Cuộc sống tảo tần của người mẹ 14 đứa con ở Hà Nội chưa từng biết đến 8/3
Đều đặn 4h sáng mỗi ngày, bà Đặng Thị Hải (56 tuổi, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) lại tất tả dậy để bắt đầu công việc thường ngày của mình. Bà Hải nổi tiếng khắp vùng vì đẻ tận 14 người con, cứ 2 năm lại đẻ một lần. Theo đó, 8 con trai, 6 con gái, bà không sinh tại cơ sở y tế mà đẻ tại nhà.
Hàng ngày, giữa cánh đồng mênh mông nước, gió lạnh cứ thể thổi liên hồi vào khu nhà tạm bợ nơi bà cùng các con đang sinh sống. Bà dậy sớm nấu cám nuôi lợn, thả bò, cắt từng mớ rau, kéo vài con tôm, con cá bán kiếm đồng ra đồng vào.
Bà Hải kể, bà lấy chồng khi mới 18 tuổi. Lúc đó, thương cảnh người con trai lang bạt kiếm sống một mình nên khi người chồng ngỏ lời, bà đồng ý rồi hai người nên vợ nên chồng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng vất vả bao nhiêu thì vợ cũng cố gắng kiếm tiền mưu sinh bấy nhiêu.
Vợ chồng bà Hải sinh lần lượt 14 người con. Do nhà đông con nên vợ chồng phải làm đủ nghề để lo bữa cơm. Ngoài thời gian làm đồng, chăn nuôi ở nhà, rảnh rỗi vợ chồng bà lại đi nhận bốc vác thuê, mò cua bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Có những hôm, cả nhà nhịn đói buổi sáng đi làm, trưa thì ăn khoai, đến tối lấy tiền đi làm thuê mua cân gạo ăn sống qua ngày.
Khuôn mặt khắc khổ nhưng luôn cố cười lạc quan, bà Hải cho biết, cuộc sống mình suốt bao năm qua chưa khi nào hết khổ. Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Hải phân trần, việc đẻ nhiều con không phải chủ đích của vợ chồng. Do công việc mưu sinh vất vả, cứ chú tâm kiếm kế sinh nhai nên khi biết có thai cũng đã ở tháng thứ 5,6. Chính vì vậy bà không nỡ bỏ mà để sinh. Rồi cứ thế lần lượt từng người con chào đời khiến cuộc sống vốn túng thiếu lại thêm khó khăn hơn.
Gia đình 16 người ở trong căn nhà tạm dựng trên đất dự án bỏ hoang, xung quanh là ao hồ, vợ chồng bà tận dụng để thả con cá, nuôi con vịt. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Hải luôn cố gắng cho các con đi học. Tuy nhiên, trong 13 người, chỉ đứa lớn là học được tới lớp 11, đa số chỉ học hết lớp 6, lớp 7 rồi bỏ dở.
Năm 2015, con trai út mất do bệnh não, một năm sau chồng bà Hải cũng qua đời sau 5 năm bị bệnh hiểm nghèo. Một mình người phụ nữ ấy tất bật thức khuya, dậy sớm lo toan cho đàn con thơ, cuộc sống càng thêm chật vật.
“Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Quanh năm suốt tháng tôi chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi. Có năm khó khăn đến mức Tết không có một đồng nào trong nhà. Tôi sang mượn hàng xóm 200 nghìn đồng để ăn Tết. Ngày 29 Tết, người hàng xóm mang tiền sang rồi cho thêm 10 kg gạo, mua chịu vài lạng miến cho các con.
Có đợt con ốm không có tiền đi viện tôi sang hàng xóm bảo: Chị còn tiền không cho em mượn 500 nghìn em cho cháu đi viện. Hàng xóm nói ‘500 nghìn mà cũng mượn’ rồi vào nhà lấy ra 2 triệu đưa cho tôi bảo về lo cho con. Đó là 2 người tôi nhớ ơn đến tận bây giờ”, bà Hải tâm sự.
Mong ước giản đơn
Một mình nuôi các con khôn lớn, bà Hải chưa được nghỉ ngày nào. 6 trong số 14 người con đã lập gia đình nhưng bà vẫn chưa được một phút giây nào nghỉ ngơi mà còn phải nuôi thêm cháu, khi các con đứa công việc không ổn định, đứa bỏ chồng, về nhà.
Hơn 30 năm kể từ khi lấy chồng, việc sinh nhiều con khiến cuộc sống khó khăn không làm bà ân hận, điều bà day dứt nhất chính là việc 4 người con trai vướng vòng lao lý.
Bà Hải nhớ lại, một buổi chiều cuối tháng 1/2021, khi vừa cắt rau muống ở bờ ao sát nhà đi lên, tay vẫn cầm nguyên chiếc liềm, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, bà bàng hoàng nhận tin bốn con trai, từ thứ 7 đến thứ 10 bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi khám xét, Công an quận Hà Đông đã thu giữ 4 xe máy Honda Wave, 18 điện thoại di động và nhiều hung khí.
“Lúc đó, tai tôi ù cả đi, quần áo ướt sũng chẳng kịp thay, cứ ngồi sụp xuống dưới cửa nhà rồi ngất lịm đi, đến khi tỉnh mới đảo mắt tìm con. Thằng thứ 7 tên H. vừa tròn 21 tuổi, mới đi nghĩa vụ về, tưởng sẽ tu chí làm ăn, chỉ bảo các em nhưng không ngờ chính nó lại lôi kéo các em vào con đường tội lỗi”, bà Hải nói.
Người phụ nữ quanh năm lam lũ chia sẻ, chưa từng lấy của ai thứ gì. Đói, khổ, bà không sợ, chỉ sợ nhất là ánh mắt những người ngoài nhìn vào.
“Con tôi phạm tội bị bắt giữ, có người sẽ hiểu là do tôi bận bịu làm việc kiếm tiền nên không may để các con như thế. Nhưng chắc chắn có người cũng nghĩ khác, nghĩ xấu về tôi”, bà Hải buồn bã.
Để tiếp tục cuộc sống, bà Hải ngày ngày vẫn lọ mọ mò cua, bắt ốc, đi xin đồ ăn thừa tại các hàng ăn về chăn vịt gà; thả sen, nuôi cá dưới đầm nước trước nhà.
Năm ngoái, con gái bắt đầu đi học may, bà vay mượn khắp nơi và gom tiền bán cá, bán lợn được 100 triệu đồng mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Bà mong rằng, đây cũng là cơ sở giúp những người con trai của mình khi mãn hạn tù trở về có cái nghề để làm lại cuộc đời.
“Một năm, tôi chỉ thăm các con được vài lần, nếu đúng thời gian thì năm nay thằng thứ 10 mãn hạn. Chị nó có cái nghề may, khi về chị em chỉ dạy nhau làm, tôi cũng dễ quản lý không để nó rơi vào cảnh tù tội lần nữa”, bà Hải nói.
Đến nay, cuộc sống tuy đã đỡ vất vả nhưng bà Hải vẫn chưa bao giờ có một ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 trọn vẹn.
“Hơn nửa đời người tôi chưa từng biết đến ngày 8/3. Hoàn cảnh tôi khó khăn, thiếu thốn từ nhỏ nên hầu hết thời gian đều dành cho việc đi làm, có khi còn không để ý đến ngày tháng.
Bây giờ, có con có cháu nhưng các con cũng không có điều kiện, tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện đó dù đôi lúc vẫn thấy tủi thân khi nghe hàng xóm kể chuyện. Dịp 20/10 năm ngoái lần đầu tiên tôi nhận được hai bó hoa từ các con khiến tôi như được an ủi phần nào”, bà Hải xúc động nói.
Người mẹ 56 tuổi chia sẻ, cuộc đời khốn khó của bà chưa bao giờ dám mơ ước nhà cao cửa rộng, chỉ mong có sức khỏe để đi làm rồi cố gắng tích cóp đồng tiền để nuôi con, nuôi cháu.