Chiến tranh Lạnh nổ ra trên rất nhiều mặt trận.
Đôi khi là ở trên chiến trường thực sự, như các cuộc chiến lớn diễn ra ở Triều Tiên, Việt Nam, Angola và Afghanistan. Đôi khi là những sự kiện suýt đẩy thế giới vào vòng nguy hiểm như Cuộc phong toả Berlin, Khủng hoảng tên lửa Cuba, các cuộc đọ sức mạnh và ảnh hưởng khác giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra dưới hình thức đối đầu trực tiếp đe doạ đến toàn cầu. Nhưng Chiến tranh Lạnh cũng đồng thời cũng là một cuộc chiến về ý thức hệ và kinh tế, một cuộc chiến với vũ khí là các nhà ngoại giao, gián điệp, những người nổi tiếng, trùm buôn lậu vũ khí, tuyên truyền viên, và nhiều người dân thường khác tham chiến không sử dụng súng đạn mà là tiền bạc, thủ đoạn, đe dọa, blackmail và áp lực chính trị. Chi tiết về những cuộc chiến bí mật này phần lớn không được công chúng biết đến cho đến khi các tài liệu bí mật được công bố trong nhiều thập kỷ sau đó.
Có lẽ mặt trận được ít người biết đến nhất chính là ở Vương Quốc Ả Rập Xê Út (Saudi). Vào giữa thế kỷ 20, Saudi dường như là một quốc gia cách xa khỏi những căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh. Đây là một quốc gia cực kỳ chống cộng; không có quan hệ ngoại giao hay kinh tế với Liên Xô hay bất kỳ quốc gia cộng sản nào khác, cũng không có nước láng giềng cộng sản nào. Chưa bao giờ bị chiếm đóng hoặc biến thành thuộc địa, họ không có những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và sẽ không bao giờ tiếp nhận tuyên truyền của Liên Xô. Quân đội Liên Xô được lệnh của Moscow tập trung chiếm đóng các nước Đông Âu sau Thế chiến 2, cách xa bán đảo Ả Rập hàng nghìn dặm.
Saudi liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ nhờ có một nhóm các công ty khổng lồ của Mỹ ký hợp đồng để độc quyền khai thác và phát triển trữ lượng dầu thô khổng lồ, nguồn thu duy nhất cần thiết để vương quốc này phát triển. Mặc dù Saudi và Hoa Kỳ là hai quốc gia khác nhau ở mọi khía cạnh, từ loại hình chính phủ đến tổ chức xã hội, hai nước này bị “khoá chặt” với nhau do cùng có nhu cầu chung: Mỹ, một vùng đất của máy móc, cần nguồn dầu mỏ từ vương quốc; và Saudi nghèo khó cần công nghệ, vốn đầu tư và hỗ trợ quân sự mà chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp. Liên minh đặc biệt này được thành lập trong Thế chiến 2 và vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, trải qua vô số thăng trầm và khủng hoảng, một trong số đó nổ ra một cách bất ngờ vào tháng 1 năm 1954. Với xúc tác là do ông trùm vận tải biển người Hy Lạp, Aristotle Socrates Onassis.
Ngay cả vào thời điểm đó, nhiều năm trước khi kết hôn với goá phụ của John F. Kennedy, Jacqueline Kennedy, Onassis vẫn là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới, một tay chơi có đời sống cá nhân khiến vô số các báo chí lá cải săn tin, trong khi các giao dịch kinh doanh của ông được ghi chép kỹ càng trên các tờ báo như Financial Times và Wall Street Journal. Ông là người giàu nhất và táo bạo nhất trong số nhóm “Greek shipping tycoons,” nhóm những nhà tỷ phú, tài phiệt quỹ phòng hộ vào thời điểm đó. Sinh năm 1906, ông là người Hy Lạp sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau một thời gian thì chạy sang tị nạn ở Argentina, nhưng đồng thời cũng có nhiều nhà ở Paris, New York, Côte d’Azur,…, trước khi làm vận tải biển, ông cũng liếm được kha khá tiền qua ngành thuốc lá. Ông sau này cho xây dựng Olympic Airways, hãng hàng không quốc gia của Hy Lạp trong vòng 4 thập kỷ. Mối tình nóng bỏng của ông với ngôi sao opera Maria Callas đã làm rầm rộ giới giải trí trong nhiều năm. Thậm chí vào năm 2016, 41 năm sau khi mất, tờ Vanity Fair vẫn đăng tin về mối tình từ lâu của ông với em gái của Jackie Kennedy, Lee Radziwill.
Lối sống hào nhoáng và những mối tình lãng mạn đầy tai tiếng của ông đã góp phần tạo nên tên tuổi không mấy đẹp đẽ của người này – tiếng tăm của ông càng bị tổn hại hơn nữa sau một cuộc điều tra dài của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) dẫn đến cáo trạng của ông về tội lừa gạt Hải quân Mỹ. Nhưng Onassis làm việc dựa trên tiền bạc, mưu mô và quyền lực, nơi mà ý kiến dư luận có ý nghĩa rất nhỏ trừ khi nó can thiệp vào các giao dịch kinh doanh của ông. Đến giữa thế kỷ 20, ông ta dường như có tất cả – tiền bạc, danh vọng, bạn tình, một chiếc du thuyền có kích thước bằng một sân bóng đá. Sau đó, vào năm 1954, ông đã mắc một sai lầm lớn: ông cố can thiệp và đầu tư vào ngành khai thác dầu đang phát triển tại Saudi. Sau nhiều tháng đàm phán bí mật, bao gồm lời hứa sẽ chi trả một khoản tiền khổng lồ cho Saudi, ông và chính phủ Hoàng gia Saudi đã ký hợp đồng với nhau, cho phép tàu của ông có quyền vận chuyển gần như toàn bộ lượng dầu xuất khẩu từ vương quốc, với mức giá mà ông sẽ kiểm soát. Đổi lại, ông sẽ tài trợ cho việc thành lập một đội tàu buôn cho chính phủ Saudi và đào tạo các thuỷ thủ Saudi để vận hành tàu. Đó là một bước đi táo bạo sẽ định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và ngành kinh doanh vận tải quốc tế và sẽ làm cho Onassis trở nên giàu có hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng nó đã khiến ông phải đối diện với kẻ thù mạnh nhất mà mình từng đối mặt. Vì những lý do mà không bao giờ hiểu rõ, Onassis lại trở thành một trong những nạn nhân của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Cuộc khủng hoảng quốc tế u ám nổ ra sau đó có sự tham gia của vô số các doanh nghiệp tư nhân, các nhà ngoại giao, các nhân viên chính phủ. Câu chuyện này ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố trong Chiến tranh Lạnh: khai thác dầu mỏ, ngăn chặn cộng sản, chấm dứt chế độ thực dân, và tương lai của ngành hàng hải toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng này, có 5 trung tâm quyền lực lớn, như người Ả Rập gọi họ, tham gia vào. Hai trong số này tham gia bảo vệ hợp đồng: Onassis và các bạn bè tài phiệt của ông, cùng với Vua Saud bin Abdul Aziz và các bộ trưởng của ông. Ở phía bên đối lập gồm 4 công ty dầu khí lớn của Hoa Kỳ kiểm soát các mỏ dầu ở Saudi; những nhà đầu tư cho các đội tàu vận chuyển lớn khắp các nước phương Tây, ngoại trừ Onassis, và chính phủ các quốc gia nơi các đội tàu này hoạt động; và chính quyền Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, cùng với Bộ trưởng Bộ ngoại giao John Dulles và em trai Allen Dulles là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, và Hải quân Mỹ.
Sự phản đối của các công ty dầu khí và vận chuyển là điều dễ hiểu do ảnh hưởng đến lợi ích của họ, nhưng tại sao Eisenhower và đội an ninh quốc gia của ông lại quan tâm đến một thỏa thuận kinh doanh giữa một doanh nghiệp nước ngoài và một chính phủ nước khác, nhất là cả 2 bên đều không chống Mỹ. Nếu các công ty dầu khí phản đối hợp đồng, họ dường như sẽ không cần sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ; họ là những tập đoàn lớn với rất nhiều tiền, có thể thuê bao nhiêu luật sư tuỳ thích, có thể kiện tụng ở bao nhiêu quốc gia hay trong bao lâu cũng được. Nhưng đối với các quan chức ở Washington, thỏa thuận giữa Onassis và chính phủ Saudi không chỉ là hợp đồng kinh doanh thông thường và vấn đề không phải là tiền. Anh em nhà Dulles, những người giúp chính quyền Eisenhower giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia trong nước và quốc tế, coi thỏa thuận chở dầu này là một thách thức đối với trật tự an ninh và kinh tế toàn cầu mà họ cam kết bảo vệ. Họ coi đó là dấu hiệu của sự mất lòng tin của chính phủ Saudi, vương quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, xã hội – một sự mất lòng tin có thể dẫn đến biến động khắp các nước Ả Rập và tạo cơ hội cho Liên Xô lan rộng ảnh hưởng của mình.
Trong những năm 1950, Hoa Kỳ đã thống trị nền kinh tế toàn cầu; các công ty của Mỹ, cùng với British Petroleum, là những công ty dẫn đầu trong ngành thương mại dầu khí quốc tế. Chính Tổng thống Đảng Dân chủ Harry S. Truman, lo ngại về sự độc quyền kiểm soát ngành dầu khí của các công ty khổng lồ được gọi chung là Big Oil, đã khuyến khích, hỗ trợ các nhà khai thác nhỏ lẻ, độc lập hơn tìm kiếm cơ hội ở Trung Đông. Ngược lại, đối với chính quyền Tổng thống Đảng Cộng hoà Eisenhower, anh em nhà Dulles coi trọng sự ổn định và muốn giữ trật tự ngành dầu mỏ hiện tại hơn. Theo quan điểm của họ, thỏa thuận của Onassis có thể là bàn đạp cho việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi và việc này sẽ lan rộng khắp khu vực. Họ lo sợ sự tái diễn của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã nổ ra ba năm trước ở Iran, ngay bên kia Vịnh Ba Tư của Saudi, đã gây ra một vụ “drama” quốc tế bằng cách quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ. Cùng thời điểm đó, tại Ai Cập, Gamal Abdel Nasser, một người theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập cực đoan, đã lật đổ một chế độ quân chủ do Anh kiểm soát và buộc quân đội Anh phải rời khỏi nước mình. Washington đang quan sát một cách sợ hãi khi các quốc gia hậu thuộc địa khắp châu Á và châu Phi tìm cách thoát khỏi sự thống trị về kinh tế và chính trị của các cường quốc.
Eisenhower rất ủng hộ khát vọng giành độc lập của dân thuộc địa, nhưng nỗi lo sợ sự bành trướng của cộng sản đôi khi lấn át sự ủng hộ đó. Các cố vấn an ninh quốc gia của Eisenhower, xem hợp đồng của Onassis với Saudi là một hời cho Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, kể từ sau cái chết của Joseph Stalin năm 1953, nước này đã bắt đầu được tìm cách lan toả tầm ảnh hưởng, lôi kéo và kiểm soát các quốc gia thuộc thế giới thứ 3. Đối với Eisenhower và đội an ninh quốc gia của ông, việc mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ; các thỏa thuận đe dọa đến trật tự thế giới hiện tại – chẳng hạn như thỏa thuận của Onassis – sẽ phải bị ngăn chặn.
CIA vốn đã căm thù Onassis sau khi phát hiện ông sử dụng đội tàu Liberty, tàu hải quân do Mỹ chế tạo mà Onassis mua lại sau Thế chiến 2, để vận chuyển hàng hoá và hậu cần đến cho Bắc Hàn và Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Sự tức giận đó vẫn còn ở Washington khi thoả thuận giữa ông và Ả Rập Saudi được công khai. FBI vốn đã nghi ngờ trong nhiều năm rằng Onassis đã lừa gạt Hải quân Mỹ trong việc mua các tàu Liberty đó, coi thỏa thuận này là mối đe dọa đối với nguồn cung dầu của các nước Tây Âu vẫn đang hồi phục từ Thế chiến II. Một quan chức cấp cao của FBI đã đến thăm các mỏ dầu của Ả Rập Saudi vào mùa xuân năm 1954 và kết luận rằng hợp đồng của Onassis có thể dẫn đến việc “chuyển nguồn dầu mỏ sang hướng có lợi của khối Xô Viết” và có thể gây ra một cuộc chiến tranh.
Thoả thuận của Onassis trở thành tâm điểm giữa các sự kiện gây chấn động Trung Đông vào những năm 1950, khi mà Hoa Kỳ và Liên Xô đối đầu kịch liệt để tranh giành lợi ích trong khi phong trào chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và chống thực dân nổi lên khắp khu vực.
Phối hợp với các giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Aramco, các quan chức Mỹ đã bỏ ra vô số thời gian và công sức vào mùa xuân năm 1954 để thuyết phục Vua Saud và các cố vấn của ông rằng hợp đồng này với Onassis sẽ gây hại cho Saudi, chứ không mang lại lợi ích gì cả, bởi vì trên thế giới có rất nhiều dầu và các công ty này có thể đầu tư vào những nơi khác. Sau đó vào tháng 7, Tổng thống Eisenhower và các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đã tập hợp tại Nhà Trắng để xem xét lại về mối đe dọa của của việc Liên Xô bành trướng ở Trung Đông. Tổng thống đã ký các tuyên bố chung về chính sách các quốc gia và vấn đề, đồng thời cũng ra rất nhiều chỉ thị khác. Một trong số những chỉ thị đó là Hoa Kỳ sẽ áp dụng “tất cả các biện pháp thích hợp” để đảm bảo hợp đồng của Onassis không bao giờ có hiệu lực. Bộ Ngoại giao và CIA đã tìm mọi cách làm được điều này và giờ đã có sự ủy quyền cụ thể từ tổng thống để tự do hành động. Chỉ thị của Nhà Trắng không có nói biện pháp nào là “không phù hợp” cả, như vậy họ muốn làm gì cũng được.
Ả Rập Saudi lúc bấy giờ rất yếu, dân số ít và kém phát triển, nhưng cả các công ty dầu mỏ và chính phủ Hoa Kỳ không thể đơn giản bắt vương quốc này thực hiện theo những gì mình muốn được. Exxon, Chevron, Texaco và Mobil, những công ty sở hữu Aramco, đang ở một vị trí rất khó xử. Họ muốn hủy bỏ hợp đồng chở dầu, nhưng họ không muốn làm xấu hổ hay làm nhục Vua Saud vì ông nắm giữ vũ khí “tối thượng:” ông có thể thu hồi sự nhượng bộ cho các công ty Mỹ, và quay sang hỗ trợ các công ty hay các nhóm đối thủ khác từ các quốc gia khác. Các giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ muốn nhà vua giữ thể diện để ông không quay lưng lại với họ.
Tương tụ như vậy, chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn phá vỡ hợp đồng Onassis nhưng lại không muốn làm tức giận Ả Rập Saudi, một nhà cung cấp mặt hàng thiết yếu quan trọng hàng ngày và đồng thời là quốc gia đồng minh chống cộng nhất nhưng quan hệ giữa họ với Mỹ từ từ xấu đi do căng thẳng trong các vấn đề khác như tranh chấp lãnh thổ với Anh ở Buraimi Oasis; việc chính Mỹ ủng hộ Israel; vấn đề viện trợ Point Four; việc chính quyền Eisenhower không chịu phê chuẩn viện trợ vũ khí; và việc vương quốc này không ngừng đòi hỏi doanh thu từ hoạt động khai thác dầu. Với mục tiêu chung như vậy, chính phủ Mỹ và Big Oil quyết định cùng hành động mà không để lại “dấu vân tay.”
Kết quả là một cuộc khủng hoảng quốc tế kéo dài, bề ngoài chỉ có các nhà ngoại giao và các chủ tịch tập đoàn dầu khí tham gia nhưng bên trong hậu trường là các nhân vật tầm cỡ, các hoà giải viên, các luật sư, các dân chơi thân thích với Onassis, các gián điệp vô danh, các thành viên Hoàng tộc Saudi đều có dính líu đến. Bản thân hợp đồng và việc Washington phải đau đầu vì nó đã được công khai rõ trên báo chí vào thời điểm đó, nhưng chiến dịch phá vỡ thỏa thuận, và sự tham gia của CIA vẫn được giữ bí mật, cho đến khi các tài liệu về việc này được chính phủ Mỹ công bố.
Bí mật không kém đối với công chúng là việc lục đục trong nội bộ Hoàng gia Saudi, nơi vị vua mới đang tìm cách đấu tranh để củng cố quyền lực của mình. Khi hợp đồng được ký kết, Saud chỉ mới lên ngôi được hai tháng sau khi kế vị cha mình, Vua Abdul Aziz al-Saud, một người vĩ đại trong lịch sử Ả Rập, người đã sáng lập ra vương quốc Saudi hiện tại. Saud lúc đó bị coi là người không có năng lực lãnh đạo như cha mình. Hợp đồng của Onassis đã được đàm phán và ký kết bởi Abdullah Sulaiman, Bộ trưởng Bộ tài chính lâu năm của vương quốc, nhưng nhà vua đã phê chuẩn nó bằng một sắc lệnh hoàng gia, vì vậy đem cả uy tính cá nhân của ông ra đặt cược.
Các cân nhắc của những nhà hoạch định chính sách của Washington là về kinh tế cũng như chiến lược.
Ngành năng lượng của thế giới đã vượt qua một cột mốc quan trọng vào cuối năm 1948: Hoa Kỳ đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu khí. Hoa Kỳ vẫn là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cũng như ngày nay. Nhưng giống như các quan chức Hoa Kỳ đã thấy trước trong Thế chiến II, khoảng cách giữa giữa sản lượng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng thu hẹp. Dầu thô trở thành mặt hàng quan trọng nhất thế giới, và không chỉ đối với Hoa Kỳ. Dầu thay thế than đá trở thành nhiên liệu của ngành thương mại thế giới, cung cấp năng lượng cho tàu, xe cơ giới, máy bay và đường sắt thiết yếu cho ngành kinh tế toàn cầu. Ngoài ra còn thúc đẩy tái thiết châu Âu và Nhật Bản khỏi tàn tích chiến tranh.
Theo quyết định của Tổng thống Truman trước đây, tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung dầu của từ Vịnh Ba Tư đến Hoa Kỳ và các đồng minh là quan trọng ngang ngửa với việc đảm bảo nguồn dầu đó không tới được tay Liên Xô. Liên Xô vốn giàu tài nguyên dầu mỏ và trong điều kiện bình thường có thể dư sức tự cung tự cấp, nhưng ngành khai thác dầu của Xô đã bị tổn hại nghiêm trọng sau chiến tranh. Sản lượng dầu năm 1945 chỉ bằng 60% so với năm 1941 và sau chiến tranh, Moscow còn phải đối mặt với gánh nặng cung cấp dầu cho các nước chư hầu ở Đông Âu. Chiến lược của Hoa Kỳ là ngăn chặn Liên Xô có thể tiếp cận với bất kỳ hình thức nào nguồn dầu tại Vịnh Ba Tư, từ đó Xô có thể dùng để phát triển hoặc ngăn nguồn dầu sang phương Tây.
Việc này trở thành chính sách chính thức của Mỹ để đảm bảo rằng nếu nguồn dầu từ vùng Vịnh không tới được tay Mỹ và các đồng minh, thì cũng không ai được động vào cả. Vào ngày 10 tháng 1 năm 1949, Truman đã phê duyệt một kế hoạch được đề suất bởi Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) cho phép “loại bỏ và phá hủy các cơ sở khai thác dầu ở Trung Đông.”
Kế hoạch, với tên gọi là NSC 26/2, viết rằng “Vì lợi ích của Hoa Kỳ nên trước khi kẻ thù chiếm đóng các mỏ dầu và cơ sở sản dầu mỏ của Ả Rập Saudi, nhà máy lọc dầu và các cơ sở, kho dự trữ và các thiết khác sẽ buộc phải bị loại bỏ hoặc phá hủy để kẻ thù không thể sử dụng.” Các hố dầu phải bị lấp lại những không được phá huỷ, để Hoa Kỳ có thể sử dụng lại khi giành quyền kiểm soát.
Kế hoạch vẫn còn đó vào năm 1954, sau khi Eisenhower lên thay Truman. Chất nổ vẫn được đặt trong các mỏ dầu và các thành viên của CIA vẫn bí mật ẩn nấp dưới tư cách là nhân viên của Aramco.
Khi NSC tập hợp tại Nhà Trắng vào ngày 22 tháng 7 năm 1954, Tổng thống và các quan chức cấp cao Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một môi trường quốc tế không mấy thuận lợi. Cộng sản đã kiểm soát được Trung Quốc, quân Pháp bị đánh bại bởi Việt Minh tại Đông Dương, Liên Xô kiểm soát hoàn toàn Đông Âu. Ở Trung Đông, chủ nghĩa dân tộc đang trên đà càng ngày càng phát triển, ảnh hưởng nhiều bởi tuyên truyền của Nasser tại Ai Cập. Trong bối cảnh đó, cuộc họp này của NSC vừa là theo thông lệ vừa vô cùng quan trọng: để đánh giá sơ bộ các sự kiện đang diễn ra trên khắp thế giới, như sự sụp đổ của Pháp ở Đông Dương và sự đào tẩu của các giám đốc an ninh Tây Đức sang Liên Xô; và còn để bàn về chiến lược trên toàn Trung Đông, áp dụng một bộ chính sách và mục tiêu toàn diện cho khu vực và ra các chỉ thị cụ thể để đạt được các mục tiêu đó. Theo biên bản cuộc họp đó, phần lớn vấn đề được nhắc tới ở Trung Đông liên quan đến hợp đồng tàu chở dầu của Aristotle Onassis với Ả Rập Saudi.
NSC được thành lập bởi Quốc hội năm 1947, là “nơi tổng thống họp bàn các vấn đề chính sách và an ninh quốc gia với các cố vấn an ninh cấp cao và các quan chức nội các.” Theo luật, các thành viên này bao gồm Phó tổng thống, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Bộ trưởng Bộ ngân khố, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, điều phối các hoạt động của hội đồng và có nhân viên của mình tại Nhà Trắng.
Cuộc họp của NSC diễn ra trong nhiều tuần hoặc tháng để xem xét và thảo luận giữa các cơ quan liên quan và thành viên NSC. Trong trường hợp của Onassis, cuộc họp diễn ra trong nhiều tháng tại Nhà Trắng không phải là liệu có nên phản đối nó hay không – điều đó đã được thống nhất ý kiến rồi – mà NSC họp bàn tìm cách để ngăn hợp đồng có hiệu lực đồng thời không làm ảnh hưởng đến Vua Saud và quan hệ giữa Mỹ và Saudi.
Sáu ngày trước cuộc họp, Ngoại trưởng Dulles đã nhấn mạnh quan điểm của ông trong một bức điện tín gửi George Wadsworth, đại sứ Hoa Kỳ tại Ả Rập Saudi. Ông nói rằng hợp đồng của Onassis đã được “thảo luận [ở] cấp cao nhất” của Bộ Ngoại giao và các lực lượng vũ trang, và đã được thống nhất là “chính phủ Mỹ nên ủng hộ” các công ty dầu mỏ của tập đoàn Aramco, vì họ đang cầu xin chính quyền làm vậy. Dulles nói rằng các công ty dầu mỏ, nơi kiểm soát cảng biển duy nhất ở Ả Rập Saudi có khả năng tải tàu chở dầu từ chối làm việc với bất kỳ tàu nào thuộc sở hữu của Onassis theo các điều khoản trong thoả thuận, mặc dù họ biết rằng việc này có thể dẫn đến “đóng cửa và cuối cùng là quốc hữu hoá” ngành dầu mỏ tại Saudi.
“Các công ty đồng ý trước thỏa thuận có khả năng tạo ra hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới dầu mỏ và vận chuyển từ quan điểm lợi ích thương mại công và tư,” bức điện tín của Dulles nói. Ông yêu cầu Wadsworth nói với chính phủ Saudi rằng việc thực thi thỏa thuận sẽ là “một hành động xấu,” không phù hợp với thương mại thực tiễn thế giới” và sẽ vi phạm “nguyên tắc tự do hàng hải,” và gây tổn hại thương mại trên toàn thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ, Dulles nói, “ không thể thụ động chấp nhận sự thành lập [của] một tiền lệ nguy hiểm như vậy.” Dulles nói với Wadsworth đưa lời nhắn nhủ này cho bất kỳ người nào thích hợp trong chính phủ Saudi, nhưng Bộ trưởng không cho biết chính quyền Eisenhower sẽ làm gì nếu nhà vua từ chối không làm theo. Điều đó phải được chính Tổng thống quyết định sau cuộc họp tiếp theo tại Nhà Trắng.
Vua Saud đã đảm bảo với Wadsworth rằng hợp đồng với Onassis sẽ không áp dụng đối với nhiên liệu Hải quân Hoa Kỳ mua ở Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, Đô đốc Arthur W. Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, là một trong những quan chức có tiếng nói nhất cũng đứng lên phản đối hợp đồng bởi những ảnh hưởng sau này của nó. Tại cuộc họp ngày 22 tháng 7, ông lập luận rằng hợp đồng “đại diện cho một trong những bước bất thường nhất từng được thực hiện liên quan đến ngành vận tải biển thế giới.” Nếu nó có hiệu lực, ông nói, “Chúng ta có thể phải chứng kiến cảnh tất cả các quốc gia sản xuất dầu khác, bao gồm cả Venezuela, sẽ làm theo. Một việc như vậy rất bất lợi cho chính phủ Hoa Kỳ.”
Vào một tuần trước, Một tuần trước, Radford đã viết một bản ghi nhớ cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Charles E. Wilson rằng “tác động xấu của thoả thuận này đến Mỹ là rất lớn, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty dầu khí Hoa Kỳ ở Trung Đông và sự phát triển tài nguyên dầu mỏ của khu vực đó, dường như đòi hỏi cần phải có các biện pháp toàn diện hơn so với đề xuất” trong buổi dự thảo vài ngày trước đó, được đưa ra bởi các thành viên NSC. Vào thời điểm cuộc họp bắt đầu vào ngày 22 tháng 7, các thành viên NSC đã đưa ra một số chính sách khác cứng rắn hơn để huỷ bỏ hợp đồng của Onassis bằng mọi giá, các chính sách đó giờ đã được Tổng thống phê chuẩn.
Ngày hôm sau, James S. Lay Jr., thư ký điều hành của hội đồng, đã phân phát cho các thành viên bản “Tuyên bố Chính sách,” bản chỉ thị chính sách mà Tổng thống đã quyết định và chấp thuận, còn có cả chữ ký của Eisenhower, đây được gọi là NSC 5428.
Đánh giá về tình hình Trung Đông của NSC 5428 là khá bi quan. “Lợi ích an ninh của Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu Cận Đông phải chịu sự ảnh hưởng hoặc kiểm soát bởi Liên Xô,” 5428 nhận định. “Ở Cận Đông, mối nguy hiểm hiện tại đối với an ninh của thế giới tự do phát sinh không nhiều từ mối đe dọa trực tiếp của cuộc tấn công quân sự từ Liên Xô mà là từ sự tiếp diễn của các xu hướng bất lợi hiện nay. Trừ khi những xu hướng này bị đảo ngược, Cận Đông có thể sẽ bị mất khỏi phương Tây trong vài năm tới.” Onassis là tên riêng duy nhất được nhắc tới trong bản chỉ thị này.
Có thể ngày nay chúng ta coi việc mất hoặc để Trung Đông rơi vào tay cộng sản khá hoang đường. Nhưng vào thời đó Mỹ đang phải đối mặt liên tục việc như Cuộc phong toả Berlin, cộng sản kiểm soát Trung Quốc và Tiệp Khắc, Chiến tranh Triều Tiên, Việt Minh chiến thắng ở Đông Dương, chế độ quân chủ Ai Cập sụp đổ và Đảng cộng sản Iraq ngày càng lớn mạnh thì việc này cũng không có gì lạ.
Đồng thời, chính quyền Mỹ lúc đó cũng đang dựa theo “Học thuyết Eishenhower,” ủng hộ các dân tộc từng bị đô hộ giành độc lập, nhưng đồng thời ngăn họ ngả theo cộng sản. Như sử gia Roby Barret đã nói “Chính quyền mới phản đối việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Anh và coi quá khứ thực dân của London là kẻ thù địch.”
Cuối cùng, sau 2 năm làm việc sau hậu trường, chính quyền Eisenhower đã đạt được mục tiêu của mình nhờ có một yếu tố bên ngoài suất hiện mà không ai ngờ tới: một cuộc khủng hoảng khác ở Suez năm 1956.
Bởi vì hợp đồng của Onassis với Saudi đã làm ảnh hưởng lớn đến sự độc quyền của các công ty dầu mỏ lớn, họ đã chung tay tẩy chay tàu của ông. Ông gần như bị thâm hụt tài chính nặng nề trước khi kênh đào Suez đóng cửa năm 1956. Bởi vì sau đó dầu xuất khẩu từ các nước vùng Vịnh đột nhiên phải được vận chuyển khắp châu Phi tới các cảng ở châu Âu, nên nhu cầu tàu có khả năng vận chuyển như vậy tăng vọt – và Onassis với hạm đội trước đây bị tẩy chay, lại trở thành nhà đầu tư duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu đó. Ông kiếm được nhiều tiền trong vài tháng đến nỗi không cần thoả thuận với Saudi nữa, vốn khiến ông càng rơi vào rắc rối với chính phủ Mỹ hơn. Khi chính phủ Saudi, dưới áp lực từ Washington và London cho phép ông cơ hội xé bỏ hợp đồng mà không cần đền bù, ông chấp nhận. Aramco, toàn quyền kiểm soát tất cả các khía cạnh của ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi sẽ không bị thách thức nữa cho đến những năm 1970. Phe Liên Xô thất bại trong việc mở rộng ảnh hưởng sang Ả Rập Saudi, và nước này tiếp tục là đồng minh thân cận của Mỹ cho đến tận ngày nay.
Tham khảo thêm:
“Crude Oil, Crude Money: Aristotle Onassis, Saudi Arabia, and the CIA,” của Thomas Lippman.
https://vault.fbi.gov/Aristotle%20Onass…/Aristotle%20Onassis
https://nsarchive2.gwu.edu/dc.html…
https://www.whitehouse.gov/nsc/
https://millercenter.org/…/january-5-1957-eisenhower-doctri…
https://www.cia.gov/library/readingroom/…/DOC_0000119704.pdf
https://www.presidency.ucsb.edu/…/annual-message-the-congre…