am-thuc-viet-nam:-nhung-loai-rau-moc-dai-lai-gay-thuong-nho-trong-am-thuc-mien-tay

Ẩm thực Việt Nam: Những loài rau mọc dại lại gây thương nhớ trong ẩm thực miền Tây

Ẩm thực Việt Nam: Hẹ nước cọng xanh gốc trắng thanh giòn vị quê

Độc đáo với loài rau mọc dại gây thương nhớ trong ẩm thực miền Tây- Ảnh 1.

Hẹ nước ăn với cá kho ngon khó cưỡng. Ảnh: Huỳnh Lâm

Loài rau hẹ nước mọc rất khỏe, gần như có mặt ở khắp mọi nơi. Chúng không chỉ sinh trưởng được ở vùng nước ngọt phù sa mà còn mọc nhiều trên các kênh mương đầm nước và vùng đất phèn. Cứ mùa nước nổi đến là ở đâu cũng thấy hình ảnh hẹ nước, chúng dập dìu trong làn nước trong vắt, tạo nên một khung cảnh thanh bình mà cũng rất độc đáo. Miền Tây nhiều nơi có hẹ nước sinh trưởng, nhưng nổi danh hơn cả là hẹ nước tại Cà Mau, có lẽ chính vùng đất miệt U Minh còn nhiều nguyên sơ này đã nuôi dưỡng loài rau dân dã nhưng mang hương vị đặc biệt này.

Lá hẹ nước sẽ mềm, xốp, mọng nước và rất giòn, khi ăn cảm thấy vị ngọt thanh, dễ chịu. Hẹ nước sau khi hái về đem rửa sạch là có thể ăn sống hay chế biến thành nhiều món ngon. Trong đó hẹ chấm mắm là quen thuộc nhất. Món này làm rất đơn giản, để sống cả mớ hẹ hoặc mang rau hẹ đi luộc hoặc xào sơ qua đều được. Rồi họ làm thêm một chén mắm sặc vừa ăn là đã có thể thưởng thức rồi. Mắm của miền Tây có hương vị riêng, chấm với hẹ nước sẽ càng thơm ngon, hấp dẫn hơn.

Hoặc thưởng thức món hẹ chấm cá kho. Mang các loại cá tôm lộn xộn này về rửa sạch rồi kho lên cho đến khi thấm đẫm gia vị và nước quẹo lại đặc sệt, thêm một tô hẹ nước luộc, chấm cùng nước cá kho là đã tha hồ no bụng rồi.

Hẹ nước còn dùng để nhúng lẩu. Rau mọng nước, thanh ngọt, nhúng vào nước lẩu sẽ sẽ càng trở nên đậm đà, khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Đặc biệt là rau hẹ thì chỉ nên nhúng vừa chín tới, còn giữ được độ dai, bạn càng nhai sẽ càng cảm nhận được vị ngọt đặc trưng.

Ẩm thực Việt Nam: Cải trời mang hương vị đặc trưng khiến vị giác lưu luyến mãi

Độc đáo với loài rau mọc dại gây thương nhớ trong ẩm thực miền Tây- Ảnh 2.

Rau cải trời, loài rau cải gắn với những bữa cơm bình dị của người miền Tây. Ảnh: Thanh Nguyên

Cải mọc chẳng cần ai trồng, cứ tàn rồi lại lên theo bao mùa mưa nắng nên dân gian hay bảo đây là cải trời. Món rau này đã gắn với những bữa cơm bình dị của người miền Tây với những món vừa lành, vừa mát. Cải trời vốn mọc hoang, thích đất hơi ẩm nhưng có ánh sáng, lạ lùng là những ngày trời nắng chang, cải vẫn tốt tươi. Rồi chờ đến khi có vài trận mưa đầu mùa, cải sẽ thêm phần mơn mởn, tốt xum xuê, không cần phải trồng hay chăm bón.

Cải trời đặc biệt ở chỗ, nó chỉ mọc sau mùa nước nổi. Và mỗi năm cũng chỉ có hai tháng trước và sau Tết nguyên đán để ăn món rau này được ngon nhất. Khắp các tỉnh miền Tây hầu như đều có cải trời từ An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Cứ những nơi nước nổi rút đi thì cải lại mọc lên mơn mởn tốt tươi.

Độc đáo với loài rau mọc dại gây thương nhớ trong ẩm thực miền Tây- Ảnh 3.

Ẩm thực Việt Nam. Rau cải trời nấu với cá lóc, tạo hương vị thơm, ngọt khó quên. Ảnh: Thanh Nguyên

Cải trời có mùi thơm, kiểu vị thơm của thuốc nam, nghe đọng một chút ngai ngái của hương đồng nội. Cải có thể dùng ăn sống, chấm các món kho, nhất là mắm kho, có người còn kẹp ăn chung với mắm tép, mắm cá. Cải trời ăn sống giòn, có vị hơi nhân nhẫn và mùi thơm riêng đặc trưng. Nếu không ăn sống thì đem cải đi luộc, chấm với khá kho lạt hay mắm quẹt cũng đủ thèm. Nhưng ngon nhất có lẽ là khi nấu canh. Cải trời nấu với tôm khô, thịt băm hay cá đồng đều thơm ngọt vô cùng. Bữa cơm có món canh cải trời kèm thêm những món từ đồng nội như cá khô, mắm kho mà đã hương nồng đưa cơm quá đỗi.

Ẩm thực Việt Nam: Bông súng thanh ngọt từ hương đồng nội

Độc đáo với loài rau mọc dại gây thương nhớ trong ẩm thực miền Tây- Ảnh 4.

Bông súng mắm kho. Ảnh: Tửu Hoàng

Bông súng không chỉ tô điểm nét duyên thì rực rỡ, mà còn cho nên những món ăn thơm ngon thanh ngọt vô cùng. Có thể tước vỏ ăn sống hay đem bóp gỏi, nấu canh chua. Có tới mấy mươi loại món ngon được chế biến từ loại hoa đẹp vươn lên từ bùn này. Trong đó không thể không nhắc tới bông súng chấm mắm kho, lẩu bông súng hay bông súng nấu canh chua… thường được người dân ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang… hay dùng để thưởng thức trong những bữa cơm thường ngày và cả nồng hậu tiếp đón khách phương xa.

Mắm kho bông súng nông dân miệt vườn rất ưa chuộng vì vừa rẻ, vừa ngon đậm đà hương vị đồng quê. Nồi mắm kho là cá rô, cá linh, cá lóc, con tép đất… nhưng ngon nhất là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành, trên cùng gài nhánh ổi tươi có lót mo cau – mới là món ăn hút hồn du khách. Hũ mắm dỡ ra màu đỏ thẫm, thơm lừng, ăn sống với cơm nguội cũng rất ngon.

Mắm kho bông súng ngon không thể thiếu ớt, sả, và ăn phải ngồi dưới đất mới ngon. Bông súng tước xong để nguyên cọng dài, vừa ăn vừa bẻ vào chén, chan nước mắm kho ngập, thêm vài con tép đỏ – là thành món đặc sản ngon thấm tận chân răng, nổi vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, giòn giòn của bông súng…

Hoặc đem cọng bông súng nấu với trái dác hay bông điên điển, thêm mấy khoanh cá lóc mà ngọt mát vô cùng.

Những món rau dân dã, bình dị mọc lẩn khuất trong cỏ dại, chen chúc vươn lên từ bùn lầy mà cho ta những món ăn thơm ngon vô cùng. Không những tươi ngọt thanh mát mà hương vị cũng vô cùng đặc biệt ăn một lần là lưu luyến mãi không thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *