Chương trình ”Đất chưa khai phá” ở Liên Xô.
(Post kèm quảng cáo trá hình).
Muốn giới thiệu ở đây một game mà chơi xong thuộc luôn bản đồ Liên Bang Xô Viết. Mình không biết có nhiều người chơi game này ở Việt Nam không, nhưng cá nhân tự đánh giá đây là một trong những game sinh tồn hay nhất. Nó có thể không hấp dẫn ở nhiều mặt, nhưng riêng với mình thì điều hấp dẫn của nó là bản đồ rộng chưa từng có: toàn bộ Liên Xô và các nước xung quanh. Nó là game mà sau khi chơi vài lần mình đã thuộc gần như hầu hết các thành phố của Liên Bang Xô Viết, hoặc chí ít là thuộc các thành phố trên tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Day R Survival – một game sinh tồn lấy bối cảnh một người đàn ông sống sót sau khi Liên Xô bị tấn công nguyên tử. Mình không nói nhiều về cốt truyện và cách chơi bởi nguyên nhân là game đã rất nhiều lần cập nhật, và có vẻ nội dung lẫn cách chơi đã đổi hoàn toàn. Nhưng điểm chung vẫn là bạn phải điều khiển nhân vật của mình lang thang trên khắp Liên bang Xô Viết để làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ trong game có nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ, trong đó có một nhiệm vụ phụ khó nhất, không phải người chơi nào cũng muốn làm, tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng phần thưởng là chiếc xe Belaz huyền thoại, chạy không tốn xăng để từ đó bạn có thể đi toàn bộ bản đồ, đi mọi ngóc ngách của Liên Xô rồi thuộc luôn vị trí các thành phố.
Chỉ review lướt qua vậy thôi không lại bảo lạm quyền quảng cáo. Nhưng lý do viết bài này thực ra cũng xuất phát từ game. Chuyện như sau: có một nhiệm vụ mình phải đi đến một thành phố rất xa ở phía Nam, tên là Tselinograd. Khi nhìn thấy mình đã lắc não vài lần, nghĩ xem có thành phố nào quan trọng ở Liên Xô mà tên như vậy. Nghĩ mãi không ra nên phải dùng đến Google và biết được như sau.
Năm 1953, do hậu quả của chiến tranh trước đó, chính sách tập trung vào công nghiệp hóa và chính sách tập thể hóa nông nghiệp chưa hiệu quả, Liên Xô rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Các vùng miền Nam nước Nga và Ukraine gần như một mình nuôi sống cả Liên Bang. Trong khi đó, ở vùng Trung Á đặc biệt là Kazakhstan, hậu quả của chính sách tập thể hóa và nạn đói những năm 1930 vẫn rất nặng nề. Hơn 1 triệu người Kazakhstan chết đói những năm 30s và hàng trăm nghìn người phải chạy đến các nước xung quanh kiếm ăn (cái này đã nói ở bài về Tân Cương trước đây).
Đứng trước bối cảnh đó, ban lãnh đạo Liên Xô đã có những ý tưởng khác nhau để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Trong khi ban đầu Georgy Malenkov nói rằng chỉ cần nâng cao năng suất ở các vùng trước nay đã sản xuất lương thực là Nga và Ukraine, thì đối thủ chính trị của ông – Nikita Khrushchev cho rằng cách làm tốt hơn và mở rộng thật nhanh diện tích trồng trọt ở các vùng vốn đang tiêu điều của Liên Xô. Và như đã biết, Nikita Khrushchev đã chiến thắng trong cuộc tranh chấp quyền lực, và cải cách nông nghiệp ở Liên Xô đã diễn ra theo hướng của ông – chương trình ”Đất chưa khai phá” (Virgin Lands) của Tổng bí thư Khrushchev được phát động, tên tiếng Nga đọc là ”Osvoyeniye tseliny”.
Bắt đầu kế hoạch, Liên Xô dự tính khai hoang 13 triệu ha đất ở các vùng nghèo đói của liên bang: vùng Volga, Bắc Kavkaz, Tây Siberia, Trung Á,… Để làm điều này, Liên Xô đã kêu gọi thanh niên trên toàn lãnh thổ gia nhập các đơn vị tình nguyện đi khai hoang đất. Họ thậm chí còn giải ngũ lượng lớn binh lính để bổ sung vào lực lượng khai hoang. Vào năm 1954, ước tính đã có 300.000 thanh niên Liên Xô gia nhập các đoàn tình nguyện này đến các vùng đất xa xôi khô cằn của đất nước. Cùng với đó, 200.000 máy kéo đã được sản xuất, in tên ”Chương trình Virgin Lands” để đi theo các đội quân.
Những năm đầu chứng kiến thành công ngoài mong đợi của chiến dịch ”Đất chưa khai phá”. Trong khi đặt mục tiêu khai hoang 13 triệu ha đất, đến năm 1956 diện tích khai hoang được của Liên Xô là 30 triệu ha, và đến năm 1960 là 46 triệu ha – con số lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Sự tăng vọt của diện tích đất canh tác đã tạo nên sự tăng trưởng sản lượng lương thực của Liên Xô. Sản lượng lúa mỳ vụ mùa năm 1954 cao hơn đến 65% giai đoạn trước đó. Năm 1955, bất chấp hạn hạn nghiêm trọng ở Kazakhstan làm sản lượng khu vực này tụt 35%, thì thành công ở các khu vực khác vẫn kéo sản lượng lương thực Liên Xô tăng lên.
Cuối cùng, chương trình ”Đất chưa khai phá” được coi là đạt đỉnh cao năm 1956. Với một vụ mùa bội thu toàn liên bang, sản lượng lúa mỳ năm đó cao gấp đôi năm 1955 và cao gấp gần 3 lần thời kỳ Stalin. Quá phấn khích với thành công, bí thư Khrushchev đã đi máy bay qua khắp các vùng của chiến dịch “Đất chứ khai phá”, tự tay trao huân chương cho người dân. Thành công vang dội năm 1956 làm Liên Xô lạc quan đặt ra mục tiêu đến năm 1960 vượt qua sản lượng lương thực của Mỹ.
Tuy nhiên, ”đạt đỉnh cao” cũng có nghĩa là ”sau đó xuống dốc”. Từ năm 1956 về sau sản lượng lương thực của Liên Xô thất thường. Năm 1957 sản lượng kém, thì năm 1958 thành công suýt nữa vượt qua kỷ lục năm 1956. Năm 1959 lại thất thu, thì đến năm 1960 lại bội thu với một chiến dịch khai hoang thêm gần 2 triệu ha đất chỉ riêng ở Kazakhstan. Năm 1960 đánh dấu Kazakhstan từ nơi một nửa dân số chết đói thành vùng sản xuất lương thực hàng đầu của Liên bang Xô Viết, đến ngày nay vẫn là một trong những vựa lúa mỳ lớn trên thế giới. Để ghi dấu thành quả của chương trình Đất chưa khai phá, cuối năm 1960 Liên Xô quyết định đặt tên thủ đô Kazakhstan là Tselinograd – dựa theo tên tiếng Nga ”Osvoyeniye tseliny” của chương trình.
Dù vậy, sau năm 1963 năng suất của Liên Xô giảm đều. Lãnh tụ Khrushchev đổ lỗi cho thiếu phân bón. Ông lấy ví dụ Liên Xô có 218 triệu ha đất trồng nhưng chỉ có 20 triệu tấn phân bón, trong khi Hoa Kỳ chỉ có 120 triệu ha đất nhưng có tới 35 triệu tấn phân bón. Do đó, Khrushchev đã tăng cường xây thêm hàng chục nhà máy phân bón lớn trên khắp liên bang. Nhưng khi kế hoạch chưa phát huy hiệu quả thì Khrushchev đã ”rớt đài” khỏi vị trí lãnh đạo Liên Xô.
Các nhà lãnh đạo sau đó của Liên Xô không hứng thú với việc phát triển chương trình của Khrushchev, mà chỉ định ngồi hưởng thành quả để lại. Điều này dẫn đến những năm 80s Liên Xô lại rơi vào khủng hoảng lương thực, phải nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ. Dù vậy, chương trình Đất chưa khai phá của Khrushchev vẫn được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử to lớn đặc biệt với đất nước Kazakhstan. Chương trình đã biến Kazakhstan từ một vùng đất chết đói thành một vùng sản xuất lương thực quan trọng của Liên Xô, và đến ngày nay người dân Kazakhstan tiếp tục được hưởng thành quả đó trên đất nước mình.