Tiền chất thành đống, tài khoản 9 chữ số, túi đeo Gucci, Hermes, xế hộp Audi, Roll royce đến Macbook air, Macbook pro, check in nhà hàng, khách sạn 5 sao… là những hình ảnh được đăng tải phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Instagram,… để khoe khoang cuộc sống giàu sang, vương giả của những “doanh nhân thành đạt”, “cậu ấm cô chiêu”. Nhưng sau tất cả chỉ là “thùng rỗng kêu to”.
Với nhịp sống nhanh và vội như ngày nay, con người thường ít có thời gian giao lưu, nói chuyện trực tiếp với nhau. Thay vào đó, mạng xã hội đã trở thành thế giới thứ 2 của đa số người dân, thậm chí cả những ông, bà trên 60 tuổi cũng có tài khoản Facebook, Zalo, Skype, Viber, Instagram,…
Nhưng tiền nào chả có 2 mặt, ngoài những tiện lợi mà mạng xã hội mang lại, nó còn gây ra một căn bệnh vô cùng nguy hiểm – “nghiện sống ảo”, đi cùng “quỷ hút máu người” với những mường tượng về một hình ảnh cá nhân triệu đô.
Có không ít những “hot boy”, “hot girl”, “doanh nhân thành đạt” với cuộc sống “chanh xả”, giàu sụ xuất hiện lung linh trên các mạng xã hội nhưng khi gặp ngoài đời thì một trời một vực, chẳng mấy ai nhận ra.
Sự thực là, các bạn trẻ thì dành cả ngày để chỉnh ảnh, nghĩ caption đăng status sao cho thật ngầu để được nhiều like, nhiều comment, nhiều follow để nhận được sự chú ý từ mọi người. Thực chất, đó là sự trống trải trong tâm hồn đến cùng cực.
Không chỉ phổ biến ở các bạn trẻ, mạng xã hội đã phủ sóng 67% dân số Việt Nam. Tưởng chừng đây chỉ là một sân chơi miễn phí nhưng hóa ra lại là mỏ vàng đầy rẫy những cơ hội và cạm bẫy kinh doanh.
Trong những năm gần đây, kinh doanh online dường như đã trở thành một trào lưu diễn ra rầm rộ trên các trang mạng xã hội, thu hút rất nhiều đối tượng tham gia từ trẻ đến già, từ học sinh, sinh viên đến các bà mẹ bỉm sữa. Đây là một cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng và cũng chứa đựng mức độ rủi ro rất cao.
Do tính mới nên rất nhiều người đã đăng ký tham gia các lớp đào tạo “siêu cấp tốc” về bán hàng, livestream, xây dựng thương hiệu trên trang Facebook cá nhân,…. Nắm được xu thế của thị trường, lợi dụng “lòng tham thị giác” và ước mơ giàu sang của nhiều người, vô số các lớp đào tạo ngắn hạn, chụp giựt đã ra đời.
Đa số là đa cấp đội lốt giáo dục, biến tướng để trở thành những con quỷ khát máu, hút cạn nguồn vốn đầu tư của những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ bằng cách dồn họ vào vòng xoáy xây dựng “thương hiệu tỷ đô” trên mạng xã hội một cách vô căn cứ.
Các tiểu thương – miếng mồi ngon, vì mới vào nghề và lóng lòng chạy theo cạm bẫy “ngày chốt nghìn đơn” với mức thu nhập “khủng” được tung ra và dắt mũi bởi các chiêu trò marketing của bè lũ đa cấp, mà quyết định xuống tay đăng ký tham gia những lớp đào tạo như: Khóa học làm giàu từ kinh doanh online,
Xây dựng thương hiệu cá nhân triệu đô trên mạng xã hội,… Người học không phải là dân đa cấp nhưng mô hình lớp học và cách vận hành lại chẳng khác gì đa cấp. Với một chi phí không hề nhỏ, chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ, dâng mỡ lên miệng mèo.
Thực tế, đi học, kiến thức chẳng thấy đâu mà chỉ thấy những “diễn giả không rõ nguồn gốc, xuất xứ” chỉ dạy những chiêu trò lừa bịp khách hàng, để có trang cá nhân đẹp như mơ, dụ dỗ và thu hút khách hàng dễ dàng như: ảnh đại diện phải thật “có hồn” và thành đạt, mọi hình ảnh đều phải có độ sang chảnh, nên chụp ở nhà to đẹp, chụp ảnh bên siêu xe, Iphone thì dùng đời mới nhất, laptop thì dùng Macbook pro,…
Hơn nữa, ở những trại huấn luyện này, học viên còn được “đào tạo” thêm: nếu không có những đồ đắt tiền như vậy thì có thể đi mượn hoặc vay tiền để mua, rồi sau đó đầu tư vào hẳn studio chụp một bộ ảnh sang – xịn – mịn up Facebook dùng dần. Tất cả chỉ có thế là hoàn thành khóa học xây dựng thương hiệu cá nhân triệu đô trên mạng xã hội. Tốn thời gian và vô bổ!
Thương hiệu là tài sản vô hình lớn nhất. Không có thương hiệu thì cả cuộc đời đi tong và cũng đừng mơ đến việc kinh doanh. Một cá nhân cần xây dựng thương hiệu, một người lãnh đạo cũng cần xây dựng thương hiệu, một tổ chức lại cực kỳ cần xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, thương hiệu không thể được xây dựng một cách chụp giựt, ngắn hạn qua những hình ảnh bóng bẩy, mượt mà, check-in sang chảnh trên mạng xã hội mà ngược lại, nó được tích lũy, hình thành theo thời gian, phản ánh qua khí chất, hành vi, lối sống và đạo đức của mỗi người.
Thương hiệu cá nhân hay thương hiệu tổ chức, thương hiệu ngoài đời thực hay trên mạng xã hội cũng cần phải trải qua quá trình tích lũy đường dài để có thể khắc sâu hình ảnh trong não khách hàng, người thân, bạn bè, nhân viên và đồng nghiệp.
Đừng cố tạo dựng một bức chân dung “đắt tiền” trên mạng xã hội để đổi lấy một cuộc đời “rẻ mạt” ngoài thực tiễn.
