(Biên giới 4.380 km . 658.000 binh sĩ Xô Viết vs 814.000 lính quân Trung Quốc.)
Từ năm 1960 đến 1969 những bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ các nước Cộng sản, đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc (sau hai Hội nghị năm 1957 và 1960), không dịu đi mà ngày càng trầm trọng, công khai. Những cuộc tranh luận gay gắt và bất đồng giữa hai đảng này xoay quanh các vấn đề lý luận, đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế đã dân đến sư phân liệt thực sự của phong trào cộng sản thành hai phái. Hai đảng lớn, hai nước lớn tranh nhau vì vị trí trung tâm cách mạng, công kích lẫn nhau: đảng nào cũng muốn nắm độc quyền chân lý và tranh nhau vai trò lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế. Sự phân liệt và sự tập hợp lực lựợng của hai đảng lớn này ngày càng trở nên ráo riết, công khai. Một số Đảng Cộng sản ở một số nước cũng bị chia rẽ về tổ chức thành hai đảng theo hai khuynh hướng nói trên.
Khoảng một thời gian, các tranh cãi lý luận giữa hai đảng vẫn giữ tính gián tiếp. Trung Quốc lên án Tito của Nam Tư trong khi Liên Xô lên án đồng minh của Trung Quốc là Enver Hoxha của Albania trong một cuộc chiến gián tiếp bằng lời qua tiếng lại. Nhưng vào tháng 6 năm 1960, sự chia rẽ trở nên công khai tại đại hội Đảng Cộng sản Romania khi Khrushchev và Bành Chân của Trung Quốc công khai đối chọi nhau. Khrushchev gọi Mao “một người theo chủ nghĩa quốc gia, một kẻ cơ hội, và kẻ xa rời Đảng”. Trung Quốc gọi Khrushchev một người theo Chủ nghĩa xét lại và chỉ trích thói “gia trưởng, độc đoán và chuyên chế” của ông. Khrushchev tiếp tục cuộc tấn công của ông bằng cách đọc một lá thư dài 80 trang trước hội nghị để lên án Trung Quốc.
Trong một cuộc hội thảo 81 của đảng Cộng sản tại Moskva tháng 11 năm 1960, phái đoàn Trung Quốc đụng độ nảy lửa với phái đoàn Liên Xô và với đa số các phái đoàn khác, nhưng dần dần thì một giải pháp chung đã được đồng thuận để tránh một sự rạn nứt chính thức. Tuy nhiên tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22 vào tháng 10 năm 1961, bất đồng lại bùng lên. Tháng 12, Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với Albania khiến cuộc tranh chấp từ đảng đối chọi đảng sang giai đoạn quốc gia đối chọi quốc gia.
Trong năm 1962, các sự kiện quốc tế đã tạo ra một sự rạn nứt cuối cùng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Mao chỉ trích Khrushchev vì đã lùi bước trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba và Khrushchev đáp lại rằng chính sách của Mao sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, Liên Xô công khai ủng hộ Ấn Độ trong cuộc chiến ngắn ngủi với Trung Quốc. Theo sau các sự kiện này là các tuyên bố chính thức về lập trường tư tưởng của mỗi bên: Trung Quốc xuất bản “Đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế” (The Chinese Communist Party’s Proposal Concerning the General Line of the International Communist Movement) tháng 6 năm 1963. Liên Xô đáp lại bằng “Lá thư mở của Đảng Cộng sản Liên Xô” (Open Letter of the Communist Party of the Soviet Union). Đây là lần trao đổi liên lạc chính thức cuối cùng giữa hai đảng.
Năm 1964, Mao quả quyết rằng đang có một cuộc phản cách mạng xảy ra tại Liên Xô, và rằng chủ nghĩa tư bản đã được phục hồi. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô đứt đoạn và các quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng Cộng sản khác trong Khối Warszawa cũng cùng chung số phận.
Có một gián đoạn ngắn ngủi trong sự chia rẽ giữa hai nước sau khi Khrushchev bị lật đổ tháng 10 năm 1964. Tháng 11, Thủ tướng Chu Ân Lai đi Moskva để nói chuyện với các nhà lãnh đạo mới là Leonid Brezhnev và Aleksey Kosygin nhưng khi trở về ông báo cáo rằng Liên Xô không có ý định thay đổi lập trường của họ. Mao lên án “Chủ nghĩa Khrushchev không có Khrushchev” và cuộc khẩu chiến tiếp tục.
Nền chính trị quốc nội của Trung Quốc cũng là nhân tố góp phần vào sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Đại nhảy vọt đã không đạt được mục tiêu như đã định. Vì chuyện này mà những đối thủ của Mao trong Đảng Cộng sản như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình giữ các chức vụ thứ tự là chủ tịch nhà nước và tổng bí thư đảng cộng sản mưu toan lật đổ ông khỏi quyền lực. Nhân lúc có sự chia rẽ với Liên Xô, Mao lợi dụng chuyện này để diễn tả các đối thủ của ông là tay sai của một thế lực ngoại bang và đã kích thích chủ nghĩa quốc gia của người Trung Quốc đồng lòng đứng sau ủng hộ cho ông.
Bích chương Trung Quốc từ giai đoạn đầu của Cách mạng Văn hóa nói rằng: “Lật đổ bọn chủ nghĩa xét lại Xô Viết. Đập đầu chó của Brezhnev và Kosygin”, 1967
Sau năm 1965, sự chia rẽ Trung-Xô là một sự thật đã định, và việc khởi sự cuộc Cách mạng Văn hoá của Mao đã làm phương hại tất cả những mối liên lạc giữa hai nước, và hiện thực hơn nữa là giữa lục địa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Ngoại lệ duy nhất không bị chấm dứt là việc Trung Quốc cho phép chuyên chở vũ khí và tiếp liệu của Liên Xô ngang qua lãnh thổ Trung Quốc để hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc xung đột chống Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.
Sau năm 1967, Cách mạng Văn hoá đã phá đổ cơ cấu đảng và chính phủ tồn tại lúc đó tại Trung Quốc. Đảng đáng kể duy nhất cách xa những người Albani ủng hộ đường lối của Trung Quốc là Đảng Cộng sản Indonesia cũng là đảng đã từng bị tiêu diệt trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1965. Nhiều đảng theo đường lối Mao Trạch Đông đã được thành lập tại nhiều quốc gia.
Sự đối đầu Trung-Xô bây giờ trở thành một cuộc xung đột giữa các quốc gia. Tháng giêng năm 1967, Hồng Vệ binh bao vây tòa Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh. Quan hệ ngoại giao chưa bao giờ chính thức bị cắt đứt nhưng bị rơi vào một tình trạng đóng băng nặng nề. Trung Quốc cũng chọn nêu lên vấn đề biên giới Trung-Xô, vốn là kết quả của các hiệp định bất bình đẳng trong thế kỷ XIX mà các Sa hoàng Nga đã áp đặt lên nhà Thanh yếu thế. Trung Quốc không nêu lên đòi hỏi lãnh thổ một cách rõ rệt nào nhưng cứ khăng khăng rằng Liên Xô phải biết là các hiệp ước đó là không công bằng. Liên Xô thẳng thừng từ chối thảo luận vấn đề.
Trong năm tiếp theo, Trung Quốc đã tới điểm thấp nhất của cuộc Cách mạng Văn hoá và gần kề nội chiến tại một vài nơi của đất nước. Tình hình chỉ được ổn định một phần trong tháng 8 khi Mao Trạch Đông ra lệnh cho quân đội ổn định lại trật tự. Sau đó, mức độ tồi tệ nhất của Cách mạng Văn hóa từ từ giảm bớt. Một lý do cho việc giảm bớt mức độ của Cách mạng Văn hoá là sự nhận thức của Mao rằng Trung Quốc hiện thời bị cô lập và dễ tan vỡ.
Liên Xô và Trung Quốc có mâu thuẫn nhiều về vấn đề lãnh thổ và biên giới. Một trong vấn đề đó là về Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Lãnh đạo Trung Quốc luôn có ý định sáp nhập Mông Cổ vào Trung Quốc. Điều này gặp phải sự phản đối của Liên Xô và chính Mông Cổ.
Từ năm 1964, trên biên giới hai nước lẻ tẻ xảy ra các vụ xung đột bạo lực giữa lực lượng tuần tra của hai bên, nhất là trên các đảo Trân Bảo và Thất Lý Tẩm trên sông Ussuri. Ban đầu là đấu khẩu, sau đến xô đẩy, rồi sử dụng gậy gộc, dao kiếm. Hai bên tố cáo lẫn nhau là thủ phạm gây ra tình hình căng thẳng trên biên giới hai nước.
Phía Trung Quốc tố cáo: tính từ tháng 10/1964 đến tháng 3/1969, Liên Xô đã gây ra 4.189 vụ việc trên biên giới. Nghiêm trọng nhất là vụ ngày 5/1/1968, lực lượng biên phòng Liên Xô đã sử dụng xe thiết giáp đổ bộ lên đảo Thất Lý Tẩm, sát hại 4 người dân Trung Quốc, phía Trung Quốc cực lực phản kháng.
Phía Liên Xô cũng tố cáo Trung Quốc chủ động gây ra các vụ việc khiêu khích trên biên giới. Từ cuối tháng 3/1965, số vụ lính Trung Quốc sang chiếm đất Liên Xô ngày càng nhiều; tính từ ngày 1/10/1964 đến 1/4/1965 đã xảy ra 36 vụ với 150 lính Trung Quốc vượt qua biên giới gây hấn; chỉ riêng nửa đầu tháng 4/1965, đã có thêm 12 vụ với hơn 500 binh lính và dân thường Trung Quốc tham gia. Đáng chú ý có vụ ngày 11/4/1965, 200 người Trung Quốc với 8 máy cày được quân lính yểm trợ đã sang cày cất trồng cây trên đất Liên Xô, khi gặp tổ tuần tra của lính biên phòng Liên Xô, họ đã có hành vi bạo lực và lăng nhục. Bước sang năm 1967, số vụ xâm nhập, khiêu khích đột nhiên tăng lên tới hơn 2.000, kèm theo đó là làn sóng tuyên truyền chống Liên Xô…Tháng 2/1967, khi nói về tương lai quan hệ Trung-Xô, Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Nghị nói: “Quan hệ có thể tan vỡ, chiến tranh có thể nổ ra”. Tháng 3 cùng năm, Thủ tướng Chu Ân Lai công khai phát biểu: “Chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Liên Xô có thể xảy ra sớm hơn chiến tranh với Mỹ”…
Vào ngày 2 tháng 3 năm 1969 một đơn vị biên phòng Xô Viết đã bị lính Trung Quốc phục kích. Trong trận này, phía Trung Quốc đã huy động sử dụng lực lượng tinh nhuệ lựa chọn từ 3 quân đoàn và 1 đại đội trinh sát trực thuộc quân đoàn (đều là các đại đội tăng cường quân số trên 200 người). Đêm 1/3, lính Trung Quốc bí mật lên đảo Trân Bảo (Liên Xô gọi là đảo Damanski) mai phục. Sáng hôm sau (2/3), một phân đội “nhử mồi” do Trạm trưởng biên phòng Tôn Ngọc Quốc lên đảo tuần tra; phía Liên Xô lập tức cho quân lên đảo xua đuổi. Hơn 70 binh sĩ Liên Xô lên đảo bị lọt vào trận địa phục kích của lính Trung Quốc. Sau hơn một giờ kịch chiến, toán lính Liên Xô bị tiêu diệt hầu như toàn bộ: 38 người bị giết (Liên Xô công bố bị chết 31 người), 22 người bị thương, 2 xe quân sự bị phá hủy, 1 xe bị hỏng; phía Trung Quốc chết 17 người, bị thương 35.
Sau mấy ngày im ắng, các ngày 15 và 17/3, quân đội hai bên tiếp tục xung đột ác liệt. Ngày 15/3, Liên Xô cho một tổ trinh sát 6 người tiến hành quan sát khu vực phía Nam đảo Damanski. Đến khoảng 10h sáng, tổ trinh sát báo cáo lực lượng Trung Quốc có khoảng 1 trung đoàn bộ binh, có pháo binh cơ giới, súng cối và 2 xe tăng yểm trợ đang kéo tới. Lực lượng chủ lực Liên Xô được đưa tới, triển khai chiến đấu sau 30 phút. Theo lời Đại tá Nicolas Popov, người trực tiếp tham gia trận này, trận đánh diễn ra suốt 9 giờ, hai bên giành đi giật lại hòn đảo đến 8 lần. Khác với trận ngày 2/3 chỉ có lực lượng biên phòng tham gia, lần này khi Trung Quốc sử dụng lực lượng quân đội chính quy, phía Liên Xô cũng sử dụng 1 trung đoàn bộ binh cơ giới với hỏa lực phối thuộc mạnh, cuối cùng họ đã đuổi được quân Trung Quốc khỏi hòn đảo và cho gài mìn dày đặc trước khi rút lực lượng khỏi đảo.
Liên Xô còn trả đũa bằng cách pháo kích vào các nơi tập trung quân Trung Quốc tại Mãn Châu và tấn công đảo Damansky/Trân Bảo vào ngày 15/3/1969 bằng vũ khí mới là xe tăng T-62 và pháo phản lực 40 nòng BM-21 “Grad”; phía Trung Quốc phản công bằng pháo chống tăng, DKZ, súng RPG và pháo mặt đất đặt sâu trong nội địa Trung Quốc. Lần đầu tiên, Liên Xô đã sử dụng 1 tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 “Grad” 40 nòng pháo kích kéo dài 10 phút vào sâu lãnh thổ Trung Quốc đến 20 km. Theo Liên Xô, kết quả của đợt tập kích là toàn bộ lực lượng thê đội dự bị, kho tàng, trang thiết bị quân sự, các trạm cung cấp đạn và cơ sở vật chất cùng với binh lực của Trung Quốc bị tổn thất nặng nề.
Lực lượng Xô Viết tuyên bố rằng trong trận đánh ngày 15/3, Trung Quốc thiệt hại 800 người trong khi Xô Viết chỉ có 60 chết hoặc bị thương. Còn phía Trung Quốc thì tuyên bố Liên Xô chết hơn 60 người (có 1 Đại tá, 1 Trung tá), bị thương hơn 80, 14 xe quân sự bị phá hủy, trong khi Trung Quốc chết 12, bị thương 27 người (nhưng thương vong thực tế của Trung Quốc có lẽ cao hơn nhiều). Đáng chú ý, 1 xe tăng T-62 (loại xe tăng mới của Liên Xô thời đó) bị bắn hỏng nằm lại đảo. Từ ngày 17/3 đến 1/4, Trung Quốc cử đặc nhiệm tới nhằm chiếm giữ chiếc xe tăng này để nghiên cứu công nghệ. Trong cuộc chiến giành giật chiếc xe tăng này, Trung Quốc thương vong thêm 42 người bởi pháo binh của Liên Xô. Cuối cùng, Liên Xô đã dùng pháo binh bắn thủng lớp băng để chiếc T-62 chìm xuống lòng sông. Đến ngày 27/4, phía Trung Quốc nhân đêm tối cho thợ lặn hải quân bí mật xuống sông móc cáp, trục vớt thành công chiếc xe tăng kéo về Nhà máy đại tu xe tăng 6409 ở Phủ Thuận tiến hành sửa chữa rồi đưa về Thẩm Dương nghiên cứu; đến tháng 6/1969 thì đưa về Bắc Kinh trưng bày trong Bảo tàng quân sự Trung Quốc.
Đụng độ giữa hai bên tiếp diễn qua mùa xuân và mùa hè năm đó. Kết thúc cuộc xung đột, Trung Quốc tuyên bố họ đã tiêu diệt 230 lính Liên Xô, phá hủy 19 xe tăng và thiết giáp và chỉ bị thương vong 92 người. Trong khi phía Liên Xô công bố họ thương vong 152 người (58 chết, 94 bị thương) và cho rằng Trung Quốc đã chịu thương vong gần 1.000 binh sĩ, trong đó riêng trận đánh ngày 15/3 phía Trung Quốc bị tổn thất 600 người.
Liên Xô tuyên bố rằng Quân đội Trung Quốc dùng chiến thuật tiến công trong khi xung quanh đầy thường dân, nông dân, và súc vật. Sau một vài lần đụng độ liên tiếp trong khu vực này và trong Trung Á, mỗi bên chuẩn bị cho cuộc đối đầu hạt nhân. Tới tháng 8/1969, Giám đốc CIA Richard Helms thông báo với báo chí rằng, lãnh đạo Xô-viết đã bí mật hỏi ý kiến các chính phủ nước ngoài về quan điểm của họ đối với một cuộc tấn công phủ đầu Hạt nhân nhằm vào Trung Quốc.
Xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc ở biên giới được chấm dứt sau khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Liên Xô Côxưgin và người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai tại sân bay Bắc Kinh ngày 11-9-1969, lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận về đình chiến ở biên giới và mở cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp.
Đàm phán lần thứ hai về biên giới giữa Liên Xô với Trung Quốc diễn ra trong gần 9 năm, từ tháng 10-1969 đến tháng 6-1978 và vẫn không đi đến kết quả cuối cùng. Đầu tháng 10-1969, cuộc đàm phán Trung – Xô về biên giới giữa hai nước bắt đầu tiến hành ở Bắc Kinh, nhưng quan điểm hai bên hoàn toàn khác nhau: phía Trung Quốc cho rằng vùng tranh chấp biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc có diện tích khoảng 33.000 km2 còn bên Liên Xô chỉ đồng ý giải quyết tranh chấp biên giới chung giữa hai nước theo các hiệp ước ký cuối thế kỷ XIX giữa Nga Hoàng với chính quyền Mãn Thanh, do đó hội đàm giữa hai nước không có kết quả.
Mặt khác, theo hồi ký của nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm – nhà ngoại giao lão thành đã tham gia đàm phán giữa Trung Quốc với Liên Xô về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và phân định biên giới Xô – Trung: “Do những nguyên nhân lịch sử, đoạn biên giới trên sông Amur (sông Hắc Long) giữa Trung Quốc và Liên Xô thời nhà Thanh chỉ đơn giản lấy sông làm biên giới chứ không hoạch định cụ thể và nghiêm túc. Phía Liên Xô vẫn đứng trên lập trường ngang ngược của Nga Sa hoàng, tuyên bố biên giới Trung Quốc cần được hoạch định theo đường ven sông giới tuyến (sông giáp ranh) thuộc phía Liên Xô. Nếu như vậy, các đảo trên sông nghiễm nhiên thuộc về phía Liên Xô, trong khi các sông Hắc Long và Ô Tô Lý đã là những sông thuộc lãnh thổ Liên Xô. Phía Trung Quốc đương nhiên không thể nhất trí mà chủ trương căn cứ luật pháp và thông lệ quốc tế, cần vạch trung tâm trên đường lưu thông chính của sông giáp ranh làm đường biên giới chung. Năm 1969 xung đột đẫm máu xảy ra ở đảo Trân Bảo giữa hai nước suy cho cùng cũng do nguyên nhân này”.
Về chiến tranh biên giới Xô – Trung (nhiều tác giả trong và ngoài nước gọi là xung đột biên giới Xô – Trung), trong Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc ngày 8-10-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp, bất đồng về biên giới với các nước trên cơ sở công bằng, thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực.