Nếu Triều Tiên không có Đô đốc Yi Sun-Shin trong Chiến tranh Nhâm Thìn, liệu người Nhật có thể đạt được mục tiêu chinh phục Trung Quốc?
*thấy mấy cái kèo gần đây xa vời quá, nên set cái kèo trực quan hơn. Bài dịch nhẹ nhàng, vui vui anh em đừng gạch đá, chửi lộn.
Chinh phục Trung Hoa? Đây hẳn là lỗi đánh máy rồi. Nếu câu hỏi của bạn là chinh phục Triều Tiên thì sẽ có vài cuộc tranh luận đấy nhưng nếu đối tượng là Trung Hoa thì không. Chắc chắn không.
Trước hết, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất bại trong cuộc xâm lược của người Nhật không đến từ Yi Sun-shin hay nhà Minh mà đến từ cái chết của Hideyoshi và tham vọng soán ngôi của Tokugawa Ieyasu. Những chiến binh trung thành đang chinh chiến ở Triều Tiên phải rút về quê nhà để bảo vệ gia tộc Hideyoshi. Như vậy, ngay cả khi mục tiêu của Hideyoshi chỉ là Triều Tiên nhỏ bé thì cái chết đột ngột của ông ta cũng khiến các samurai buộc phải về nước, chuẩn bị cho cuộc nội chiến sắp sửa diễn ra.
Thứ hai, nhà Minh đã cản bước chân của người Nhật trên đất Triều Tiên. Đúng là màn trình diễn của Minh triều không được hoành tráng nhưng cũng phải thừa nhận rằng, kể từ khi có họ tham chiến, người Nhật giỏi lắm cũng chỉ làm chủ được nửa phía nam bán đảo mà thôi. Mặc dù thống kê thành tích đối đầu giữa hai bên thì Nhật Bản nhỉnh hơn Trung Hoa nhưng trong hầu hết các trận chiến, người Nhật đều ở trong thế thủ. Khi bạn tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược, nếu bạn luôn phải gồng mình chống đỡ thì có nghĩa là bạn hoàn toàn không có ưu thế.
Được rồi, vậy giờ ta giả sử Yi Sun-shin chưa từng được sinh ra, Hideyoshi thì bằng cách nào đó không thể bị ốm, khỏe mạnh tới tận cuối đời. Tokugawa đột nhiên tự sát trước khi lên ngai và quân Minh thì còn kém cỏi hơn những gì họ đã thể hiện. Đặt giả thiết như trên thì có hơi quá đà nhưng hãy thử xem xét xem với từng ấy điều kiện thuận lợi liệu người Nhật có thể làm nên điều kì diệu?
Hãy cùng đến với câu chuyện về nhân vật Kato Kiyomasa, gã này bá đạo thật sự. Suốt cuộc xâm lược, hắn không để thua bất cứ trận nào trước cả người Trung Quốc lẫn Triều Tiên.
Năm 1598, liên quân Minh-Triều chuẩn bị tấn công một cứ điểm của Kato tại Ulsan, đông nam bán đảo. Kato bắt hết nô lệ Triều Tiên mà hắn gặp, ép họ xây dựng cho mình một pháo đài để cố thủ. Hãy để tôi nhấn mạnh rằng đây là những nô lệ, không phải kỹ sư. Thông thường, bạn sẽ muốn những kỹ sư giỏi nhất xây nhà cho bạn. Đây là những nô lệ thất học, “có lẽ” không được trả lương và bị Kato bắt làm việc đến chết theo đúng nghĩa đen. Nhiều người trong số họ đã nổi loạn trong quá trình xây dựng. Vậy nên, về mặt logic, chất lượng cuối cùng của pháo đài phải là rất tệ và sẽ dễ dàng bị chinh phục (nếu tôi là một trong những nô lệ Triều Tiên đó, tôi sẽ cố tình phá hoại các bức tường để trả thù người Nhật). Liên quân bủa vây pháo đài rởm của Kato với quân số vượt trội. Người Trung Quốc và Triều Tiên “nhiệt tình” tấn công các bức tường trong suốt cả tháng, cắt đứt mọi liên lạc của người Nhật với thế giới bên ngoài. Cạn lương thực, Kato và người của mình thậm chí đã phải giết ngựa để lấy thịt. Kể cả là vậy, liên quân Minh-Triều vẫn thất bại trong việc công hạ pháo đài, đáng kinh ngạc là điều này diễn ra tới hai lần. Sau vài lần chạm trán, người ta kể rằng các tướng lĩnh Trung Quốc và Triều Tiên đều ngán Kato Kiyomasa vì hắn là kẻ bất khả chiến bại.
Giờ thì bạn đã biết Kato Kiyomasa tài năng như thế nào. Các bạn có thể tự hỏi tại sao tôi lại tôn vinh anh ta trong khi khẳng định ngay từ đầu là người Nhật không thể tấn công Trung Hoa. Thực tế, Kato giỏi đến mức đã chiếm được toàn bộ vùng đông bắc Triều Tiên, ngay đến điểm sông Tumen ngăn cách Triều Tiên với Mãn Châu. Kato là chỉ huy Nhật Bản duy nhất trong Chiến tranh Nhâm Thìn thực sự vượt sông Tumen và vào lãnh thổ Mãn Châu. Như mọi khi, Kato đã ghi chiến công đầu bằng việc tấn công mãnh liệt người Nữ Chân, những kẻ không khoái bị xâm lược cho lắm. Sau đó, những người Nữ Chân sống sót đã chơi con át chủ bài của họ: họ thỉnh cầu một gã tên là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người mà bạn có thể đã nghe nói đến.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích rất tức giận trước cuộc xâm lược của Kato, anh ta ra lệnh phản công toàn diện. Ngay cả Kato Kiyomasa vĩ đại cũng không thể chống đỡ được cơn thịnh nộ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và buộc phải rút lui về Triều Tiên. Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau đó cảnh báo Kato rằng nếu hắnta một lần nữa xâm lược Mãn Châu, anh sẽ đích thân dẫn quân để giúp đỡ người Trung Quốc và Triều Tiên giết từng tênlính Nhật trên bán đảo. Vậy là, Kato Kiyomasa bất khả chiến bại, người sống sót sau trận vây hãm áp đảo ở Ulsan và không hề sợ hãi trước nhà Minh và Triều Tiên, về cơ bản là không dám nghĩ đến việc chiến đấu với Nỗ Nhĩ Cáp Xích thêm một lần nào nữa. Từ đó, Kato không bao giờ đe dọa người Nữ Chân.
Cuối cùng, ngay cả khi người Nhật có thể chinh phục Triều Tiên, họ sẽ không bao giờ có thể đánh bại được người Nữ Chân, những người sẽ thiết lập triều đại quân chủ Trung Quốc cuối cùng… Mặc dù trong nhận thức muộn màng, nhà Minh lẽ ra phải biết Nỗ Nhĩ Cáp Xích đáng gờm như thế nào từ vụ việc này và họ đã có thể đối phó với mối đe dọa tương lai này từ sớm hơn.
Nguồn: Dịch từ Quoura.