Ask: Việt Nam được nhìn nhận như thế nào ở đất nước bạn?
Answer: Alexandru Zaharia Nghệ sĩ, sử gia nghệ thuật và là một kĩ sư
Source: https://qr.ae/pNy6mG
{————————————-}
{————————————-}
Một chút nhìn nhận về Việt Nam đến từ Romani
(Người dịch: Romania (tiếng Romania: România, trong tiếng Việt thường được gọi là Ru-ma-ni-a theo tiếng Pháp: Roumanie), là một quốc gia tại đông nam châu Âu, với diện tích 238.391 km². România giáp với Ukraina và Moldova về phía bắc và đông bắc; giáp với Hungary về phía tây bắc; giáp với Serbia về phía tây nam; giáp với Bulgaria về phía nam và giáp với Biển Đen về phía đông. Nước này nằm trên phần lớn diện tích của đồng bằng sông Danube. Lịch sử Romania chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử, văn hóa của La Mã cổ đại. Lãnh thổ Romania ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều công quốc România thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania. Vương quốc Romania được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Romania trở thành một nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa có quan hệ gắn bó với Liên Xô. Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Romania và nước này quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Romania chính thức trở thành một thành viên của NATO (2004) và Liên minh châu Âu (2007).
Đa số người Romani trong quãng đời tuổi teen của họ vào thập niên 80 sẽ nhớ đến hai thứ mà chúng sẽ mãi mãi gắn liền với đất nước Việt Nam, đặc biệt ở chỗ chúng gợi cho họ một sự hoài niệm về thời kì Đông Âu Cộng Sản (Ostalgie). Thời ấy, Romani vẫn theo chế độ Cộng Sản nên sự gắn kết giữa hai quốc gia Việt Nam và Romani là rất bền chặt.
Bánh Phồng Tôm – đọc tiếng Romani là creveți vietnamezi (bánh tôm Việt Nam, theo nghĩa từ Romani) đã từng là một loại bánh ăn vặt khá nổi tiếng ở đất nước tôi, dù bạn có ghét nó đến đâu. Bố tôi thường chiên chúng vào đầu những năm 90 khi tôi lớn lên, vào thời này bạn có thể tìm thấy chúng phổ biến ở chợ và ông đã là người đưa tôi đến niềm say mê món ăn này. Bố tôi chiên mấy viên bột trên chảo dầu và thế là cả căn bếp toàn là mùi khói chiên. Về sau, chúng biến mất trên thị trường và cũng không rõ là bánh phồng tôm sẽ trở lại hay không. Nhưng một ngày nọ, tôi tìm thấy thứ bánh này ở một nhà hàng trên đất Mỹ và rồi tôi đắm chìm vào những ký ức hoài niệm. Đặc biệt ở chỗ, ở Romani thời này bạn không có nhiều thứ đồ được nhập khẩu từ bên ngoài vào đâu, nên nhà ai mà có một hộp bánh phồng tôm này thì sướng thực sự luôn đấy!
Cao Sao Vàng – cremă din venin de șarpe (dầu thoa nọc rắn theo nghĩa của tiếng Romani). Thực ra khá là mập mờ khi không biết nó làm từ cái gì, nhưng mà nhà nào vào thời mấy năm 90 của Romani lúc nào cũng có mấy hũ nho nhỏ này. Đây là thứ mà ai cũng nghĩ đến đầu tiên khi có bất cứ bệnh tật gì xảy ra, từ thấp khớp cho tới cảm lạnh hay đau đầu.
Ngoại trừ hai vật dụng trên, người dân khá chú ý đến Việt Nam qua quan hệ ngoại giao của hai nước từ những năm 50 đến những năm 80. Đặc biệt là qua các chuyến viếng thăm Romani của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1957 và Nicolae Ceaușescu đến Việt Nam vào năm 1971. Cũng như nhiều sự kiện khác nếu không phải là ông ấy thì các người tiền nhiệm của Nicolae Ceaușescu cũng đã đến thăm Việt Nam.
Về Chiến Tranh Việt Nam, đây là điều làm người dân Romani gia tăng lòng thương cảm sâu sắc đến người dân Việt Nam. Ít thì cũng là vì Việt Nam là các đồng chí Cộng Sản với họ, nhiều thì cũng là do bản thân Việt Nam cũng chỉ là con tốt thí và chịu đựng thống khổ từ một siêu cường đế quốc. Tôi gợi lại việc gặp mặt một cậu nhóc lúc ở quê nhà, sinh vào những năm 80, được tiến hành nghi lễ rửa tội dưới danh nghĩa của cái tên “Việt Nam”.
Tất nhiên, song song với những mối liên hệ rõ ràng khác, Chính phủ Romani đã ban hành những hỗ trợ ngoại giao trước và trong chiến tranh cho miền Bắc Việt Nam cũng như là hỗ trợ về mặt vật chất.
Nhiều người Romani đến tận ngày nay vẫn sẽ nhận ra hai hình ảnh ám ảnh là biểu tượng cho Chiến Tranh Việt Nam. Một bức là tấm ảnh của Eddie Adams ghi lại cảnh tử hình công khai Nguyễn Văn Lém của tướng Nguyễn Ngọc Loan vào ngày 1 tháng 2 1968.
Tấm còn lại đó là Napalm Girl của Nick Út ghi lại cảnh Phan Thị Kim Phúc đang khỏa thân tháo chạy trên đường sau khi bị bỏng nặng sau lưng vì trận tấn công bom napalm của quân đội miền Nam Việt Nam.
Vì mối quan hệ thân hữu của chúng tôi trong thế kỉ 20 cũng như tư cách là một trong các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie), kèm theo đó Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế chiến lược với Romani, tất cả những việc này sẽ khơi mào hi vọng cho sự hữu nghị văn hóa giữa hai nước tiếp tục phát triển và thịnh vượng.