NẾU ĐẾ QUỐC OTTOMAN THẮNG TRẬN VÂY VIENNA 1529

Đầu tiên, theo ý kiến cá nhân của người viết thì nếu Ottoman chiếm được Vienna năm 1529 thì Ottoman có thể sụp đổ còn nhanh hơn so với trong lịch sử. Tất nhiên đối với những bạn nào giữ quan niệm “Lịch sử không có chữ nếu…” bla bla bla thì lướt qua cũng được. Và đương nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân nên mời mọi người tranh luận thoải mái ?.

Mục tiêu thực sự của Sultan Suleiman I trong Trận vây Vienna vẫn còn bị tranh cãi cho đến tận ngày nay. Các sử gia đa số chấp nhận quan điểm rằng ông không thực sự có ý định chiếm Vienna mà là phá hoại để thành phố này không hồi phục được nữa như Buda năm 1526. Mình theo thuyết rằng mục đích của Suleiman là ép Charles V đích thân đem quân đội đến giải cứu thành phố, do cả hai lãnh đạo đã tranh giành ảnh hưởng với nhau ở châu Âu suốt nhiều năm, và Suleiman muốn loại bỏ ảnh hưởng của nhà Habsburg lên Hungary nhằm dọn đường cho cuộc xâm lược của Ottoman. Vienna là phương tiện để buộc Charles đối mặt với Suleiman trên chiến trường. Việc này đương nhiên là không xảy ra và quân Ottoman phải rút về Istanbul.

Mục tiêu mở rộng lãnh thổ của Suleiman phần lớn tập trung vào việc chinh phục Bán đảo Ý và ông đã thực hiện một số việc để hoàn thành mục tiêu này. Ông ngoại giao với Francis I của Pháp, tìm cách để thành lập Liên minh Pháp-Ottoman khi Francis bị đẩy vào thế bao vây bởi nhà Habsburg. Suleiman đồng thời cũng đầu tư mạnh vào lực lượng hải quân, cố gắng giữ vị trí mạnh tại Địa Trung Hải và buộc Charles phải rút lui khỏi chiến trường này khi không thể chống lại quân Ottoman và Cướp biển Barbary. Ngoài ra, ông còn tìm cách mở đường tiến thẳng đến Ý qua cuộc tấn công vào Corfu năm 1537 nhưng thất bại nên phải chuyển hướng đánh bại Venice vào năm 1540.

Trở lại với Vienna, nếu quân Ottoman bằng cách nào đó chiến thắng được trận đánh này vào năm 1529 thì coi như đế quốc này sẽ lụi tàn sớm hơn nữa. Quốc lực của Ottoman để có thể tiến sâu vào châu Âu là điều không thể mà muốn giữ yên được Vienna thì phải chiếm luôn vùng Thượng Áo và Tyrol.

Thử tưởng tượng xem châu Âu sẽ coi Ottoman là mối đe doạ như thế nào nếu viễn cảnh ấy xảy ra.

Một sự kiện đáng được nhắc đến trong giai đoạn này là Phong trào Phản Cải cách đang diễn ra trên khắp châu Âu và sự ảnh hưởng của mối đe doạ Ottoman lên phong trào. Phần lớn các quốc gia giáp biên giới với Ottoman đều theo Công giáo và đặc biệt là ở Đức đang phải đối mặt với làn sóng Tin lành gây bất ổn nội bộ. Ngay cả Pháp cũng đang phải đối mặt với phong trào Tin lành ngày càng lớn mạnh và Anh cũng đang dần trở thành một quốc gia Tin lành. Khả năng những quốc gia đang chia rẽ, mâu thuẫn tôn giáo sâu sắc này hợp sức lại với nhau để đối phó với Ottoman cũng rất đáng để tranh luận.

Một khả năng khá thú vị là các Công quốc Tin lành ở Đức sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chinh phạt của Ottoman. Các lãnh Thiên Chúa giáo ở châu Âu từ lâu đã có truyền thống sẵn sàng gác lại những tư tưởng tôn giáo của mình để đạt được mục tiêu chính trị thực dụng hơn khi liên minh với Ottoman để đánh bại kẻ thù của mình, liên minh giữa Pháp và Ottoman là một ví dụ trong số đó. Không phải không có khả năng là các Công quốc Tin lành ở Đức sẽ đoàn kết với Ottoman để chống lại Phong trào Phản Cải cách.

Một khả năng nữa là chiến thắng của Ottoman có thể dẫn tới việc thoả hiệp (tạm thời) tại Đức. Năm 1529, Martin Luther đã trở nên cực đoan hơn với việc Cải cách Tin lành và liên minh với các Công quốc Đức đàn áp nông dân trong cuộc chiến năm 1524-1525. Tuy nhiên, Luther cũng sẵn sàng thoả hiệp trong những vấn đề quan trọng như thuyết Máu và Thịt của Chúa Giê-su có thực trong bánh và rượu Thánh hay Hiệp nhất Ngôi vị, hai vấn đề quan trọng trong việc định hình Nhà thờ và Thiên Chúa giáo. Điều này cũng cho ta thấy Luther có khả năng thoả hiệp với Nhà thờ trong các vấn đề hệ trọng.

Nếu như Ottoman chiếm được Vienna, nỗi sợ cuộc xâm lược của Suleiman sẽ rất lớn và có thể dẫn tới việc Nhà thờ và Luther tạm thời gác kiếm để đối phó với Ottoman. Charles V có khả năng gây áp lực lên Giáo hoàng để đàm phán với Luther và các Công quốc Tin lành nhằm thành lập một dạng liên minh chống quân Ottoman, bởi Đế chế Habsburg nằm ngay tiền tuyến cuộc chinh phạt của Suleiman nên sẽ làm mọi cách giữ được phần lãnh thổ còn lại. Việc thoả hiệp Công giáo và Tin lành ngay giữa giai đoạn Phong trào Phản Cải cách sẽ có ảnh hưởng cực lớn lên thế giới ngày nay.

Về phần bản thân Ottoman, họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu chiếm được Vienna, bởi cuộc xâm lược Hungary của Suleiman đã gây ra một làn sóng bất ngờ và lo ngại khắp châu Âu rồi. Các cường quốc ở châu Âu sẽ hưởng rất nhiều lợi thế nếu lúc này liên minh chống Ottoman, Tây Ban Nha đang có ý định mở rộng lãnh thổ xuống vùng Bắc Phi, Đức đang tìm cách để ổn định trở lại trong Phong trào Phản Cải cách, Pháp mặc dù có liên minh với Ottoman nhưng luôn muốn giữ ảnh hưởng ở Ý và chắc chắn sẽ phản đối quyết liệt khi Ottoman xâm lược hoàn toàn bán đảo này.

Suleiman sẽ buộc các nước châu Âu liên minh chống lại Ottoman nếu ông tiếp tục tiến sâu vào lục địa. Việc đầu tư vào Địa Trung Hải có thể là bước đi tốt nhất cho Ottoman lúc bấy giờ cho dù có chiếm được Vienna hay không, quân Pháp và Tây Ban Nha đang bận đánh lẫn nhau tại Ý nên về cơ bản giúp Ottoman có cơ hội biến Địa Trung Hải thành sân sau của mình (tất nhiên là trừ bọn Venice phiền phức ấy ra ?).

Theo ý kiến cá nhân, mình thấy chỉ có 4 lợi ích chính trong việc thành công chiếm Vienna năm 1529:

1/ Nhà Habsburg, hay Charles V, sẽ nhục nhã trước cả châu Âu do là người đi đầu trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Ottoman. Việc này sẽ mở đường cho những kẻ thù của Habsburg tranh giành quyền lực và có thể khiến đế chế sụp đổ nhanh hơn.

2/ Ottoman trở thành một đế chế có ảnh hưởng lớn lên cả châu Âu, nhờ thắng lợi trước cuộc chiến ý thức hệ với nhà Habsburg, làm suy giảm nghiêm trọng ảnh hưởng của Áo lên châu Âu.

3/ Các Công quốc Tin lành ở Đức có lợi thế vô cùng lớn từ sự hỗn loạn trong nhà Habsburg sau khi để mất Vienna.

4/ Hungary coi như bị Ottoman kiểm soát hoàn toàn vì đẩy được Habsburg vào sâu trong châu Âu và không còn khả năng giữ Hungary. Sự lớn mạnh của phe cánh Zápolya cũng chắn sẽ giúp Ottoman trong dài hạn. Việc này có lẽ là lợi thế lớn nhất.

Ngoài những lợi thế này, Đế quốc Ottoman vẫn sẽ phải dàn mỏng và quân đội của họ sẽ không thể giữ vùng đất này được lâu. Giống như Đế chế Habsburg, nếu như chiếm được Vienna thì Ottoman sẽ sụp đổ nhanh chóng hơn khi phải đối mặt với các cường quốc ở châu Âu. Cán cân quyền lực ở châu Âu và Địa Trung Hải cũng sẽ từ đó thay đổi.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *