ÁM ẢNH TUỔI THƠ LIỆU CÓ ĐEO BÁM BẠN SUỐT ĐỜI?

Mấy hôm trước trong lúc ăn lẩu họp lớp, tôi bất cẩn vuột tay làm đổ một đĩa đậu phụ.

Tôi đột ngột thất kinh tái xanh mặt, đứng như trời trồng không dám nhúc nhích.

Không biết vì sao lại như vậy, nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi bất thình lình mất sạch khả năng phản ứng, chết trân như đợi điều gì.

Bạn bè cũng một phen khiếp vía, hỏi tôi bị gì thế, người khó chịu mệt mỏi hay làm sao.

Khi bỗng ý thức được mình đã lớn rồi, dù có đánh đổ đồ đạc cũng chẳng hề gì, không bao giờ có người mắng nhiếc thậm tệ nữa, bất giác lòng thổn thức khôn tả.

Khoảnh khắc đó tôi chợt muốn mặc kệ tất cả, ngồi tại chỗ oà khóc một trận.

Bạn bè, người lạ, những ánh mắt xung quanh, tôi chẳng thiết quan tâm nữa, tôi chỉ muốn mặc sự đời, gào khóc thật to, rằng tôi tủi thân quá.

Trấn tĩnh lại, tôi bảo mọi người mình không sao, rồi chạy vào nhà vệ sinh bịt chặt miệng nghẹn khóc hồi lâu.

Bởi vì hôm đó, cuối cùng tôi đã hiểu vì sao mình lại đứng yên bất động rồi.

Thì ra tôi đang đợi.

Phản xạ có điều kiện của cơ thể máy móc bảo: mày đợi đó, mày sẽ bị mắng.

Và cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao mỗi khi băng qua lộ, vào khoảnh khắc có xe lớn lái thẳng tới trước mặt, trong khi người khác ai cũng vội né chạy, thì tôi lại bất ngờ mất hết phản ứng, đứng sững sờ tay chân cứng đờ.

Thì ra tôi cũng đang đợi, đợi đến lúc bị đánh, bị chửi, bị lôi đi.

Bởi vì khi còn bé, bất kể trên đường có xe hay không, mẹ đều sẽ ngang ngược dắt tôi băng qua lộ.

Đèn xanh hay đèn đỏ chẳng là gì trong mắt bà ấy.

Tôi không chịu đi, bà ấy liền đánh tôi mấy phát ngay giữa đường, vừa giằng vừa kéo xềnh xệch.

Tôi sợ hãi, cực kỳ sợ hãi, và không có cảm giác an toàn, thấy đi theo mẹ rất nguy hiểm, nhưng không đi theo cũng rất nguy hiểm.

Xe cộ qua lại nhập nhằng, đã vậy còn bị đánh.

Cảm giác hoảng sợ đó sâu sắc đến độ, nó khiến tôi sau này lớn rồi vẫn không dám một mình qua lộ.

Đã nhiều năm trôi đi, ký ức những lần bị bà ấy lôi qua đường đã phai mờ từ lâu, nhưng cơ thể tôi vẫn nhớ rõ mồn một.

Miễn là xe cộ đông lên, hoặc thấy xe chạy thẳng về phía mình, tôi sẽ ngơ ngác trong một khắc, đơ như phỗng.

Từ hồi học trung học cho đến đại học rồi thạc sĩ, mỗi khi qua lộ bị khựng lại, bạn học, bạn cùng phòng, bạn trai cũ của tôi, tất cả đều dắt tôi đi tiếp, không biết đã bao nhiêu lần.

Mỗi khi họ cười hỏi làm sao mà như con nít thế, tôi đều lúng túng cười đáp, thì tôi vẫn còn là con nít mà.

Rất ít khi tôi kể họ nghe nguyên do, bởi bản thân cũng không rõ vì sao lại như vậy.

Mà mỗi khi đi một mình, tôi thà đợi thêm mấy lượt đèn đỏ để xác định chắc chắn không còn hướng nào có thể có xe bất thần quẹo ra nữa mới dám qua lộ.

Chuyện này có nghiêm trọng lắm không? Cũng không hẳn.

Nhưng nó đã khiến tôi trở nên yếu đuối đến nhường nào?

Năm ngoái, trên đường từ chỗ làm thêm về trường, trong lúc dè dặt qua lộ, tôi thấy hai mẹ con nọ đang chờ đèn xanh.

Họ hô to đèn đỏ dừng, đèn xanh đi… tíu tít cười đùa vui vẻ.

Tôi nhìn họ từ đằng sau, bỗng dưng bật khóc, vừa đạp xe vừa khóc.

Từ nhỏ đến lớn, chưa từng có một ai kiên nhẫn dạy tôi cách qua lộ.

Tôi chợt cảm thấy, đã nhiều năm trôi qua, ngày xưa tôi đứng chôn chân giữa lộ hệt một con ngốc nực cười, mà ngày nay tôi vừa đạp xe vừa khóc như vậy, cũng chẳng khác chi con ngốc.

Đúng, một con ngốc.

Dù bây giờ đã hai mươi tuổi ngoài, tôi vẫn yếu đuối như con ngốc.

Mấy hôm trước, chỉ còn vài ngày nữa là tết, tôi và mẹ cùng làm một nồi bánh màn thầu.

Màn thầu chín tới, mẹ bảo tôi đứng bên đợi đó, khi nào bà gắp bánh ra hết thì bê sang phòng khác.

Do từ đầu mẹ đã không đặt thớt đựng bánh đàng hoàng chắc chắn, nên ngay lúc bà gắp chiếc bánh cuối cùng ném lên, toàn bộ tức thì lật tung.

Tôi vội vã chụp tấm thớt lại, cứu vãn kịp thời ba phần tư số màn thầu, còn lại bấy nhiêu lăn lốc trên nền nhà.

Tôi đặt thớt ngay ngắn xong vội cúi xuống nhặt bánh với mẹ, bản thân thì đỏ bừng mặt không dám ho he, mà bà thì vừa nhặt vừa chửi bới.

Bà lạnh lùng gắt một câu: “Nếu không phải tại mày xớ rớ thì tao đã cẩn thận hơn rồi, chẳng nhờ vả được gì! Cầm mỗi cái bánh cũng không nên thân!”

Giây phút đó tôi hiểu rất rõ, thật ra tất cả lỗi đều do bà, nhưng bà không thừa nhận.

Trong đầu mẹ tôi nghĩ, chính vì tôi đứng chàng ràng ở bên khiến bà sơ ý nên bánh mới đổ như thế.

Bạn thấy đó, chỉ cần bà chửi lên, dù rành rành tôi chẳng sai, nhưng toàn bộ trách nhiệm đều trút cả lên đầu tôi, còn bà thì chẳng hề có lỗi.

Từ nhỏ cho đến hơn hai mươi tuổi, những chuyện tương tự đã xảy ra nhiều vô số kể.

Lần nào tôi cũng nuốt một bụng ấm ức, muốn đáp trả, nhưng không nói ra được.

Nghĩ tới chính mẹ cũng rất khổ cực, tôi thấy mình chẳng có tư cách đòi lại công bằng chi cả.

Nay đã lớn, tôi hiểu đó không phải lỗi do mình, nhưng lúc nhỏ chẳng biết làm sao phân định đúng sai.

Chỉ biết mình lại bị mắng, mình lại làm hỏng gì đó, mình lại bị ghét bỏ, tất cả đều tại tôi, lần này đến lần khác đều do tôi, tôi vô tích sự.

Tôi nhớ khi mình còn bé luôn cẩn thận từng ly từng tí, luôn nỗ lực làm một đứa con giỏi giang, mãnh liệt mong muốn được ba mẹ thừa nhận, được thương yêu.

Nhưng dù cho giấy khen bằng thưởng đã dán kín bức tường, thì tôi vẫn chưa bao giờ nhận được lời khen và sự công nhận mà mình hằng mong muốn.

Tủi thân không? Tủi chứ.

Nhưng có nghiêm trọng không? So với công ơn dưỡng dục của ba mẹ, đây chẳng đáng là gì.

Mỗi lần nghĩ tới những điều này, tôi bỗng thấy bản thân thật quá mất dạy, thật vô lương tâm.

Khi chẳng còn ai cần tôi nữa, là mẹ đã nuôi nấng tôi, chưa từng để tôi chịu đói, chịu lạnh, cho tôi một mái ấm, tôi còn mong gì hơn?

Bởi thế tôi không ghét mẹ, không hề ghét, chỉ là thấy tổn thương.

Dù cho bây giờ tôi đã hai mươi mấy tuổi, dù cho đã có khả năng suy xét và xoa dịu bản thân lâu rồi, tôi vẫn thấy tổn thương.

Tôi chỉ muốn tự hỏi trái tim mình, vì sao chứ, vì sao lại như thế chứ?

Vì sao tôi cố gắng đến đâu vẫn không thể làm tốt, vẫn không nhận được sự dịu dàng mình hằng khao khát đó?

Sau những đả kích, không ít lần tôi miên man mộng tưởng dáng vẻ hiền hòa của mẹ.

Nếu như hôm ấy khi chúng tôi cúi nhặt bánh, mẹ không to tiếng chửi mắng mà thay vào đó mừng rỡ bảo: “May quá, may mà có con đứng đỡ kịp, nếu không cả đống bánh này đổ sạch…”, tôi sẽ thế nào?

Nếu như từ nhỏ đến lớn, trong những lần thấy ấm ức đó, nếu bản thân không bị đổ oan, mẹ cũng luôn nhẹ nhàng nói chuyện với tôi, thấu hiểu tôi, động viên tôi, không phải cái vẻ nóng nảy đó, tôi sẽ thế nào?

Tôi đoán tôi sẽ khóc mất, chỉ cần một lần dịu dàng như thế, tôi sẽ khóc hàng mấy ngày đêm.

Những câu chuyện cỏn con đó, những ấm ức nhỏ nhoi đó, có nghiêm trọng không?

Nhắc về chúng, tôi thấy chẳng sao cả.

Nhưng nó sẽ ảnh hưởng tôi suốt đời chứ?

Suốt đời.

Ngày xưa tôi cũng từng cho rằng rồi sẽ tốt lên thôi, lớn rồi sẽ khỏi.

Nhưng giờ tôi đã thôi ý nghĩ đó từ lâu.

Thật sự là không thể cứu vãn. Có những thứ nhất định sẽ đeo bám tôi cả đời.

Người ta nghĩ về tôi thế nào? Một đứa con gái hở tí là khóc?

Người yêu cũ cũng chẳng hiểu, vì sao chỉ vì không dắt tay qua lộ mà tôi lại bất thình lình phát điên.

Những người đã từng được tôi ôm cũng sẽ không hiểu, vì sao chỉ là một cái ôm nhẹ nhàng mà lại quan trọng đối với tôi đến thế.

……

Không biểu, họ không hiểu đâu, và tôi cũng chẳng chờ mong ai hiểu cho tôi cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *