[Bài dài] Bằng công Nguyễn Hữu Chỉnh trong các ghi chép của người châu ÂuTuy đã bị n…

[Bài dài] Bằng công Nguyễn Hữu Chỉnh trong các ghi chép của người châu Âu

[Bài dài] Bằng công Nguyễn Hữu Chỉnh trong các ghi chép của người châu Âu

Tuy đã bị người ngày nay lãng quên nhưng khi còn sống Nguyễn Hữu Chỉnh được rất nhiều người quan tâm, trong đó có các giáo sĩ châu Âu. Vì vậy các giáo sĩ đã chép lại khá chi tiết về hành trạng của ông, phần lớn các ghi chép này chưa từng được dịch sang tiếng Việt (những ghi chép trong bài này cũng chỉ là một phần nhỏ của những ghi chép về thời sự Bắc Hà/Đàng Ngoài của các giáo sĩ mà chưa được dịch sang tiếng Việt).
In *nghiêng *là những từ nguyên văn viết bằng tiếng Việt. In nghiêng và đậm cũng thế nhưng là không rõ là từ nào trong tiếng Việt (do hạn chế in ấn thời đó nên người ta in không dấu).
Do không theo đạo nên có một số thuật ngữ của đạo không biết dịch thế nào, để nguyên tiếng Pháp.
_________
Nguồn và đọc thêm tham khảo:
  • Nouvelles Lettres Édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales (tập 6, 7, 8 là các ghi chép ở Việt Nam) – có trên Google Books
  • Nouvelles des Missions Orientales – có trên Google Books. Nhiều ghi chép có trong Nouvelles Lettres Édifiantes nhưng cũng có nhiều ghi chép không có.
  • Documents relatifs a l’époque de Gia-long – tại trang persee.fr
  • Kí sự của giám mục Céram, hai kí sự 1787-1788 và 1788-1789, Đặng Phương Nghi đã dịch trong Tập san Sử Địa nhưng có một số chỗ dịch không đúng. Bản scan thư gốc tại trang anom.archivesnationales.culture.gouv.fr
  • Tìm đọc thông tin về các giáo sĩ trên trang irfa.paris
_________

KÍ SỰ CỦA GIÁM MỤC CÉRAM VỀ NHỮNG VIỆC TỪ THÁNG 7 NĂM 1786 ĐẾN THÁNG 7 NĂM 1787, NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1787.

Kí sự này trước đã dịch và đăng trong nhóm này, nhưng có một số chỗ không hợp lí nên đăng lại

… Ngày 3 tháng 7 – 1786, tôi nhận được một thư từ cha Le Breton, pro-vicaire của tôi tại Bắc Hà, vùng giáp ranh Nam Hà. Ông báo với tôi rằng:
  1. Tây Sơn, hay giặc Nam Hà, xuất hiện dọc bờ biển Phú Xuân cùng với nhiều tàu thuyền.
  2. Chúng đã đánh bại vài đồn binh của Bắc Hà
  3. Chúng đóng quân ở biên giới hai nước và phong toả mọi ngả đường.
Trong tái bút, ông nói chúng đã tự xưng làm chúa của toàn bộ vùng đất bị người Bắc Hà xâm lược và chiếm đóng, và rồi chúng gây ra một cuộc thảm sát lớn.
Ngày 12 tháng 7, tôi nhận được hai thư khác từ ông. Trong thư đầu, ông xác nhận vụ đánh chiếm Phú Xuân, cùng sự thất bại hoàn toàn của lính Bắc Hà đến đó hôm 16 tháng 6. Trong thư kế, ông cho tôi biết tướng quân cống Chỉnh[Nguyễn Hữu Chỉnh], một quan Bắc Hà, và tị nạn ở Nam Hà, được Tây Sơn hậu thuẫn đã nhập đất Bắc Hà, trong lúc đó chiến thuyền của ông đang dọn dẹp bờ biển xứ Nghệ, trấn thủ trấn này đã bỏ chạy sau khi đốt cháy kho thuốc súng.
Ngày 24 tháng 6 quân địch vào nước này, không ai kháng cự. Chúng nhanh chóng băng qua trấn Nghệ Anxứ Thanh. Khi chúng đến Hiến, nơi trấn thủ đang ở và là đại lộ đến kinh đô, chúng bị tấn công dữ dội và chịu một trận đạn pháo dài nhưng không nguy hiểm lắm. Chúng chiếm [phố Hiến] vào ngày 18 tháng 7.
Cuối cùng, ngày 21, sau một hay hai trận đánh khá nhỏ, cống Chỉnh nhập kinh vào giữa trưa. Chúa của đất nước, biết ý đồ quân địch là lập lại vua chính thống, ở trong phủ thất thoải mái của ông trong thành, và lệnh ngăn cho chúng xâm nhập. Nhưng ngay sau khi ông biết được chúng đã kiểm soát được thành, ông lập tức lên voi và bỏ chạy. Hai ngày sau, ông bị chính bầy tôi của mình bắt và tự sát. Thi thể ông được đưa về kinh đô và trưng ở cổng thành. Ông bị đâm vài nhát ở cổ. Vậy là ông chúa trẻ đã chết, ông chỉ mới đây được lên ngôi nhờ mưu mô của quân lính.
Em trai của bạo chúa Nhạc [chỉ Nguyễn Huệ] đi cùng Cống Chỉnh, lập tức chiếm giữ phủ chúa và triều kiến vua Cảnh Hưng già, vua độc nhất của Bắc Hà. Để trả ơn, ngài gả đi một người con gái [Ngọc Hân công chúa]. Nhưng ông vua này, tuổi đã thất thập và tại vị 47 năm, không sống được lâu hơn chúa, đối thủ của ngài. Ông mất ngày 10 tháng 8. Cháu nội ông, Hoàng tôn, nối ngôi với tên Chiêu Thống (nghĩa là gọi mọi thứ về một mối) [Chiêu Thống 昭統 đúng ra là “tỏ rõ ý nhất thống”, giám mục có lẽ nhầm Chiêu 昭 với Chiêu 招]. Cha của chúa Tông[chỉ Trịnh Sâm], một người độc ác và là kẻ thù lớn của đạo, đã giết cha của Chiêu Thống[thái tử Lê Duy Vĩ]. Người ta cho rằng nhà vua mới sẽ cai trị không gặp trở ngại, và còn huy hoàng hơn cả tiên đế Cảnh Hưng, vốn chỉ có hư vị trước khi Tây Sơn đến. Mọi quyền lực đều ở tay chúa, những người ban đầu chỉ là connétable, và rồi trở thành maire du palais[ câu này tác giả đang giải thích cho các giáo sĩ khác chúa nghĩa là gì nên không dịch các tên riêng kia ]. Ảo tưởng này không tồn tại lâu. Sau khi cướp phá phủ chúa, lấy đi pháo, đạn pháo, súng, mọi vũ khí, kể cả thuốc súng, và cả kho lúa công, quân địch lên đường trở về Nam Hà khoảng cuối tháng 8. Bạo chúa Nhạc, với một đám vô lại và 100 con voi, tự thân đến xem chiến lợi phẩm. Hắn ở trong thành khoảng 3 hay 4 ngày, rồi rời đi cùng với em trai và toàn bộ đội quân. Quân này chỉ có 20 nghìn người, nhưng người ta nói là 200 nghìn: người Viễn Đông rất hay phóng đại và nói dối. Vậy nên, trái với ý định của tướng quân Cống Chỉnh, cuộc chiến tranh Tây Sơn này chỉ là một vụ cướp. Cống chỉnh có một vài lí do nên không thể đoạn tuyệt với chúng, quyết định trốn và đi theo đến biên giới Nam Hà. Ông tạ ơn bạo chúa Nhạc và vương đệ, người này đề nghị đưa ông về và ông nghỉ tại quê nhà, cũng không xa lắm. Nhưng ông không ngồi yên ở đó. Biết được hôm 12 tháng 9 một thế lực hùng mạnh bắt vua phải công nhận chúa mới [sự kiện này sử Việt chép khá chi tiết], tên là chúa Quế[Trịnh Bồng, con của Trịnh Giang. Nhưng không rõ vì sao lại gọi là Quế], và trong một tờ chiếu của chúa này hôm 13 đã bạc đãi ông, ông nghĩ đến việc thành lập đảng mới để buộc đối thủ phải run sợ. Ông không thể trông đợi vào số lượng và cảm tình của đồng bào, và tuy ông đã đánh bại trấn thủ [chỉ Bùi Thế Toại chăng?] và đám lính vô kỉ luật của ông ta, ông vẫn sợ bị thất bại dưới sự hợp lực của tất cả những kẻ ghét ông. Một lần nữa ông gọi Tây Sơn giúp. Em của bạo chúa Nhạc, trước gọi là Đức Ông, nay là chúa Phú Xuân, một người đầy tham vọng, và rất mong mở rộng đất nước nhỏ bé của hắn bằng cách chiếm lấy Bắc Hà, cho nước này 5 tới 6 nghìn quân, võ quan thân tín và quan đầu của hắn. Không phải để cứu Cống Chỉnh, hắn vốn đã sợ thế lực của ông, mà để thực hiện cuộc xâm lược hắn đang âm mưu; âm mưu này vợ cả của hắn, công chúa Bắc Hà, con gái của vua Cảnh Hưng quá cố, rất khuyến khích.
Theo những thư từ thượng Nam Hà tôi nhận khoảng 5 hay 6 tháng trước, ông chúa [Nguyễn Huệ] này quay lại đây khoảng cuối tháng 3 cùng với 50 nghìn quân, hay đúng hơn là 50 nghìn nông dân giang hồ, huấn luyện vội vã. Lính cũ của hắn đã bỏ hắn đi vì hắn để họ chết đói. Nhưng xung đột giữa hắn và bạo chúa Nhạc, vì vấn đề chiến lợi phẩm từ Bắc Hà và li khai thượng Nam Hà không cho hắn thực hiện kế hoạch này. Theo một thư từ đức La Bartette, kí ngày 1 tháng 5, và nhận ở Bắc Hà ngày 26, Đức Ông vây hãm Quy phủ[Quy Nhơn phủ], kinh đô của bạo chúa Nhạc, và nhốt hắn ở đó. Dù sao thì, hắn cũng hài lòng với việc được ở xứ Nghệ, và vài đồn binh Tây Sơn người Nam Hà mà vài lí do chính trị ngăn không cho vua Chiêu Thốngcống Chỉnh đuổi đi.
Cống Chỉnh ngay khi nhìn xuyên thấu ý đồ của Đức Ông, ông quyết tâm ngăn chúng lại, trả lại hắn viện binh cùng lương thực và một món quà bằng vàng hay bạc. Quan võ của đám lính này, sợ không dám trái mật lệnh của chủ, từ chối đề nghị của tướng quân người Bắc Hà. Bấy giờ quân lính hai trấn ThanhNghệ, từng là lính canh của chúa và kinh đô, phẫn nộ vì thấy quê hương đang bị ngoại bang giày xéo, và sợ cống Chỉnh sẽ trừng phạt và trấn áp họ vì sự láo xược trước kia [chỉ loạn kiêu binh], đã xin đi đánh giặc. Cống Chỉnh không cho phép. Tuy nhiên, quân Tây Sơn không phải không biết chúng bỉ ổi với người Bắc Hà thế nào, và biết là có ít quân, nên không lơ là việc gì để phòng bị bất ngờ, và chúng tăng cường lực lượng ở các vùng chúng chiếm đóng tại Bố Chính, xứ Nghệ, xứ Thanhxứ Nam. Chúng còn dùng đến mưu mẹo; chiêu dụ tất cả trộm cướp, những kẻ không dám làm cướp nữa, và cử chúng đến bắt các làng nộp gạo, tiền, gỗ, rơm,.v.v. chúng cần. Một người Nam Hà, đôi khi gặp phải 20 hay 30 tên cướp người Bắc Hà này, chúng chưa hài lòng với phần thưởng, nên vẫn dùng tên tuổi và nỗi khiếp sợ chúng đã gieo rắc lên người dân để trấn lột một số tiền kha khá.

Chúng gây nỗi khiếp sợ này bằng lửa Hi Lạp [chỉ hoả hổ], và bằng hành vi man rợ mà bạo chúa Nhạc, và nhất là Đức Ông, bắt chúng làm, là cắt cổ những ai chống đối, nếu không muốn bị chính đồng đội cắt cổ như những kẻ hèn nhát. Đây là những gì đức Sérard, giáo sĩ ở Bắc Hà, nói về người Nam Hà: “Người Nam Hà, dưới sự thống trị của tên bạo chúa mới này, đã trở nên lì lợm và độc ác. Chúng đi thành nhóm nhỏ, ở giữa Bắc Hà, đao trên lưng, mác trong tay, chúng tiến lên và không lùi bước. Chúng được dạy chạy và bơi qua những con sông rộng nhất, và bổ vào quân địch trước khi người đó nhận ra. Ở cuối ngọn giáo của chúng là một loại tên lửa, làm bằng bột [thuốc súng?] và nhựa dính, và gắn lên đó 2 hay 3 viên đạn chì. Chúng châm lửa, và thứ đó dính vào mọi nơi, và làm tán loạn ngựa, voi và cả người. Loại người này không có nhân tính, chúng giết người vô tội và đốt phá các làng.”

Khi người Nam Hà đã thu được nhiều lương thực hay tiền, chúng bí mật vận chuyển đến trại lớn ở Xứ Thanh; sự khủng bố và bạo lực của chúng kéo dài đến giữa tháng 3. Rồi chúng lại lên đường về Phú Xuân, mang theo đầy chiến lợi phẩm, để bù cho Đức Ông số bị bạo chúa Nhạc cướp năm ngoái. Hơn nữa, việc chúng rời đi không phải tự nguyên, mà do Đức Ông ra lệnh theo yêu cầu của vua Chiêu Thống. Tuy nhiên vẫn còn vài tên ở xứ Nghệ, xem ra muốn ở lại và hoành hành tại đó.
Sau khi đánh bại trấn thủ, cống Chỉnh rời xứ Nghệ với lực lượng kha khá gồm người Bắc Hà, đi qua xứ Thanh. Ông ở lại đó để gia tăng lực lượng, củng cố đảng của ông, và nghe ngóng tình hình trấn xứ Nam. Lúc đó những viên quan trẻ tự xin với chúa Quế để đi đánh cống Chỉnh, hứa sẽ về báo cáo. Lời xin được chuẩn y, và họ được chỉ huy một số lính. Họ nhanh chóng bị trừng phạt vì sự ngu xuẩn của mình. Hai chỉ huy bị giết, những kẻ khác bị giải tán. [theo sử Việt thì hai chỉ huy của phe Trịnh trận này là Lê Trung Nghĩa và Phan Huy Ích. Nhưng chỉ có Lê Trung Nghĩa là bị giết còn Phan Huy Ích thì bị bắt sống]
Cống Chỉnh đến xứ Nam khoảng cuối tháng 1, thiết lập trật tự mọi nơi, và lập lại an ninh công cộng. Ông gặp một tay giang hồ, từng là tướng cướp, được chúa trọng dụng,…[không chắc về cách dịch câu này. Nguyên văn là: Il rencontra un aventurier, ci-devant chef de voleurs, que le chua venoit d’élever à une grande dignité, et auquel il avoit associé un de ses frèré, pour commander les bandits, métamorphosés tout à coup en défenseurs de la patrie.] Nhưng tên gian ác khoác lác này không chịu được cái nhìn của cống Chỉnh, hắn bỏ trốn cùng người nhà. Chúa và đồng đội quay về kinh đô, giận giữ khóc lóc, tất cả đều nhục nhã. Còn về Suat te [Suất Tề?](tên của tay giang hồ thất bại kia), hắn nhanh chóng bị tìm thấy, dẫn tới trại cống Chỉnh để bị chém đầu và tịch thu gia sản. Tên cướp này là hàng xóm của chúng tôi, và đã làm chúng tôi run sợ nhiều lần. Chúa biết được thất bại này, nghĩ cần phải ngăn không cho cống Chỉnh tới và rời kinh đô ngày 28 tháng 1. Vua Chiêu Thống rất muốn giữ ông lại, nhưng thấy ông đã lọt khỏi tay, vua ra lệnh đốt phủ chúa. Một phần lớn của phủ, cụ thể là những nhà các chúa từng ở, bị cháy thành tro. Một vài nhà công khác cũng làm mồi cho lửa. Lúc đó cống Chỉnh tới, dập lửa, tiếp tế cho thành phố và tháo dỡ tượng hay hình và chuông đồng dùng để thờ thần tượng [chỉ thờ Phật] để làm tiền, pháo và các vũ khí khác. Rồi ông tìm cách đưa những kẻ bất mãn quay về đúng với bổn phận, bằng lời nói hoặc vũ lực. Lúc đầu, người ta tin rằng chúa Quế sẽ nhận lời mời của nhà vua và trở về kinh. Hai đại quan cùng lợi ích với ông [Dương Trọng Tế và Đinh Tích Nhưỡng] giả vờ tuân lệnh. Nhưng người ta đã lầm, ngọn lửa nội chiến đột nhiên nhóm lại và còn dữ dội hơn trước. Cống Chỉnh phái vài đoàn quân để chiếm lấy căn cứ của chúa[làng Quế Ổ, huyện Gia Lâm, Dương Trọng Tế cũng ở đó]; nơi đó bị chiếm ngày 6 tháng 3; nhưng chúa đã trốn thoát. Một tướng hải tặc tới đón ông cùng với vài con thuyền và đưa ông về trấn đông, tới doanh của tướng quân Han Nhưỡng.

Tên của một viên quan. Người này đầu tháng 9 năm ngoái dẫn vương thân này cùng đội quân lớn tới kinh đô và bắt vua Chiêu Thống phải công nhận ông làm chúa.

Cuộc chinh phạt đầu tiên được cuộc thứ hai, còn lớn hơn, tiếp nối, tại trấn xứ Đoài. Một đại quan, tên là quận Thạc [Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ], một người chinh chiến lâu năm, chỉ huy 80 nghìn quân đe doạ kinh đô. Ông đã chiếm được một vị trí quan trọng, và đánh bại đồn binh, khi cống Chỉnh tới cùng 30 nghìn quân, trói tướng quân Thạc làm tù binh, và lệnh cho quân lính xé xác con gái ông. Bà là một amazone [những nữ chiến binh trong thần thoại Hi Lạp] luôn cưỡi ngựa, đi hàng đầu trong lúc hành binh, khăn quấn quanh ngực, đầu đội một mảnh vải đỏ, quấn vài vòng. Một tay cầm đao, múa không ngừng, tay kia là một chiếc rìu lớn, đặt trên vai trái [sử Việt không thấy chép người này. Một nữ tướng bị lãng quên chăng?]. Cống Chỉnh quay trở về kinh đô cùng tù nhân, ông chết vài hôm sau bởi thuốc độc. Những người theo phe chúa dùng mưu kế; họ lập âm mưu đoạt mạng vua Chiêu Thốngcống Chỉnh. Bị phát hiện ngày 31 tháng 5, một ngày trước khi kế hoạch thực hiện. Một vài tên đầu sỏ bị chém, nhưng quan cai quản thành được tha, dù nhà vua đã gửi thuốc độc. Cống Chỉnh xin tha cho ông ta, vì những việc ông ta đã làm cho mẹ ông khi ông ta còn là trấn thủ Nghệ An, nơi sinh của cống Chỉnh. [không rõ đây là sự kiện nào. Hoàng Lê nhất thống chí có nói Ngô Vi Quý và Lê Xuân Hợp bày cho vua Chiêu Thống giết Chỉnh. Còn Nghệ An kí chỉ chép hương cống Nghệ An là Lê Giác đơn giản sơ xuất, Chỉnh toan bắt giết nhưng nhờ vua Lê nên được tha. Ngô Vi Quý là người Thanh Oai nên chắc chắn không phải người được ông Céram nói đến. Có thể là Lê Xuân Hợp và Lê Giác là cùng một người chăng?]
Trong khi những việc này đang xảy ra tại kinh đô, thì trấn thủ hiện tại của Sơn Nam, tên là Đốc Chiến[Hoàng Viết Tuyển], một người đây tài năng và can đảm, và là arc-boutant[một kiểu kết cấu kiến trúc, có lẽ là cách nói ví von cho trợ thủ hay chỗ dựa] của cống Chỉnh, tấn công thuỷ quân của chúa Quế, được Han NhưỡngThiem Sen chỉ huy, đánh tan và thu được 500 tới 600 tàu thuyền. Thất bại cuối cùng này làm hỏng sự nghiệp của chúa Quế; và xem ra việc phục hồi là bất khả thi. Đây giống như là tín hiệu của sự thái bình; giặc cướp không còn thấy đâu nữa.
Đó là cuộc cách mạng đã diễn ra tại Bắc Hà trong năm qua. Đạo có được lợi từ nó không? Không nói chắc được. Nhưng dù sao, tình hình cũng khả quan. Cống Chỉnh không phải kẻ thù của những người theo đạo Chúa, ông chỉ biết một ít về đức tin của họ. Còn về giáo phái thần tượng, ở đây gọi là đạo Bụt hay đạo Phật, ông không theo đạo đó; mà ngược lại, ông ghét nó. Cách đây không lâu, được nghe sư và những người sùng bái than vãn về việc dỡ bỏ hình bằng đồng, ông trở lời rằng họ than vãn là sai; rằng Bụt thấy chiến tranh nổ ra khắp tứ phía của đất nước, nên đã về ẩn dật ở quê hương Ấn Độ, để lại chùa và tượng cho người Bắc Hà tuỳ ý sử dụng, v.v.
Tôi đang đọc hai thư từ linh mục ở kinh đô. Ông ấy khen ngợi tướng quân cống Chỉnh hết lời. Ông được gặp cống Chỉnh hôm 27 tháng 2. Cống Chỉnh, biết được từ một người theo đạo Chúa đang là thư lại và thầy thuốc của ông, rằng linh mục đã học ở Xiêm, nên mời ông đến và hỏi về những nơi ông đã đi qua. Nghe đến tên dinh Đồng Nai, ông hỏi có nhiều người theo đạo Chúa ở Đồng Nai không. Linh mục trả lời rằng lúc ông ở đó thì có ít. Cống Chỉnh đáp lại: “giờ thì có nhiều, gần như cả dinh theo đạo Chúa, và người dân rất muốn ta ở với họ” Rồi ông lại hỏi về những chuyện liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Tây Sơnchúa Nguyễn, tức vua chính thống của Nam Hà, rồi cho lui rất có lễ.
Linh mục kinh đô, sau khi báo cáo vài đặc điểm để miêu tả tính cách vào đạo đức của Cống Chỉnh, kết thúc bằng câu chuyện này: “Một quan võ, thuộc hạ của cống Chỉnh, đã bắt một yếu nhân. Người này gửi khiếu nại tới tướng quân. Lập tức cống Chỉnh giận dữ, rút gươm ra, và gọi mọi người trong nhà tới: ‘Thanh gươm này,’ ông nói, ‘không nể ai cả; lớn hay nhỏ, quen hay lạ, họ hàng hay không, quan lớn hay dân thường, không ai là ngoại lệ. Ai có đầu, hãy cẩn thận rơi mất, như kẻ này, bắt giữ người cấp trên mà không có phép. Ta không tiếc thời gian ta ở cùng hắn từ thuở nhỏ; phải chém đầu hắn ngay.’ Và chém ngay lập tức.”…
_________

LE BRETON GỬI BLANDIN, NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1787

… Các ông chắc còn nhớ cống Chỉnh, người 5 năm trước đã bỏ trốn khỏi Bắc Hà, và doạ sẽ trả thù cái chết của thầy mình: ông ta trở lại cầm đầu giặc Nam Hà và tàn phá Bắc Hà, lật đổ chúa thượng. Người dân Bắc Hà đổ lỗi họ gặp tai hoạ là bởi ông ta. Nhưng đúng ra họ nên đổi lỗi cho chính họ vì sự ngoan cố nghịch đạo của họ…
_________

LE ROI GỬI BLANDIN, NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1787

… Trận đói năm nay lại ác liệt; tuy nhiên, ít người bị chết. Đôi khi chúng tôi có 300 tới 400 người nghèo đến trước kia, từ đầu năm tới tháng 5 âm lịch, tức mùa thu hoạch lúa. Kể cả có tiền cũng khó mà mua được yếu phẩm này, người Bắc Hà đã trở nên cẩn thận trong việc tiêu tiền hơn. Cống Chỉnh, con trai một người buôn cá, và giờ là đại tư đồ, ban một lệnh sai lầm nhất: chém đầu, chặt tay những ai không chịu chém, không tha ai cả. Người ta nói cái quan võ triều đình đã chém đầu một người phụ nữ dâng vàng để đổi lấy mạng, và họ không chạm vào thứ gì trong nhà người đó cả. Người Nam Hà cũng thấy có kỉ luật tương tự. Người Bắc Hà nói họ không phải là người, vì họ thực hiện hành vi tàn nhẫn như vậy, nhưng lại không tham lam, vì từ chối nhiều tiền như vật. Nhưng thật sai lầm nếu tin rằng họ không hứng thú, đúng ra nên nói là họ sợ phạm phải lỗi nhỏ nhất trong lệnh tử hình họ nhận được, các quan trên sẽ không tha tội. [vụ này không thấy sách khác nào chép, không rõ là sao]
Người ngoại đạo nước này có những lời tiên tri họ gọi là Sấm kí. Nó cũng chính xác và dễ hiểu như lời tiên tri của Nostradamus vậy. Bây giờ những lời tiên tri nói, theo những người giải mã của nước này, rằng dòng dõi chúa Trịnh phải chấm dứt lúc này. Người ta nói đấy là những gì đã truyền dũng khí cho Cống Chỉnh. Những kẻ đui mù tội nghiệp không biết gì về divine providence, về các loài tội lỗi và sát nhân. Phường khát máu và chuyên lường gạt chẳng có sống được nửa đời đâu [Thánh Vịnh 54 – 24], Xin cho chúng biến đi như nước chảy [Thánh Vịnh 57 – 8], v.v.. Có ai tin được rằng cống Chỉnh sẽ lật đổ ngôi chúa, rất hùng mạnh và rất tự tin vào sức mạnh của họ?… [không biết có dịch sai hay không nhưng ý của đoạn này khá rời rạc và khó hiểu]
_________

KÍ SỰ CỦA GIÁM MỤC CÉRAM VỀ NHỮNG VIỆC TỪ THÁNG 8 NĂM 1787 ĐẾN GIỮA THÁNG 10 NĂM 1788, NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 1788.

Kí sự này rất dài, nói về cái chết của Nguyễn Hữu Chỉnh và nhiều sự việc khác ở Bắc Hà, Đặng Phương Nghi đã dịch từ chục năm trước trong Tập san Sử – Địa của VNCH (Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ), nhưng nay xem nguyên văn nhiều chỗ dịch không đúng như l’expulsion là tự tử, tyran là tiếm vương,… Vì một vài lí do mà tôi không dịch kí này. Nhưng có thể xem nguyên văn tiếng Pháp viết tay tại đây: http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/osd/?dossier=/collection/INVENTAIRES/Ministeres/SEM/F5A/&first=FRANOM34_F5A_D52/FRANOM34_F5A_D52_03_025&last=FRANOM34_F5A_D52/FRANOM34_F5A_D52_03_035
_________

LE BRETON GỬI CÁC ĐẠO TRƯỞNG Ở NƯỚC NGOÀI, NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 1788.

… Viên quan nổi tiếng cống Chỉnh, người đã rước Tây Sơn vào Bắc Hà, sau khi chúng trở về Nam Hà, đã đánh bại đảng của chúa thượng họ Trịnh sau vài trận chiến và lập lại quyền lực cũ của vua nhà . Ông vua trẻ, Chiêu Thống, và rất có thể có cả quân sư cống Chỉnh, ban những sắc phong mới cho thần linh và ác quỷ được tôn thờ ở đất nước này, giống như các chúa họ Trịnh đã làm. Họ sớm bị trừng phạt vì sự nghịch đạo này. Chúa đã chọn một quan Nam Hà làm công cụ để trừng phạt, tên là Tiết chế[Vũ Văn Nhậm]. Hắn đến xứ Nghệ với đội quân không hơn 5 hay 6 nghìn người xuất thân bình dân, theo hắn ta chỉ vì bị ép buộc. Cống Chỉnh có quân đội giỏi, trang bị tốt, quen với chiến thắng cả năm, và chỉ muốn đánh nhau với quân Nam Hà. Ông không quan tâm lắm đến Tiết chế, và cho rằng có thể bắt hắn bất kì lúc nào: bởi vậy, ông để hắn tuỳ nghi hành sự. Tiết chế không lãng phí thì giờ. Hắn mộ binh ở xứ Nghệ và tiến đánh cống Chỉnh. Tài năng của đám giặc này là giết nhiều người, để khiến họ sợ và nhanh chóng nghe lời, và thường là không có lí do gì [không biết dịch đúng không? nguyên văn là et souvent sans aucun sujet]. Khi cần hành quân và dẫn dắt đám lính toàn người bị ép buộc này, thì tàn nhẫn cũng cần tăng gấp đôi. Một lỗi, một chút sai lệch trong quân ngũ, hay tương tự, là đủ để bị chém đầu bởi quan hay lính đứng đằng sau. Trong khoảng nửa dặm đường có tới 15 xác người bị giết theo cách này, không có lí do. Nhưng chính là đội quân này đã đánh tan đội quân hùng mạnh của cống Chỉnh, người bị bắt và đem chém ở kinh đô…
_________

LINH MỤC QUẢN LÍ HỘI TRUYỀN GIÁO NGOẠI QUỐC TẠI MACAO – LETONDAL, NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM 1788

… Đức giám mục Véren – La Bartette kể với tôi, trong một thư ngày 26 tháng 7, rằng người Nam Hà đã thắng. Vua của Bắc Hà đã bỏ chạy không rõ nơi nào. Đại quan Cống Chỉnh, người đã dẫn giặc Nam Hà tới Bắc Hà năm 1786, đánh bại đảng của maire du palais, và khôi phục ngôi vị vua chính thống, đã bị quân Nam Hà bắt và chém đầu, vì ông một mực chống đối chúng xâm phạm đất nước này…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *