r/AsianBeauty

Asian Skincare Routine – Là gì, Tại sao và Như thế nào

Asian Skincare Routine – Là gì, Tại sao và Như thế nào.

Quá trình chăm sóc da của châu Á là một cái gì đó rất là huyền bí.
Có cả một tỉ bí ẩn và luật lệ mơ hồ ngoài kia có thể làm mờ mắt những con người nhỏ bé vừa mới bước chân vào chốn skincare, và thậm chí cả những người skincare thành thần đôi khi cũng có thể dính bẫy, không loại trừ một ai hết.

Ví dụ như việc nghe nói rằng skincare cần phải có 10 bước có thể làm hoảng loạn những người mới bắt đầu.

Cần phải làm rõ rằng những thương hiệu mỹ phẩm và đất nước khác nhau có thể sẽ có nhiều tên gọi cho cùng một bước dưỡng da. Lotion của người Nhật có chức năng tương tự với bước toner của bên Hàn, Mizon Snail Recovery Cream giống essence (tinh chất) hơn là kem dưỡng như Joseon Beauty Dynasty Cream . Để giúp các bạn lội qua hết những cái sự nhầm lẫn này, tôi đã viết một danh sách những sản phẩm nên dùng, cũng như là link những nơi bạn có thể mua những sản phẩm phù hợp với từng bước dưỡng da.

Tất nhiên là danh sách này không bao giờ liệt kê đầy đủ hết được, tôi chỉ chọn những sản phẩm được phổ biến rộng rãi và những sản phẩm tôi yêu thích. Ngoại trừ những chú thích ở từng bước, lời khuyên của tôi là hãy đọc review thiệt kỹ trước khi quyết định mua một món gì đó.

Hy vọng danh sách này hữu ích đối với bạn, và hãy cho tôi biết nếu như tôi đã bỏ lỡ một sản phẩm thần thánh nào đó nhé!

Đầu tiên, bạn cần những gì?

Nếu như bạn hoàn toàn vừa mới bước chân vào lĩnh vực này, sẽ có 4 thứ bạn cần mua đầu tiên.

Tẩy trang: Để chắc chắn rằng tất cả những lớp make up, bụi bẩn và kem chống nắng đều được tẩy sạch khỏi mặt bạn và không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Kem dưỡng: giữ ẩm cho da là một trong những cách tốt nhất để chăm sóc nó. Bạn cũng có thể giữ ẩm bằng cách uống nước, cách tốt nhất và rẻ nhất, song song với việc dùng kem/gel dưỡng ẩm.

Kem chống nắng! Tôi thiệt tình là không thể diễn tả đầy đủ hết được tầm quan trọng của cái món này trong việc giữ da khỏe mạnh!!

Mọi thứ khác đều là sản phẩm bổ trợ. Nó cũng giống như là áo thun và quần jean vậy, những sản phẩm khác cũng tương tự như phụ kiện, dùng để nâng tầm da của bạn lên. Người ta mua nhiều sản phẩm khác nhau cho nhiều mục đích. Một số hãng tạo ra nguyên cả một bộ sản phẩm dùng cho tất cả các bước. Tôi thì thường hay tránh những sản phẩm kiểu vậy vì tôi muốn cải thiện nhiều vấn đề trên da chứ không phải chỉ tập trung vào một vấn đề, nên một chu trình chăm sóc đa dạng thích hợp với tôi hơn. Sự đa dạng của những bước dưỡng da bắt đầu từ đây, vì mỗi người có những vấn đề khác nhau. Mấy người may mắn sinh ra với một làn da đẹp có thể sẽ có ít bước skincare hơn những người như tôi, xui xẻo bị hóc môn ghét nên cái mặt lúc nào cũng như cái bãi chiến trường.
Vấn đề kế tiếp xuất hiện khi bạn bưng về nhà một đống đồ skincare, mấy thứ mà hứa hẹn sẽ mang làn da bạn tới thiên đường. Khổ cái bạn lại không biết làm gì với tụi nó. Khi nào thì bôi kem ốc sên? Khi nào thì xài vitamin C? Tại sao người ta lại khóc thét khi thấy bạn trét mặt nạ ngủ đầu tiên và toner cuối cùng?

Sản phẩm theo dòng

Đây có thể là khía cạnh làm nhiều người cảm thấy mờ mịt nhất trong quy trình dưỡng da châu Á. Các hãng mỹ phẩm luôn khuyên mọi người dùng full bộ sản phẩm của họ, dẫn tới nhiều người tưởng rằng chỉ có dùng hết những sản phẩm của họ mới có tác dụng, trong khi một vài sản phẩm của dòng đó có thể sẽ không phù hợp với da của bạn.

Hai hãng nổi tiếng, Mizon và Innisfree, là ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Chẳng có gì chứng minh rằng dùng nguyên bộ sẽ tốt hơn dùng riêng lẻ từng cái cả, và có rất nhiều thứ nằm ngoài một bộ dưỡng da có thể đưa vào lộ trình skincare. Có một nguyên tắc khá hay là dưỡng từ lỏng đến đặc. Cấp nước cho da, sử dụng sản phẩm đặc trị, và cuối cùng là khóa ẩm. Hiệu quả dưỡng da sẽ giảm đi đáng kể nếu bạn đảo lộn thứ tự các bước lên.

Cơ mà có một thứ nằm ngoài luật dưỡng da này, đó là tẩy tế bào chết. Món này sẽ được sử dụng sau khi bạn làm sạch da, và trước khi bạn bắt đầu trét hầm bà lằng đồ dưỡng lên mặt. Tẩy tế bào chết hóa học như là AHA và BHA sẽ giúp loại bỏ các chất bẩn tích tụ trong lỗ chân lông và giúp da đều màu hơn. Có một ngoại lệ (luôn luôn có ngoại lệ), là bạn có thể dùng toner trước để cân bằng độ pH trên da, giúp các chất hoạt động hiệu quả hơn.

Tổng kết lại, có 3 điều bạn cần nhớ

Quy trình tổng quát: làm sạch da, cân bằng da, dưỡng ẩm.
Actives: AHA’s, BHA’s

Luật cần nhớ: apply các lớp từ lỏng đến đặc.

Danh sách sản phẩm
Giờ tới phần vui nè, những sản phẩm cần biết!

Có một điều quan trọng các bạn cần phải nhớ là luôn luôn thử sản phẩm mới trên da một cách chậm rãi. Đặc biệt là các hoạt chất, mua về mà tống lên da nhanh quá sẽ dễ làm da bị quá tải và gây tổn thương cho da đó.

Tôi thường hay thử sản phẩm mới với liều lượng nhỏ trong ít nhất 2 tuần trước khi quyết định đưa nó vào lộ trình chăm sóc da của mình. Như thế thì tôi có thể biết được rằng sản phẩm mới có gây hại cho tôi không và dễ dàng bỏ nó ra khỏi routine.

Nhìn vào danh sách dưới đây thì bạn sẽ thấy có hơi bị nhiều bước, nhưng mà hãy nhớ tới lời tôi nói ở phần trước. Bắt đầu với những bước cơ bản, rồi từ từ nâng lên thêm. Bạn không cần phải mua hết mấy cái thứ này đâu. Tôi có để link tới những chỗ có thể mua đồ, chỉ cần nhấn vào tên sản phẩm là sẽ thấy liền, cơ mà tất nhiên là bạn có thể tự chọn nơi bạn muốn mua nhé! Nhớ nhìn qua mấy chỗ này một chút để xem xem có giá tốt hơn không nha. (T/N: link của tác giả đa phần là ở nước ngoài, ship về đây cũng bộn tiền nên mình mạn phép không để link, các bạn có thể gợi ý vài nơi mua đồ uy tín ở VN cũng được, cũng khá đa dạng)

1. Tẩy trang: Dầu/Sáp
Bước cơ bản của cơ bản. Dùng để loại bỏ bụi bẩn, kem chống nắng và lớp make up của nguyên ngày.
Banila Co Clean it Zero – $13. Tẩy trang dạng sáp, dễ mang theo khi đi du lịch. Khá được yêu thích.
DHC Cleansing Oil (mini set) – $15,5. Sản phẩm yêu thích của tôi, thành phần chính là dầu olive và là sản phẩm nổi tiếng ở châu Á. Nhẹ nhàng và cực kỳ hiệu quả.
Kose Softymo Speedy Cleanser – $6,85. Phổ biến rộng rãi ở châu Á và nhẹ nhàng cho da.
The Face Shop Rice Water Bright Right Cleansing Oil – $10. Tôi thì không thích lắm cái mùi của nó, cơ mà cũng là một lựa chọn khá tốt.

2. Sữa rửa mặt: Dạng bọt/Gel/Sữa (mấy cái có độ pH cute)
Cơ bản kế tiếp bước đầu. Bước này được dùng để đảm bảo không có tàn dư bụi bặm nào còn sót lại sau bước tẩy trang. Có một điều quan trọng cần nhớ là sữa rửa mặt có độ pH thấp sẽ tốt hơn cho da của bạn, vì pH cao có thể sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ da của bạn. Hãy nhớ rằng độ pH của nước là 7, nên nó sẽ làm tăng pH của sữa rửa mặt khi được hòa vào chung.
CeraVe Foaming Facial Cleanser (pH 5,5) – $16,5. Sữa rửa mặt dễ thương không chứa hương liệu, thích hợp cho mấy bạn có da nhạy cảm.
CosRX Good Morning Cleanser – $10. Rẻ, pH thấp.
HadaLabo Super Hyaluronic Acid Foaming Wash (pH 5,5) – $12,85. Sữa rửa mặt yêu thích của tôi, nhẹ nhàng và dễ sử dụng
Innisfree Jeju Bija Cleansing Gel – $15,2. Dịu nhẹ cho da nhạy cảm, chiết xuất từ hạt nhục đậu khấu.
LJH Tea Tree 30 Foaming Cleanser (pH 5,5) – $23,71. Đối xử dễ thương với da bạn.
Su:m37 Miracle Rose Cleansing Stick (pH 5,5) – $28,54. Được khá nhiều người trong AsianBeauty yêu thích. Có mùi như cánh hoa hồng và cực kỳ thích hợp để mang theo khi đi du lịch

Mặt nạ
Không dùng thường xuyên. Tôi chỉ sử dụng nó 2-3 lần một tuần. Sẽ không tốt cho lắm nếu dùng quá thường xuyên. Được cái hơi bị hoàn hảo mỗi khi da mặt tôi biểu tình. Sau khi sử dụng thì da mặt tôi mềm hơn, cũng khổ vì phải kiềm chế dữ dội lắm ham muốn chạm vào mặt.

1. Mặt nạ đất sét.
Baviphat Strawberry Clay Mask – $20,99. Yêu cái này, mùi hương như cả cánh đồng dâu vậy.
Innisfree Jeju Volcanic Pore Clay Mask – $8,28. Mặt nạ đất sét cổ điển, rất được ưa thích. Không quá khô, làm sạch và mềm da ổn.

2. Mặt nạ tẩy da chết.
Skinfood Black Sugar Mask – $9,25. Mặt nạ phổ biến với khả năng làm mềm và sáng da.
Skinfood Black Sugar Strawberry Mask – $11. Phiên bản cute hơn của cái trên. Đừng có dại dột mà ăn ngay cả khi mùi nó rù quến.
Tẩy da chết hóa học và hoạt chất: AHA, BHA, Vitamin C
Vũ khí chủ lực trong routine dưỡng da. Dùng để đập tan mụn và ngăn chặn chúng nó quay trở lại. Hãy cực kỳ cẩn thận khi bạn muốn đưa những chất này vào quy trình dưỡng da, bạn có thể bị dị ứng và bong tróc da nếu dùng quá liều. Một lưu ý nhỏ cho vitamin C là nó có thể bị oxi hóa nếu để ở điều kiện bình thường, vì vậy hạn sử dụng thường ngắn. Đừng dùng vitamin C chung với những sản phẩm có chứa niacinamide.
CosRX BHA Power Liquid – $17,85. Đồ chơi yêu thích của tôi, nhưng mà báo trước là mùi hơi kỳ nha.
Melano CC Spot Treatment – $14,28. Làm được nhiều việc hơn cái tên của nó. Tuyệt vời trong việc làm giảm thâm và sáng da.
Mizon AHA 8% Peeling Serum – $19. AHA tôi có cảm tình, nhẹ nhàng hơn một số sản phẩm cùng loại khác, dạng ống nhỏ giọt giúp tôi kiểm soát lượng cần dùng khá tốt.
OST C20 Original Pure Vitamin C20 Serum – $20. Làm sáng da và mờ thâm. Nghe nói là nhiều người bị dị ứng với cái này.
CIRACLE OST Pure Vitamin C21.5 Advanced Serum – $25. Bản cải tiến của cái trên, không có niacinamide và ít cồn hơn nên sẽ dễ chịu cho da nhạy cảm. Review của người dùng nói rằng nó dính hơn loại cũ.

Tẩy da chết vật lý
Ngoài tẩy hóa học thì bạn cũng nên trữ một cái tẩy vật lý ở nhà. Tôi chỉ sử dụng cái này một tuần một lần, vì cũng giống như tẩy tế bào chết hóa học, dùng quá liều sẽ dẫn đến tổn thương da

Toner/Cấp nước
Bắt buộc. Không giống như những loại toner bên Âu, được thiết kế chỉ như một bước làm sạch, toner châu Á là bước đầu tiên trong quá trình cấp ẩm lại cho da.
CosRX AHA/BHA Clarifying Treatment Toner – $13,6. Giống như những sản phẩm khác của CosRX, cơ bản nhưng làm tốt nhiệm vụ.
Hada Labo Gokujyun Lotion – $14. Toner đến từ Nhật này được biết đến với khả năng siêu cấp ẩm, nên sẽ hoàn hảo với những ai có da khô.
Secret Key Milk Toner – $3. Cũng là sản phẩm tôi thích, cấp ẩm nhẹ nhàng nên tuyệt hảo cho làn da dầu của tôi, làm sạch cũng tốt nữa.
Essence, Serum và Ampoule

Bước nâng cao. Đây là nơi khởi nguồn của những routine từ đơn giản tới cực kỳ khủng bố, và có hàng tá sản phẩm trong đây bạn sẽ coi như là định mệnh đời mình. Vì đây là những sản phẩm chuyên sâu về từng vấn đề của da nên sẽ có rất nhiều tập hợp khác nhau cho bạn chọn, tất tần tật mọi thứ trên đời. Những sản phẩm này có thể dùng theo nhiều cách, và đây là nơi lý tưởng để áp dụng luật apply từ lỏng đến đặc. Khá nhiều người trộn vài giọt ampoule vào kem dưỡng ẩm để làm tăng tác dụng sản phẩm lên.

Benton Snail Bee High Content Essence – $16. Không có chất bảo quản nên cần được giữ trong tủ lạnh. Giúp giảm các đốm đỏ và làm dịu da.
Innisfree Green Tea Seed Serum – $16. Chống oxi hóa, dưỡng ẩm nhẹ.
Shara Shara Honey Bomb All In One Ampoule – $24. Mỏng, không gây dính, cấp ẩm và làm sáng da. Hiệu quả trong suốt một ngày.

Mặt nạ giấy
Đồ chơi mới ra (T/N: bài này 4 năm rùi…). Bước yêu thích của tôi bởi vì đặc điểm dễ sử dụng và dễ thương. Có cả một tỉ loại mặt nạ giấy khác nhau, tùy nhu cầu sử dụng của từng người. Tôi thì thích dùng mỗi ngày luôn, vài người khác thì không. Bước này có biến tấu hơi bị đa dạng, bạn có thể dùng hàng ngày, theo tuần hoặc chỉ trong những dịp đặc biệt thôi cũng được. Tôi có để link một số mặt nạ giấy nổi tiếng và review của người dùng.

My Beauty Diary (set) – $14.
Innisfree (set) – $4,24.
Kem mắt
Đặc biệt dành cho vùng da mắt, khuyên nên sử dụng nếu bạn không muốn mắt mình là hai cục màu đen xì.
CosRX Honey Ceramide Eye Cream – $22,1. Sự kếp hợp trong mơ giữa mật ong và ceramide (trans: một loại lipid đặc biệt được tìm thấy hầu hết ở màng tế bào)
Innisfree White Tone Up Eye Cream – $22. Dịu nhẹ với mùi hương nhẹ nhàng.
Kem dưỡng ẩm
Cực kỳ, cực kỳ cần thiết. Làm mềm và dưỡng ẩm cho da. Bước này phổ biến ở cả Âu và Á và đương nhiên không thể thiếu rồi.

1. Sữa dưỡng.
A’pieu Nonco Tea Tree Emulsion – $3,1. Chứa tinh dầu tràm trà, tốt cho da dầu.
Skinfood Peach Sake Elmusion – $6,3. Mỏng và ẩm với mùi ngon lắm (đừng có ăn)

2. Kem.
Banila Co Miss Flower and Mr Honey Cream – $50. Dạng kem nên hợp với da khô hơn.
CosRX Honey Ceramide Full Moisture Cream – $20,38. Mật ong và Ceramide là cứu cánh cho da khô. Không bóng nhờn và thấm nhanh.
Mizon Snail Recovery Cream – $4,09. Kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, tuyệt hảo trong thời tiết ẩm ướt và cho những ai có da dầu.
(T/N: còn 1 cái spot treatment nữa mà mình không vào được blog của OP nên không dịch được, xin lỗi các bạn…)

Mặt nạ ngủ
Lá chắn của bạn. Đây là bước cuối cùng trong skincare routine và dùng để khóa hết tất cả những bước ở trước để chắc chắn rằng da bạn sẽ không bị mất đi một giọt dưỡng nào. Mặt nạ ngủ dùng để giữ ẩm cho da khi bạn đang ngủ. Thường thì người ta sẽ khuyên nên rửa lại vào buổi sáng.
CosRX Ultimate Moisturing Honey Overnight Mask – $20,38. Sáp ong là thành phần chính, hông phải mật ong nhen. Mỏng và mát.
CosRX Ultimate Nourishing Rice Overnight Spa Mask – $13,6. Dưỡng ẩm và làm sáng da, có chứa niacinamide.
Laneige Water Sleeping Pack – $23,5. Thanh lọc da, có mùi thơm. Dạng gel và dưỡng ẩm khá khủng, rất được ưa chuộng.

Kem chống nắng
Đã lết được tới đây rồi thì ráng đọc hết luôn nha, cái này quan trọng lắm đó. Cách tốt nhất để cưng chiều da của bạn là bảo vệ nó khỏi bị tổn thương. Đối với dân châu Á thì chống nắng là một vấn đề còn nghiêm túc hơn nữa khi mà mặt trời lúc nào cũng sẵn sang đổ một nùi tia vào mình. Chốt lại, đây là danh sách những kem chống nắng có thể bạn sẽ thích.
Missha All Around Safe Block Essence Sun SPF45 PA+++ – $14
Biore UV Rich Aqua Watery Essence SPF50/PA+++ – $14,27.
Mentholatum Sunplay Skin Aqua UV Moisture Milk SPF50+ PA+++ – $21.
Phù, cái danh sách này dài ghê thật.
Hy vọng bạn thấy nó bổ ích và tìm ra được sản phẩm mình sẽ yêu thích nhé!
____________________
Link Reddit: https://redd.it/46q91j
____________________
Bài dịch của South trong group: https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/569131663997046/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *