AN TƯ CÔNG CHÚA: NGƯỜI PHỤ NỮ QUÊN MÌNH VÌ DÂN TỘC!

Sinh ra trong hoàng tộc nhà Trần, An Tư công chúa có xuất thân vô cùng cao quý. Bà là con gái út của Trần Thái Tông, là em gái của Trần Thánh Tông và cũng chính là cô cô ruột của Trần Nhân Tông. Tưởng chừng với một bề dày quan hệ như thế, cuộc đời bà sẽ sống mãi trong an nhàn, nhung lụa. Rồi bà sẽ tự do chạy theo tình yêu thỏa niềm hạnh phúc. Cuộc sống như 1 câu chuyện cổ tích màu hồng.

Tiếc rằng vó ngựa Mông Cổ đã dày xéo, dẫm nát cuộc đời bà. Biến nó mãi trở thành một phần ký ức đen tối u ám bao trùm lấy bà sau này.

Mọi thứ bắt đầu đều từ Hốt Tất Liệt một đế vương ham chiến trận. Ngày ấy, vào đầu tháng 2 năm Ất Dậu (1285), sau nhiều lần vua Nguyên Hốt Tất Liệt sai sứ sang buộc vua Trần phải sang chầu, nếu vì lý do chính đáng nào đó không sang chầu được thì phải đưa vàng bạc châu báu sang thay và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo tay, mỗi hạng 2 người. Yêu sách của vua Nguyên không được vua Trần đáp ứng, vì thế vua Nguyên phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sai Thái tử Thoát Hoan đem đại binh đánh tới Gia Lâm, vây hãm kinh thành Thăng Long, khiến Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông phải di tản bằng chiến lược thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng giặc, nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. 

Ngày 9/3/1285, thủy quân giặc Nguyên bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được 2 vua Trần, trong khi tướng Trần Bình Trọng lại lâm trận, dũng cảm hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trước thế giặc mạnh và tấn công như vũ bão, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Nhượng và Hoàng thân Trần ích Tắc… mang gia quyến chạy sang trại giặc. Bấy giờ tướng Trần Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Trong lúc đó, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu phản công, kế sách đối phó hữu hiệu nhất là “Mỹ nhân kế”. 

Thiết nghĩ lúc bấy giờ, một công chúa đang tuổi cập kê mà nhan sắc khuynh thành thật hiếm có. Nhưng không may bà lại là người đáp ứng đủ các yêu cầu trên. Trách cho phận bà là nữ nhi, trong tay không chút quyền lực, ắt đành tuân theo ý chỉ của quân vương. Bà cũng rất hiểu anh trai chọn mình là bất đắc dĩ, thật sự là hết cách nên mới làm như vậy. 

Vì nạn nước bà đã hiến trọn tuổi trẻ, cuộc đời con gái và cả tính mạng. Bà bỏ lại cuộc sống quen thuộc, những ngày êm ấm giữa cung đình cùng họ hàng tông tộc và những nhũ mẫu, thị nữ đã gần gũi, chăm sóc bà từ tuổi ấu thơ. Sử sách cũng không ghi rõ tên người cung nhân đã sinh ra bà. Ngày ra đi mẹ bà ở đâu. Thực sự An Tư đã lâm trận chỉ có một mình, tay không vũ khí. Bà đã dám chấp nhận tất cả: gian khổ, tủi nhục, thậm chí cả sinh tử. An Tư sang trại giặc không phải với tư cách một công chúa đi lấy chồng mà là vật cống nạp, cũng là một người nội gián. Với bà, sự hy sinh ấy cao cả biết bao. Không rõ ở trại quân Nguyên, An Tư đã làm được những gì? Làm vợ Thoát Hoan, An Tư đã sống ra sao, cả bí mật bao trùm khó ai hiểu biết. Mọi thông tin về bà đều bặt vô âm tín.

 Nhưng có điều chắc chắn là kể từ tháng tư năm 1285, sau khi An Tư chung sống bên cạnh tướng giặc Thoát Hoan, có lẽ vì những bí mật quân sự của giặc đã được tiết lộ qua An Tư và cũng vì đắm say nhan sắc của An Tư, tạo cơ hội cho quân nhà Trần bắt đầu phản công hầu khắp các mặt trận khiến cho quân giặc Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua bên kia biên giới. Không rõ trong các cuộc hỗn chiến ấy, việc sống chết của công chúa An Tư thế nào? 

Khi chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Quả thực có công lại không có thưởng!

Tại sách An Nam chí lược của Lê Tắc: một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong có chép rằng: “Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con…”. Phải chăng người con gái họ Trần này là An Tư? Nếu như là bà thì thật may vì bà còn được chút an ủi nơi đất khách. Nhưng cuộc sống ở đó hẳn không mấy dễ chịu.

Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.

Người con gái “lá ngọc cành vàng” ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7 năm 1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư.

Dù triều Trần và sử sách có quên bà thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho bà sự kính trọng, thương cảm. Khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của người đời sau…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *