Sáng 6/9, ông Võ Minh Tuấn – Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải tỉnh Kiên Giang cho biết, dựa vào bản tin thời tiết ngày 6 giờ sáng cùng ngày thời tiết trên biển chuyển biến xấu, gió giật cấp 7, cấp 8, độ sóng cao từ 1,5-3m, để đảm bảo tính mạng và tài sản của hành khách nên cảng vụ đã tạm ngưng hoạt động các tuyến tàu phà từ đất liền đi các đảo và quần đảo.
Cụ thể, tàu phà tạm ngưng hoạt động các tuyến như: Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc, Nam Du và ngược lại. Riêng tuyến Rạch Giá đi Hòn Sơn và ngược lại thuộc Cảng vụ nội địa quản lý nên vẫn hoạt động bình thường.
Theo khảo sát của phóng viên, sáng cùng ngày các hãng tàu phà, từ nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động, hãng cũng đã thông báo đến các đại lý và hành khách việc tàu, phà tạm ngưng hoạt động để hành khách chủ động công việc và thời gian. Đồng thời trả lại tiền vé hoặc dời sang chuyến sau khi tàu hoạt động trở lại.
Theo bản tin Thời tiết tại vùng Kiên Giang và Phú Quốc nhiều mây, có mưa rào và dông rộng, trong cơn giông đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy, tầm nhìn xa 10km giảm từ 4 – 10 km, trong mưa. Gió tây đến tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 độ có sóng từ 1,5 – 3 mét.
Trước đó, từ ngày 31/8 đến 3/9, địa bàn tỉnh Kiên Giang có mưa lớn, dông lốc, gió mạnh, sóng lớn đã làm sập và tốc mái 4 căn nhà trên địa bàn huyện Gò Quao và huyện Vĩnh Thuận. Một xà lan chở vật liệu xây dựng bị sóng đánh chìm tại vùng biển Hòn Tre (Kiên Hải), khiến 3 thuyền viên bị trôi dạt, may mắn được cứu sống.
Cũng trong sáng 6/9, ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo ứng phó với bão Yagi (cơn bão số 3).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu: UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến của bão số 3, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, rà soát địa bàn, khu vực, vận động người dân thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng.
Hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với sản xuất, nuôi trồng thủy sản; đảm bảo an toàn cho khách du lịch đi tham quan trên các đảo trong ngày xảy ra mưa bão; tập hợp lực lượng xung kích phòng chống thiên tai sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có thiệt hại xảy ra. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo ứng phó kịp thời tình hình ngập úng tạm thời do mưa lớn đối với lúa hè thu và thu đông 2024 và cây trồng, vật nuôi, thủy sản…