Khá chắc kèo là Bakhtiyar Khilji. Vào thế kỉ 12 ở Ấn Độ có một trường đại học lớn tên là Nalanda. Học giả từ khắp nơi trên thế giới thường xuyên lui về đây để nghiên cứu và trao đổi. Và rồi người Thổ dưới sự lãnh đạo của Khilji xâm lược Ấn Độ. Chúng tàn sát tất cả học giả ở đấy và phá hủy hoàn toàn ngôi trường. Thư viện của trường theo ghi chép lớn đến nỗi sau ba tháng mới bị cháy rụi hoàn toàn. Đây chắc là mất mát lớn nhất của nhân loại theo tôi biết
_____________________
u/Artivia (18.8k points – x2 silvers – x1 this – x1 looking)
Robert Maxwell, bố của Ghislane (T/N: bà này là người môi giới ấu dâm cho tỉ phú Epstein). Gã này là nguyên nhân chính khiến người đọc phải trả tiền để đọc tạp chí khoa học ngày này. Trước khi Maxwell xuất hiện thì các tài liệu khoa học khá là dễ tiếp cận. Lão đã biến ngành xuất bản ngày nay đã thành khối ung thư ký sinh trên ngành học thuật.
Edit: Đây là một vấn đề khá thú vị mọi người nên biết đấy. Nếu muốn tìm hiểu các chi tiết sâu hơn mọi người có thể đọc bào báo này: https://www.theguardian.com/…/profitable-business…
Dài quá ếu đọc: Đại khái là qua PR marketing, các hợp đồng độc quyền và luật bản quyền, Maxwell cùng nhà xuất bản Pergamon của mình đã biết ngành xuất bản khoa học từ một ngành phi lợi nhuận trờ thành một ngành hút máu luôn cố moi tiền từ các nghiên cứu mà không hề chi một xu nào cho những nghiên cứu này.
Mọi người có thể tìm hiểu thêm về Alexandra với Sci hub. Cô ấy đã nỗ lực giúp cho rất nhiều người không có điều kiện có thể tiếp cận được với tài liệu học thuật qua Sci hub. Video về họ ở đây:
_____________________
u/catebriga (37.1k points – x8 silvers – x1 all-seeing upvote – x1 this)
“Nhà phát minh vô danh của thuỷ tinh dẻo đã đem trình hoàng đế Tiberius một chiếc bát làm bằng loại chất liệu này. Chiếc bát được đem đi kiểm tra xem có thể vỡ không và thật kỳ lạ, nó chỉ bị móp thay vì bị vỡ ra từng mảnh. Theo ghi chép của Petronius thì vết móp này đã được nhà phát minh sửa chữa chỉ với một cây búa nhỏ. Sau khi thề rằng mình là người duy nhất nắm bí quyết chế tạo ra loại chất liệu này, nhà phát minh vô danh đã bị xử tử vì Tiberius lo ngại thuỷ tinh dẻo sẽ làm vàng bạc mất giá”
Link wiki đây nha các thím: https://en.m.wikipedia.org/wiki/Flexible_glass
_____________________
u/BergilSunfyre (2.8k points – x1 silver – x1 wholesome – x1 hugz)
Hoàng đế Tống Cao Tông. Cách lão này gây hại đến sự phát triển khá lằng nhằng nên chắc tôi sẽ kể toàn bộ câu chuyện luôn. Khi mọi người thường bảo Trung Quốc từng dẫn đầu thế giới thì họ đang nói về Trung Quốc vào thế kỉ 12. Một số nhà sử học tin rằng họ còn sắp có một cuộc công nghiệp hoá nữa cơ. Và rồi quân Kim xâm lược và chiếm luôn miền Bắc Trung Quốc. Triều đình nhà Tống tháo chạy xuống phía nam và lập em trai hoàng đế Tống Khâm Tông lên làm vua, tức Tống Cao Tông.
Một thời gian sau, một danh tướng của nhà Tống là Nhạc Phi (ông này được đồn là yêu nước đến mức xăm luôn chữ “Tận trung báo quốc” ở lưng) dẫn quân đánh tan quân Kim và định đuổi theo tiêu diệt nhưng cuối cùng lại bị Cao Tông triệu về vì Cao Tông muốn thương lượng với quân Kim. Kết quả của cuộc thương lượng là nhà Tống mất luôn nửa phía Bắc Trung Quốc. Vài năm sau quân Kim lại xâm lược, Nhạc Phi một lần nữa đánh tan quân Kim và dí chúng lên đến tận cố đô nhà Bắc Tống là Khai Phong nhưng lại bị triệu về một lần nữa. Nhạc Phi gửi thư cho vua báo rằng ông đã dí gần chết đấm quân Kim rồi và có thể chiếm lại miền Bắc trong một tháng. Thế nhưng Cao Tông vẫn bảo không và bắt Nhạc Phi về ngay lập tức. Cuối cùng Nhạc Phi đành chịu rút quân nhưng vẫn nán lại đủ lâu để kịp sơ tán thành Khai Phong và cáo lỗi về muộn do vấn đề hậu cần. Oke bây giờ các ông sẽ bắt đầu nghĩ sao Cao Tông lại để lỡ mất cơ hội ngon ăn thế? Đáp án là vì anh trai Cao Tông là vua Khâm Tông vẫn còn là tù binh. Nếu Nhạc Phi đuổi được quân Kim thì rất có thể Cao Tông sẽ phải nhường ngôi cho anh mình và Cao Tông rất không muốn điều này xảy ra.
Sau khi Nhạc Phi trở về thì việc ông về muộn đã làm Tống Cao Tông coi đó là một hành động phản nghịch và xử tử ông với lí do “Chắc thằng Nhạc Phi đã làm gì đấy sai”. Nhưng lí do thực sự chắc là vì ông đã cố gắng để thắng một cuộc chiến ông không được thắng. Mọi người đều bất bình với việc xử tử Nhạc Phi nhưng Cao Tông đã đổ hết tội lên đầu một vị quan rồi cho xử tử luôn vị quan này.
Vậy thì tất cả mọi chuyện này ảnh hưởng như nào đến sự tiến bộ của loài người? Như tôi nói trên rồi á, Trung Quốc đã gần đạt đến một sự công nghiệp hóa nhưng không thể vì không đủ lượng than cần dùng. Ở Trung Quốc có nhiều quặng than nhưng phần lớn chúng nằm ở phía bắc. Thứ hai nữa là nội bộ nhà Kim cũng đang lục đục vào lúc bấy giờ và bị quân Mông Cổ đánh bại vào 70 năm sau đó. Quân Mông Cổ đã lấy được những vũ khí công thành sau khi hạ được nhà Kim, qua đó khắc phục được điểm yếu đánh thành của kỵ binh và với những vũ khí này gần một nửa thế giới lúc đó đã phải quỳ trước vó ngựa Mông Cổ. Nếu lúc đó Trung Quốc thống nhất và được trị vì bởi một ông vua tử tế hơn Cao Tông thì Mông Cổ chưa chắc đã có được những loại vũ khí này. Vậy là nếu Cao Tông có thể bớt ích kỷ đi một tí, quân Mông Cổ chưa chắc đã càn quét được khắp thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp đã có thể diễn ra sớm hơn 500 năm.
>u/Torn_2_Pieces (220 points)
Ngoài ra với việc quân Mông Cổ không tiến vào châu Âu được thì cuộc vây thành Kaffa cũng sẽ không diễn ra. Ở cuôc vây thành này, người Mông Cổ đã cho xác người chết vì dịch hạch lên máy cẩu đá rồi bắn vào thành. Dịch hạch tràn ra khắp Kaffa và lây lan sang thành Constantinople bởi các thương gia Genoa. Từ đây dịch bệnh lan ra khắp châu Âu và sau này được biết đến với cái tên Cái chết Đen.
_____________________
u/better_than_shane (20.1k points – x1 platinum – x1 gold – x5 silvers)
Guy de Chauliac. Ổng là một bác sĩ phẫu thuật sống ở thế kỷ 14 đã kịch liệt phản đối một bác sĩ khác cũng thời là Theodoric Borgognoni. Theodoric đã có nhiều công trình về việc chăm sóc vết thương người bệnh và theo ông thì cách tốt nhất để xử lý vết thương là giữ sạch nó và băng bó cẩn thận.
Guy phản đối phương pháp của Theodoric vì nó đi ngược lại hoàn toàn với phương pháp của Galen, một nhà phẫu thuật thời Hi lạp cổ. Galen tin rằng việc chảy mủ nhiễm trùng là cách cân bằng dịch cơ thể của người bị thương. Quan điểm của Guy đã được truyền bá và ủng hộ rộng rãi, qua đó đẩy lùi sự ra đời của thuốc sát trùng khoảng 600 năm.
EDIT: Guy de Chauliac sống vào thế kỉ 14 chứ không phải 13 nha mấy ông, vì ổng vẫn sống vào thời Cái chết Đen. Một câu chuyện bên lề vào thời đấy nữa là một vị bác sĩ tên Ignaz Semmelweis đã bị tống vào trại tâm thần chỉ vì ổng cho rằng bác sĩ phẫu thuật thì nên rửa tay trước khi khám cho bệnh nhân.
>u/princezornofzorna (1.7k points)
Nếu tôi nhớ không nhầm thì có một nhà vật lý người Pháp đã phát minh ra một loại thuốc kháng khuẩn có hiệu quả cao nhưng cũng không được giới y học công nhận vì chỉ đơn giản vì ổng không biết viết tiếng Latin.
Edit: Đúng rồi tên ổng là Ambroise Paré. Trích từ Wikipedia đây nhé:
“Khi Paré trở về vào buổi sáng hôm sau, ông khám phá ra rằng những người lính được chữa trị với dầu sôi đang đau đớn cực độ, trong khi số còn lại được chữa trị với thuốc mỡ đã hồi phục vì đặc tính kháng khuẩn của turpentine. Điều đó đã chứng minh phương pháp của ông đã tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, nó không được sử dụng rộng rãi cho đến nhiều năm sau đó. Ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình ‘phương pháp chữa trị vết thương gây ra bởi súng hoả mai và hoả khí’ vào năm 1545.”
_____________________
Dịch bởi Vũ