ai-khong-ruou-bia-cung-co-nong-do-con?

Ai không rượu bia cũng có nồng độ cồn?

Ai không rượu bia cũng có nồng độ cồn?- Ảnh 1.

Trường hợp hiếm gặp, một số người có bệnh lý có thể bị hiểu nhầm mới sử dụng bia rượu do có lượng ethanol cao. Ảnh: Unsplash.

Ethanol nội sinh (hay cồn nội sinh) sinh ra tự nhiên trong cơ thể, có thể tồn tại trong máu, hơi thở và trong các mô, cơ quan. Ethanol nội sinh được tạo ra từ 2 quá trình gồm quá trình chuyển hóa của vi sinh vật trong đường tiêu hóa và quá trình trao đổi chất của các tế bào của cơ thể.

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng ở người bình thường, cả 2 nguồn này thông thường chỉ tạo ra một lượng ethanol rất nhỏ trong máu, còn trong hơi thở hiếm khi vượt quá mức 2 mg/L.

Theo tiến sĩ Minh, ai cũng có cồn nội sinh nhưng phần lớn là nồng độ rất thấp không phát hiện được qua hơi thở.

Tuy nhiên, trong một số những trường hợp đặc biệt, nhiều người được phát hiện có mức cồn nội sinh cao do tình trạng bệnh lý của cơ thể.

5 trường hợp dưới đây được xem là điển hình và có nguy cơ cao nhất:

“Một nghiên cứu đã chỉ ra nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở của người bị bệnh béo phì thường cao hơn người có sức khỏe bình thường. Nghiên cứu cũng cho hay trung bình trong hơi thở của nữ giới có thể phát hiện nồng độ cồn cao hơn nam giới ngay cả khi không có tiêu thụ đồ uống có cồn”, ông cho biết.

Nhóm thứ 2 là người mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Những trường hợp này cũng thường có ethanol nội sinh sinh ra nhiều hơn.

Nhóm thứ 3 là những người có tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non (SIBO), thường có số lượng rất lớn vi khuẩn trong đường ruột. Lượng ethanol vì thế cũng tạo ra nhiều hơn, đặc biệt là với người có chế độ ăn nhiều đường, tinh bột.

Nhóm thứ 4 là một số trường hợp cơ thể nhiễm nấm Candida albicans trong đường tiêu hóa. Tình trạng này cũng làm tăng lượng ethanol sinh ra do chuyển hóa của loài nấm.

Nhóm thứ 5 cũng là tình huống khá phổ biến dẫn tới nồng độ cồn nội sinh cao, đó là những người mắc các bệnh lý mạn tính hoặc hội chứng sinh tự sinh rượu (ABS – Auto Brewery Syndrome).

Người bị đái tháo đường thường xuyên có lượng đường glucose trong máu cao, làm thúc đẩy quá trình lên men của vi sinh vật trong cơ thể, sinh ra cồn nội sinh nhiều hơn bình thường.

“Một nghiên cứu hồi 2016 ở Ai Cập khảo sát nồng độ cồn nội sinh trong máu bệnh nhân đái tháo đường và xơ gan cho thấy nồng độ cồn nội sinh trong máu 14 người khỏe mạnh nằm trong mức 0,5-12 mg/L. Con số này của 14 bệnh nhân đái tháo đường type 2 là 2,3-129 mg/L và của bệnh nhân vừa bị đái tháo đường type 2, vừa xơ gan là 43-223 mg/L”, tiến sĩ Minh dẫn chứng.

Theo ông, người mang cả 2 bệnh có mức cồn nội sinh cao nhất. Nguyên nhân là bệnh xơ gan làm giảm tốc độ phân hủy ethanol tích tụ trong cơ thể. Nếu thổi máy đo nồng độ cồn, những bệnh nhân vừa xơ gan và đái tháo đường type 2 có thể bị hiểu nhầm mới sử dụng bia rượu.

Ở giai đoạn nặng, bệnh đái tháo đường dẫn tới biến chứng nhiễm toan ceton. Hơi thở người bệnh có nhiều acetone có thể bị thiết bị phát hiện nhầm là ethanol, dẫn tới tăng chỉ số nồng độ cồn trong hơi thở.

Ngoài ra, ở một số người mắc hội chứng hiếm ABS (hội chứng tự sinh rượu hay nhà máy bia tự động) sau khi ăn đồ ăn có nhiều carbohydrate như tinh bột, quá trình lên men của vi sinh vật đường tiêu hóa xảy ra rất nhanh làm nồng độ cồn nội sinh trong máu có thể đạt tới mức rất cao là 800 mg/L.

“Những trường hợp như thế này là rất hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có”, tiến sĩ Minh thông tin thêm.

Theo ông, những người có mức cồn nội sinh cao có thể phát hiện qua máy đo nồng độ cồn trong hơi thở rất hiếm gặp.

Tuy nhiên, nếu xác nhận có tình trạng này, những người đó cần phải tránh tiêu thụ thức ăn có nhiều hydrocarbon để hạn chế ethanol nội sinh. Nếu có các biểu hiện giống như người say, ngộ độc rượu, người bệnh cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân và không nên lái xe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *