cô chỉ có thể ch.u.i r.úc vào một góc.
Đối với cô, đây không phải là nhà, mà chỉ là một nơi để tá túc tạm thời. Khi chỉ có một chiếc bếp, mỗi lần nấu ăn cô sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Khi cơm chín, các món ăn có lẽ đã nguội hoàn toàn. Bây giờ cô đã mua được hai chiếc bếp, nhưng dù vậy, mỗi lần nấu cô vẫn xoay sở rất vất vả.
Vì không có máy hút mùi, tất cả khói nấu nướng sẽ bị kẹt lại trong căn phòng nhỏ này. Thiếu Linh thường xuyên bị sặc mùi khói khó chịu đó. Vì không gian quá nhỏ nên cô phải dọn dẹp ngay sau khi ăn xong để phòng khô ráo, nếu không, nước có thể chảy xuống sàn, xuống giường và tràn ra khắp nơi.
Buổi tối, khi chồng Thiếu Linh đi làm về, anh phải nghiêng người mới chui lọt vào cửa. Cả nhà mở bàn ra ăn tối, chiếc bàn tuy nhỏ nhưng rất “đa zi năng”: gia đình ăn cơm, con cái làm bài tập, tất cả đều dựa vào chiếc bàn này. Không gian để cả nhà ngồi lại ăn cơm rất nhỏ, hai vợ chồng đã phải chuyển chiếc giường lớn sang giường nhỏ để chừa ra một khoảng để đi lại.
Khi ăn cơm, mỗi thành viên sẽ ngồi khúm núm ở một góc bàn, trên đầu họ treo đầy là quần áo. Vì nhà nhỏ, chỉ cần xoay người là va phải đồ vật, nhưng họ vẫn kiên quyết ngồi ăn cùng nhau. Đối với họ, bữa cơm quây quần là điều duy nhất khiến họ cảm thấy nơi đây vẫn là nhà. Ăn tối cùng nhau đã trở thành thói quen trong cuộc sống khó khăn của họ.
Vợ chồng Thiếu Linh năm nay 30 tuổi. Đối với họ, mua một căn nhà riêng ở Hong Kong là điều không thể. Hy vọng duy nhất lúc này của họ là chờ đến lượt bố trí nhà thuê công. Nhà thuê công là khu nhà cho thuê công cộng cho một số người dân nghèo. Nhưng thực tế nhà thuê công không đủ cho tất cả người nghèo, họ đã đợi 5 năm vẫn chưa tới ngày được bố trí nhà thuê công.
Theo thống kê, tính đến năm 2017, dân số nghèo ở Hong Kong đã lên tới gần 1,4 triệu người, và gần 20% dân số ở dưới mức nghèo khổ. Nói cách khác, cứ năm người đi bộ trên đường phố thì có một người đang lo lắng về cuộc sống của họ.
(Theo: Nhịp Sống Kinh Tế)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *