Ẩm thực Việt Nam: Rộn ràng mứt Tết mang thương hiệu “homemade”
Trong không khí náo nức, rộn ràng những ngày cuối năm, mọi nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón mừng năm mới. Để ngày Tết cổ truyền thêm ý nghĩa, nhiều bà nội trợ đã cùng nhau vào bếp, tự tay làm các loại bánh, mứt, kẹo vừa ngon lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Năm 2024, chị Nguyễn Thị Thúy (cô gái Thừa Thiên Huế làm dâu về Quảng Nam) bắt đầu tự làm mứt Tết phục vụ gia đình và làm quà biếu họ hàng, bạn bè. Bản thân đặc biệt yêu thích nấu nướng, lại đang giai đoạn tạm nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ, có nhiều thời gian nên chị chọn làm mứt để thưởng thức dịp Tết. Mỗi năm chỉ có một lần, cảm giác làm mứt, phơi khô, sên mứt… là thấy không khí Tết ấm áp đang tràn về.
Nghĩ đến việc mọi người đến nhà chúc Tết được thưởng thức món mứt dừa, mứt bí, mứt cà rốt do chính tay mình làm khiến chị cảm thấy thích thú. Và điều thú vị, sau khi đăng tải mứt do chính tay mình làm lên facebook, nhiều người yêu thích đặt mua nên chị quyết làm thêm nhiều loại mứt khác để phục vụ những người yêu thích món mứt mang thương hiệu homemade.
Chị Thúy tâm sự: Năm nay, tôi làm các loại mứt: Bí, cà rốt, dừa, gừng, nghệ… với giá dao động 160-180.000 đồng/kg. Sở dĩ “mứt tết nhà làm” thường có giá cao hơn ngoài thị trường vì phải tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến cũng phải lưu ý. Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng và tạo uy tín cho mặt hàng, gia đình tôi không dùng chất bảo quản. Các màu nhuộm mứt đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên từ lá dứa, hoa đậu biếc, củ dền, nghệ. Đối với từng loại mứt, tôi tính toán lượng đường, thời gian ướp để tiết kiệm chi phí, thời gian sên gối liên tục để kịp số lượng cho các đơn hàng.
Nguyên liệu làm mứt rất phong phú, dễ mua, gồm: các loại củ quả như: Gừng, dừa, cà chua, khoai lang, bí, cam, táo, me, cà rốt… và đường trắng, sản phẩm luôn có sẵn trên thị trường.
Ẩm thực Việt Nam: Mứt Tết “homemade” nói không với chất phụ gia
Là cô giáo mầm non, giáp Tết gần 1 tháng, tranh thủ thời gian cuối tuần, chị Phan Thị Mơ đã mua nguyên liệu về làm mứt. Chị Mơ chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm mứt vì sở thích, để gia đình được thưởng thức đồ ăn an toàn trong dịp Tết, làm quà tặng người thân. Sau đó, được bạn bè, người thân khen ngợi về hương vị, chất lượng nên tôi có động lực, mạnh dạn làm với số lượng lớn hơn để kinh doanh”.
Nhận thấy nhu cầu làm mứt của chị em tăng cao dịp cận Tết chị Lê Thị Diệu Thiện đã mạnh dạn nhập nguyên liệu làm mứt như dừa non, gừng… để phục vụ các chị em làm mứt. Chị Thiện ưu tiên các loại nguyên liệu nông sản sạch, hữu cơ dù giá có đắt hơn đôi chút nhưng đảm bảo để các chị em nội trợ làm mứt. Sau khi gom đơn hầu như các nguyên liệu chị đem về đều trong tình trạng cháy hàng, chứng tỏ chị em rất đam mê với bộ môn làm mứt Tết này.
Các sản phẩm “cây nhà lá vườn” do chị em tự tay chuẩn bị không chỉ thơm ngon, an toàn mà còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người nội trợ. Có thể nói, niềm vui, niềm hạnh phúc không ở đâu xa, đơn giản xuất phát từ chính những món ăn ngọt ngào cho người thân yêu trong những ngày Tết sum vầy đầm ấm.
Trào lưu làm mứt homemade ngày càng lan rộng, không chỉ để những người nội trợ thỏa mãn sở thích và đam mê nấu nướng mà đang dần bắt kịp nhu cầu sử dụng sản phẩm “nhà làm”. Từ các công thức sẵn có trên mạng Internet hay học từ người thân hoặc tự sáng tạo thêm, cầu kỳ hơn, các sản phẩm mứt homemade dịp Tết thu hút người thưởng thức và là lựa chọn ưu tiên của nhiều gia đình.
Mứt Tết không đơn giản chỉ là một món ăn chơi, hương vị ngọt ngào của nó chính là cầu nối cho những giây phút gia đình sum họp bên bàn trà, hàn huyên câu chuyện của năm cũ và những dự định, mong ước trong năm mới đến.
Những ngày Xuân đang về rất gần, không khí sản xuất các món bánh, mứt Tết làm cho nhịp sống thêm nhộn nhịp. Theo thời gian, hương vị đặc trưng, truyền thống trong các món bánh, mứt mà các cô, các chị làm ra vẫn thu hút và được nhiều người ưa chuộng, góp phần gìn giữ nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.