Bà Madeleine Jana Korbel Albright (tên khai sinh là Marie Jana Korbelová), ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Bill Clinton vừa mất vì ung thư ở tuổi 84.

Bà là nữ ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang cho đến ngày 27/3 để tưởng niệm bà Albright. Tổng thống đương nhiệm gọi bà Albright là một “thế lực” và nói rằng được làm việc với bà trong suốt những năm 1990 khi ông Biden ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là một trong những điểm nổi bật trong sự nghiệp ở Thượng viện của ông: “Khi tôi nghĩ về Madeleine, tôi sẽ luôn nhớ đến niềm tin nhiệt thành của bà rằng Mỹ là quốc gia không thể thiếu”. Cựu Tổng thống Clinton nói trong một tuyên bố: “Rất ít nhà lãnh đạo hoàn toàn phù hợp với thời đại mà họ phụng sự. Khi còn là một đứa trẻ ở châu Âu bị chiến tranh tàn phá, Madeleine và gia đình bà đã hai lần buộc phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mở ra một kỷ nguyên mới của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu, bà ấy đã trở thành tiếng nói của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, sau đó nắm quyền lãnh đạo tại Bộ Ngoại giao, nơi bà là một tiếng nói nhiệt thành cho tự do, dân chủ và nhân quyền”.
Là người gốc Tiệp Khắc, gia đình bà năm 1939 chạy trốn tới London khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc. Bà đi học ở Thụy Sĩ năm 10 tuổi và lấy tên là Madeleine. Bố của bà là một nhà ngoại giao và đưa cả gia đình tới Mỹ năm 1948, nơi ông giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Denver. Một trong những học trò cưng của ông là Condoleezza Rice, người sau này trở thành nữ ngoại trưởng thứ hai của Mỹ năm 2005 dưới thời cựu tổng thống George W.Bush.
Bà trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1957. Albright tiếp tục làm việc tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền Jimmy Carter và sau đó là cố vấn chính sách đối ngoại cho một số ứng cử viên phó tổng thống và tổng thống. Ngay sau khi Bill Clinton nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 1993, bà Albright được bổ nhiệm làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Trong thời kỳ đầu của chính quyền Clinton, Albright đã ủng hộ Liên Hợp Quốc thành lập tòa án tội ác chiến tranh để đưa những người gây ra cuộc chiến ở Bosnia vào tù, bao gồm cựu tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và các nhà lãnh đạo người Serb ở Bosnia. Suốt những năm làm việc dưới thời Clinton, bà trở thành biểu tượng của thế hệ phụ nữ trẻ tìm cảm hứng và tôn trọng nơi làm việc. Bà nổi tiếng vì câu nói: “Luôn có nơi đặc biệt dưới địa ngục dành cho phụ nữ không giúp đỡ nhau”.
Năm 1997, bà trở thành ngoại trưởng. Bà Albright trong nhiệm kỳ của mình đã tạo ra rất nhiều điểm nhấn liên quan đến châu Âu như sự mở rộng của NATO hay can thiệp vào các quốc gia vùng Balkan để ngăn chặn nạn diệt chủng và thanh lọc sắc tộc, tìm cách giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời ủng hộ nhân quyền và dân chủ trên toàn cầu. Một số nhà phê bình gọi chiến dịch ném bom tiếp theo của Nato là “Cuộc chiến của Albright”. Albright thúc đẩy Mỹ trở thành siêu cường sử dụng sức mạnh vũ trang. Bà ấy muốn thúc đẩy “chủ nghĩa quốc tế cơ bắp”. Albright từng khiến người đứng đầu Lầu Năm Góc bối rối khi hỏi tại sao quân đội lại duy trì quân số hơn một triệu quân mà không bao giờ sử dụng.
Ngoài ra, một trong những khoảnh khắc được nhắc lại nhiều nhất của bà Albright, đó là khi được hỏi rằng “việc trừng phạt Iraq đã làm chết đến nửa triệu trẻ em, con số cao hơn cả ở Hiroshima, liệu đó có phải là cái giá phải trả?”, thì bà đã trả lời rằng”cái giá phải trả là xứng đáng”. Sau này bà đã chỉ trích cuộc phỏng vấn trên là cố gài bẫy bà. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama khi đó đã trao tặng cho bà Huân chương Tự do của Tổng thống – phần thưởng cao quý nhất dành cho một công dân.
Chỉ một tháng trước cuộc chiến tranh tại Ukraine, bà Albright có một bài báo trên tờ New York Times nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà bà gặp lần đầu tiên ngay sau khi ông nhậm chức vào năm 2000. Bà viết: “Ukraine có chủ quyền của mình, bất kể láng giềng của họ là ai. Trong thời kỳ hiện đại, các nước lớn đều chấp nhận điều đó, và ông Putin cũng phải vậy.”
Trong nỗ lực gây sức ép với chương trình hạt nhân Triều Tiên, Albright tới Bình Nhưỡng năm 2000 để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm đất nước này vào thời điểm đó.
Cuối tháng 6/1997 trong vai trò ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Albright có chuyến thăm Hà Nội. Trong chuyến thăm này, hai phía đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả ngày 27/6/1997. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 23/12/1998, bảo hộ mọi loại tác phẩm và bản ghi âm có thể được bảo hộ quyền tác giả, bất kể hình thức định hình của chúng, bao gồm cả hình thức điện tử. Trong chuyến thăm khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright cũng kêu gọi trả tự do cho ba tù nhân chính trị: Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế và Thích Quảng Độ.
Tháng 9/1999, bà lại thăm Hà Nội, nói rằng bà hy vọng hai nước sẽ sớm ký hiệp định thương mại. Hiệp định thương mại Viêt Nam – Hoa Kỳ sau này sẽ được ký ngày 13/7/2000 tại Washington, có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001. Sau quá trình đàm phán và kí kết, thời gian phê chuẩn Hiệp định tiếp tục diễn ra trong vòng hơn một năm nữa. Hiệp định được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào ngày 06/9/2001, Thượng viện thông qua ngày 03/10/2001.
Albright tương phản rõ rệt với những người tiền nhiệm và đồng nghiệp nam trong bộ vest. Bà sử dụng trang phục và trang sức để truyền thông điệp chính trị. Món đồ ưa thích của Albright là một cái ghim cài áo hình con rắn, ám chỉ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein từng gọi bà là “rắn đội lốt người”. Bà từng viết sách về món đồ trang sức này và nó trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Trong sách, bà giải thích cái ghim cài áo cũng là công cụ ngoại giao. Ghim hình bóng bay hoặc bông hoa báo hiệu bà cảm thấy lạc quan, còn hình con cua hoặc con rùa báo hiệu bà đang thất vọng.
Ngoài chính trị, Madeleine Albright cùng với Jacob Rothschild, George Soros có đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án viễn thông sở hữu hàng nghìn trạm di động ở châu Phi. Bà đã lập ra Albright Stonebridge Group, một tổ chức chuyên cố vấn về các chính sách quốc tế và thị trường toàn cầu.

Long Phan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *