Ai là người chịu nhiều căng thẳng nhất trong lịch sử?

Đó là Sir Andrew Wiles nhé.

________________________________________

Vào năm 1637, Pierre de Fermat đã viết vào lề cuốn Arithmetica của Diophantus rằng, phương trình x^n + y^n = z^n không có nghiệm nguyên đối với n lớn hơn 2.[1] Dù ông bảo rằng mình đã tìm ra chứng minh hoàn hảo cho định lý này (lề hẹp quá nên không viết ra được), song rõ ràng là Fermat đã không hề có nó.

Mệnh đề này nổi tiếng với cái tên Định lý Fermat Lớn (Fermat’s Last Theorem) và nó đã khiến rất nhiều người yêu thích toán học bối rối trong hàng trăm năm trời. Tình hình không thay đổi chút nào.

Và rồi vào tháng 6 năm 1993, nhà toán học tài năng người Anh Andrew Wiles đã có ba bài giảng: “Dạng Modular, các đường ellip và khai triển Galois” trong một buổi hội thảo tại Cambridge. Kết thúc bài cuối, ông tuyên bố mình đã chứng minh được trường hợp tổng quát của “giả thuyết Taniyama”.

Ông cũng lặng lẽ tuyên bố rằng, theo hệ quả Định lý Fermat lớn đã được chứng minh.

ĐPCM nhé!

Wiles đã miệt mài nghiên cứu bài toán này trong bảy năm trời mà không nói với ai về kế hoạch của mình. Ông đã mơ về Định lý Fermat Lớn từ hồi còn nhỏ, và khi bài toán được liên hệ với chuyên môn hẹp của ông nhờ vào công sức của Gerhard Frey, Ken Ribet và Jean-Pierre Serre, mọi thứ đã thay đổi.

Ông nhất định phải thử mới được.

Không còn cách nào khác đâu.

Tuyên bố đã khiến giới toán học xôn xao, và kết quả của ông xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo lớn trên toàn cầu.

Cuối cùng thì, đã có người chứng minh được bài toán nổi tiếng nhất suốt hơn 350 năm chưa có lời giải rồi!

Wiles sẽ đi vào lịch sử khoa học, sẽ được trao mọi giải thưởng toán học lớn và chắc chắn sẽ rất giàu có.

Nhưng rồi tới tháng 8, mọi chuyện bắt đầu tệ đi.

Wiles phát hiện trong chứng minh của mình có một lỗi sai và thế giới xung quanh ông bắt đầu sụp đổ. Giấc mơ đã tan biến rồi.

Một lỗi sai trong chứng minh toán học (thi thoảng cực kỳ dài dòng và phức tạp) có thể đặt dấu chấm hết cho toàn bộ công sức đấy

Bắt đầu lại.

Trong suốt cả một năm trời, Wiles mòn mỏi tìm cách sửa sai và cứu vãn giấc mơ của mình.

Một năm để đưa ra một chứng minh toán học nghe có vẻ lâu đấy, nhưng ta đều biết rằng, thi thoảng cần tới hàng trăm năm và trí tuệ của hàng ngàn người mới làm được đấy nhé.

Và giờ thì Wiles lâm vào tình thế bi đát nhất của một nhà khoa học: cho rằng mình có thể vươn tới ước mơ và rồi gục ngã ngay trước khi chạm tới nó.

Ông biết rằng cả thế giới đang theo dõi mình, đồng thời xì xào về mọi chuyện đang diễn ra. Từng giờ.

Sau một năm trời, Wiles đã gần như kiệt quệ, quá căng thẳng và đang định từ bỏ hết tất cả.

Và rồi chuyện cứ thế diễn ra.

Vào tháng 9 năm 1994, thời khắc mà sau đó Andrew Wiles gọi là “phút giây quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình”,[2] ông đã nảy ra được ý tưởng thiên tài giúp ông giải quyết bài toán, một lần và mãi mãi.

Năm 1995, chứng minh định lý Fermat chuẩn chỉnh của Andrew Wiles được đăng trên tạp chí Annals of Mathematics — bài báo thứ hai ông viết với sinh viên của mình là Richard Taylor.

Cuộc chiến của ông với định mệnh kết thúc.

Và ông đã thắng.

Tham khảo

[1] Fermat’s Last Theorem – Wikipedia

[2] Wiles’s proof of Fermat’s Last Theorem – Wikipedia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *