BẠN CÓ ĐANG TỰ THAO TÚNG BẢN THÂN MÌNH?

“Cường à tớ luôn nghĩ rằng tất cả sẽ ổn nhưng lần này tớ phải thú thật tớ không ổn, tớ có đang tự làm vấn đề trở nên quá lên không?’”

‘’Tất cả chuyện này là do lỗi của mình’’.

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi đó với chính bản thân mình?. Đây là những câu hỏi thường xuyên xảy ra nhưng chúng ta ít nhận thức về nó. Một hệ quả của việc tự thao túng bản thân. Chúng ta sẽ tự dấy lên những nghi ngờ như vậy do không muốn đi sâu vào bên trong lắng nghe bản thân mình.

Vậy hiện tượng tự thao túng bản thân là gì?

Đó là hiện tượng mà khi bạn luôn cố gắng tự phớt lờ, quên đi, thậm chí vùi lấp suy nghĩ sâu thẳm bên trong bản thân mình. Bạn tự phủ nhận những suy nghĩ của chính mình, khiến chính mình nghi ngờ nhận thức và mức độ tỉnh táo của bản thân.

Nhưng tại sao chúng ta lại phải tự làm điều này với chính mình?

Bởi vì ai cũng muốn mình ổn. Không một ai muốn người khác nhìn thấy mình không ổn. Không một ai muốn tự thừa nhận nỗi khốn khổ sâu thẳm nhất bên trong mình. Nên đã rất nhiều lần chúng ta tự dặn mình rằng mình ổn, chỉ là mình làm quá lên thôi. Chúng ta tự lừa dối não bộ của mình rằng bản thân chúng đang chẳng có suy nghĩ gì đằng sau, chỉ là nó đang tự làm quá lên. Nếu bạn đọc được dòng này thì điều đầu tiên bạn nên làm đó là đừng giấu diếm cảm xúc đó vì sợ tôi đọc ra tim đen của bạn. Điều bạn nên làm đó là: tự thừa nhận nếu bạn đã từng. Hầu hết chúng ta ai cũng đã từng như vậy. Nhất là khi có một tổn thương sâu sắc đằng sau những suy nghĩ mà bạn muốn né tránh nó. Để vượt qua tổn thương là một chuyện khó, nhưng rồi để thật thà với nỗi đau trong chính mình còn khó hơn.

Việc che giấu nỗi đau vẫn thường xuyên xảy ra ở mỗi chúng ta.

Ví dụ như bạn bị sốt 39 độ nhưng mà sếp dọa bạn là:”Không làm cho xong cái deadline này thì mai trừ ½ lương.” Bạn sẽ ngồi dậy làm nốt và tự dặn bản thân rằng mình ổn, mình sẽ làm xong mà, mình sẽ làm cho tốt mà. Để rồi sáng hôm sau bạn làm xong nó trong sự hoành tráng và cơn sốt đó chỉ có bạn biết vậy.

Chúng ta luôn có lúc bị đau đớn, luôn có lúc tổn thương. Nhưng vì cuộc sống luôn đòi hỏi chúng ta tốt, chúng ta đẹp, chúng ta phải là trở thành người hoàn hảo nào đó. Mà việc chữa lành tổn thương thì lâu nhưng để đeo chiếc mặt nạ ‘’tôi đang ổn’’ thì nhanh hơn rất nhiều. Nên là chúng ta chọn đeo nó. Giấu tất cả vào sâu bên trong nụ cười, sự tươi tỉnh của một con người ban ngày thì đến ban đêm sẽ là con người ngồi ở một góc riêng và gặm nhấm những tâm sự đó, ăn mày từng nỗi đau đó. Thường là chúng ta sẽ làm cái mặt nạ đối lập lại với nỗi đau của chính mình ở bên trong. Những con người cô đơn sẽ luôn đeo một mặt nạ cởi mở. Những người bên ngoài thú vị thường là có một sự nhàm chán hoặc đau khổ ở đâu đó mà chả mấy ai muốn nhìn vào vì nó quá nặng nề ngay cả với chính chủ. Những người luôn lắng nghe người khác thực ra lại là người muốn lắng nghe nhất,….

Trong phân tâm học đó được gọi là bản năng tự vệ. Bản chất của quá trình tự vệ đó là tự xóa đi cái mà đã gây tổn thương cho chúng ta. Đây là cách tự chữa lành tối ưu nhất. Nhưng hầu hết các cách tự chữa lành thường xoay quanh một trong hai hướng: một là chôn xuống, hai là đào nỗi đau lên và thường chúng ta chọn cách một nhiều hơn vì nó dễ thực hiện hơn. Còn cách hai là cách ít ai làm vì nó rất đau. Và đôi khi chính vì lựa chọn trên mà việc tự chữa lành cũng chỉ là một quá trình mà chúng ta củng cố cái mặt nạ của chúng ta.

Nhưng mà chúng ta không nên tự che giấu mãi. Như vết thương giấu lâu thì cũng sẽ nhiễm trùng, còn tổn thương giấu lâu thì nó sẽ như thế nào? Hậu quả của việc tự thao túng bản thân là gì?

Đầu tiên là những nỗi đau sẽ lên men trong lòng chúng ta. Dần dần nó cứ như nỗi ám ảnh hàng đêm vậy. Nó sẽ khiến cho tâm trạng bạn ngày càng tệ. Cũng như y học thôi. Bệnh nào để lâu cũng sẽ có biến chứng. Tâm bệnh cũng thế.

Thứ hai bạn sẽ dần mất kiểm soát cảm xúc. Giống như khi trời mưa thì người ta xây một cái đê, sau khi mưa thì phải xả bớt đúng không?. Nhưng nếu như ngày nào cũng mưa, ngày nào cũng bão, lúc nào nước cũng ngày càng nhiều, thì lúc đó chỉ có vỡ đê thôi. Thì cảm xúc là vậy đấy. Lúc nào nó cũng sẽ tự diễn ra như thế. Nó sẽ lớn dần lên trong bạn. Tổn thương cũng sẽ không biết từ lúc nào lớn lên trong bạn, nó nặng dần cho đến khi bạn mất kiểm soát.

Khi chuyện tệ hơn nữa sẽ có những lúc bạn mất kiểm soát hành vi. Có một lần tôi từng đọc là khi một ông bố đánh nát tay người con bằng cái kìm của ổng. Đánh liên tục. Tại vì nó làm xước cái xe mới toanh của ổng vừa mới mua cách đây 2 ngày. Nhưng có lẽ rằng: Ông bố đó đã nỗ lực quá lâu để có được cái xe, chịu cực nhiều vất vả và một cái xe nguyên lành là thứ mang đến cảm giác thỏa mãn thì bị đứa trẻ phá ngang. Khi mà bạn đang mới mua một cái gì đó mà phải nỗ lực chết đi sống lại mới có thì khi có ai phá một cái bạn sẽ điên lên đến mất lý trí cho coi. Và với tổn thương cũng như thế. Khi bạn đang che giấu nó nhưng có một ai đó chọc ngoáy vào nó dù vô tình hay cố ý thì bạn sẽ mất kiểm soát như vậy đấy.

Bạn bị lặp lại sai lầm trong đời. Thường là trong tình yêu. Khi bạn bị tổn thương và cố giấu, thì bạn sẽ bị một phản xạ lặp đi lặp lại tổn thương -> giấu đi-> tổn thương vượt ngưỡng-> cố giấu kĩ hơn. Khi điều này cứ lặp đi lặp lại nhất là từ lúc bạn bị tổn thương và giấu đi đó bạn sẽ tạo ra rất nhiều sai lầm, và nó sẽ lặp đi lặp lại như thế liên tục và chỉ biến mất khi bạn không còn tổn thương nữa. Và với chuỗi lặp lại luẩn quẩn này nếu bạn không chịu tìm giải pháp thì bạn sẽ khiến nỗi đau của bản thân ngày càng lớn hơn.

Vậy thì cần làm gì khi biết bản thân đang tự thao túng chính mình?

Hãy thành thật. Thành thật kể ra.Thừa nhận với chính bản thân mình đầu tiên. Chấp nhận và đối mặt với tổn thương của mình.

Chú ý quan sát chính suy nghĩ của bản thân. Việc quan sát bản thân này có rất nhiều cách đa dạng khác nhau bạn có thể tham khảo như viết, thiền, múa trị liệu, yoga, … Nếu bạn liên tục trách móc bản thân, hãy đến tìm những người có ý kiến khách quan để kéo bạn về thực tại. Hỏi họ liệu họ có nghĩ về bạn như bạn đang nghĩ. Tránh việc bạn bị lún sâu vào những suy nghĩ thao túng.

Sau đó bạn nếu không phải ai cũng nghĩ vậy. Hãy quan tâm đến những lí do khiến bạn nghĩ mình như vậy. Đó chính là các tổn thương mà bạn che giấu. Đào sâu vào nó và liên tục quan sát nó. Nhưng điều khó nhất đối với việc đào sâu của mỗi người là dễ đi lạc theo cảm xúc đó, và việc tìm những người khách quan gần gũi cũng chưa chắc đã dễ vì hầu hết những người không có chuyên môn sẽ kéo bạn đi theo hướng nghĩ của họ, khiến bạn lạc lối, nguy hiểm hơn khi gặp những người có ý đồ xấu hoặc vô tình họ sẽ dùng chính tổn thương đó thao túng bạn. Lúc này hãy tìm đến những người có chuyên môn về tâm lý, những người có lý trí vững để cùng bạn khám phá những tổn thương ẩn giấu.

Home and Fate

Hà Mạnh Cường – Lê Việt Trinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *