Án mạng Năm mới và Văn phòng Dupin

Một người phụ nữ Hà Lan vượt biên để dọn vào một khách sạn tại Đức. Sau khi nhận được một cuộc gọi ẩn danh hỏi về cô, cô hoảng loạn và bỏ về Hà Lan. Chưa đầy 24 giờ sau, xác người phụ nữ này được tìm thấy cách quê nhà mình 100km. Điều gì đã xảy ra với Marja Nijholt vào ngày 1 tháng Giêng năm 2013?

Án mạng Năm mới và Văn phòng Dupin – tổng quan

(T/N: Bureau Dupin là một nhóm các điều tra viên làm việc cùng cảnh sát nhằm giải quyết các vụ án xảy ra không rõ nguyên nhân.)

Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2013, một người đi đường đang dắt chó đi dạo buổi sáng bắt gặp một cảnh tượng kinh hoàng: một xác chết ngay cạnh một ngôi nhà tại vùng Berghemseweg, thị trấn Oss, Hà Lan. Rõ ràng người phụ nữ này đã bị sát hại.

Không ai ở quanh vùng này biết danh tính nạn nhân. Vài ngày sau, người phụ nữ mới được xác nhận là Marja Nijholt, 48 tuổi, sống tại thành phố Enschede, Hà Lan. Cô mới chỉ đến Oss một ngày trước. Câu hỏi đặt ra là: vì sao cô lại dừng chân ở Oss, nơi cách quê nhà mình đến hơn 100km (tương đương 2 tiếng đi tàu)? Dấn sâu vào vụ án này, cảnh sát nhận định đây là một vụ phức tạp và gây tranh cãi…

Vụ sát hại Marja Nijholt, còn được biết đến với cái tên “Án mạng Năm mới”, đã làm giới chức trách và cả các cư dân đau đầu. Sau 18 tháng, tức vào năm 2014, cuộc điều tra hạ nhiệt. Cho đến năm 2020, một nhóm người đã tập hợp lại và giúp cảnh sát phá án. Nhóm điều tra này, chính là Văn phòng Dupin, lấy tên nhân vật thám tử trong truyện của Edgar Allan Poe, đã hợp tác với chính quyền và cùng đi tìm manh mối cho vụ án. Văn phòng do cựu cảnh sát và giáo sư khoa học dữ liệu Peter de Kock đứng đầu, đã điều tra hàng ngàn cuộc gọi, tin nhắn, và đã cho ra một podcast 6 phần bàn luận về bí ấn vụ sát hại Marja Nijholt. Công trình điều tra của họ, cụ thể hơn, podcast, đã góp phần chủ yếu trong việc trình bày lại vụ án tại đây.

Đã từng có một bài tường thuật về vụ này vài năm trước đây, nhưng nhận thấy những bước tiến mà Văn phòng Dupin đã đạt được, cùng với điều mà ta phải công nhận: đây là một vụ ly kỳ, tôi cho rằng sẽ thật tuyệt nếu ta tiếp tục thảo luận về nó.

Hy vọng mọi người đều hứng thú với vụ này như tôi. Rất sẵn sàng nghe ý kiến của mọi người. Tường thuật lại vụ án quả là cần rất nhiều công sức nhưng quá trình này thật thú vị, nên nếu các bạn muốn biết thêm, có lẽ tôi sẽ tìm hiểu về các vụ án bí ẩn khác ở Hà Lan. (Edit vào ngày 4-1: Tôi đã đào lại một vài cuộc điều tra của bên Dupin về vụ này và chúng cuốn quá trời. Cứ để tôi tiếp tục theo dõi, có lẽ tôi sẽ tham gia điều tra luôn, hy vọng mấy tháng sau sẽ có thêm thông tin hữu ích).

Nguồn:

Web của văn phòng Dupin: https://www.bureaudupin.org/

Đoạn phát sóng của Opsporing Verzocht: https://www.youtube.com/watch?v=8W5_ONOKW08

Podcast: https://open.spotify.com/show/7jL9bRhb91qfrQ78PBYTKn…

(đáng buồn là tất cả các nguồn trên đều bằng tiếng Hà Lan)

Về Marja Nijholt

Ghi chú: dẫn lại gần như toàn bộ từ podcast của Văn phòng Dupin

Marja có một anh trai và một em gái nữa, nhưng từ khi cô còn nhỏ tuổi, cha mẹ cô ly hôn. Người mẹ kế tên Gemma thay bà mẹ đẻ là Kristel chăm sóc 3 chị em. Không lâu sau đó, Gemma hạ sinh một em bé gái nữa. Kristel nói Marja là một đứa trẻ điềm đạm và ngọt ngào”. Rằng “cô bé luôn khao khát được yêu thương”. Kristel sau này đã công khai là lesbian, tuy nhiên điều này khiến quan hệ giữa bà và chồng cũ rạn nứt, bà cũng ít liên lạc với Marja và các anh chị em của cô hơn. Em gái Marja, Ellen kể: “Bố tôi làm mọi thứ để Kristel không bao giờ gặp lại các con mình nữa. Ít lâu sau, ông tìm được cho con mình một người mẹ mới, nhưng Marja lại coi mẹ kế như một kẻ không nên có trong gia đình vậy.”

Gemma, mẹ kế, kể về lần đầu tiên bà gặp Marja khi cô còn nhỏ: “Lần đầu gặp Marja, con bé trông hơi sợ sệt. Nó quan tâm nhiều tới việc tạo ra bầu không khí thoải mái trong nhà, nhưng con bé chọn làm điều đó theo cách của riêng mình.” Cuối cùng, bố Marja mất việc, và Marja, một đứa trẻ luôn cần được chú ý và yêu thương, bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Ellen thuật lại: “Marja lúc nào cũng muốn xuất hiện trước mọi người với một hình tượng đẹp đẽ. Từ học hành, mua quà tặng đến rèn giũa tài năng của mình. Nhưng chị hầu như chưa từng thật sự thành công ở bất cứ việc gì.”

Marja ngọt ngào, sống biết quan tâm, và tài năng. Nhưng một mặt khác của tính cách đã thành hình và lớn lên cùng cô. Cô cảm được những thứ người khác không thể, và chính điều này khiến cô tức giận, cô đơn và e sợ. Ellen nói: “Cuối cùng, người ta nhận ra Marja không còn biết trái phải khi giao tiếp với người khác. Từng có lần chị gọi đến cả trăm cuộc một ngày, và khi chúng tôi chặn số, chị sẽ kiên quyết chường mặt trước cửa nhà.” Marja dần mắc rối loạn lưỡng cực (T/N: manic-depressive), sống trong sợ hãi, và về sau mắc tâm thần phân liệt. Theo lời mẹ đẻ Marja, cô không phải người đầu tiên trong gia đình mắc bệnh tâm thần. Marja sau này phải điều trị tâm thần nhiều lần. Hành động của cô trong những ngày cuối đời mình có mối liên hệ với các chứng bệnh thần kinh này.

Thời gian trôi qua, Marja càng ngày càng dành ít thời gian với gia đình, cô ở bên người yêu mình, Steef, nhiều hơn. “Chúng tôi gặp nhau ở Tilburg khi tôi 26 và Marja 20. Hồi đó mê mô tô, hai đứa gặp nhau ở một câu lạc bộ xe mô tô. Về sau, Marja thi vào một học viện mỹ thuật, đó là khi chúng tôi xác lập mối quan hệ [tại Eschede]. Cả hai đều cần nhiều không gian riêng nên đã quyết định có nơi ở riêng trong cùng một khu dân cư.” Steef kể lại những gì họ làm vào những ngày cuối năm: “Thường thì tôi sẽ mời bạn bè tới nhà tiệc tùng rồi bắn pháo hoa. Mấy vụ đó hơi ồn ào đối với Marja. Những năm trở lại đây, cô thường đón giao thừa với gia đình, và cô định sẽ tiếp tục ăn tất niên với nhà mình [vào năm 2012].”

Marja phải nhận trợ cấp, Steef cho biết, nên cô có thể đã gặp vấn đề với tiền nong. Anh nói rằng có một người đàn ông tốt bụng làm việc trong nhà thờ Marja lui đến, người này sẽ giúp cô chút tiền bạc hoặc cho cô lời khuyên. Tuy nhiên, như nhiều người khác, Marja dễ nổi nóng với ông ta mặc dù ông chỉ có ý tốt. Đôi khi, Marja sẽ nói về ông ta như một thứ quỷ dữ. Văn phòng Dupin đã tìm thấy người đàn ông này, ông tên Hennie. Hennie thuật lại: “Tôi đã cho cô ấy tình yêu thương mà cô hằng kiếm tìm. Không, không phải với tư cách một người cha hay một người yêu, tôi chỉ muốn giúp thôi.” Ông thậm chí còn từng tạo điều kiện cho Marja đi nghỉ tại Pháp. “Nhưng cô ấy chỉ mang về những vấn đề tiêu cực. Cô không thể tự trung hòa cảm xúc của mình.” Thế nhưng như đã nói, Marja không phải lúc nào cũng tôn trọng Hennie, đôi khi cô còn gửi những lá thư tay hoặc e-mail cáu bẳn cho ông. Dù vậy, Hennie không hề để bụng: “Không phải tôi đang cố tốt bụng giả tạo đâu. Cô ấy thực ra là người tốt.”

Tôn giáo và tín ngưỡng góp một phần quan trọng trong cuộc đời Marja. Theo lời tường thuật của Steef, cô luôn tìm kiếm những gì phù hợp với mình, bao gồm những thay đổi trong tín ngưỡng. Cuối chặng đường tìm kiếm đó, cô chọn nhà thờ Tin lành Ngũ tuần. “Tôi không hoàn toàn đồng ý với quyết định này, nhưng luôn ủng hộ cô ấy.” Nhà thờ này và các thành viên trong đó có vẻ là một phần lớn trong những tháng cuối đời Marja.

Những ngày cuối cùng của Marja: chúng ta đã có những thông tin gì và vì sao cô lại dừng chân ở Oss?
Một bản đồ chỉ rõ những địa điểm được nói đến trong phần này: https://imgur.com/TSvDZtH
Toàn bộ sự việc dẫn tới cái chết của Marja bắt đầu vào buổi sáng ngày 29 tháng 12, năm 2012. Sáng hôm đó, cô quyết định rời quê nhà Enschede và vượt biên để đến ở một khách sạn tại Gronau, Đức. Nghe có vẻ xa xôi, nhưng hãy lưu ý rằng Enschede và Gronau đều rất gần biên giới, chỉ cách nhau vài cây số – chỉ cần đạp xe cũng có thể di chuyển qua lại giữa hai thành phố. Marja ở trong khách sạn 2 đêm. Người quản lý khách sạn sau này trình bày với Văn phòng Dupin rằng Marja không tỏ ra vẻ gì là hoảng loạn khi tới, tuy vậy ông cảm thấy “không phải tất cả mọi việc đều ổn” từ khi cô chuyển vào khách sạn. Ông kể rằng Marja nói cô đã bỏ trốn, cô còn nhắc tới “Chúa, linh mục, và quỷ sứ – mấy thứ kiểu vậy, tôi không rõ lắm.”

Sáng ngày 31 tháng 12, 2012, một người đàn ông gọi điện nặc danh tới khách sạn Marja đang ở và hỏi về cô. Quản lý khách sạn đáp rằng ông không thể chia sẻ thông tin khách hàng, tuy nhiên ông cũng đã cho Marja biết về cuộc gọi ẩn danh này. Cô phát hoảng và rời khách sạn ngay lập tức. Khoảng 11h sáng hôm đó, người ta thấy cô ở ga tàu Enschede cùng với xe đạp của mình, một va li màu xám, một ba lô và một cái ví nhỏ. Thay vì quay trở về thẳng nhà, cô mua vé một chiều tới Oss.

Nhưng tại sao cô lại chọn Oss chứ không phải những nơi khác? Rõ ràng, đối với những người không sống ở Hà Lan, tên thành phố thường không có ý nghĩa gì với họ. Người ta thường chỉ biết đến Amsterdam và Rotterdam. Vậy nên một chút thông tin về Oss và các thành phố khác ở Hà Lan có thể sẽ cần thiết trong bài này. Cụ thể như: Oss không phải một thành phố lớn hay quan trọng của Hà Lan. “Tứ đại kinh đô” của Hà Lan gồm có Amsterdam, Rotterdam, The Hague (Den Haag) và Utrecht. Không thành phố nào trong 4 cái tên trên cùng tỉnh với Oss. Nhưng ngay cả ở tỉnh chứa Oss – North Brabant – cũng có những thành phố khác lớn hơn như Eindhoven, Breda, Den Bosch và cả Tilburg, nơi Marja và người yêu từng gặp gỡ. Ngoài ra, mất 2 tiếng để đi tàu từ Enschede tới Oss, trong đó còn cần đổi tàu ít nhất 1 lần. Nếu như Marja có ý định bỏ trốn khỏi đất nước này, liệu cô có chọn men theo lộ trình này để rồi chỉ dừng chân tại một thành phố không-lớn-lắm như Oss?

Trong một podcast của Văn phòng Dupin, người yêu Marja đã gợi ý một lý do khả quan để cô đi Oss: theo anh, Marja sẽ thăm bố mình vào đêm giao thừa. Ông bố sống ở thị trấn Udenhout, cách Oss khoảng nửa giờ di chuyển. Thế nhưng điều này không giải thích được vì sao cô lại ở khách sạn tại Gronau trước. Một vài thông tin mà Văn phòng Dupin thu thập được trong quá trình điều tra đã bác bỏ giả thuyết này: họ xác nhận rằng vào ngày 30-12, trong lúc ở Gronau, Marja đã nhắn tin tới nhà thờ của mình:
“Giờ tôi đã là người tị nạn rồi. Tôi không sống ở châu u được nữa. Báo Rob giùm, ổng cầu nguyện cho tôi.”
Tin nhắn này đối nghịch với giải thiết là Marja dự định dành ngày cuối năm 2012 với bố mình, và Marja cũng không hề nói trước với người tình rằng cô định đi đâu, làm gì. Bên cạnh đó, Văn phòng Dupin có thêm vài thông tin kỳ thú nữa. Dựa trên điều tra của họ về dữ liệu di động, người đàn ông gọi tới khách sạn Gronau để hỏi về Marja đã gọi bằng số điện thoại của Marja. Vậy thì ai mới là người gọi điện thật sự? Điều duy nhất mà quản lý khách sạn có thể cung cấp đó là giọng người gọi có vẻ là giọng nam giới. Ta sẽ bàn đến chi tiết này sau.

Những ngày cuối đời Marja, đặc biệt là trong khoảng thời gian cô ở Oss, chúng ta sẽ bàn tới đoạn này ngay sau đây, cô đã khiến những người thấy mình hoảng sợ. Cô nghĩ mình đang bị theo dõi hay thậm chí bị nhất cử nhất động đều có người bám sát, dù chuyện này có thật hay không thì lúc đó cô đã cảm thấy như vậy. Steef nói về việc này như sau: “Bất cứ nơi đâu chúng tôi đi tới, luôn có một người nào đó theo dõi cô. Cô cũng luôn nói có người đang bám theo tôi nữa, nhưng tôi chưa từng tìm thấy lý do thỏa đáng nào để tin vào vụ đó. Thường thì cô ấy cũng không nói được rõ rằng ai đang theo dõi chính cô.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Văn phòng Dupin, Hennie – “mạnh thường quân” của Marja – nhắc đến ai đó chưa từng xuất hiện trong cuộc điều tra: người đứng đầu nhà thờ Tin lành Ngũ tuần mà Marja lui tới. Hennie nói: “Ông ta sống ở Oss. Marja đã đến đó xin trợ giúp và nói chuyện với ông ta. Tôi không biết lý do gì khiến họ từ chối giúp đỡ cô ấy.” Steef ủng hộ giả thuyết này: “Người đứng đầu nhà thờ đúng là ở Oss. Marja từng nói với tôi rằng cô sẽ đi thăm bố, nhưng có thể đó không phải ý định thật sự của cô.” Văn phòng Dupin đã nói chuyện với một số thành viên nhà thờ Tin lành Ngũ tuần, họ đã được biết về kế hoạch đi Oss của Marja và cô có thể sẽ ngủ luôn trong rừng. Họ khuyên cô không nên làm vậy, thay vào đó, cô tới Gronau. Một người đàn ông và một người phụ nữ đều thuật lại rằng họ nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ Marja vào ngày 30-12, nhưng họ không muốn nói ra những cái tên cô ấy đã nói. Cuối cùng thì họ vẫn chia sẻ thông tin với Văn phòng Dupin, miễn là chúng không được tiết lộ cho công chúng. Đồng thời, họ cũng tiết lộ danh tính người được Marja gửi tin nhắn vào ngày 30-12 như đã nói trên. Một trong hai người cho biết: “Quãng giữa tháng 12 năm 2012, Marja nhờ tôi nói X gọi cho cô và cầu nguyện cho bố mình. Cô nói Chúa có những kế hoạch khác cho bố.” Người đàn ông từ chối tiết lộ tên X vì lý do riêng tư.

Một timeline rõ ràng hơn dần hình thành. Không muốn tới thăm bố như đã nói với Steef, Marja có thể đã rời Enschede, tới Gronau vào ngày 29-12 để trốn tránh sự náo loạn của thời khắc giao thừa. Một ngày sau, cô nhắn tin cho người bạn cùng nhà thờ để cảnh báo X về tình trạng của mình. Kết lại, Văn phòng Dupin hiểu ra tên X là Rob, người được nhắc tới trong tin nhắn của Marja. Liệu Rob có phải lý do Marja tới Oss?

Marja ở Oss: các mốc thời gian
Như ta đã biết, Marja rời khách sạn ở Gronau vào sáng ngày 30-12 và đi thẳng từ Enschede tới Oss. Lý do chính xác đã đưa Marja tới đây đã theo cô xuống mồ, giờ đây chúng ta có thể đoán rằng Marja chọn tới Oss để gặp Rob. Cô tới ga tàu Oss vào khoảng 2h chiều ngày cuối cùng của năm. Dưới đây là các mốc thời gian trong ngày cuối của Marja, được xây dựng dựa trên timeline “chính thức” của Opsporing Verzocht, một chương trình truyền hình Hà Lan hàng tuần chiếu các vụ án đang được cảnh sát giải quyết với hi vọng các khán giả sẽ giúp một tay trong việc tìm ra thủ phạm. Một số thông tin được thêm vào lấy từ podcast của Văn phòng Dupin.

2h chiều: Marja đến ga tàu ở Oss.
4h chiều: Marja tới quán cà phê Libre ở Molenstraat, Oss. Mặc dù từ ga tàu tới quán này chỉ mất khoảng 4 phút đi bộ, Marja đã tốn đến 2 tiếng đồng hồ. Trong 2 tiếng đó, nhiều nhân chứng báo rằng Marja đã tiếp cận họ và xin được dùng nhờ điện thoại – cô nói rằng cô không thể dùng điện thoại của mình vì đang bị theo dõi – ngoài ra còn hỏi về chỗ ở qua đêm nào đó rẻ tiền trong khu vực này. Sau điều tra, ít nhất 1 trong những cuộc gọi này là gọi cho Rob. Ở quán libre, cô tiếp tục làm những việc trên, còn có nói mình muốn tới Bỉ vì ở đó rẻ hơn.
6h chiều: Marja rời quán cà phê Libre và tiếp tục làm những gì đã làm trước đó: tiếp cận mọi người để hỏi về chỗ trọ và dùng nhờ điện thoại họ. Trời bắt đầu mưa nặng hạt và còn mưa tới hết đêm đó.
8h30 tối: Marja tới quán cà phê Oostwal, người chủ quán ở đây cho cô dùng nhờ điện thoại để gọi một cú. Ông nói cô trông bối rối (trong tiếng Hà Lan, uyển ngữ này có thể hiểu như “khùng”, thật đấy) và hơi hoảng hốt.
Năm 2021, người ta đã cố gắng lần lại những số cô đã gọi nhưng vô hiệu, vì dữ liệu chỉ được ghi lại trong vòng 7 năm.
9h tối: Marja rời quán Oostwal bằng xe đạp. Có thể thấy cô ở ga Oss ngay sau 9h. Vì là đêm giao thừa nên tàu không chạy sau 8h tối, có thể Marja đã nghỉ lại tại ga một lúc – cho tĩnh tâm ấy mà.
Sau đó, ta mất dấu Marja vài giờ đồng hồ, cho tới khi năm mới 2013 tới. Xe đạp của cô không được tìm thấy sau khi cô rời quán Oostwal. Rob, người mà Marja tìm kiếm, có nhớ rằng ông được Marja gọi vào ngày 30-12: “Đúng rồi, ai đó đã gọi và nói, ê, có một người tên Marie đang hỏi ông này. Nhưng tôi từ chối cuộc gọi đó hay đã cúp máy giữa chừng. Có cái gì đó không đúng lắm.” Ông nói mình không nhận được cuộc gọi nào trong khoảng thời gian Marja cố gắng điện thoại từ quán Oostwal.
2h45 sáng 1-1-2013: Marja được nhìn thấy đang đi trên một con đường lớn tên Graafsebaan dưới trời mưa như trút, cô đi ngược dòng xe cộ. Cô đang đi theo hướng về Berghemseweg, nơi mà ít giờ sau người ta sẽ thấy xác cô nằm đó. Như đã nói, xe đạp của cô đã biến mất, nhưng va li và balo vẫn trên tay cô.
3h10 sáng: Camera của một trạm xăng (trên đường Singel 1940-1945) thu được cảnh Marja băng qua. Từ Berghemseweg, cô ấy đi tiếp tới Osseweg, hướng này sẽ dẫn ra khỏi Oss, tới vùng kế đó là Berghem (rất rối rắm, tôi biết mà).
4h30-6h15 sáng: Marja được nhìn thấy vài lần ở Berghem. Cô đã thấm mệt và giờ đây bắt đầu hỏi người dân xung quanh đường tới ga tàu. Tuy nhiên, ga gần nhất lại chính là ga ở Oss, nơi cô vừa mới tới vào ngày trước đó. Nghĩa là cô sẽ phải vòng lại về Osseweg, quay về Oss.
6h30 sáng: Thời điểm Marja được ghi lại lần cuối trên camera, cô đang về Osseweg.
6h55 sáng: Một nhân chứng thấy Marja vẫn ở khu vực Osseweg.
Ngay sau 7h sáng: Một người đàn ông địa phương và một phụ nữ khác thấy một va li mở trong một công viên gần Berghemseweg. Sau đó, va li này được xác định là của Marja.
10h30 sáng: Một người đi đường thấy xác Marja bên cạnh một chiếc xe đỗ sát một căn nhà ở Berghemseweg.

Vụ án có tiến triển – manh mối về chiếc va li, những tấm ảnh và những cuộc gọi
Cuộc điều tra bắt đầu. Sau 18 tháng, vụ sát hại Marja nguội dần sau 2014 và có thể đã bị bỏ ngỏ nếu Văn phòng Dupin không vào cuộc. Ngay cả việc xác định danh tính nạn nhân cũng là một quá trình gian nan vì mất nhiều ngày gia đình Marja mới nhận diện được cô. Hiện trường, tất nhiên, cũng là một dấu hỏi lớn. Nhiều khả năng đưa ra như là tai nạn hoặc (cố gắng) tự sát đã được nghiên cứu. Hiện trường vụ án hầu như không vết máu mặc dù trên có vết đâm trên cơ thể Marja. Người tình của Marja, Steef, cho rằng cô có thể đã bị giết ở nơi khác rồi bị vứt xác ở Berghemseweg, ta cũng cần nhớ lại rằng mưa lớn đêm trước đó hẳn đã rửa trôi máu đi. Điều tương tự xảy ra với hung khí gây án: đó có thể là bất cứ vật sắc nhọn nào, ngay cả khi nó không dính máu bởi mưa đã gột trôi máu rồi.

Vài tháng sau cái chết của Marja, chương trình truyền hình đã nói trên, Opsporing Verzocht, chiếu các mốc thời gian trong ngày cuối cùng của Marja và yêu cầu xác định các nhân chứng. Họ nhắc tới một người đeo mặt nạ Angerfist (cụ thể là mặt nạ Jason Voorhees) xuất hiện ở Berghemseweg vào quãng 4h30 sáng. Ngoài ra còn có một người đàn ông và một người phụ nữ trong một xe ô tô, (có vẻ đã) đánh nhau ở khúc giao Berghemseweg và Goudplevier lúc 6h30 sáng. Cuối cùng, họ yêu cầu một người đàn ông ở ga Oss tầm 8h15 sáng trình diện: người này đi tàu tới thành phố Nijmegen, trên người có vết thương và có thể vừa có xô xát. UPDATE: Người đàn ông này hình như đã bị bắt vào năm 2014 nhưng được chứng minh là không liên quan tới vụ án.

Một điểm nữa cần thảo luận là chiếc va li của Marja. Nó được tìm thấy sau 7h sáng trong một công viên gần Berghemseweg, mở toang, bên trong có vài món đồ nằm lộn xộn. Các nhân chứng miêu tả chiếc va li như “đã bị vứt bừa”. Mặc dù đêm trước đó mưa lớn, vật dụng bên trong va li gần như không bị dính ướt, có thể suy ra rằng va li không ở đó và không bị mở trước khi mưa tạnh. Một trong các nhân chứng, Lia, cũng đã đi qua nơi xác Marja được tìm thấy – tuy nhiên, bà không hề thấy cảnh tượng gì bất thường. Có lẽ điều này đơn giản nghĩa là bà không để ý, nhưng cũng làm dấy lên một câu hỏi: liệu xác Marja có ở vị trí đó vào thời điểm sau 7h sáng chưa, hay nó đã ở đâu khác?

Trong quá trình điều tra của Văn phòng Dupin, cảnh sát công khai một số ảnh chụp hiện trường tại thời điểm xác Marja được tìm thấy. Một phát hiện thú vị đó là một chiếc laptop được thấy ở hiện trường, tức đây có lẽ không phải một vụ cướp. Một vài điều tra viên từ Văn phòng Dupin đưa ra giả thuyết rằng tư thế xác Marja không được “tự nhiên”, cụ thể, xác cô có thể đã được đặt ngay ngắn tại vị trí đó thay vì chỉ bị vứt bừa.
Một ảnh cho thấy vị trí xác Marja được tìm thấy (bên phải) và nơi tìm được va li cô (bên trái): https://drive.google.com/…/1KbC7eM…/view

Cuối cùng, Văn phòng Dupin đã điều tra hàng vạn cuộc điện thoại. Vì các điều tra viên không phải cảnh sát chính thức, chính quyền đã phải “giả danh” tất cả dữ liệu và gán cho mỗi điện thoại một con số riêng. Không lâu sau, nhiều điện thoại được xếp vào loại thú vị, đáng theo dõi. Hai chiếc trong số đó thuộc về Marja, trong khi một nhân chứng từ nhà thờ của cô xác nhận rằng cô có tới 4 chiếc. Mặc dù cảnh sát không xác định được tất cả số điện thoại đó có phải của Marja hay không, họ cũng coi đây là một “giả định hợp lý”.

Mục tiêu tất nhiên là tìm kiếm thông tin về người gọi điện nặc danh đã khiến Marja phải rời khách sạn ở Gronau. Vì cảnh sát, một lần nữa, không xác định được những thông tin này, Văn phòng Dupin có cơ sở để suy ra rằng điện thoại được gán số “9104” thuộc về khách sạn ở Gronau. Khách sạn đã nhận 3 cuộc gọi vào những ngày cuối đời của Marja. Cuộc thứ nhất đến từ một điện thoại được gán số “147”, gọi từ khu vực đông nam Amsterdam vào buổi sáng ngày 29-12. Một cuộc gọi khác chỉ dài 10 giây được gọi tới vào 30-12 từ điện thoại “11028”, gọi từ thị trấn Losser, Hà Lan, gần Gronau. Cuộc cuối được gọi từ điện thoại “5735” vào gần 1h chiều ngày 31-12.

Cuộc gọi cuối cùng nhanh chóng được loại khỏi danh sách điều tra vì Marja đã rời khách sạn vào thời điểm đó và đang đến Oss. Cuộc điện thoại đầu từ máy “147” thu hút sự chú ý vì điện thoại này không hề có trong web dữ liệu viễn thông được điều tra. Tuy nhiên, cuộc gọi này được thực hiện vào lúc 8h35 sáng ngày 29-12. Thời điểm này không chỉ là 2 ngày trước khi Marja thực sự rời đi – cô thậm chí chưa tới khách sạn lúc đó! Vậy là chỉ còn cuộc gọi thực hiện vào ngày 30 từ điện thoại “11028”. Cuộc này cũng không được gọi vào ngày 31 (ngày Marja sợ hãi bỏ chạy khỏi khách sạn). Một chi tiết kỳ thú đó là… điện thoại “11028” chính là điện thoại của Marja!

Vậy tại sao điện thoại của Marja lại gọi tới khách sạn vào ngày 30 trong khi cô đang ở đó? Điều gì được nói trên điện thoại vào sáng 31 khiến Marja sợ mà rời khách sạn, mà Văn phòng Dupin không điều tra được thông tin này? Cuộc gọi chắc hẳn là bí ẩn lớn nhất trong án mạng này.

Bên lề vụ án
Sau khi Văn phòng Dupin cho các số podcast, một thính giả gọi tới với một thông tin rất lý thú. Anh nói tới một cuốn truyện trinh thám kinh dị của Hà Lan được ra mắt vào 2011 có nhiều điểm tương đồng với vụ của Marja đến kỳ lạ. Ví dụ như nhân vật chính được mô tả là một nghệ sĩ dương cầm đầy sáng tạo, có người trong gia đình có tiền sử tâm thần phân liệt – chi tiết này khớp với đặc điểm của Marja. Một nhân vật khác sống trong nỗi sợ bị ám sát. Câu chuyện lấy bối cảnh ở chính nơi Marja sống, tức là Enschede. Và đây mới là chi tiết khiến toàn bộ câu chuyện trở nên kỳ lạ: trong một chương sách, nhân vật chính đã chạy trốn tới Đức, cụ thể là tới Gronau, sống ở CHÍNH KHÁCH SẠN MÀ MARJA ĐÃ TỚI vài ngày trước cái chết của mình.

Câu hỏi đặt ra bởi cảnh sát, Văn phòng Dupin và bởi chúng ta
Dưới đây là các câu hỏi do cảnh sát đặt ra trên trang web về các vụ án “chưa có lời giải”:
– Ai là nhân chứng vụ sát hại Marja Nijholt vào khoảng thời gian từ 6h55 đến 10h20 sáng ngày 1-1-2013?
– Ai biết Marja đã ở đâu trong thời gian từ 8h tối 31-12 đến 3h sáng 1-1-2013?
– Ai đã thấy Marja vào những thời điểm khác trong đêm này?
– Ai biết Marja đã ở đâu trong khoảng thời gian từ 6h55 đến 10h20 sáng ngày 1-1-2013?
– Ai biết việc gì đã diễn ra trong công viên nhỏ gần Berghemseweg trong khoảng thời gian nói trên?
– Ai đã thấy Marja ở Berghemseweg, có thể cô đã ở nơi đông người?
– Ai tìm được hung khí dùng để giết Marja? (CHÚ Ý: vì mưa to nên hung khí có thể không dính máu)
– Ai biết được xe đạp của Marja ở đâu?
– Ai có thông tin về vụ án này mà chưa trình báo với chính quyền?
Một số câu hỏi liên quan khác:
– Ai là người đứng sau cuộc gọi khiến Marja bỏ chạy khỏi khách sạn? Chúng ta đã thực sự biết hết về cuộc gọi này chưa?
– Liệu nỗi sợ của Marja có cơ sở không, liệu cô có bị truy đuổi lúc đó? Đây chỉ là sản phẩm của bệnh tâm thần, hay cô thật sự đã bị ám hại (T/N: “was she a victim of circumstance”)?
– Marja đã ở đâu giữa 9h sáng và 2h45 đêm cô chết? Cô có thể đã ở ga tàu, nhưng cũng có khả năng đã tìm một mái hiên trú chân vài tiếng. Trong cả hai trường hợp, tại sao cô lại xuất hiện lần nữa vào nửa đêm?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *