bac-si-canh-bao-nguoi-mac-benh-man-tinh-dung-an-tet-“tha-ga”

Bác sĩ cảnh báo người mắc bệnh mãn tính đừng ăn Tết “thả ga”

Điều dưỡng Chu Mỹ Linh, Điều dưỡng trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, thói quen ăn uống của mọi người thường bị đảo lộn, đa số là ăn uống thất thường, không đúng bữa, ăn uống thả ga… 

Điều này không phù hợp với những người mắc bệnh mạn tính như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường,….

Theo điều dưỡng Mỹ Linh, những bữa ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, không theo giờ giấc trong dịp Tết sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn, có thể gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng, có cảm giác ậm ạch, ợ hơi, ợ chua, nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra các bệnh tiêu hóa khác như các bệnh dạ dày, gan, mật, tụy… 

Tỷ lệ người sử dụng rượu bia tăng lên, điều này làm tăng gánh nặng cho gan, với người bị bệnh gan mạn tính có thể gây ra đợt viêm gan cấp. Do đó, những người mắc bệnh mãn tính khi thay đổi chế độ ăn so với thông thường, dễ bị “dính” bệnh hơn những người khác. 

Bác sĩ cảnh báo người mắc bệnh mãn tính đừng ăn Tết

Người mắc bệnh mãn tính khác nhau cần tuân thủ chế độ ăn khác nhau, phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người (Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mãn tính tại Bệnh viện đa khoa Bắc Giang)

Để phòng bệnh khi “ăn Tết”, điều dưỡng Linh lưu ý, những người bệnh mãn tính cần: 

Giảm muối: Bằng cách cho ít muối vào thức ăn, chấm nhẹ tay và pha loãng nước mắm khi chấm, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê). 

Dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống, làm giảm độ ngán khi ăn nhiều món ăn giàu chất đạm, chất béo, tuy nhiên ở người tăng huyết áp nên hạn chế những món ăn này, vì trong các món ăn này có chứa hàm lượng muối cao. 

Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều chất béo, đồ ngọt như: phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ và hạn chế các món chiên, xào, rán… là những thực phẩm và cách chế biến không tốt cho người bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Hạn chế ăn, uống nhiều các loại bánh kẹo ngọt, hoa quả nhiều ngọt, nước ngọt. 

Bánh chưng là món ăn truyền thống của ngày tết và là món ăn yêu thích của nhiều người, tuy nhiên đối với người bị mắc bệnh tiểu đường nên ăn hạn chế, nếu thèm thì chỉ nên ăn một miếng nhỏ, để tránh làm cho đường huyết tăng cao sau bữa ăn

Tuân thủ điều trị: Đối với các bệnh cần uống thuốc dài ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường,… người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ như uống thuốc đầy đủ, đúng liều, không tự ý bỏ thuốc hay dùng loại thuốc khác không đúng chỉ định. 

Không nản lòng hay có tâm lý bung xõa ngày Tết, điều này chỉ khiến bệnh nặng lên. Cần dự trữ đủ thuốc cho những ngày nghỉ Tết.

Ngủ đủ giấc: Trong các ngày nghỉ Tết, mọi người đi ra ngoài thường xuyên hơn, đi xuyên trưa và về nhà khuya, thời gian ngủ nghỉ sẽ ít hơn. Ngủ ít và mất ngủ có thể làm rối loạn lượng đường huyết. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm để giúp ổn định đường huyết tốt hơn.

Hạn chế uống rượu bia: vì rượu bia có thể gây hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị với thuốc hạ đường huyết. Uống nhiều rượu, bia cũng có thể gây tăng huyết áp, giảm tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Sử dụng quá mức rượu bia dịp Tết còn có thể gây ngộ độc rượu, tai nạn giao thông do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia,…

Không hút thuốc lá đồng thời tránh hút thuốc lá thụ động và các khói bụi khác gây kích thích phổi như khói hương, khói bếp, bụi nhà… vì có thể gây bùng phát các đợt cấp của người bệnh COPD. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.

“Dù bản thân đang mắc bệnh mạn tính nào cũng nên duy trì vận động, tối thiểu 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe hoặc theo hướng dẫn bác sĩ”, điều dưỡng Linh khuyến cáo. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *