“Mang thai có được chạy bộ không?” là điều mà nhiều người tự hỏi sau khi hình ảnh 1 phụ nữ mang thai 29 tuần chạy marathons 5km ở giải VM Hạ Long thứ 3 ngày 22/9 vừa qua.
Nhân vật chính là chị Tiêu Thị Tú (25 tuổi, quê ở Bắc Giang). Đây không phải lần đầu phụ nữ mang bầu chạy marathons.
Trước đó, chị Phạm Nga (sinh năm 1989, trú tại TP.HCM) còn “vác” bụng bầu hoàn thành cả 4 giải chạy marathon trong thai kỳ, gồm Đà Lạt Music Night Run 2024; FWD Cung đường sống đầy; Peace Marathon Open 2024; Running Diamond Cup 2024 với cự ly 5km cho mỗi chặng.
Chị Tú và chị Nga đều là những “runner” có thâm niên chứ không phải “bột phát” chạy trong thời kỳ mang thai.
Mang thai có được chạy bộ không?
Chia sẻ với Dân Việt ngày 26/9, TS, bác sĩ Phan chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã có những phân tích giải đáp thắc mắc: “Mang thai có được chạy bộ không?”, “Chạy bộ có làm sảy thai?”
Lợi ích chạy bộ khi mang thai
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, chạy bộ nhẹ nhàng khi mang thai có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu được thực hiện đúng cách và không có chống chỉ định từ bác sĩ. Những lợi ích này bao gồm:
– Cải thiện sức khỏe tim mạch: Giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật, giúp duy trì sức khỏe cho mẹ và bé.
– Kiểm soát cân nặng và duy trì thể lực: Giúp chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
– Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng: Nhờ việc sản xuất endorphin, hormone tạo cảm giác vui vẻ.
– Giảm đau lưng và tăng độ dẻo dai cho cơ bắp: Nhờ vào việc tập luyện thường xuyên.
– Giảm nguy cơ sinh non và phải sinh mổ: Giúp mẹ bầu có quá trình mang thai khỏe mạnh hơn.
Những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai chạy bộ?
“Dù có nhiều lợi ích, chạy bộ khi mang thai cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, đặc biệt nếu không thực hiện đúng cách”, bác sĩ Thành nhận định.
Theo chuyên gia này, mẹ bầu chạy bộ có thể tiết ra hormone relaxin. Đây là loại hormone có thể làm lỏng các khớp và dây chằng, tăng khả năng chấn thương.
Bên cạnh đó, trong quá trình chạy nếu không đảm bảo về việc bù nước, điện giải và vượt quá ngưỡng của cơ thể có thể dẫn đến co thắt tử cung sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cũng như gây nguy hiểm cho mẹ. Hoạt động quá sức cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
“Ngoài ra, khi chạy với cường độ cao, cơ thể có thể ưu tiên oxy cho cơ bắp hơn là thai nhi gây thiếu oxy cho sự phát triển của thai nhi”, bác sĩ Thành phân tích.
Những lưu ý cho phụ nữ mang thai muốn chạy bộ
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Thành khuyến cáo phụ nữ mang thai cần tuân thủ một số nguyên tắc và lưu ý quan trọng:
– Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi quyết định chạy, mẹ bầu cần được kiểm tra sức khỏe và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
– Điều chỉnh cường độ: Nên chạy nhẹ nhàng, giảm quãng đường và tần suất so với trước khi mang thai. Đối với những mẹ bầu chưa chạy trước khi mang thai, nên bắt đầu với thời gian ngắn, sau đó tăng dần.
– Theo dõi cơ thể: Ngừng chạy ngay nếu gặp các triệu chứng như chóng mặt, đau bụng, đau lưng, chảy máu âm đạo, hoặc khó thở. Đây là dấu hiệu cơ thể cần nghỉ ngơi và không nên tiếp tục chạy.
– Uống đủ nước: Trước, trong và sau khi chạy, mẹ bầu cần bổ sung đủ nước để tránh tình trạng mất nước. Trang phục và giày phù hợp: Chọn giày chạy bộ tốt, quần áo thoáng mát và có đai đỡ bụng để hỗ trợ cơ thể.
“Chạy bộ khi mang thai không phải là hoạt động phù hợp cho tất cả mọi người, nhưng nếu mẹ bầu có sức khỏe tốt, nhận được sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ và lắng nghe cơ thể, chạy bộ nhẹ nhàng có thể mang lại nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự an toàn của thai nhi, vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng và luôn đặt sức khỏe lên hàng đầu”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Như vậy, việc “Mang thai có được chạy bộ không?” còn tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi phụ nữ.
Những phụ nữ đã từng chạy bộ trước khi mang thai, quen rèn luyện có thể chạy chậm và chạy cự ly ngắn.
Còn những người chưa từng chạy bộ, ít rèn luyện cơ thể không nên chạy bộ ngay khi mang thai. Mọi người có thể “bắt đầu đường đua” bằng việc đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng.
Quan trọng là dù bất cứ tập môn thể dục nào, phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.