Bạn có thể lười biếng bây giờ, có thể sống một cuộc sống bình thường ở hiện tại. Nhưng bạn có muốn đứa con mà mình yêu thương hết mực cũng phải sống một cuộc đời tuy không tàn nhưng rất phế giống như bạn không?
Ở tuổi 29 đã bao giờ bạn tự hỏi, con cái bạn sẽ sống ra sao nếu 10 năm nữa bạn vẫn chật vật kiếm tiền, lương của bạn vẫn chỉ năm, bảy triệu
(01)
Cuộc đời của mỗi người không có quá nhiều cơ hội để thành công. Và có nắm bắt được chúng không thì lại phụ thuộc vào chính bản thân họ.
Những ngày cuối năm, tôi thuê một người đến lau dọn cửa kính. Anh ta có vẻ ngoài khắc khổ, tôi đoán chừng anh đã ngoài 30 tuổi. Trước khi đến nhà tôi, anh cũng đã giúp dọn cho một vài nhà khác nên mồ hôi vẫn còn nhễ nhại. Gương mặt tát mét, anh làm việc với đôi tay đầy gân guốc và nứt nẻ.
Chuyện trò vài câu, tôi biết được anh đã 35 tuổi và có hơn 10 năm mưu sinh nơi đất khách quê người. Với một người lao động chân tay như anh, lo đủ ăn cho bản thân mình đã là khó, đâu dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Anh kể rằng, trước đây, khi còn đi học, anh cũng đã từng là niềm tự hào của ba mẹ và thầy cô. Sinh ra ở một huyện nhỏ nơi vùng cao, từ cấp một đến cấp hai, thành tích học tập luôn đứng trong tốp và được bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng càng lớn, cậu càng thay đổi. Những điều lúc ấy cậu bé cho rằng “thú vị” hơn cả sách vở đã dần lấy đi mất khỏi thầy cô một người trò giỏi và khỏi ba mẹ một đứa con ngoan.
Mặc dù chẳng khó để có thể thi vào một trường cấp ba có tiếng ở huyện, nhưng cậu lại nhanh chóng theo nhóm bạn cá biệt trốn học đi chơi game. Tất nhiên, với thành tích kém, cậu bé giỏi giang một thời chẳng còn chút kiến thức nào để thi đại học. Lang thanh lên thành phố kiếm sống, không bằng cấp, không kinh nghiệm, dần dần cậu trở thành một người làm đủ thứ nghề tay chân. Từ khuôn vác gạch ở xưởng, làm công nhân lắp ráp, shipper, phục vụ bàn…, anh làm gần như tất cả mọi nghề.
Sau 10 năm nhìn lại, trong lúc anh tích cóp được chút ít tiền, những người bạn bè xung quanh đã trở thành ông chủ này bà chủ kia hoặc chí ít cũng có thể tung tăng tự do đi du lịch đó đây. Còn anh, dù cũng đã rất cố gắng suốt 10 năm qua, vẫn ngậm ngùi bị đẩy lùi ở phía sau. Giờ đây, nhìn lại, cậu thiếu niên ưu tú ngày nào chỉ còn là một gã trung niên không nghề nghiệp ổn định, cũng chẳng có đủ can đảm để kiếm một người đầu ấp tay gối hàng đêm.
Anh bùi ngùi chia sẻ: “Trước kia, có cơ hội thì không biết nắm lấy, giờ đây có hối hận cũng chẳng thay đổi được gì. Dù có cố gắng chừng nào thì cũng đã bị bỏ lùi lại phía sau rồi.”
Những ngày cuối năm, khi nhà nhà quây quần bên nhau, tất bật dọn dẹp nhà cửa đón mừng năm mới, có những người như người đàn ông này, thui thủi một mình, đôn đáo lo từng đồng để hi vọng một cái Tết sung túc hơn.
Xung quanh ai cũng đều có những người như vậy. Khi có cơ hội học tập thì nhất quyết bỏ bê, khi đi làm thì giữ mãi thái độ thờ ơ, làm cho có, sáng cắp ô đi, chiều cắp mông về. Họ vật vờ như những cái xác không hồn, sống không ý chí, cũng không sợ dậm chân tại chỗ. Sống như vậy thật phí làm sao!!
Giờ đây, khi đã chạc tuổi anh thợ này, tôi mới thấm thía câu nói trước đây “Hối hận nhất trong cuộc đời là trong những năm tháng còn sức trẻ, có khả năng để làm thì lại không chăm chỉ, không nỗ lực để sau này mãi mãi là một người không tàn nhưng rất phế, cái gì cũng biết nhưng lại không biết cái gì, làm chuyện gì cũng mãi không thành công.”
Đừng để sau này, khi mà tóc đã bắt đầu điểm bạc, mới hối hận ngửa mặt lên trời mà thầm trách “Tôi vốn có thể, nhưng giờ không kịp nữa rồi!”. Bạn vốn có thể học tốt hết sức mình, vốn có thể bước chân vào những ngôi trường danh giá, vốn có thể thể hiện năng lực trong công việc và thỏa thuận một mức lương cao với năng lực tuyệt vời… Nhưng những cơ hội ấy, đã mãi trôi qua khi tuổi trẻ bạn không biết đường nắm lấy!
(02)
Có một thời, khi còn là cậu học trò nhỏ, tôi rất ghét các lớp học phụ đạo, hệt như cô cháu gái của tôi bây giờ.
Mấy hôm trước, chị dâu và cháu gái tôi có một cuộc khẩu chiến cực lớn về việc học phụ đạo. Chị dâu tôi một mực bắt con bé đến lớp học bằng được, trong khi cháu tôi nhất nhất không chịu.
Là người đứng giữa, tôi bất đắc dĩ sắm vai người chấm dứt cuộc chiến “không hồi kết” này. Tôi xoa dịu chị dâu, đồng thời cố gặng hỏi con bé vì sao không muốn đến lớp.
Đang tuổi ăn tuổi chơi, câu trả lời của cô bé chỉ hồn nhiên là: “Cháu cảm thấy việc học hành quá mệt mỏi, chỉ cần nghĩ đến học là cháu thấy áp lực, cháu không muốn đến lớp học phụ đạo tí nào.”
Nghĩ lại thời xưa, tôi cũng từng như thế. Nhưng sau này, khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra áp lực từ việc học hành còn “sung sướng” hơn gấp rất nhiều lần áp lực từ cuộc sống mưu sinh. Việc hoàn thành bài tập về nhà, giải những bài toán khó nhằn hay học những môn không phải sở trường, những tưởng đã là cực hình lớn. Nhưng lớn lên mới hay, thà siêng năng lúc nhỏ, chịu cực hơn bạn bè một chút thì sau này, chuyện cơm áo gạo tiền cũng đỡ đè nặng lên đôi vai. Nghĩ vậy, tôi chỉ xoa đầu và căn dặn cô bé: “Sau này, cháu sẽ biết rằng, ngoài kia còn rất nhiều những áp lực to lớn hơn, mệt mỏi hơn cần giải quyết. Áp lực về học tập có là gì. Nếu bây giờ, cháu quyết tâm học tập đàng hoàng, sau này, con đường cháu đi tuy không hoàn toàn bằng phẳng nhưng cũng sẽ bớt gồ ghề.”
Hãy học tập một cách nghiêm túc nhất có thể. Tuy có rất nhiều câu chuyện về những doanh nhân thành đạt bỏ ngang việc học đại học mà vẫn thành công. Nhưng hãy nhớ rằng, họ chỉ bỏ ngang một trường nào đó khi trong tay họ đã có những tấm bằng cử nhân khác. Nếu thấy việc học bây giờ quá khó khăn, đừng đầu hàng, hãy biến học tập trở thành con đường dẫn đến thành công một cách nhanh nhất.
Bạn có thể lười biếng bây giờ, có thể sống một cuộc sống bình thường ở hiện tại. Nhưng bạn có muốn đứa con mà mình yêu thương hết mực cũng phải sống một cuộc đời tuy không tàn nhưng rất phế giống như bạn không?
(03)
Tôi có một anh bạn có cuộc sống hiện tại khá thành công. Anh là một người hiền lành và rất chăm chỉ. Với sự siêng năng lại ham học hỏi, anh tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm sống đáng giá để truyền lại cho con. Vì vậy, đứa con trai của anh cũng gặt hái được rất nhiều thành công, sống biết trước biết sau nên được mọi người yêu quý. Trong quá trình học Đại học, với thái độ học hành nghiêm túc cộng thêm sự thông minh, cậu sinh viên giành được học bổng và đang học cao học ở Mỹ.
Cũng là chuyện về những đứa con, anh bạn này có một người em họ nhưng dính vào đường dây đa cấp. Trước khi làm đa cấp, người em họ này làm ở một xưởng sản xuất giày, chế độ rất tốt. Nhưng về sau anh thất nghiệp do công ty cắt giảm nhân lực. Vốn quen với việc lương cao, anh không đi tìm việc khác mà tham gia vào đa cấp với mong muốn giàu nhanh.
Sau này, đứa con của anh vì được cưng chiều, lại chịu ảnh hưởng từ bố nên không chịu học hành, suốt ngày lêu lổng, cắm mặt vào game. Trầy trật mãi cậu con mới tốt nghiệp được. Về sau, với tính cách ngang bướng, không có kiến thức chuyên môn, làm gì cũng chỉ được một nửa nên chẳng nơi nào nhận cậu ta được quá một tháng.
Cùng là anh em trong một dòng họ nhưng với cách mà mỗi người nỗ lực, cố gắng khác nhau, họ lại trở thành những ông bố hay những người đi trước có sức ảnh hưởng to lớn đến những thế hệ sau này. Đúng là trường học là nơi dạy bọn trẻ kiến thức và những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Nhưng trước khi chúng được đến trường thì bố mẹ chính là vòng tay đầu tiên đón nhận và chăm sóc chúng.
Những suy nghĩ và hành động tích cực của bố mẹ sẽ là bài học vui vẻ và đầy thú vị với con cái. Ngược lại, với hình ảnh bố mẹ đối xử không tốt với người khác, lười biếng, không chịu cố gắng,… thì vô tình lại là tấm gương xấu cho con cái noi theo.
Cả một đời, nếu bạn an tâm chỉ cần kiếm đủ tiền ăn mỗi ngày, hoặc nếu chỉ cần đanh đá một chút là có lợi bản thân mình mà làm những điều không phải với người khác thì thôi, cũng mặc bạn. Nhưng nếu bạn còn cả những đứa con xinh xắn phía sau thì xin hãy suy nghĩ lại.
Có một câu nói rất hay rằng: “Nếu lúc trẻ không chịu đổ chút mồ hôi trên trang sách thì về già đừng trách cuộc sống khó khăn.”
Nếu bạn đang được may mắn đến trường, hãy trân quý điều đó. Không phải ai cũng có cơ hội được lo cho đến trường, được tạo những cơ hội tốt nhất để ngồi trên lớp học. Dù bạn bắt đầu học từ năm bao nhiêu tuổi thì cũng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Đáng sợ nhất trên đời này, không phải là cái nghèo, mà chỉ sợ rằng người đã nghèo mà còn không có chí hướng thoát nghèo mà thôi! (- Theo Trí Thức Trẻ)