BẠN CÓ THỂ CHẤP NHẬN “SỰ TẦM THƯỜNG” CỦA CON MÌNH HAY KHÔNG?

1.
Chỉ cần con có cố gắng, có chí tiến thủ thì tôi hoàn toàn chấp nhận “sự tầm thường” của con.
Có hai ví dụ như sau tại bệnh viện nơi bố mẹ tôi làm việc.
Một cặp vợ chồng bác sĩ, cả hai đều tốt nghiệp Khoa Y Đại học Chiết Giang. Hơn nữa, sau khi được điều chuyển đến các bệnh viện lớn bên ngoài, họ đều trở thành những người đứng đầu ngành và là chuyên gia y tế.
Con trai của họ từ nhỏ đã học rất kém, thậm chí còn không đỗ nổi trung học phổ thông, nhưng họ vẫn chấp nhận một cách bình thản. Mẹ của cậu ấy nói rằng: “Nếu thằng bé không có năng khiếu học hành, thì chọn cho nó một trường dạy nghề tốt, sau này làm tốt công việc công nhân của nó là được”.
Đến nay, con trai họ làm việc rất tốt, thu nhập cũng không thua kém gì những người làm việc trong văn phòng.
Tương tự như cặp vợ chồng này, viện trưởng của bệnh viện nơi bố mẹ tôi làm việc cũng có một cậu con trai học kém. Con trai ông ấy đã tham gia kỳ thi đại học nhiều lần nhưng đều không đỗ, cuối cùng đành phải quay lại làm việc tại đơn vị của bố mẹ.
Vào thời điểm đó, nhiều đơn vị doanh nghiệp nhà nước có quyền gửi nhân viên đi học đại học, nhưng cần phải tham gia kỳ thi tuyển sinh dành cho người lớn và đạt được một số điểm nhất định.
Bởi vì bố anh ấy là viện trưởng bệnh viện, nên trong mắt lãnh đạo đơn vị, ông ấy cũng có chút uy tín. Đơn vị đã cho anh ấy suất, đi đại học trong ba năm, nhưng cho dù chỉ cần đạt một số điểm rất thấp, anh ấy vẫn không đạt được. Việc này đã lãng phí một suất này và gây ảnh hưởng khá xấu đối với nhân viên trong bệnh viện. Bố mẹ anh ấy đành phải chấp nhận thực tế này.
Anh ấy trở thành một ví dụ về việc giáo dục con cái của nhân viên trong đơn vị: “Thấy chưa? Học hành vẫn phải là do bản thân mình. Nếu không cố gắng học tập, thì cho dù cha mẹ có giỏi đến đâu cũng vô ích.”
Cho nên, nếu một đứa trẻ vốn dĩ rất “tầm thường”, việc cha mẹ không chấp nhận nó cũng không có ích gì cả. Đứa trẻ đó cũng không thể trở nên xuất sắc chỉ vì cha mẹ không chấp nhận sự tầm thường của nó.
Nếu con tôi “tầm thường”, không có gì nổi bật, làm mẹ của con, tôi sẽ chấp nhận và tự mình cố gắng kiếm tiền, để con có một con đường phát triển dễ dàng hơn. Khi con muốn tự mình làm điều gì đó, ít nhất về mặt tài chính, tôi có thể giúp đỡ con một phần.
Hơn nữa, so với những người thành công, tôi cũng chỉ là một người mẹ “tầm thường” thôi, không có lí do gì khiến tôi không chấp nhận “sự tầm thường” của con cả.
2.
Chính xác mà nói, tôi có thể chấp nhận “sự bình thường, không nổi trội” của con tôi, nhưng nếu tôi thực sự chấp nhận nó, tôi tin rằng con sẽ không tới mức “tầm thường”! Chấp nhận “sự bình thường” của con, bạn sẽ sống chậm lại và không còn lo lắng, bạn sẽ “nhìn thấy” con mình. Những đứa trẻ được “nhìn thấy” sẽ cảm thấy được sự thấu hiểu và tôn trọng, chúng sẽ tự nhiên học được cách tôn trọng và thấu hiểu người khác. Năng lực lớn thì làm việc lớn, năng lực nhỏ thì làm việc nhỏ. Việc lớn việc nhỏ đều cần có người làm cả! Chúng có thể sống thoải mái và tự do, cũng có thể thích nghi với yêu cầu và quy tắc của xã hội, chắc chắn chúng không thể nào “tầm thường” được! Nhiều khi, chúng ta không muốn con mình trở nên “bình thường”, bởi vì con cái đang tượng trưng cho sự kiêu hãnh của chúng ta. Buông bỏ niềm kiêu hãnh cá nhân, có lẽ bạn sẽ thực sự cảm thấy kiêu hãnh! Bất kể chấp nhận hay không, cuối cùng chúng ta đều là người bình thường thôi. Nhưng “bình thường” không có nghĩa là “nằm phẳng”*.

  • Triết lý “nằm phẳng”: nằm yên mặc kệ tất cả. Xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc hồi giữa tháng 4. Rất nhiều người trẻ sinh ra trong những năm 90, 95, 00 đều bày tỏ rằng họ không muốn phấn đấu nữa. Họ chỉ muốn nằm xuống vì họ cảm thấy rằng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa thì họ cũng chẳng thể mua nổi ngôi nhà cho riêng mình, và công sức của họ chỉ khiến tầng lớp tư bản ngày càng giàu có.
    Nhiều người nói: Cha mẹ “đầu tư” cho con càng nhiều thì kỳ vọng càng cao. Tôi nghĩ không phải vậy, “đầu tư” và kỳ vọng là hai chuyện khác nhau, ít nhất là trong mối quan hệ này.
    Có nhiều phụ huynh không bao giờ “đầu tư”, nhưng lại có kỳ vọng rất cao. Ví dụ như có những phụ huynh thường không quan tâm đến việc học của con, cũng không đưa ra sự hỗ trợ gì về tinh thần cho con. Tuy nhiên, khi con không đạt điểm cao, họ lại trở nên nóng nảy và chỉ trích con.
    Nhưng cũng có phụ huynh ngược lại. Tức là trong thời gian con học tập thì hết sức cố gắng giúp đỡ con trong việc học tập. Tuy nhiên, kết quả thi cử và xếp hạng có nhiều yếu tố không thể kiểm soát, cũng như sự may mắn, ngay cả khi bạn chuẩn bị rất kỹ cũng có thể không thể thể hiện tốt vào lúc thi. Vì vậy, dù kết quả thế nào, hãy chấp nhận một cách bình thản và tiếp tục nỗ lực.
    Trở thành người cha người mẹ lý trí quan trọng hơn nhiều so với việc đuổi theo phong trào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *