Anh hùng hay tướng cướp: Osman Batyr và các nhóm vũ trang người Kazakh ở Tây Trung Q…

Anh hùng hay tướng cướp: Osman Batyr và các nhóm vũ trang người Kazakh ở Tây Trung Quốc

Anh hùng hay tướng cướp: Osman Batyr và các nhóm vũ trang người Kazakh ở Tây Trung Quốc.

Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử khu vực Tân Cương, Trung Quốc đầu thế kỷ 20, là những người tị nạn Kazakh. Một lượng lớn người Kazakh tị nạn ở Tân Cương đã trở thành các nhóm vũ trang đông đảo dưới sự chỉ huy của một nhân vật – Osman Batyr – chiến đấu hàng chục năm đến khi bị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xử tử. Cho đến tận ngày nay, nhân vật Osman Batyr vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, không chỉ giữa các quốc gia, mà ngay trong chính cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ cũng bị chia rẽ. Nếu như ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan,… và những người ủng hộ phong trào độc lập Tân Cương coi Osman Batyr là hiện thân của anh hùng, chiến đấu cho độc lập của người Kazakh và khu vực Đông Turkestan, thì cũng có không ít người dân Tân Cương đủ các dân tộc, coi Osman Batyr là tướng cướp khét tiếng và là nỗi ám ảnh trong hàng chục năm.

Người Kazakh là một dân tộc Turk ở Trung Á, có truyền thống du mục lâu đời. Trên những con đường du mục của người Kazakh, họ thường xuyên qua lại giữa khu vực Tân Cương và Trung Á không bị cản trở, do Tân Cương xét về mặt dân tộc và lịch sử gắn với Trung Á hơn là Trung Hoa. Điều này càng rõ nét hơn dưới thời Liên Xô: Tân Cương gần như bị kéo khỏi tay Trung Quốc, trở thành một phần lãnh thổ Liên Xô. (Nếu bạn nào đọc ”Truyện núi đồi và thảo nguyên” của Chingiz Aitmatov xuất bản cũ sẽ thấy vài lần nhắc đến Tân Cương như nhà của dân du mục Trung Á, đi qua lại dễ dàng – thực ra cũng là do bối cảnh lịch sử lúc đó Tân Cương thuộc Liên Xô).

Vào những năm 1930, ở Kazakhstan thuộc Liên Xô, chính quyền Xô Viết địa phương tiến hành tập thể hóa nông nghiệp vội vã và sai lầm. Người Kazakh bị cưỡng bức rời đồng cỏ vào khu tập thể, và gia súc bị tịch thu. Hậu quả làm hơn 1 triệu người Kazakh chết đói từ năm 1931 đến 1933, cùng hàng trăm nghìn người Kazakh phải bỏ quê hương đi tị nạn. Trong đó, hơn 200.000 người Kazakh đã tràn vào Tân Cương năm 1933, khiến dân số Kazakh ở đây tăng đột biến lên 360.000 người, gấp 3 lần người Hán lúc đó chỉ khoảng 100.000 dân. Việc một số quá lớn người Kazakh đổ vào Tân Cương trong thời gian ngắn như thế dĩ nhiên không được tất cả dân chúng địa phương chào đón. Từ năm 1933 đến năm 1936, người Kazakh ở Tân Cương nhiều lần bị xua đuổi, phải di cư tiếp đến các vùng khác như Cam Túc, Tứ Xuyên, Tây Tạng,… hình thành các nhóm người Kazakh khắp nơi trên đất Trung Hoa.

Osman Batyr Islamuly – một người Kazakh sinh ra trên đất Tân Cương năm 1899, chứng kiến thảm cảnh đồng bào Kazakh của mình, đã tập hợp họ thành các nhóm hàng vạn quân, tự vũ trang để bảo vệ mình. Nhưng việc này việc này lại xảy ra đúng vào thời loạn ở Tân Cương. Từ năm 1934 đến 1936, các nhóm quân địa phương người Hồi ở Cam Túc trung thành với Quốc Dân Đảng nhiều lần đánh vào Tân Cương, mục đích để thu hồi Tân Cương cho Quốc Dân Đảng. Đa phần những lần như thế lãnh chúa Tân Cương Thịnh Thế Tài thường thua trận, bỏ chạy và phải cầu viện Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Osman Batyr nhận thấy cơ hội, và ông đã liên hệ với lãnh chúa Tân Cương, để cho những người Kazakh của mình đánh thuê giúp họ chống lại Quốc Dân Đảng. Đổi lại, chính quyền Tân Cương chấp nhận ban cho người Kazakh đồng cỏ để họ sinh sống cùng nhiều quyền lợi khác.`

Quả nhiên, quân đội Kazakh của Osman Batyr đã tỏ ra hiệu quả trong chiến đấu. Họ đã cùng lực lượng Bạch Vệ Nga giúp lãnh chúa Thịnh Thế Tài đẩy lùi được quân người Hồi đánh vào thủ đô Dihua (nay là Urumqi) năm 1934, giúp chính quyền Thịnh Thế Tài sống sót. Mặc dù vậy, trong trận đánh Dihua lần 2 năm 1936, quân Bạch Vệ Nga lẫn Kazakh cũng không cứu nổi Dihua, mà phải nhờ đến 7 vạn quân Liên Xô can thiệp mới đánh bại được quân người Hồi.

Tuy vậy, những biến động trong thập niên 40s đã khiến Osman Batyr quyết định chấm dứt phận đánh thuê của người Kazakh, chuyển sang chiến đấu cho bản thân. Cụ thể, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, quân Quốc Dân Đảng tiến vào Tân Cương năm 1944, Liên Xô hất Thịnh Thế Tài để chuyển sang ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ,… Osman Batyr đã cho quân của mình nổi dậy, chiếm nhiều vùng rộng lớn ở phía Bắc Tân Cương. Mục tiêu lúc này của Osman Batyr là biến Tân Cương thành quốc gia độc lập cho các dân tộc du mục, và vì lẽ đó khi quân Quốc Dân Đảng tiến vào thu hồi Tân Cương, quân của Osman đã phục kích các đoàn xe của Quốc Dân Đảng làm họ thiệt hại nặng.

Toan tính về nhà nước độc lập của Osman Batyr càng có cơ sở khi năm 1944, Liên Xô lập ra nhà nước ”Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị” trên lãnh thổ Tân Cương, với thành phần lãnh đạo gồm đủ các dân tộc Tân Cương như Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, Kyrgyz, Uzbek,…Thực chất mục đích của Liên Xô chỉ là lập ra chính quyền tay sai để chống lại Quốc Dân Đảng. Nhưng khi “Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị” thành lập, Osman Batyr đã tình nguyện mang quân của mình gia nhập. Osman còn được Liên Xô và Mông Cổ chào đón. Như cuối năm 1943, Osman Batyr đã được sang thăm Cộng hòa nhân dân Mông Cổ và được lãnh đạo Choibalsan của Mông Cổ tặng nhiều vũ khí, đạn dược để chống Quốc Dân Đảng.

Tháng 9 năm 1945, Osman Batyr mang quân của mình vòng qua đường Mông Cổ để tấn công quân Quốc Dân Đảng ở quận Altai, phía Bắc Tân Cương, là một vùng có nhiều người Kazakh sinh sống. Sau những trận đánh ác liệt, quân Kazakh của Osman Batyr đã đánh bại được quân Quốc Dân Đảng, giải phóng được quận Altai. Để ban thưởng cho các chiến công của Osman Batyr, Liên Xô bổ nhiệm ông làm Thống Đốc quận Altai và trao cho Osman huân chương ”Anh hùng Nhân dân Cộng hòa Đông Turkestan”. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, Osman Batyr đã có tham vọng của riêng mình: thành lập một Hãn quốc độc lập cho người Kazakh ở Altai.

Vì vậy, sau khi nhận chức Thống đốc Altai, Osman Batyr đã tỏ ra xa lánh Liên Xô, định dựa vào Mông Cổ để thành lập một quốc gia độc lập cho người Kazakh. Đây rõ ràng là điều ngây thơ của Osman, do Mông Cổ cũng chỉ là một nhà nước phụ thuộc Liên Xô không hơn không kém. Lãnh đạo Choibalsan của Mông Cổ sau khi từ chối giúp đỡ Osman, đã thông báo với Liên Xô về khả năng Osman Batyr không còn trung thành với Liên Xô nữa. Thất vọng vì không được giúp đỡ, quân của Osman Batyr chuyển sang cướp phá cả các làng mạc Mông Cổ. Từ năm 1946, các cuộc xung đột dọc biên giới Mông Cổ liên tiếp nổ ra, mà thủ phạm được xác định là các nhóm quân vũ trang người Kazakh của Osman Batyr vượt qua biên giới Mông Cổ để cướp bóc và sát hại binh lính và biên phòng Mông Cổ.

Cùng thời điểm đó, quân Quốc Dân Đảng cũng phải đối phó với quân Mông Cổ xâm lấn biên giới, nên đã để nghị hợp tác với quân của Osman cùng chống lại Mông Cổ ở biên giới, đổi lại Quốc Dân Đảng đảm bảo một quyền tự trị cho người Kazakh ở vùng Altai. Bị hấp dẫn bởi đề nghị tự trị, Osman đã đồng ý giúp Quốc Dân Đảng ở biên giới chống Mông Cổ. Và trong sự kiện nổi tiếng nhất, tháng 7 năm 1948 hàng trăm quân Kazakh cùng quân Quốc Dân Đảng vượt qua biên giới tấn công một đồn biên phòng Mông Cổ gần núi Baitag Bogd. Tuy nhiên, cuộc tấn công của người Kazakh đã bị 10 lính Mông Cổ đẩy lùi trong một trận chiến bi hùng của người Mông Cổ.

Sau thất bại nặng nề đó, Osman Batyr vẫn hợp tác với Quốc Dân Đảng, nhưng ông cũng không có hành động nào chống lại quân Liên Xô và Cộng hòa Đông Turkestan. Osman và đồng bào Kazakh của ông sống yên bình ở vùng Altai đến năm 1949. Tuy nhiên, biến cố đến khi năm 1949, Quốc Dân Đảng thua trận trước Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tiến vào Tân Cương không gặp sự kháng cự, do 10 vạn quân Quốc Dân Đảng ở đây hạ vũ khí đầu hàng. Ngược lại, không chấp nhận đầu hàng Quân Giải phóng, Osman Batyr đã kêu gọi người Kazakh ”đại di cư” từ phía Bắc Tân Cương, xuống phía nam gần biên giới Tây Tạng để lập căn cứ chống lại chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cuộc di cư lớn đầu tiên diễn ra vào năm 1950, với hơn 5 vạn người đi bộ từ Bắc Tân Cương đến gần Tây Tạng, người dân Tân Cương gọi là ”Di dân Canh Dần”. Tuy nhiên, nhiều người Kazakh đã chết trên đường đi vì đói, rét và bệnh tật. Tuy nhiên, cuối cùng thì Osman Batyr cũng mang được lực lượng của mình đến chân núi Côn Luân, ngã 3 biên giới giữa Liên Xô, Tân Cương và Tây Tạng. Họ không vào Tây Tạng do người Tây Tạng cũng thù ghét dân du mục Kazakh. Căn cứ kháng chiến của Osman được xây dựng, và được còn được hỗ trợ từ các nước Trung Á thuộc Liên Xô. Một sự thật là trong căn cứ của Osman Batyr có rất nhiều người Nga, hầu hết là cựu quân Bạch Vệ đã di cư đến Tân Cương sau Nội chiến Nga, nay không trở về Liên Xô mà tiếp tục ở lại Tân Cương. Ở một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất, điệp viên CIA Douglas Mackiernan trên đường từ Tân Cương qua Tây Tạng để trốn quân Trung Quốc đã ghé qua trại du kích của Osman Batyr, nơi ông được 3 điệp viên người Nga gia nhập. Tuy nhiên khi tiến vào Tây Tạng, Douglas Mackiernan cùng 2 điệp viên Nga đã bị lính Tây Tạng bắn chết do mặc quần áo người Kazakh – kẻ thù của Tây Tạng.

Tuy nhiên, sau năm 1950, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tiến hành chiến dịch trấn áp thổ phỉ quy mô lớn chưa từng có ở khu vực Tây Bắc. Điều này làm các nhóm quân Kazakh của Osman Batyr thiệt hại khá nặng. Từ 5 vạn quân, đến năm 1950 quân của Osman chỉ còn khoảng 3-4 nghìn người. Do vậy đầu năm 1950, Osman và người Kazakh của ông lại tiến hành một cuộc di cư nữa, men theo dãy Côn Luân để đi về phía Đông qua Thanh Hải, Cam Túc. Có lẽ Osman Batyr dự định đến Thanh Hải để nương nhờ người dân tộc Hồi, một dân tộc được coi là anh em với người Kazakh mặc dù trước đó Osman Batyr từng đánh nhau với quân Hồi. Tuy vậy, cuộc di cư không thành, và đến tháng ngày 19/2/1950, tại chân núi Kanambol, huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc, Osman Batyr cùng gia đình và tùy tùng đã bị Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa phát hiện và bắt giữ.

Sau hơn một năm, ngày 29/4/1951, Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đưa ”tướng cướp” Osman Batyr cùng các tùy tùng ra xét xử công khai trước 8 vạn nhân dân các dân tộc Tân Cương. Tại đây, sau khi bị đấu tố kiểu cách mạng văn hóa, Osman Batyr đã bị xử tử, có nguồn nói rằng ông đã bị chặt tay chân trước khi giết. Các con ông sau đó đều bị chết, bị coi là do tra tấn. Nhiều người Tân Cương sau này coi ngày 29/4 là ngày ”Mặt trời lặn” – ngày Osman Batyr ”tử vì đạo”. Bất chấp cái chết của thủ lĩnh Osman Batyr, cuộc nổi dậy của người Kazakh ở Trung Quốc vẫn kéo dài đến năm 1958 mới chấm dứt. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người dân Tân Cương vui mừng vì cái chết của Osman Batyr, vì đã gây ra những vụ cướp bóc, ám ảnh người dân Tân Cương hàng chục năm trời.

Sau này, cộng đồng người Kazakh ở Tân Cương còn có những lần biến động lớn. Ví dụ như năm 1962, trong sự kiện mà lịch sử Trung Quốc gọi là ”Bạo loạn 29 tháng 5”, gần 7 vạn người Trung Quốc, trong đó có nhiều người Kazakh bị Liên Xô kích động đã ồ ạt vượt qua biên giới Tân Cương để trốn sang Liên Xô. Sự kiện này cũng để lại một bộ phận Hoa Kiều ở Liên Xô, những người mà sau này khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã chối bỏ họ từ chối cho hồi hương, khiến họ bị kẹt lại Trung Á trong tủi nhục. Hoặc như sau năm 1991, hơn 2 triệu người Kazakh từ nước ngoài đã trở về quê nhà sau khi Kazakhstan giành lại độc lập từ Liên bang Xô Viết. Những người này được gọi bằng tên ”Oralman” – tiếng Kazakh nghĩa là ”người về nhà”.

Hiện nay, người Kazakh vẫn là một sắc dân thiểu số quan trọng ở Trung Quốc, với dân số khoảng 1,5 triệu người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *