AI DÁM NÓI TẤM BẰNG ĐẠI HỌC KHÔNG QUAN TRỌNG?  

(Đây là một bài viết nêu quan điểm một cách thẳng thắn nhất và chân thật nhất, mọi tranh luận, xin mời tự nhiên. Mình rất gay gắt vì có nhiều em năm 1 năm 2 lơ ngơ vào trường nghe mấy người hỡi ơi xúi đừng học đại học, chẳng được gì đâu, nghe thế xong rồi bỏ học rồi cuộc đời bồng bềnh như bèo dạt mây trôi…  )

Tại sao mình dám quả quyết thế, vì có 4 lý do sau đây.

1. GIÁ TRỊ TẤM BẰNG PHỤ THUỘC VÀO TẦM VÓC CỦA NGƯỜI NHÌN NÓ.

     Đây là vấn đề đầu tiên mình cần bạn xác định, giá trị tức là bạn có vận dụng được nó không, bạn sử dụng nó để làm gì, bạn dùng nó để ứng cử, bơi ra biển lớn hay lót nồi.

Bạn đã từng nghe chuyện về chú tiểu mang viên đá đến chợ, đến tiệm cầm đồ và cuối cùng là mang đến bảo tàng chưa. Ở đâu chú tiểu cũng không nói năng gì, chỉ đưa hai ngón tay. 

Ở chợ, người ta trả chú 2 đồng, rồi chú ôm cục đá đến tiệm cầm đồ, sau một hồi soi xét, người ta trả chú 200 đồng. Chú lại mang cục đá đến bảo tàng, chú cũng giơ hai ngón tay lên và bất ngờ, người ta trả cho chú một số tiền cực kỳ lớn…. 

    Tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện đó để muốn nói rằng giá trị Tấm bằng phụ thuộc vào Cách bạn sử dụng nó, cách bạn nhìn nhận nó như thế nào, sử dụng nó để làm gì. Bạn dành 4 năm ở Đại học như MỘT THÂY MA GIẢNG ĐƯỜNG, vất vưởng, qua ngày đoạn tháng. Rồi ra trường, cầm tấm bằng trung bình khá, không có năng lực, thái độ cũng không, kiến thức càng không. Rồi đi làm một  việc gì đó không hề liên quan đến chuyên môn. 

Sau đó phán một câu:” HỌC ĐẠI HỌC MÉO ĐỂ LÀM GÌ!”. Tôi cũng xin lạy anh chị. Anh chị đã thật sự “HỌC” và TẬN DỤNG TỐI ĐA quãng thời gian Đại học chưa?

   Một quan điểm của các bạn bỏ học mà còn thích sân si ngụy biện là lôi đủ thứ Bill Gates rồi Steven Jobs rồi Mark Zuckerberg ra, bảo ổng cũng nghỉ học kìa chú Thông? Lạy hồn, mấy ổng học Ha- Vợt. Đừng có lấy số ít xuất chúng đó ra để nói chứ. Ổng bỏ học vì ổng đã có trong tay sự nghiệp riêng, có trong tay đủ thứ năng lực kiến thức tầm nhìn. Tầm vóc bạn ngang đâu mà suốt ngày lôi mấy ổng ra thẩm du tinh thần. Lạy hồn, học cho cái bạn êi. Còn không học thì yên lặng cho người ta học. Đừng xúi bậy.

Nhiều bạn đọc bài viết trước của mình thấy mình nghỉ học Y rồi chuyển sang Giáo dục, tìm thấy đam mê đồ các thứ. Máu anh hùng nổi lên đòi nghỉ học để “Tìm kiếm đam mê”, “nghe theo tiếng gọi trái tym đồ này nọ”, xong ba mẹ hỏi ai xúi mày, bảo chú Thông xúi thì lại chết em! Xin thưa là hồi em học bỏ học Y là em có gần 3 năm kinh nghiệm làm giáo dục, tham gia hàng trăm chương trình và trại hè và em biết chắc chắn sau nhiều đêm gác tay lên trán là bản thân thật sự muốn đi theo giáo dục, làm giáo dục để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Thậm chí, lúc nghỉ học mình cũng nộp ĐƠN BẢO LƯU kết quả học tập 1 năm rồi Gap year trải nghiệm đủ thứ nhé. Phải biết chừa đường lui cho mình. Nhỡ ý thích đó chỉ là tạm thời thì còn biết quay lui chứ. Không thì em lơ ngơ giữa cuộc đời này là xong đời em luôn. Chẳng có đường tới mà đường lùi cũng không!

Bạn dùng tấm bằng để làm gì? Nếu tấm bằng xấu tệ hại thì bạn chê là đúng rồi, hoặc nếu bạn học xong, đành kiếm công việc trái ngành lái xe ôm công nghệ, bán tà tưa, bán mỹ phẩm online, áo quần thì tấm bằng chẳng để làm gì. Nhưng nếu bạn dùng TẤM BẰNG như một chiếc thẻ ứng tuyển những vị trí cao hơn. Một tấm bằng đẹp như một cô gái đẹp, rõ ràng bạn sẽ chú ý hơn rồi. Ấn tượng ban đầu là vô cùng quan trọng. Và dĩ nhiên đi kèm tấm bằng là gì, mình sẽ nói ở phần tiếp sau đây.

Nếu Tầm vóc bạn đủ lớn, bạn không cần bằng luôn, còn nếu bạn và tôi còn lèo tèo tôm tép thì làm ơn học cho tôi cái!

2. TẤM BẰNG NHIỀU HƠN MỘT TẤM BẰNG.

Muốn có tấm bằng đại học đồng nghĩa với việc bạn học đại học, và việc học đại học đó sẽ mang lại cho bạn nhiều thứ hơn một tấm bằng.

Môi trường đại học là một môi trường tốt đẹp như một xã hội thu nhỏ, vừa phải, nó cho bạn cơ hội phát huy năng lực tối đa của bản thân. Trường Đại học không chỉ tạo môi trường học tập AN TOÀN, mà còn cung cấp HỆ THỐNG KIẾN THỨC LOGIC ĐẦY ĐỦ KHOA HỌC chứ không phải là kinh nghiệm VỤN VẶT RIÊNG RẺ TỦN MỦN của từng cá nhân cho những đối tượng nhất định. Xem vài video, đọc vài cuốn sách mà cứ cho mình là chiên gia. Ewwwww

Nó còn cho bạn bước những bước đầu tiên vào một ngưỡng cửa mới, tránh bị sốc khi ném thẳng bạn vào xã hội. 

Đại học còn là một sân chơi, nơi học thêm nhiều điều mới mẻ, bổ ích, nâng cao năng lực, hình thành nhân cách. Những câu lạc bộ học thuật giúp bạn củng cố và ứng dụng cũng như mở rộng kiến thức, những câu lạc bộ ngôn ngữ, câu lạc bộ thiện nguyện vun đắp tình yêu và lòng trắc ẩn cho bạn, câu lạc bộ nghệ thuật cho bạn cảm hứng, niềm đam mê với các anh em đồng âm, câu lạc bộ thể thao cho bạn rèn luyện sức khỏe, tinh thần thể thao và đồng đội… nhảy múa, flashmob, hội trại kỹ năng… 

Còn nữa, những cuộc thi giúp bạn có thêm nhiều kỹ năng, giúp bạn ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, cọ xát và nâng cao năng lực. Mình đang học đại học mà cứ có cuộc thi nào mình thích là mình đăng ký ngay và luôn. Mình được Giải nhất cuộc thi hùng biện truyền cảm hứng do Yseali tổ chức, Giải ba cuộc thi Ý tưởng bảo vệ môi trường do Đại học Huế tổ chức, Giải nhì cuộc thi viết Sinh viên với Covid 19 do khoa tổ chức, giải khuyến khích cuộc thi Hackathon, Giải nhất đồng đội Việt Dã, Giải ba đồng đội cờ vua hồi Đại học Y, hát hò nhảy múa …. và mấy cuộc thi khác trầy trợt mà không có giải nữa. Bạn không là sinh viên, bạn đâu có quyền thi. Ahihi

Vấn đề là nằm ở sự tích cực cá nhân như mình nói ở đầu, phải biết tận dụng triệt để 4 năm học đại học. Đừng để phí, môi trường học đại học rất tốt nếu bạn biết tận dụng. Bạn có quyền thử và sai, bạn có sự hướng dẫn tuyệt vời và tận tâm từ thầy cô, bạn có bạn bè anh em hỗ trợ nhau. Còn như chưa kịp chuẩn bị tâm thế mà ra trường đời, bị vả cho mấy phát rồi hận đời không kịp. 

Trường đại học cho bạn nhiều hơn MỘT TẤM BẰNG.

3. TẤM BẰNG LÀ THƯỚC ĐO GIÁ TRỊ.

Nó cũng giống như điểm số, ai nói điểm số không quan trọng, ngồi xún đây mình nói cho nghe! 

Về bản chất, điểm số là gì bạn biết không? Nó đơn giản là một cây thước để đo trình độ của bạn. Năng lực của bạn tốt, điểm số bạn sẽ cao, năng lực bạn chưa tốt, điểm số sẽ thấp. Một người bảng điểm 4.0 thì năng lực trình độ sẽ cao hơn một người bảng điểm 3.0. Đó là năng lực, nỗ lực, ý chí cá nhân. Một đứa giỏi có thể làm được bài 10 điểm, nhưng một đứa không học hành gì, đánh lụi chỉ loanh quanh 3,4 điểm.

Vấn đề ở đây là gì? Đó là sai số giữa năng lực trình độ và điểm số. Phải chuẩn hóa đề thi để nó càng bám sát năng lực và có tính phân hóa càng cao thì càng tốt. Mình quan sát đề thi đại học mấy năm gần đây phân hóa rất tốt. Đứa nào giỏi sương sương, nắm cơ bản thì tầm 7 điểm loamh quanh đó, không hơn được. Đứa nào giỏi hơn thì 8 điểm, nhưng khó mà mò lên 9 điểm. Đứa nào giỏi thật sự, giỏi xuất sắc thì mới 9, 10 điểm, nhưng đứa thuộc số ít xuất chúng. Khi thống kê sẽ cho ra một đồ thị hình chuông tuyệt đẹp. Nhờ đề thi chuẩn hóa mà phát hiện được gian lận tại Hà Giang, Cao Bằng do xuất hiện đồ thị điểm có hình dáng bất thường( Toán xác suất thống kê năm 1 năm 2 à nha).

Hay kỳ thi Ielts, 8.0, 9.0 chắc chắn giỏi. Không nói nhiều! Vì sao? Vì đề thi chuẩn!

Để điểm số bám sát năng lực, người làm quản lý giáo dục cần đảm bảo đề thi có tính phân hóa cao, quá trình thi và chấm thi nghiêm túc, ráp phách thủ tục các thứ nghiêm túc, tần suất và hình thức thi phù hợp để không ảnh hưởng tâm lý. Chắc chắn điểm số sẽ phản ánh rõ ràng năng lực trình độ. 

Hãy để điểm số thực hiện đúng vai trò của mình là một công cụ đo năng lực trình độ.

Nói lan man chuyện điểm số cũng liên quan rất nhiều với tấm bằng. Không ngẫu nhiên mà trong lớp mình hoặc trong lớp bạn, những đứa điểm cao thì sẽ giỏi( không đề cập tiểu tiết, gian lận trót lọt đồ này nọ). Ngẫm mà xem!

Mình không chú trọng vào điểm số nhưng bảng điểm mình 3.7, 3.8 đều đều, không lẽ mình lại hên đến thế. Không, mình có cách học riêng và nỗ lực kèm với đối chiếu kinh nghiệm! 

Một tấm bằng đẹp như một CÔ GÁI ĐẸP, nếu bạn có xin việc thì nhà tuyển dụng sẽ chú ý nếu tấm bằng đó 3.5, 4.0. Hơn là lèo tèo 2.0, 2.5, chán chả buồn ngó. Nó như một cái phễu lọc để nhà tuyển dụng đỡ tốn thời gian hơn thôi. Rõ ràng là bằng cấp phải đi kèm với năng lực. Bảng điểm ổn cộng với kỹ năng thái độ thể chất ngoại ngữ trải nghiệm tuyệt vời, người ta sẽ trải thảm đỏ mời bạn bước vào….

Hãy trang bị cho mình một TẤM BẰNG ĐẸP và một năng lực tuyệt vời!

4. TẤM BẰNG LÀ TẤM VÉ!

Có nhiều bạn lạ lắm à nghen, suốt ngày chửi bới mà chẳng chịu thay đổi. Muốn thay đổi phải dấn thân, muốn thay đổi, phải là người dẫn dắt.

Thay đổi bắt nguồn từ giáo dục, mình chọn làm giáo dục để nói chung ngôn ngữ với nhưng người làm giáo dục. Đặc biệt, với chuyên ngành hiện tại mình đang học là Tâm lý giáo dục. Khi tốt nghiệp mình có thể trở thành nhà Tâm lý học đường, Chuyên gia Tham vấn tâm lý, nhà Giáo dục học, Giảng viên Tâm lý…. Các thầy cô trong khoa mình thường xuyên đi dạy các lớp cao học về giáo dục học cho các nhà quản lý giáo dục như hiệu phó, hiệu trưởng, giám đốc phòng, sở….  với mình, đây là con đường thay đổi hiệu quả. Phải là người có tầm ảnh hưởng và có tầm vóc mới mong có sự thay đổi, lan tỏa mạnh mẽ. 

Mình có khát khao như vậy!

Rõ ràng trước hết mình phải học đại học là con đường quan trọng để tạo ra một chuyên gia. Còn những người viết sách dạy con mà bằng kinh nghiệm í, có trúng có trật nhưng tầm ảnh hưởng cũng không được lớn.

Trong một vài con đường đi để dẫn dắt và dấn thân, mình chọn con đường trở thành một nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng đủ lớn để thay đổi. Bây giờ trong tay mình chưa có gì, nhưng mình có niềm tin sắt đá và khát khao mãnh liệt rằng bản thân sẽ làm được.

Bài viết để các bạn sẽ rõ ràng con đường của mình, ai đang học nhàn nhạt thì nỗ lực vào, khao khát hoài bão vào, để cùng kiến tạo một thế hệ thanh niên Việt Nam ưu tú, để cùng kiến tạo, cùng đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Ai đang muốn từ bỏ thì nghĩ cho thật kỹ, làm gì cũng được, làm người tốt là được, tự hỏi SỨ MỆNH mình là gì? KHÁT KHAO mình là gì?

Không lẽ sinh ra chỉ để chết đi, nhàn nhạt, chán nản vô cùng!

Tôi đang khát khao với niềm tin về sự thay đổi tốt hơn của xã hội, về kiến tạo một thế hệ thanh niên Việt Nam ưu tú, khát khao cống hiến và tôi chọn hành động, tôi không chọn chửi bới!

Còn bạn, BẠN chọn sống một cuộc đời nhàn nhạt hay một cuộc đời NGẬP TRÀN KHÁT KHAO, HOÀI BÃO ???

Quyền ở bạn!

P/s: Đại học không phải là con đường độc tôn duy nhất, có những cá nhân không cần học đại học nhưng với nỗ lực tự học kinh khủng của họ thì họ vẫn đạt được thành công to lớn.

Còn với số đông, Đại học là con đường hiệu quả để nâng cao năng lực cá nhân, phẩm chất nghề nghiệp. Vấn đề làm cho điểm số, bằng cấp tiệm cận năng lực cá nhân, những thách thức mình cũng có đề cập và cách thức để sự học thực sự nhằm vào phát triển năng lực ( kiến thức, kỹ năng, thái độ) cho người học. Mình sẽ còn viết nhiều và hành động nhiều nữa. Nếu bạn không cần học đại học mà vẫn có thành công thì tốt, bài viết này như một cái nhìn vui vui hơn cho bạn. Còn nếu bạn đang là sinh viên, đang khúc mắc trong vấn đề có nên học hay không thì mình chỉ ra mấy cái lợi ích trên để cho bạn vững vàng hơn mà đi tới cuối con đường. 

Sự học là SUỐT ĐỜI, 4 năm học đại học ngắn ngủi lắm bạn. Vèo cái là qua rồi! 

Nhưng việc đánh đổi 4 năm với một đống kiến thức, kỹ năng, năng lực, và bằng cấp sẽ có lợi ích to lớn như thế nào? Con đường mở ra thênh thang như thế nào. Bạn vừa có năng lực, vừa có bằng cấp thì con đường đã rộng gấp mấy chục lần chỉ riêng năng lực rồi. Bạn nghĩ mà xem có nên bỏ 4 năm ra để học không!

4 năm đó như quá trình mài dao, mài dao càng sắc, càng bén thì công việc càng hiệu quả. Còn như không chịu mài dao, cầm con dao cùn hăm hở đi vào rừng rồi ngồi đó tiếc !

Nếu đã chọn học đại học, thì xin hãy TẬN DỤNG TRIỆT ĐỂ 4 năm đó, môi trường đại học rất tốt để phát triển bản thân. Đừng vì dăm câu xúi bậy không có lý luận rõ ràng mà đã vội từ bỏ rồi cuộc đời bèo dạt mây trôi. 

Đó là đối tượng và mục đích cốt lõi bài viết, ai còn thắc mắc xin cứ trao đổi ! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *