AN TƯ CÔNG CHÚA – NHÀNH LIỄU LÀM THƯ NẠN CHO NƯỚC

An Tư công chúa là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì cuộc hôn nhân mang tính trọng đại. Không ai biết nàng sinh ngày nào tháng nào, sử sách ghi chép nàng là con gái út của vua Trần Thái Tông Trần Cảnh và là em gái của vua Trần Thánh Tông.

An Tư và Huyền Trân đều là hai nàng công chúa được đưa đi hòa thân nhưng số phận của An Tư thống khổ hơn rất nhiều. Nếu như Huyền Trân được đưa đến Chiêm Thành lấy vua Chế Mân trong hòa bình theo hôn ước của hai nước, được phong làm hoàng phi thì An Tư được đưa đến làm phi của Thoát Hoan chỉ là một kế sách của vua Trần Thánh Tông khi nước ta gặp khó khăn trong buổi đầu kháng chiến. Sử sách ghi chép về nàng cũng rất ít.

Sách “ Đại Việt sử kí toàn thư ” chỉ ghi:

“ Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý giảm bớt tai họa cho nước vậy.”

Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cũng chỉ ghi:

“Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Công chúa An Tư cho chúng, để thư nạn cho nước”.

Ngày ấy khoảng đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm, vây hãm Thăng Long. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đã đưa thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng giặc nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra.

Ngày 9 tháng 3 thủy quân giặc đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua. Chiến sự bắt đầu bất lợi. Tướng Trần Bình Trọng hy sinh bên bờ sông Thiên Mạc. Trước thế giặc mạnh, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đã mang gia quyến chạy sang trại giặc.Trần Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Lúc ấy có một vị quan đã tâu với vua Thái Tông:

– Mỹ Nhân Kế! Chúng ta cần phải tìm một người không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh lanh lợi có khả năng ứng biến nhanh, để ngoài việc làm chậm tiến trình hành quân của Thoát Hoan mà còn là nội gián.

– Trong quân ta liệu có người như vậy không?

– Nhiệm vụ quá nguy hiểm, chỉ có đi mà không có về. Người thích hợp thì có nhưng sợ sẽ gây ra một nỗi đau lớn cho hoàng tộc.

– Ngươi muốn nói đến…

– Thượng hoàng anh minh! Người thích hợp chỉ có An Tư công chúa!

Cuối cùng, thượng hoàng sai dâng em gái của mình cho Thoát Hoan. Công chúa lúc ấy còn rất trẻ. Phụng mệnh, vì nghĩa cả, người con gái lá ngọc cành vàng ấy đã rời hoàng cung với bao nỗi niềm da diết, hiến dâng tuổi trẻ, đời con gái, kể cả tính mạng. Nàng bước vào trận chỉ có một mình, không một tấc sắt. An Tư sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà là một vật cống nạp, dâng hiến, cũng là một “ gián điệp cấp cao” của nhà Trần. Ở trại giặc, làm vợ Thoát Hoan, An Tư sống ra sao, làm được những gì, không ai biết. Chỉ biết rằng từ sau khi nàng dấn thân vào trại giặc thì tình hình chiến sự đã có nhiều biến đổi. Tháng tư năm ấy, quân Trần bắt đầu phản công trên mọi mặt trận khiến cho quân Nguyên thất bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước.

Sau chiến thắng các vua Trần làm lễ tế lăng miếu khen thưởng các tướng lĩnh có công nhưng không ai nhắc đến An Tư. Vậy công chúa còn sống hay đã mất. Nàng được mang về Trung Quốc hay bị lưu lạc không ai biết. Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc (một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc), mục “Các Vương hầu nội phụ”, phần “Trần Tú Viên (con Trần Di Ái)” có ghi: “Năm sau, (1336), trở về Hán-Dương. Trấn Nam Vương (ý chỉ Thoát Hoan) cưới người em gái làm thứ phi, sinh được hai con…”. Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư nhưng chưa có một tư liệu nào nói rõ về việc này.

An Tư công chúa, một người con gái lá ngọc cành vàng, vì nước vì dân mà hi sinh quên mình cho dân tộc không kém gì các đấng nam nhi. Tôi thực sự thương cảm cho An Tư, sinh ra trong gia đình đế vương phải chịu nợ nước không thể sống theo ý mình nhưng tôi cũng vô cùng khâm phục sự dũng cảm hi sinh của nàng. Chính sự hi sinh của nàng đã góp phần không nhỏ trong kháng chiến Mông – Nguyên đưa Đại Việt trở thành một đội quân hùng mạnh lúc bấy giờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *