ĐIỀU GÌ ĐƯỢC KHÁM PHÁ MỘT CÁCH TÌNH CỜ?
A: Donald Abua
https://qr.ae/pNF4Xd
____________________
Cái chết của người phụ nữ này (hình 1) thực sự đã giúp cứu sống cả tỉ người khỏi bị tàn tật, mất chân tay, và tử vong.
Vào năm 1951, Henrietta Lacks, một nông dân da màu tương đối nghèo, mẹ của 5 đứa con, đến bệnh viện Johns Hopkins, một trong số ít nơi ở Maryland sẵn sàng điều trị cho người da màu. Henrietta phàn nàn với bác sĩ rằng cô hay bị chảy máu ngẫu nhiên, và đôi khi đau nhức ở các khớp, và cô ấy lo ngại rằng nó sẽ cản trở công việc của cô.
Khi được kiểm tra bởi bác sĩ phụ khoa (gynecologist) Howard Jones, các bác sĩ phát hiện ra một khối u ác tính (malignant tumor) rất lớn ở cổ tử cung, nên Henrietta bắt đầu trải qua hóa trị để chữa ung thư cổ tử cung (cervical cancer) (vào hồi ấy, đây là biện pháp y học duy nhất để chữa các bệnh tồi tệ này).
Cùng với hóa trị, một mẫu tế bào được gửi tới phòng lab của Bác sĩ George Gey ở gần đó. Bác sĩ Gey, một nhà nghiên cứu ung thư và virus, đã thu thập các mẫu tế bào từ các bệnh nhân ung thư cổ tử cung đến chữa trị tại bệnh viện John Hopkins trong nhiều năm liền, nhưng tất cả các mẫu tế bào đều nhanh chóng chết trong phòng lab của bác sĩ Gey, trừ mẫu của Henrietta. Mẫu tế bào của cô không chết, mà trên thực tế lại nhân đôi sau mỗi 24 giờ.
Đây là một đột phá y học rất tuyệt vời, vì trong nhiều năm liền, cứ mỗi khi ai đó cố gắng thí nghiệm trên tế bào con người để tìm liệu pháp cho ung thư, chỗ tế bào đó sẽ chết trong vài giờ, nhưng với tế bào của Henrietta, chúng sống sót và sinh sản rất nhiều, nghĩa là gần như sẽ có một lượng tế bào vô hạn để nghiên cứu nếu được bảo quản đúng cách.
Đầu tiên là những tế bào này được thử nghiệm về bệnh bại liệt, và thay vì chết ngay sau đó như các mẫu tế bào khác, phần lớn chỗ tế bào này sống sót được. Điều này cho phép các nhà khoa học thí nghiệm trên tế bào của Henrietta cho đến khi họ tìm được cách chữa trị cho nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em vào đầu thế kỷ 20, bại liệt.
Chữa bệnh bại liệt chỉ là những bước thành công đầu tiên, đến cuối thế kỷ 20, tế bào của cô được sử dụng để tạo ra loài vật lai giữa người và động vật đầu tiên năm 1965 (link: https://www.nature.com/articles/207606a0), vaccine Human Papillomavirus (HPV) (cũng giúp cứu hàng triệu người nữa), cải thiện vệ sinh (better hygiene improvements) và hiểu rõ hơn về tế bào. Ngày nay, các nhà khoa học đã nuôi cấy được khoảng 50 tấn tế bào của cô, và chúng được sử dụng để tìm các thuốc chữa cho Ebola, ung thư và thương hàn (typhoid).
Thật không may rằng Henrietta Lacks không biết được những cống hiến của cô cho nền y học của thế giới, vì cô ấy mất chỉ sau vài tuần, các mẫu tế bào của cô cũng được thử nghiệm mà cô ấy không biết, và gia đình cô chỉ biết được những cống hiến cho nền y học và nền khoa học 20 năm sau đó.