Từ một ông vua tàn bạo với đôi tay đẫm máu, A Dục vương trở thành một hiền quân, một trong những người có công hoằng pháp lớn nhất trong Phật sử.
A Dục vương, tức Asoka đại đế, là người trị vì đế quốc Maurya từ năm 273 đến 232 trước Công nguyên. Maurya vốn chỉ là một trong những vương quốc của Ấn Độ nhưng nhờ tài chinh phạt của ông mà lãnh thổ mở rộng đến mức lớn hơn cả Ấn Độ ngày nay.
Chỉ xét riêng về tài quân sự, ông đã là một trong những vị hoàng đễ kiệt xuất nhất của Ấn Độ bởi luôn chiến thắng trong hàng loạt cuộc tấn công mở rộng bờ cõi,cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Iran, Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore. Thế nhưng, cái khiến cho tên tuổi A Dục mãi mãi chói lọi lại không phải chiến tích, mà là những gì ông làm được với tư cách một Phật tử thuần thành. Đó mới là sự nghiệp vĩ đại nhất của A Dục.
Truyền thuyết Phật giáo cho rằng Đức Phật Thích Ca sinh thời đã tiên tri về sự xuất hiện của vị vua này vào thời điểm ngài đã qua đời được 100 năm. Theo đó, kiếp trước, A Dục vốn là cậu bé Jaya đã thành tâm cúng dường Phật một miếng đất mà trong trò chơi, cậu tưởng tượng đó là thức ăn.
Nhờ công đức này, ở kiếp sau cậu bé trở nên một nhân vật kiệt xuất. Đức Phật nói: “Một trăm năm sau khi ta qua đời có một hoàng đế tên là A-dục tại xứ Pataliputra. Ông sẽ thống trị một trong bốn lục địa, trang trí Diêm phù đề với tro xương của ta và xây tám mươi bốn ngàn phù đồ để đem lại công đức cho chúng sinh. Ông sẽ khiến cho các nơi đó được kính trọng bởi thần linh cũng như con người. Tiếng tăm của ông sẽ lan đi khắp nơi”.
Từ A Dục ác vương …
A Dục vốn chỉ là một trong 101 vị hoàng tử của quốc vương Bindusara, lại là con của thứ phi, một người xuất thân nghèo túng. A Dục không phải con trưởng, cũng không phải đứa con được phụ vương ưa thích nhất và nhắm sẵn cho việc thừa kế ngai vàng. Tuy nhiên, ngay từ thời trẻ, vị hoàng tử này đã chứng tỏ tài thao lược vượt trội so với các anh em mình, với thành tích bất khả chiến bại. Chính vì thế, A Dục cũng nhiều lần bị các anh tìm cách hãm hại vì họ cảm thấy sự đe dọa từ chàng trai này.
A Dục vương từng là một vị vua hiếu sát và ham thích chiến tranh.
Sự cạnh tranh giữa các hoàng tử vô cùng gay gắt. Và khi vua Bindusara hấp hối, nhóm đại thần ủng hộ A Dục đã mời vị hoàng tử này quay về nối ngôi, bất chấp ý nguyện của ông vua già. A Dục được cho là đã giết sạch tất cả anh em ruột của mình ngay khi cha chưa tắt thở để giữ chặt ngai vàng, trừ một người cùng mẹ, và ném xác họ xuống giếng.
Chính vì sự tàn ác này mà ông đã bị gán cho biệt danh Chanda Ashoka, nghĩa là kẻ giết người bất nhân A Dục. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng cuộc tàn sát này chưa chắc đã có thật, mà do truyền thuyết dựng nên để tô đậm bức chân dung kinh khiếp của A Dục, đối lập với giai đoạn nhân từ sau này dưới ảnh hưởng của Phật pháp.
Nhưng cho dù A Dục có tàn sát 99 anh em ruột của mình hay không thì bàn tay của vị vua này quả thật là thấm đẫm máu tươi của vô số sinh mạng trong các cuộc chiến mà ông phát động. Chỉ trong cuộc tấn công xâm lược vương quốc Kalinga (vào năm 265 hoặc 263 trước Công nguyên), hơn 100.000 người xứ này đã bị tàn sát, hàng nghìn người sống sót bị trục xuất. Cùng với sự xóa sổ xứ Kalinga,10.000 binh lính của A Dục cũng bỏ mạng. Có thể cái “danh hiệu” Chanda Ashokađược gán cho A Dục là từ sự tàn bạo trong chinh chiến hơn là từ cuộc huynh đệ tương tàn.
… đến A Dục thiện lương
Truyền thuyết kể rằng, một ngày sau khi kết thúc cuộc chiến với Kalinga, hoàng đế A Dục cưỡi ngựa dạo quanh thành phố và tất cả những gì mà ông nhìn thấy là những căn nhà cháy rụi, những xác người la liệt khắp nơi. “Ta đã làm gì thế này?”, A Dục bàng hoàng thốt lên. Thời khắc đó được coi là thời khắc tâm linh ông bừng tỉnh, và từ đó thực sự ngả về đạo Phật, giáo lý mà trước đó ông từng có cơ hội tiếp xúc, hiểu biết, đặc biệt là qua bà Devi, một người vợ của ông.
Kể từ đó, A Dục thực hiện một chính sách cai trị khác, từ bi theo đường lối của Phật, chấm dứt vĩnh viễn việc gây chiến tranh, chăm lo đời sống nhân dân. Từ vị thế của mình, ông tận lực truyền bá đạo Phật khắp đế chế, thậm chí vượt ra ngoài bờ cõi. Các kết quả khảo cổ gần đây tìm ra những bằng chứng cho thấy, các đoàn truyền giáo của A Dục vương đã đến tận Hy Lạp, Ai Cập, Iran và Palestine,vùng đất sau đó nhiều thế kỷ sẽ xuất hiện Ki tô giáo và Hồi giáo.
Vào năm trị vì thứ 20 của mình, vua A Dục đi chiêm bái tất cả các Phật tích tại Ấn Độ trong 265 ngày. Tại mỗi thánh tích, nhà vua đều cho xây dựng bảo tháp, bia đá và trụ đá để đánh dấu nơi mà Đức Phật từng lưu trú và giảng pháp. Nhờ thế, Phật tử ngày nay được biết chính xác về các Phật tích. A Dục cũng được cho là đã thu nhặt xá lợi của Đức Phật từ bảy hoặc tám bảo tháp nguyên thủy, và sau đó phân chia để thờ trong 84.000 bảo tháp nhỏ trên toàn đế quốc mà ông cho xây.
Vạn pháp vô thường, sau khi A Dục vương qua đời, triều đại Maurya chỉ tồn tại thêm 50 năm rồi lọt vào tay dòng họ khác, đế quốc vĩ đại do ông dày công tạo lập cũng bị chia nhỏ. Tên tuổi số vợ con vô cùng đông đúc của ông cũng bị lãng quên theo năm tháng. Thế nhưng những bia đá, trụ đá rải khắp đế quốc khắc các bài kinh, những lời dạy của Phật, cũng như các đạo chỉ dụ của chính đức vua về việc thực hành giáo lý từ bi hỷ xả… thì còn đến ngày nay. Những trụ đá được điêu khắc tinh xảo, đầy mỹ thuật này được tìm thấy trên khắp Ấn Độ cũng như Nepal, Pakistan và Afghanistan.
A Dục vương dựng nhiều trụ đá khắc lời răn theo kinh Phật và ca tụng Phật pháp.
Những chỉ dụ của A Dục khắc trên các trụ đá cho thấy sự biến chuyển vĩ đại trong tâm của vị vua này, tự một bạo quân thành một hiền quân. Một chiến binh tàn sát không ghê tay về sau lại thương xót, nâng niu từng sinh mạng, kể cả loài vật.
Trong một cột đá ở Kalinga, Asoka cho ghi đạo dụ: “Cũng như tôi mong cho con cái tôi được hưởng mọi hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau, tôi cũng cầu mong cho tất cả mọi người đều cũng được hưởng hạnh phúc và an lạc như vậy.Có tình hình xảy ra là có một số ngườí bị bắt giam mà không có lý do xác đáng gì, và rất nhiều người khác bị đau khổ vô cùng… Dụ này được khắc ra ở đây, để cho các pháp quan trong thành phố tránh không bắt giam dân chúng mà không có lý do xác đáng. Và cũng vì mục đích ấy mà cứ năm năm một lần, ta gửi các phái viên đi công cán, những phái viên của ta phải có thái độ từ ái, dễ thương, quan tâm đến sự sống thiêng liêng của mọi loài”.
Và thật kỳ lạ, một dụ đá khác viết: “Trong tầt cả mọi nơi của vương quốc ta và cũng vậy trong các nước láng giềng…, trên đảo Tambapanni (Lanka), trong vương quốc của vua Hy Lạp Antiochus, và cả trong vương quốc láng giềng của vương quốc của Antiochus. Tại khắp mọi nơi, ta đã cho dựng lên hai loại nhà thương, nhà thương cho người và nhà thương cho súc vật”.
Có thể nói, nhà thương cho súc vật của vua A Dục là nhà thương cho súc vật đầu tiên trên thế giới, thậm chí sớm hơn 1.000 năm so với thời điểm nhà thương cho người đầu tiên được người Tây phương xây dựng ở Paris (Pháp) vào thế kỷ thứ 7. Cũng thể hiện lòng trân trọng sự sống của muôn loài, dụ đầu tiên trong số 14 đạo dụ khắc trên đá của A Dục vương viết: “Ở đây không một súc vật nào được giết và hiến tế”.
Trong số con cái của vua A Dục, hậu thế chỉ còn ghi nhớ tên hai người con song sinh,hoàng tử Mahindra và công chúa Sanghamitra mà hoàng hậu Devi, người vợ theo đạo Phật, sinh cho ông. Hai vị này không kế vị cha mà đều xuất gia, và thực hiện nguyện vọng lớn nhất của ông là truyền bá Phật pháp ra ngoài cõi. Họ là người có công lớn trong việc đưa đạo Phật vào Sri-Lanka, giác ngộ vua và hoàng hậu xứ này, khiến người dân ở đó theo Phật giáo.
Với di sản mà A Dục đã tạo tác và để lại, năm 1992, vị hoàng đế này được xếp thứ 53 trong Danh sách Những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử của Michael H. Hart.
Đạo pháp và sự quản lý xứ sở
Theo phần lớn các học giả và sử gia Tây phương thì dù cho trận chiến Kalinga không phải là động cơ duy nhất quyết định việc quy y của hoàng đế A-dục đi nữa nhưng đã giữ một vai trò then chốt trong việc chuyển hướng toàn bộ về chính trị và cách quản lý xứ sở của ông. Ông quyết định từ bỏ bạo lực, xảo quyệt và dối trá trong việc quản lý và điều hành xứ sở và nhất quyết chỉ sử dụng sự ngay thật và đạo đức để chinh phục toàn dân. Quyết tâm ấy của hoàng đế A-dục được ghi nhận một cách rõ rệt khởi sự từ năm thứ mười của triều đại, tức khoảng hai năm sau khi trận chiến Kalinga chấm dứt. Suốt trong gần hai năm hối hận và học hỏi thêm Phật pháp bên cạnh tăng đoàn, hoàng đế A-dục đã hoàn toàn thay đổi đường hướng cai trị của mình, ông tôn vinh đạo đức, khuyến khích dân chúng hãy giữ gìn sức khoẻ để được sống lâu, khuyên họ hướng vào những giá trị tinh thần và niềm phúc hạnh nơi cõi cực lạc. Những lý tưởng đó không hẳn là những gì đặc thù của Phật giáo mà chung cho tất cả các truyền thống tôn giáo khác lúc bấy giờ.
Guồng máy hành chính được hoàn toàn cải tổ. Các cấp bậc chính quyền phải tuyệt đối thực thi chủ trương đạo đức và ngay thật do ông đề xướng. Một số chức vụ mới và quan lại mới được thành lập, chẳng hạn như các vị quan gọi là dharmamahamatra, giữ trọng trách giáo dục, hướng dẫn và giải thích về đạo đức cho dân chúng. Các quan chức khác trong triều cũng phải thay phiên nhau đến gần và tiếp xúc với dân chúng, giải thích, thuyết phục đường lối đạo đức do hoàng triều đề xướng và đồng thời phải tự hành động đạo đức để làm gương. Các người có nghề nghiệp đòi hỏi thường xuyên phải di chuyển, chẳng hạn như các người đánh xe ngựa, xe bò, các con buôn, kể cả những đoàn người du thực sinh sống bằng nghề múa hát và kể chuyện trong dân gian cũng được tận dụng, ngoài nghề nghiệp làm kế sinh nhai của họ hoàng triều còn nhờ họ gánh thêm một trọng trách nữa là truyền bá đạo đức, làm gương và khuyến khích một lối sống lương thiện và ngay thật với những người mà họ có dịp tiếp xúc.
Hoàng đế A-dục chủ trương thuyết phục và khuyến khích dân chúng hơn là ép buộc và sử dụng luật pháp. Luật lệ và sự ngăn cấm chỉ đem ra thực thi trong một số trường hợp thật khó khăn, không thể giải quyết được bằng sự tự nguyện, chẳng hạn như việc cấm sát sinh để tế lễ. Giết súc vật để làm lễ hiến sinh là một thói tục ảnh hưởng từ Ấn giáo và đã ăn sâu vào thói tục của xã hội thời bấy giờ, hoàng đế A-dục phải ra chỉ dụ hẳn hoi cấm đoán việc này. Ông cũng thiết lập những ủy ban thanh tra thật tích cực và linh động để kiểm soát việc thực thi đường lối của hoàng triều.
Sự hòa đồng và tự do tôn giáo
Sau khi chinh phục được Kalinga, hoàng đế A-dục giới hạn tối đa việc sử dụng vũ lực và cố gắng giải quyết mọi tranh chấp bằng cách thuyết phục và đối thoại. Một đế quốc mênh mông không sao tránh khỏi sự chia rẽ và nội loạn, vì thế hoàng đế A-dục đã tìm cách đoàn kết toàn dân bằng một lý tưởng chung, và lý tưởng đó phải được hỗ trợ bởi các tập thể tôn giáo. Theo học giả Robert Lingat thì chủ trương hòa đồng tôn giáo là nhắm vào mục đích quản lý và cai trị xứ sở. Tất nhiên khi còn là một hoàng tử, A-dục phải được giáo dục về cách cai trị, có nghĩa là phải biết tôn trọng mọi thành phần dân chúng không phân biệt họ thuộc tín ngưỡng nào. Theo sử gia nổi tiếng người Ấn là Romila Thapar thì đường hướng cai trị của hoàng đế A-dục là tìm cách trấn an các tín ngưỡng khác, gián tiếp cho họ biết là không phải vì sự ưu đãi Phật giáo mà ông sẽ gạt bỏ họ ra ngoài cộng đồng quốc gia. Hơn thế nữa, chẳng những ông mong muốn các trào lưu tôn giáo được nẩy nở một cách toàn vẹn mà còn khuyến khích các tôn giáo phải đến gần với nhau, tìm hiểu và sống chung với nhau một cách hài hòa.
Sự hòa đồng đó có thể gọi là chủ trương « đa tôn giáo » trong các thể chế chính trị ngày nay. Hoàng đế A-dục đã thực thi chủ trương này một cách cụ thể, chẳng hạn như việc ban bố một chỉ dụ chính thức đặt các nhà tu hành thuộc các tôn giáo khác vào một giai cấp cao, được ưu đãi và kính nể trong xã hội, đồng thời ông cũng cúng dường cho tất cả các tôn giáo khác. Vào năm -253 ông hiến dâng hai hang động thiên nhiên thật nổi tiếng riêng cho các nhà tu khổ hạnh thuộc giáo phái Ajivika, giáo phái này chủ trương tất cả đều do nơi số phận mà ra và sự hoán chuyển của linh hồn tùy thuộc vào một nguyên tắc vận hành có tầm vóc vũ trụ hoàn và toàn phi cá thể.
Theo những nhận xét trình bày trên đây thì hoàng đế A-dục vừa là một Phật tử thuần thành vừa là một nhà lãnh đạo sáng suốt. Ông luôn luôn ước mong Đạo pháp sẽ trường tồn mãi mãi trong dòng họ của ông. Ông bày tỏ trong một số chỉ dụ lòng ước vọng của mình được nhìn thấy Đạo pháp truyền sang đời con, đời cháu, đời chắt và mãi mãi như mặt trời và mặt trăng. Ước vọng đó được ghi khắc lên mặt đá và đã giúp cho chúng ta hơn hai ngàn năm sau vẫn nhìn thấy được tấm lòng thiết tha của ông đối với Phật giáo.
Theo sử liệu thì không có những xáo trộn đáng kể nào xảy ra trong suốt triều đại của ông, nhưng một số học giả Tây phương vẫn còn chưa tin hẳn vì số tư liệu quá dồi dào chưa khai thác hết. Tuy nhiên một điều chắc chắn là tấm lòng hào phóng của hoàng đế A-dục đối với Phật giáo và các tín ngưỡng khác đã làm cho xứ sở nghèo đi, và đó cũng có thể là một trong những lý do để giải thích sự suy tàn nhanh chóng của đế quốc Maurya sau khi ông qua đời.
———–
Xem thêm:
https://nghiencuulichsu.com/2013/05/09/ashoka-mot-vi-vua-phat-tu/———–
Những bạn bình luận kiểu chê bai, đả kích, kì thị…. Nhưng không phản biện thì mình xin phép block.