Làm sao để biết cần phải ghi lại những gì từ sách giáo khoa vậy?
Tui phải vật lộn với chuyện này rất nhiều luôn. Mỗi khi ghi chú, tui lại cố đặt mình vào suy nghĩ của người ra đề và viết lại bất cứ thứ gì mà tui nghĩ là có thể kiểm tra. Xong tui lại biến chúng thành những câu hỏi và làm flashcard (thẻ ghi từ). Phần khiến tui gặp khó khăn là lúc ghi chép ban đầu. Thật sự rất mệt mỏi khi cứ phải cố giải đáp tất cả mọi thứ trong sách.
Hiện tại tui đang cố thử gì đó mới mẻ hơn, thay vì ghi chép lại thì chỉ lấy những mục in màu/tô đậm để làm câu hỏi. Đại loại cũng là chuyển sách giáo khoa thành ghi chú, cơ mà dưới dạng câu hỏi và trả lời sao cho có thể áp dụng ngay vào flashcard được.
Tui sẽ rất coi trọng dù là bất kì đề xuất nào đó.
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/gvhj65
_____________________
u/nofunatall_17 (49 points – x1 gold)
Chuyện này sẽ vui lắm đây. Tui từng dạy kèm cho sinh viên cao đẳng và có giảng cho họ về điều này vài lần rồi. Chuẩn bị tinh thần đi nha.
Bước quan trọng nhất khi đọc sách giáo khoa đó là XEM TRƯỚC phần tài liệu mà cậu chuẩn bị đọc. Có một số cách để cậu có thể (và nên) thực hiện việc này:
1. Đa số sách giáo khoa (ít nhất là mấy cuốn tốt) sẽ đưa ra các phát biểu hoặc câu hỏi ở đầu mỗi chương – chúng thường được gọi là kết quả cần đạt, nội dung chính, ý chủ chốt, … Hãy đọc những mục đó trước để nắm rõ các ý chính. Nếu sách của cậu không có mấy thứ này thì đọc phần tổng kết ở cuối chương trước – nghe thì thấy ngược lẽ thường vậy thôi chứ bằng cách này cậu sẽ nắm được ý tổng quát trước rồi sau đó từ từ tìm hiểu chi tiết sau.
2. Đọc tiêu đề của từng phần (thường có phông chữ, kích thước và màu sắc khác so với nội dung). Cách này cũng sẽ giúp cậu tập trung vào ý chính của phần ấy nữa.
3. Nếu có khúc nào đó đặc biệt khó hiểu, vậy thì thử “lên sơ đồ” cho mỗi chương/phần xem sao. Viết tiêu đề hoặc ý chủ chốt ở giữa trang giấy, sau đó vẽ các “nhánh” cho nội dung hoặc tiêu đề của các mục phụ; rồi tiếp tục phân nhánh chúng ra với các từ khóa hoặc từng khái niệm. Thông tin của chủ đề đó càng dày đặc hay càng khó, thì sơ đồ tư duy của cậu sẽ càng phải rộng hơn.
Mục đích của XEM TRƯỚC không nhất thiết để hiểu hoàn toàn tài liệu, nhưng cốt là để cậu chuẩn bị trước cho mình cái nhìn chung, khái quát về những thứ cậu sắp được đọc. Tui sẽ bình luận một ví dụ bên dưới để cho cậu hiểu rõ hơn nha. (Ví dụ 1)
Okay, giờ khi cậu đã nắm được tổng quan và các ý chính rồi thì đến lúc bắt tay vào đọc thôi. Một số lưu ý và phương pháp mà cậu cần nhớ khi đang đọc nè:
1. Liên tục vấn đáp bản thân trong lúc đọc – Không chỉ hỏi “Tại sao phần này lại quan trọng?” vì chúng ta đã biết trước ý khái quát từ việc xem trước rồi; nên hỏi là “Sao phần này lại có liên quan được?” hoặc “Làm sao mà phần này lại được bao quát trong ý chính?”. Nó sẽ giúp cậu bám sát vào mạch chính cũng như tránh lơ đễnh để rồi phải đọc đi đọc lại một lần nữa. Điều này cũng tương tự và cũng là lí do tại sao Phương pháp ghi chép Cornell lại được đề xuất và sử dụng phổ biến đến vậy, riêng đối với tui thì không phù hợp mấy.
2. Highlighting (Đánh dấu) – Có nhiều ý kiến khác nhau về viêc này. Cá nhân tui thì thích cách này cực, nhưng tui khuyên là cậu không nên cố đánh dấu quá 20% nội dung mình đọc đâu. Gợi ý là nên dùng các màu khác nhau cho mỗi chủ đề nha (ví dụ như màu vàng là cho ý chính, màu hồng là cho từ khóa,…)
Trans/Note: Phương pháp ghi chép Cornell là cách chia trang vở thành 2 cột – Cột bên trái (1/4 trang giấy) để ghi các ý chính hoặc các câu hỏi, các từ khóa; cột bên phải (3/4 trang giấy) để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái. Ở phần cuối của trang giấy, tóm tắt lại nội dung trong khoảng 5-7 câu.
Và cuối cùng sau khi cậu đã đọc xong hết tài liệu rồi, đây là cách cậu biến chúng thành những câu hỏi để tự kiểm tra bản thân nhé:
1. Cho những câu khẳng định trực tiếp, sự thật hoặc các cụm từ/từ khóa, cậu có thể làm flashcard hoặc Quizlet (phần mềm học tập bằng thẻ ghi nhớ). Bằng bước xem trước nội dung cần đọc, cậu sẽ giảm bớt số lượng thẻ cần tạo và giúp cậu tập trung hơn vào thông tin thích hợp nhất.
2. Đối với các định nghĩa phức tạp, quá trình hoặc những thứ được viết dưới dạng từng bước một (ví dụ như trong Hóa Học) thì tui khuyên là nên vẽ chúng ra trên một tờ giấy riêng nha. Thay vì làm flashcard thì hãy cố vẽ lại từ trí nhớ của mình để xem cậu có còn nắm được chúng không. Điều này không chỉ tăng cường trí nhớ của cậu thôi đâu, mà nhân loại cũng tiến hóa để ghi nhớ hình ảnh và màu sắc tốt hơn so với câu từ.
Sẽ rất mệt mỏi nếu như phải ôn lại tất cả kiến thức này mỗi ngày, nhưng mà thật ra cậu không cần phải làm thế đâu. Chứng minh cho thấy rằng cậu sẽ muốn quên những thứ đấy một chút trước khi tự kiểm tra lại. Cách này được gọi là Spacing Effect – Cứ tra trên Google nếu cần nhé. Tóm lại là cậu chỉ cần phải ôn lại bài cách vài ngày trước khi nó khắc sâu vào trí nhớ dài hạn của cậu mà thôi.
Trans/Note: Khỏi tra google nha mọi người. Hiệu ứng “dãn thời gian” – Spacing effect – là hiện tượng trí nhớ đạt hiệu quả cao hơn khi ghi nhớ một số lần giãn cách và dàn trải trên một quãng thời gian dài, so với việc học lại liên tục trong một thời gian ngắn.
À tui là sinh viên đại học năm nhất của ngành Y và đã từng có điểm số như hạch hồi hai năm đầu cao đẳng. Học được cách làm điều này đã khiến tui lột xác hoàn toàn luôn.
Edit: Cảm ơn vì huy hiệu Vàng nha! Nếu có ai đang đọc những dòng này trong tương lai thì cứ tự nhiên nhắn tin cho tui nếu cần hỏi gì thêm nhé.
>u/kkcastizo (8 points)
Wow rất cảm ơn cậu vì bình luận này. Cực kì hữu ích. Khả năng chú ý của tui có cường độ rất ngắn nên là mỗi khi tui đọc trước hoặc ngay cả khi đang đọc cũng sẽ gần như quên sạch mấy thứ vừa đọc luôn. Vậy nên tui nghĩ việc lên sơ đồ tư duy cho các ý chính/đề mục có thể biểu diễn rõ những phần quan trọng bằng hình ảnh và dễ dàng xem lại khi tui đang đọc.
3 câu hỏi thôi. Một, khi cậu bảo là liên tục tự hỏi bản thân khi đang đọc, ý cậu là tui sẽ đọc từng câu trong mỗi đoạn để sau đó chọn lọc ra những câu quan trọng đối với riêng chủ đề đó hả? Để mà sau đó đánh dấu chúng í?
Hai, cậu viết ghi chú khi đang đọc luôn hay là chỉ đánh dấu lại thôi rồi sau đó mới quay lại thu thập mấy đoạn quan trọng để làm flashcard?
Ba, có ví dụ nào về những thứ mà cậu sẽ vẽ ra thay vì dùng flashcard không?
Cảm ơn thêm lần nữa nha 🙂
>>u/nofunatall_17 (3 points)
Không thành vấn đề!
Câu 1 – Tui sẽ luôn giữ những câu hỏi liên quan đến tiêu đề của mỗi phần trong đầu (ví dụ như “Làm sao mà câu này có thể liên hệ với ___ được?”) và các khái niệm quan trọng / kết quả cần đạt ở đầu mỗi chương khi xem trước (ví dụ như “Phần này có liên quan đến/trả lời/giúp mình hiểu về ___ không?”)
Câu 2 – Hỏi hay lắm. Có một câu nói như thế này “Bạn không thể nhớ những gì mà mình không hiểu.” Đối với tui thì việc này còn tùy thuộc tài liệu đấy như nào nữa. Nếu mà nó đơn giản, dễ hiểu thì tui sẽ làm flashcard liền luôn. Tiết kiệm được rất nhiều thời gian á. Nhưng mà nếu nội dung hoặc chủ đề đó quá khó hiểu thì tui sẽ đọc trước một chương hoặc một phần để hiểu đại khái. Khi nào mà dần hiểu ra rồi thì tui mới làm flashcard.
Câu 3 – Tui không rõ cậu học khối mấy và học những môn gì nên không chắc là có thể cho cậu câu trả lời thích hợp hoặc quá đơn giản, phức tạp đâu. Cơ mà tui sẽ cố.
Một ví dụ phổ biến trong Sinh Học (nếu cậu chưa đăng kí học môn đấy) là cậu phải học về 2 cách phân chia tế bào của người, Nguyên phân và Giảm phân và nhớ từng bước một của mỗi cách. Thay vì tóm tắt lại hoặc mô tả bằng chữ, tui sẽ vẽ tay lại trạng thái của các tế bào trong mỗi bước.
Hay như là lớp Lịch Sử và cậu phải nhớ các mốc thời gian hay ngày tháng năm cụ thể. Lấy ví dụ Thế chiến thứ 2 đi, cậu phải biết hết thứ tự diễn ra các trận chiến/chiến dịch khác nhau: Cuộc tấn công Ba Lan, Không chiến tại Anh Quốc, Trận Trân Châu Cảng, Chiến dịch Barbarossa (cuộc xâm lược Liên Xô), Trận Midway, Cuộc xâm lược Sicilia, D-Day, Trận Ardennes, Trận Okinawa. Nếu tui mà vẽ mốc thời gian, tui sẽ viết tên các trận ở Mặt trận Thái Bình Dương phía dưới và các trận ở Châu u phía trên. Những trận ở Thái Bình Dương sẽ là màu xanh lam, ở Tây u màu xanh lục và Đông u màu đỏ. Khi tui cần phải nhớ lại chúng cho bài kiểm tra, việc đấy sẽ giúp tui nhớ được màu sắc và vị trí của mỗi trận chiến trên trang giấy (tức là nằm về hướng đầu hay cuối mốc). Ngay cả khi cậu đủ tự tin để làm flashcard cho dạng đó lúc đọc thì khi mà đang học ôn kiểm tra ấy, thử xem cậu có thể vẽ các mốc thời gian theo trí nhớ được không. Điều này không những giúp cho sức nhớ dài hạn mà còn… Tui đã nghe nhiều người so sánh phương pháp này với công thức nấu ăn: ừ thì đúng là cậu cần hướng dẫn bằng chữ để lấy đúng nguyên liệu, nhưng xem video (hình thức với mục đích tương tự với sơ đồ) để hình dung cách nấu một món mới sẽ dễ hơn nhiều so với chỉ đọc cách nấu nó.
Tui cũng muốn nhấn mạnh là cậu không cần phải dùng mỗi flashcard hay sơ đồ tư duy đâu – sẽ hữu ích hơn nếu cậu sử dụng cả hai một khi đã nắm rõ kiến thức.
Cuối cùng, vẽ sơ đồ tư duy, khái niệm, quá trình,… sẽ khiến việc đọc vui hơn rất nhiều và dễ nhìn hơn so với việc chỉ đọc toàn chữ với chữ.
>u/nofunatall_17 (6 points)
Ví dụ 1:
Các bước của quá trình này thực chất khá đơn giản. Đầu tiên bạn cần sắp xếp các vật theo từng nhóm khác biệt. Số nhóm cần thiết có thể thay đổi, và có thể chỉ một nhóm thôi cũng đủ tùy thuộc vào lượng đồ cần hoàn thành. Quan trọng là không làm quá tay bất kì thứ gì và làm quá ít vẫn được ưa chuộng hơn làm quá nhiều. Việc này thoạt tiên có vẻ không quan trọng nhưng nếu thất bại sẽ dẫn đến sự việc phức tạp lên và là những sai lầm tốn kém, đắt đỏ. Sau cùng, quá trình này rồi sẽ trở thành bản năng tự nhiên của bạn. Ở bước cuối, rất có khả năng bạn sẽ cần sắp xếp chúng theo từng nhóm một lần nữa. Cách những nhóm này được phân loại sau chót sẽ tùy theo ý muốn của mỗi cá nhân nhưng những vật cấu thành từng nhóm rồi cũng sẽ được sử dụng và chu kỳ sẽ lặp lại.
Đoạn văn trên mô tả điều gì?
=> Giặt quần áo
_____________________
Bài đăng của YK trong group: https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/625133398396872/
Edited by https://rvnweb.site