Bác sĩ Nguyễn Minh Trang, Phó khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai Tết cho biết, sau Tết nguyên đán, số lượng người dân đi khám bệnh vì các bệnh viêm đường hô hấp, các bệnh mãn tính đều gia tăng.
Nguyên nhân là do dịp Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ gia đình, bạn bè, và thời gian cho những bữa tiệc thịnh soạn, những chuyến đi chơi sau 1 năm làm việc vất vả. Vì vậy, chế độ ăn uống và sinh hoạt của nhiều gia đình có sự thay đổi, có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
“Theo y học cổ truyền, mùa cuối đông đầu xuân thời tiết có tính hàn – thấp (lạnh, ẩm), con người thường dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là người già, trẻ em và người có bệnh mạn tính”, bác sĩ Trang chia sẻ.
Ăn Tết và chơi Tết như thế nào để đảm bảo sức khỏe, vui vẻ và an toàn?
Theo bác sĩ Trang, đối với người đang mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp cần duy trì chế độ ăn đều, đủ dinh dưỡng và không bỏ thuốc. Việc ăn uống điều độ và uống thuốc đủ liều là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh mạn tính.
Các món ăn thân thuộc trong dịp Tết mà nhà nào cũng có như giò chả, thịt nguội, thịt đông, lạp xưởng, dăm bông… nhìn chung đều quá mặn và nhiều mỡ nên rất không tốt cho người cần chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo. Vì vậy, hạn chế ăn những nhóm thực phẩm này cũng là cách ổn định bệnh và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
Việc ăn uống không thành bữa, ăn ngọt nhiều, uống nhiều rượu bia cũng làm nặng thêm các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, trĩ… Ăn uống quá nhiều khiến quá tải bộ máy tiêu hóa, tăng nguy cơ béo phì và tăng cân không kiểm soát.
Ăn đồ ăn đường phố có thể nhiễm virus, vi khuẩn gây tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Để phòng bệnh cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn khi đồ ăn còn ấm, ăn vừa đủ và tránh uống quá nhiều rượu bia.
Nên ăn tăng các gia vị có tính cay ấm như hạt tiêu, gừng, giềng, ớt để làm ấm cơ thể.
Thời tiết thường lạnh giá, một số bệnh có thể mắc khi gặp lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột như: Liệt mặt (liệt thần kinh số VII ngoại biên); Vẹo cổ cấp, cảm lạnh, viêm đường hô hấp, Tai biến mạch máu não…
Vì vậy, khi đi chơi cần mặc đủ ấm, giữ kín cổ, ở nhà tránh gió lùa, tránh tắm gội khi quá khuya, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.
Một số bài thuốc dân gian hiệu quả để phòng và chữa bệnh đơn giản:
Bác sĩ Trang mách 1 số bài thuốc đơn giản từ các loại củ quả, gia vị dễ kiếm tại nhà:
– Tăng sức đề kháng cơ thể: Tỏi ngâm mật ong pha với nước ấm uống buổi sáng (1 nhánh tỏi + 20ml mật ong+ 200ml nước sôi); trà Kinh giới, quế chi, bạc hà, trà xanh (mỗi thứ 5g pha với 200ml nước sôi hãm 5-10’ uống ấm); Trà xanh + Gừng (mỗi thứ 10g sắc hoặc hãm với nước sôi uống trong ngày).
– Trị Cảm lạnh: Bạc hà, kinh giới, tía tô, thông bạch (hành củ) tươi (mỗi thứ 30g) nấu cháo ăn nóng cho ra mồ hôi hoặc sắc nước uống nóng.
– Viêm đường hô hấp, ngạt mũi chảy nước mũi: Tỏi ép lấy nước (1 tép) pha với nước đun sôi để nguội tỷ lệ 1/20 nhỏ mũi. Kinh giới + bạc hà (mỗi thứ 1 nắm) đun lấy nước uống thay trà.
– Nôn, đầy bụng, khó tiêu: Gừng 5 lát sắc nước uống ấm; Tỏi giã 3-5 nhánh đắp vùng rối (nhớ lót vải hoặc giấy tránh bỏng da).
– Tiêu chảy mót rặn: Lá mơ lông 100g + 1 trứng gà – hấp hoặc để chảo áp lá chuối; ăn ngày 2 lần; Hoắc hương + Tô tử (mỗi thứ 10g) sắc uống.
– Giải rượu: Nước đậu xanh nấu; nước cơm pha chút đường; nước ép củ cải trắng.
Ngoài ra, bác sĩ Trang cũng khuyên, hàng ngày, trong nhà có thể xông hơi nhẹ nhàng bằng bồ kết, vỏ bưởi khô hoặc tinh dầu (sả, quế, bạc hà, mùi, tràm…), vừa diệt khuẩn không khí, vừa tạo hương thơm dễ chịu đón khách ngày Tết.
Người dân cũng nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều rau màu xanh đậm bổ sung vitamin C, kết hợp luyện tập dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền, tập thể dục thể thao thường xuyên, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ cũng là cách phòng tránh các bệnh tích cực.
Để đón Tết an toàn và mạnh khỏe, mỗi người cần luôn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý cho bản thân và các thành viên trong gia đình”, bác sĩ Trang khuyến cáo.