Hội chứng stockholm là một tình trạng tâm lý khi nạn nhân của một vụ bắt cóc hoặc các tội phạm khác từ trạng thái căm ghét sang phải lòng, cảm mến những người đã bắt cóc hoặc phạm tội ác với mình. Hội chứng Stockholm được đặt ra bởi một chuyên gia tội phạm tên là Nils Bejerot. Hội chứng Stockholm bắt nguồn từ một sự cố ở Stockholm, Thụy Điển.
1. HỘI CHỨNG STOCKHOLM CHỐN VĂN PHÒNG – khi bạn đã từng hoặc đang trải qua một môi trường tồi tệ, nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ việc và tìm kiếm một chỗ làm mới!
Một người bạn của tôi không ngừng than vãn về công việc mà cô ấy đã gắn bó trong suốt năm năm qua. Cô ấy chán ghét công việc của mình. Những ngày làm việc tới đêm khuya mà không được hưởng lương ngoài giờ khiến cô ấy cảm giác như bị bóc lột.
Để tiết kiệm ngân sách, từ hai năm nay, sếp của cô ấy thậm chí không tặng thưởng lương tháng thứ 13 nữa mà chỉ cộng thêm từ hai trăm đến năm trăm nghìn vào tiền lương trước tết của nhân viên. Trong tất cả những lần chúng tôi ngồi cà phê chuyện trò, cô ấy luôn thở dài mỗi khi nhắc đến chỗ làm của mình.
Là một người đã quá “thạo” nhảy việc, tôi khuyên cô ấy nên cân nhắc kỹ lưỡng quyết định tiếp tục ở lại làm việc. Thế nhưng, bạn biết không, cô ấy đã giãy nảy trước lời khuyên mà tôi đưa ra. Bỗng nhiên, cô ấy trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn, thao thao bất tuyệt với hàng tá lý do vì sao công ty cô ấy lại đối xử với nhân viên như thế và thậm chí còn cho rằng chuyện đó là… chấp nhận được.
Nếu bạn cảm thấy không liên quan chút nào đến những gì cô bạn tôi đã kể, xin chúc mừng, bạn đang có một công việc và chỗ làm tuyệt vời. Còn nếu bạn đã từng hoặc đang trải qua một môi trường làm việc tồi tệ, không ngừng than phiền về nó nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ việc và tìm kiếm một chỗ làm mới, vậy thì khả năng rất cao là bạn, cũng giống như cô bạn của tôi, đang là “nạn nhân” của hội chứng Stockholm chốn văn phòng. Tên tiếng Anh của hội chứng này là Corporate Stockholm Syndrome. Chữ corporate nhằm mục đích ám chỉ môi trường công sở, nơi thường xuất hiện hội chứng này nhất.
Nhiều nhân viên đã trở thành những người rất mực trung thành với công ty, với sếp của mình ngay cả khi họ bị đối xử không công bằng, không hợp lý, thể hiện qua những lời lăng mạ, đòi hỏi nhân viên làm thêm giờ mà không trả thêm lương, những chính sách ngó lơ quyền lợi của nhân viên…
Cũng giống như các con tin trong vụ cướp ngân hàng năm 1973 ở Thụy Điển, những nhân viên văn phòng này đã tự thuyết phục chính mình và cả những người xung quanh rằng sự bất công trong cách đối xử với nhân viên của công ty là cần thiết để đảm bảo công ty hoạt động tốt. Trong nhiều trường hợp, họ còn tỏ ra giận dữ nếu người nào đó có ý nghi ngờ và chê bai công ty nơi họ đang làm việc.
Ngoài ra, những nhân viên văn phòng này còn chấp nhận tình trạng “bị giam giữ” với một công việc buồn tẻ, đãi ngộ không tốt và họ hoàn toàn không có ý định thoát ra.
Nếu bạn cảm thấy nặng nề mỗi khi đến tối ngày Chủ nhật, khổ sở khi phải nghĩ về việc đi làm vào tuần tới, hãy cẩn thận vì có lẽ bạn đã mắc phải hội chứng Stockholm chốn văn phòng này.
Tôi đã suy nghĩ để hiểu rằng có nhiều lý do khác nhau giải thích cho hành động của cô bạn tôi hay những người cũng đang “bị giam giữ” như cô. Họ cần tiền để trang trải cuộc sống, họ sợ hãi tình trạng thất nghiệp, họ không chắc có thể kiếm được công việc khác… Nhưng suy cho cùng, mọi lý do đều có thể quy về một đặc điểm chung: họ không tự tin vào khả năng thoát ra khỏi tình huống đó của chính mình.
Không ai có thể bắt chúng ta chịu đựng một công việc chúng ta đã ngán đến tận cổ, ngoại trừ chính bản thân chúng ta. Ngoại trừ nỗi tự ti rằng chúng ta không thể giải cứu chính mình khỏi tình huống đó. Ngoại trừ nỗi e ngại rằng nếu phản pháo, chúng ta sẽ mất đi công việc đang có mà quên mất rằng chúng ta có thể sẽ kiếm được một công việc khác tốt hơn.
Điều này, tôi đã nhắc đến trong bài viết Chúng ta đều sợ mất mát. Nhưng sợ không có nghĩa là chấp nhận tình trạng giam cầm của môi trường làm việc tồi tệ đó.
Theo thống kê, thời gian làm việc ở văn phòng chiếm 1/3 cuộc đời của chúng ta. Sẽ thật vô lý và ngớ ngẩn biết bao nếu chúng ta chấp nhận dành 33% cuộc đời đó để cột chặt bản thân mình vào một công việc vốn khiến chúng ta khổ sở mỗi ngày. Không có một công việc nào xứng đáng để chúng ta hy sinh sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Không có một công việc nào xứng đáng với điều đó.
Nếu bạn không tự ti về khả năng thoát khỏi tình trạng bị giam giữ đó, bây giờ có lẽ chính là thời điểm thích hợp nhất để học hỏi và trau dồi, phát triển thêm kỹ năng của bản thân. Trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực mình làm sẽ giúp bạn tăng khả năng xin việc sau khi… nhảy việc.
Khi ấy, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Mong bạn sẽ không chọn những nơi khiến bạn (một lần nữa) mắc phải hội chứng Stockholm chốn công sở tồi tệ kia.
2. HỘI CHỨNG STOCKHOLM TRONG TÌNH YÊU – Khi bạn yêu điên cuồng một chàng trai, nhưng chàng trai lại rất thờ ơ, anh ta càng lạnh nhạt, bạn lại càng yêu cuồng nhiệt hơn. Đột nhiên có một ngày, người con trai nói với bạn những lời dễ nghe, hoặc mỉm cười với bạn, bạn cứ cảm động mãi.
Cô bạn thân Tiểu Huệ là một tín đồ của tình yêu. Khi lên đại học, cô ấy mù quáng yêu L – chủ tịch hội sinh viên – chỉ sau một cái nhìn thoáng qua. Để lấy lòng L, Tiểu Huệ đã giúp L giặt quần áo, mua đồ dùng hằng ngày. Mỗi khi L tổ chức hoạt động, tiểu Huệ sẽ là người đầu tiên tham gia, ủng hộ L vô điều kiện. Mặc dù L nói với Tiểu Huệ rằng anh ấy vẫn chưa muốn yêu, nhưng Tiểu Huệ tin rằng chỉ cần mình thật lòng, nhất định sẽ chờ được tình yêu của L.
Sau khi tốt nghiệp, L làm thiết kế kỹ thuật cho một công ty trên thành phố, còn Tiểu Huệ đã quyết tâm bỏ công việc mà cha cô tìm cho ở quê để được ở cùng L. Sau khi tan sở, cô thường đến gần nơi L làm việc để chờ anh, có những cuối tuần còn chủ động nấu canh cho anh. Thế nhưng hoa rơi hữu ý nước chảy vô tình, cuối cùng một hôm, L nói với Tiểu Huệ rằng anh ấy đã có bạn gái. Tin này khiến Tiểu Huệ không thể chấp nhận, cô ấy đã khóc, làm ầm lên nhưng không thể thay đổi sự thật đó. Sau này L kết hôn với bạn gái, hy vọng của Tiểu Huệ sụp đổ hoàn toàn. Cô về quê, mang theo hành trang là một trái tim đau khổ. Trong thành phố không có hình bóng L, Tiểu Huệ vẫn không thể quên người con trai cô đã yêu sâu đậm. Dẫu ai giới thiệu bạn trai cho cô, cô cũng khéo léo từ chối… Cho đến khi cô gặp Y – chồng của cô bây giờ.
Y là họa sĩ, Tiểu Huệ quen Y trong một buổi triển lãm tranh. Họ rất tâm đầu ý hợp, lần đầu hẹn gặp nhau là trong một quán cà phê, khung cảnh lãng mạn, âm nhạc nhẹ nhàng. Người đàn ông trước mặt cô thật sự có sức hút mãnh liệt. Thế nhưng Tiểu Huệ vẫn thường xuyên chồng một gương mặt khác lên bóng dáng của Y, đến mức cô thường xuyên rơi vào trầm tư, không bắt kịp câu hỏi của Y. Tình cảnh có phần bối rối, rất may Y là một người khoan dung.
Lần gặp thứ hai, Y tặng cho cô một bức tranh, chính là bức phác họa hình ảnh Tiểu Huệ trầm tư trong quán cà phê. Vào khoảnh khắc ấy, cô bỗng nhận ra việc được quan tâm là một điều hạnh phúc đến nhường nào… Sau mấy tháng tìm hiểu, Tiểu Huệ phát hiện mình hợp với Y về mọi mặt, hơn nữa những ngày ở bên anh đã khiến cô dần quên đi những chuyện không vui trước đây.
Tiểu Huệ thấy rất hạnh phúc khi ở bên Y, cô trân trọng hạnh phúc này và khát khao kéo dài nó mãi mãi. Vì vậy cô đồng ý lời cầu hôn của Y. Trong hôn lễ, tiểu Huệ ôm lấy Y khóc nghẹn ngào, mọi người đều tưởng cô khóc vì quá hạnh phúc, nhưng chỉ mình cô mới biết, những giọt nước mắt ấy đã gói trọn tâm tư của cô suốt mấy năm qua.
Tiểu Huệ mất tới năm năm để hiểu tình yêu đích thực không phải là yêu đơn phương, mà là trái tim hai người cùng rung một nhịp. Mối tình đơn phương cô dành cho L sớm muộn gì cũng gặp trắc trở, ước muốn trọn đời bên anh cũng chỉ là ảo tưởng trong lòng cô. May mắn thay, cuối cùng cô đã gặp được chân mệnh thiên tử của đời mình, nắm bắt tình yêu đúng lúc và không biến mình thành một kẻ vô duyên với hạnh phúc.
Cuộc sống đâu cần phải cố chấp một cách không cần thiết. Khao khát tình cảm đích thực là điều hiển nhiên, khao khát một người ở bên cạnh mình cũng không có gì đáng trách, nhưng tình yêu không nên là từ một phía. Tình yêu đơn phương của bạn chỉ có thể đem tới gánh nặng cho người mà bạn yêu. Nếu anh ấy bị buộc phải chấp nhận, cả hai sẽ chỉ đau khổ. Bạn thích một người, nhưng anh ta chưa chắc đã thích bạn, tình yêu bền vững chỉ tồn tại khi đến từ hai phía. Tình yêu hạnh phúc là tình yêu được chấp nhận, chứ không phải tình yêu không được chấp nhận. Nếu là vế sau, tốt hơn hết bạn nên sớm từ bỏ.
Thực ra tình yêu giống như một chiếc bập bênh, hai người yêu nhau phải có cho và nhận mới có thể hưởng thụ hạnh phúc. Nếu một người cho đi một cách mù quáng mà người kia chỉ nhận lại một cách thụ động thì chiếc bập bênh sớm muộn gì cũng mất cân bằng.
Các cô gái, từ giờ trở đi hãy tránh xa “hội chứng Stockholm” trong tình yêu nhé. Đừng ngược đãi bản thân, đừng cho đi một cách vô nghĩa, hãy ngắm nhìn những cảnh vật đáng để nhìn và yêu những người đáng được yêu, có như vậy bạn mới gặp được hạnh phúc và tình yêu đích thực.
