ÂN PHI HỒ THỊ CHỈ – DUYÊN NỢ HỒNG NHAN

Hồ Thị Chỉ (1902 – 1985) là Nhất giai Ân phi (一階恩妃), người giữ vai trò lớn nhất trong hậu cung của Hoàng đế Khải Định thuộc triều đại nhà Nguyễn. Theo tộc phả họ Hồ Đắc, Hồ Thị Chỉ là con bộ Học Thượng Thư Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Ngọc Lương. Câu chuyện về nàng là một bi kịch – yêu hoàng đế Duy Tân nhưng cuối cùng lại trở thành hoàng phi của Khải Định, sống cuộc sống tẻ nhạt, không con cái, cho đến khi Khải Định băng hà, nàng phải dọn khỏi hoàng cung, cô độc cho đến cuối đời.

DUYÊN cùng DUY TÂN

Vào khoảng năm 1913, vua Duy Tân 14 tuổi lần đầu tiên gặp gỡ tiểu thư Hồ thị khi ấy chỉ mới 12. Nàng cùng 3 anh chị em của mình theo cha tháp tùng vua đi nghỉ ngơi tắm biển Cửa Tùng. Vị vua trẻ khi ấy rất dung dị hòa đồng với các con của ông Thượng thư, duy chỉ có tiểu thư Hồ Thị Chỉ là khác biệt. Vua cùng mấy đứa trẻ khác chơi những trò con nít cũng chỉ nhìn nàng chứ không mời nàng cùng chơi. Có lẽ lúc này, vua Duy Tân đã trót đem lòng cảm mến tiểu thư xinh đẹp duyên dáng kia mất rồi. Còn tiểu thư Hồ thị, nàng tuy mới 12 nhưng đã rõ nét xuân thì, thẹn thùng e ấp, có chăng nàng cũng có chút rung cảm. Mùa hè gần hết, đến lúc phải chia tay, vị vua trẻ không quên cho nàng một lời hẹn vào mùa hè năm sau: “Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta gặp lại!”- Vua Duy Tân nói nhỏ với Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ.

Sau khi trở về, Hồ Thị Chỉ liền ngày đêm nhớ nhung hình bóng ấy, giọt ngắn giọt dài nũng nịu cùng cha mẹ nhưng vẫn không được gặp lại người con trai nọ. Năm sau, vì đã lớn, Hồ Thị Chỉ không còn có thể cùng cha tháp tùng vua ra chơi biển Cửa Tùng. Vua Duy Tân cũng rất thương nhớ người con gái xuân thì e lệ năm nào nhưng cũng chẳng thể gặp lại. Ngay khi được hai bà Hoàng thái hậu cho phép lập phi, vua liền chọn tiểu thư họ Hồ mà mình vẫn thầm cảm mến.

Chuyện tưởng như đã êm đẹp viên mãn, năm 1915, Duy Tân cho gặp riêng Hồ Đắc Trung và nói lời rút lui việc hôn nhân với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết lý do. Năm 1916, hoàng cung treo đèn kết hoa, lễ nạp phi long trọng cử hành. Chỉ là, người mặc áo gấm ngồi trên kiệu hoa không phải nàng Hồ thị hôm nào, mà là Mai tiểu thư – con thầy dạy chữ Hán của vua Duy Tân. Chiếc áo hỉ từng trông ngóng bao ngày, mong mỏi bao tháng, rốt cuộc cũng không dành cho nàng.

Tháng 5/1916, vua Duy tân bị Pháp bắt vì tham gia vào Khởi nghĩa do Việt Nam Quang phục hội lãnh đạo. Bấy giờ nàng mới hiểu ra, năm ấy người kia chấp nhận buông đoạn duyên cùng nàng chính vì không muốn nàng và gia đình phải liên lụy. “Ta thà phụ nàng một mối duyên, cũng không muốn nàng phải chịu khổ”. Có lẽ vì đó mà Hồ Thị Chỉ đã khắc ghi mãi hình bóng của vua Duy Tân trong lòng, trọn vẹn một đời cũng nguyện ý theo người ấy. Thế nhưng, cuộc đời nàng lại rẽ theo một hướng khác…

NỢ cùng KHẢI ĐỊNH

Sử viết rằng: “Năm 1917, Khải Định ngự giá lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Vua thấy một nữ sinh xinh đẹp, khoan thai kính cẩn dâng lên ngài một chiếc kéo mới tinh đặt trên một cái khay phủ gấm điều”, mà nữ sinh kia, sau này đã trở thành một Hoàng phi.

Khải Định đã ngỏ lời cầu hôn với ông Thượng thư rằng:

“Tôi cần một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người đó là con gái Thầy – ông gia hụt của Duy Tân. Trước đây, tôi đã có người vợ con cụ Trương Như Cương nhưng bà ấy đã xin về ba năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con Thầy làm Hoàng phi vợ chính. Thật ra, tôi cũng đã có một người hầu và một con mới 4 tuổi, nó sẽ là con của bà Hoàng phi.”

Ông Thượng thư nghe tin này liền lo lắng. Ông biết, con gái mình đã một lòng một dạ hướng về đức Cựu hoàng. Nhưng đây là lời dụ của vua, không khác gì thánh chỉ. Hồ tiểu thư đã nguyện một đời dành trái tim cho người kia, nàng chỉ muốn sống và phụng dưỡng cha mẹ đến cuối đời. Mấy ngày đêm, ông Thượng bộ cùng các con phải đau đầu suy nghĩ cách thuyết phục Hồ Thị Chỉ, thậm chí ông cũng từng nghĩ đến việc ông cùng con trai cáo quan về quê làm ruộng. Hồ Thị Hạnh, em Hồ Thị Chỉ thấy vậy liền ngày đêm bên cạnh rỉ rả khuyên nhủ, cuối cùng, nàng cũng thuận theo ý vua.

Một lần chọn trao tâm cho một người, vào ngày người kia không còn nữa, tâm nàng cũng đã chết rồi. Vậy nên, giờ gả cho ai thì có khác gì đâu. Huống hồ, người kia vì nghĩa nước, vì muốn bảo vệ gia đình nàng nên mới làm thế, nàng sao có thể ích kỉ để gia đình mình bị tru di như vậy. Cũng may, người hỏi cưới nàng, cũng chỉ vì làm việc chính trị, nếu lỡ có một người nữa vì nàng trao tâm, có lẽ nàng sẽ cảm thấy có lỗi lắm.

Ngày 3 tháng 12 cùng năm, lễ nạp phi đã diễn ra long trọng, lần này người lên kiệu hoa cuối cùng cũng là nàng nhưng tân lang không còn là người ấy nữa. Hồ Thị Chỉ được phong làm Ân phi, thuộc hàng Nhất giai Phi – tước hiệu cao quý nhất trong hàng “cửu giai”, được nể trọng với tư cách là Hoàng hậu, xuất hiện cùng Khải Định trong những lần yến tiệc với quan khách trong ngoài nước. Nàng xinh đẹp, am hiểu văn hóa phương Đông phương Tây, nói tiếng Pháp rất thông thạo, thường làm phiên dịch cho nhà vua.

HỒNG NHAN sao khỏi BẠC PHẬN

Năm 1925, vua Khải Định qua đời, Ân phi không có con cùng Khải Định, thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi, đặt niên hiệu là Bảo Đại. Vua Bảo Đại chỉ lập mẹ ruột là Hoàng Thị Cúc làm Đoan Huy Hoàng thái hậu, tức bà Từ Cung. Hồ Thị Chỉ không được thụ phong, không được ở trong nội cung, phải dọn đến cung An Định sống, sau lại chuyển đến biệt thự số 145 đường Phan Đình Phùng.

Ngoài hai mươi, Hồ tiểu thư ngày nào đã không còn nữa, chỉ là một Ân phi tồn tại qua ngày mà thôi. Nàng rơi vào trầm cảm, lâu ngày sinh ra tâm thần bất ổn, có hôm còn mang một rổ bánh nậm ra chợ ngồi, thích thì bán thích thì cho, sống chẳng khác nào một người điên. Điên cũng phải, một đời thăng trầm như vậy, trải qua hai lần “nạp phi”, điều nàng nhận lại chỉ là một thân cô độc, không con cháu kề cận, tâm từ sớm cũng đã hóa tro tàn, không điên, nàng biết sống tiếp như thế nào?

Về sau, Hồ Thị Chỉ gặp lại các anh mình bấy giờ đã là những Đốc-tờ du học trở về, nàng được chăm sóc tốt hơn, cũng phần nào tỉnh táo dần. Năm 1985, Ân phi Hồ Thị viên tịch, thọ 83 tuổi, những ngày cuối đời, nàng đã phải sống cùng bệnh tật đau đớn, ra đi có lẽ là cách giải thoát tốt nhất cho nàng. Khép lại một đời thăng trầm của một Hoàng phi quyền lực, nước mắt cũng đã rơi, tâm cũng toàn vẹn trao cho một người, phận nữ nhi cũng chu toàn chăm lo ổn thỏa. Đừng lo, nàng đã sống rất trọn vẹn một đời rồi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *