Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phíaPhần III: Cuộc tranh giành qu…

Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía

Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần III: Cuộc tranh giành quyền lực giữa các ông hoàng Cao Miên – Việt, Xiêm bày ván cờ 200 năm
Chân Lạp là tên gọi chữ hán của Campuchia. Nó xuất hiện đầu tiên trong Sui Shu (lịch sử triều đại Sui [581-619]). Các nhà sử học Việt Nam thường dùng thuật ngữ này để chỉ đất nước và con người Campuchia.
Cao Miên là phiên âm của từ Khmer. Năm 1658 chúa Nguyễn Phúc Tần đã tấn công và bỏ tù vua Campuchia, các tài liệu gốc của Việt Nam bắt đầu gọi Campuchia là Cao Miên. Tên gọi này được sử dụng khoản 2 thế kỷ.
Khi Nguyễn Miên Tôn lên ngôi năm 1841, người Việt Nam lại gọi Campuchia là Chân La để tránh phạm húy.
Năm 1847, triều đình Nguyễn (Thiệu Trị) đã cử đại sứ đến Oudong (kinh đô Campuchia lúc đó) để phong cho Ang Duong làm vua Campuchia và tặng “Vương miện của Vương quốc Cao Man”. Điều đó có nghĩa là các tài liệu Việt Nam bắt đầu gọi nước Campuchia là Cao Man từ năm 1847.
Cuộc tranh giành quyền lực giữa các ông hoàng Cao Miên
*Sử Cao Miên:
Năm 1658, hai vị hoàng thân Sô và Ang Tan, con của ông phụ chính Prah Outey đã thoát nạn lúc quốc vương Ponhea Chan tàn sát gia đình mình 16 năm trước, cầm quyền nổi loạn đánh nhà vua. Bị quân triều đình phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn trong cung hoàng hậu Somdach, vợ của tiên vương Chey Chetta II. Hai vị nhờ hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng.[1]
Chúa Nguyễn Hiền Vương nhận lời phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658 đến giúp hai hoàng thân. Một hạm đội Cao Miên, do một vị hoàng thân chỉ huy, chặn đánh đạo binh Việt Nam bị thua to ngoài khơi Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt quốc vương Ponhea Chan nhốt trong cái cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc vương băng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt hoàng thân Sô lên ngôi Vua tước hiệu là Batom Réachéa (1660 – 1672).[2]
Nhờ người Việt Nam mới được làm quốc vương Batom Réachéa ký hòa ước phận triều cống chúa Nguyễn hàng năm và cho người Việt, định cư trong lãnh thổ, được làm chủ chần đất khai hoang và hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.
Năm 1672, quốc vương Batom Réachéa bị người rể ám sát chết, rồi lên ngôi là Chey Chetta III (1672-1673). Hoàng đệ Ang Tan chạy trốn ở Việt Nam, xin triều đình Huế giúp khôi phục cơ đồ.[3]
Giữa lúc ấy, Chey Chetta III bị người Mã Lai, bộ hạ của tiên vương Ponhea Chan, giết chết.
Bá quan tôn hoàng tử Ang Chey nối ngôi. Ngài là con của tiên vương Batom Réachéa, cháu nội của vị phụ chính Prah Outey, năm ấy vừa được 21 tuổi. Vừa tại vị không bao lâu, Ngài phải thân chinh xuống miền Nam chống trả cuộc tấn công của đạo binh Việt Nam do hoàng thân Ang Tan đưa về. Chiến cuộc kéo dài gần một năm, và trong một cuộc giao tranh ngài bị giết giữa trận. Hoàng thân Ang Tan thắng, nhưng lại nhiễm bệnh bỏ mình, giao binh quyền cho hoàng thân Ang Non là người em con chú. [4]
Hoàng thân Ang Non (1674-1673) làm phụ chính giúp Ang Tan, cầm quyền về thủ đô Oudong tức vị đăng quang. Năm tháng sau, hoàng thân Ang Saur, em của tiên vương Ang Chey, cầm quân đánh đuổi đạo binh viễn chinh người Việt. Quốc vương Ang Non chạy trốn ở Việt Nam.[5]
Hoàng thân Ang Saur bấy giờ được 19 tuồi. Ngài lên rgôi, tước hiệu là Chey Chetta IV. Suốt đời, ngài thoái vị bốn lượt nhưng các vị quốc vương thay ngài không cảng đáng nổi, ngài lại phải trở lại gánh vác việc nước.
[1] Như phần 1 có đề cập, vua Chey Chetta II muốn “thoát Xiêm” – dời đô, từ chối xưng thần, cưới công nữ Ngọc Vạn để dựa dẫm Đàng Trong làm đối trọng với Xiêm. Người em của ông là giám quốc Preah Outey cũng giống ông anh, có xu hướng “thân Việt”, chính Outey là người đi đón bà Ngọc Vạn và là người hết lòng bảo vệ Ngọc Vạn và ông tiếp tục theo đuổi chính sách thân Việt Nam, chống Xiêm sau khi hoàng huynh băng hà.
Nhưng Outey với tham vọng vương quyền đã trực tiếp đẩy hoàng gia Cao Miên vào cuộc tranh giành quyền lực, tạo điều kiện cho 2 thế lực hàng xóm đang dần hùng mạnh nhảy vào: Xiêm – Việt.
Và ta lại thấy vai trò quan trọng của công nữ Ngọc Vạn, người tạo cho chúa Nguyễn có một vị trí quan trọng với Chân Lạp.
Sử chép vua Chey Chetta II có 3 hoàng tử :
. Trưởng tử là Ponhea To, một người sùng đạo Phật, vào chùa tu, sau hoàn tục lên ngôi được hai năm thì bị giết bởi ông chú Preah Outey, nguyên nhân được cho là vì … ngoại tình với vợ hai của Outey (Theo Christopher Buyers thì bà này là con gái của công nữ Ngọc Vạn)
. Hoàng tử thứ hai là Ponhea Nou được ông chú đưa lên ngôi sau đó, ở ngôi 8 năm thì “đột ngột qua đời”. Ông chú Outey đưa người con trai cả của mình lên ngôi là Ang Non I (sử ta gọi là Nặc Nộn đệ nhất), chứ không phải là người con thứ ba của hoàng huynh.
. Hoàng tử thứ ba là Ponhea Chan, thuở nhỏ cũng đi tu, sau lãnh đạo quân đội, còn đi dẹp một cuộc loạn. Sau thấy tình hình biến căng, đã rời hoàng cung và ẩn náu ở khu vực Đông Nam Chân Lạp nơi nhiều người Chăm và Mã Lai đạo Hồi sinh sống. Chan đã được những người này hỗ trợ, ám sát thành công người em họ Ang Non và ông chú Outey. Lên ngôi, hiệu là Ramathipadi I (sử Việt gọi là Nặc Ông Chân).
Sau khi lên ngôi, Nặc Ông Chân cưới một công chúa người Mã Lai, theo đạo Hồi (đạo của vợ, lấy luôn vương hiệu theo Hồi giáo là Ibrahim. Ông có lẽ là vị vua theo đạo Hồi duy nhất cho tới nay ở Campuchia), bỏ quốc giáo, biệt đãi người Mã Lai, người Chăm (vì những người này giúp ông ta lên ngôi), đàn áp Phật giáo và người Việt… gây bất bình trong hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Trước tình huống này, hoàng hậu Ngọc Vạn, đưa hai con về ẩn thân ở vùng Mô Xoài – Bà Rịa. Năm 1658, hai người con của Outey là Ang Sur (Sô) và Ang Tan dấy binh chống Nặc Ông Chân, nhưng thất bại, chạy về Mô Xoài – Bà Rịa, lại nghe lời khuyên của thái hậu Ngọc Vạn, cầu cứu chúa Nguyễn.
[2]ĐNTL chép sự việc xảy ra không giống như sử Cao Miên, lý do chúa Nguyễn đánh là do Chau Ponhea Chan – Nặc Ông Chân “xâm lấn biên thùy” chứ không phải là So và Ang Tan, qua trung gian của Ngọc Vạn, nhận được sự viện trợ của chúa Nguyễn. Và Nặc Ông Chân cũng không chết trên đất Quảng Bình.
“Tháng 9, vua nước Chân Lạp (vốn tên là Cao Miên) là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên báo lên. Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phước Chính, tỉnh Biên Hòa) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hằng năm nộp cống.”
Cái cớ “xâm lấn biên thùy” có lẽ vì lúc này Nặc Ông Chân đem binh truy kích 2 ông hoàng thân đang chạy về Mô Xoài – Bà Rịa để cầu cứu bà hoàng Somdach Ngọc Vạn, mà vùng này thì chính sử Cao Miên thừa nhận rằng “đều bị người Việt Nam cai trị” (phần trước)
Không thấy ĐNTL chép việc chúa Nguyễn đặt hoàng thân Sô lên ngôi vua Cao Miên.
Có một vấn đề đáng bàn ở đây là quân lực Đàng Trong trong trận này tức vào thời điểm tháng 9 năm 1658. Ta phải biết là tháng 6 năm 1657 chúa Trịnh Căn khởi chiến, một trận chiến kéo dài đến cuối năm 1658, cả hai đàng đều hao tổn mạnh, đặt biệt là quân lương, ở Đàng Ngoài vua Lê Thần Tông phải ra sắc dụ kêu gọi dân góp gạo, ở Đàng Trong thì ngoài lương còn có vấn đề thiếu lính nữa, chúa Hiền Vương phải thiết lập ở phía nam sông Lam – Nghệ An một ty kiểm tra dân số nhằm sung quân hạng khỏe mạnh (thời điểm này thì 2 đàng tranh chấp nam – bắc sông Lam, sau năm 1660, quân Nam Hà mới bị đánh lùi về lại vùng nam Bố Chính).
Theo ĐNTL đội quân Đàng Trong vào đánh Mỗi Xuy là “3.000 quân” Trấn Biên (lúc này là Phú Yên), thì khả năng cao là ít hơn con số đó, thế mà thắng, thậm chí “thắng to”(theo sử Cao Miên). Theo tôi Cao Miên thua là vì họ … “dại”, mang hạm đội ra chặn “thủy quân” của chúa Nguyễn (xin nói thêm ở cuối bài về thủy quân Đàng Trong – ông kẹ trên biển lúc bấy giờ), cho nên không lạ gì việc “bị thua to ngoài khơi Bà Rịa” theo như sử Cao Miên chép.
Thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là lý do xung đột tôn giáo ngấm ngầm trong lòng Cao Miên lúc đó. Giới tăng lữ Phật giáo và những người dân chủ yếu theo đạo Phật đã giận dữ và căm ghét nhà vua Ponhea Chan bởi họ bị phân biệt đối xử, đạo Phật đã bị đạo Hồi thay thế làm quốc giáo. Ông bị người dân Khmer nguyền rủa là tên vua vô đạo. Do đó chẳng lạ chuyện dân Khmer theo anh em Ang Sur, Ang Tan kết hợp quân Đàng Trong đánh bại và thậm chí bắt sống Ponhea Chan.
Theo đó cũng có một cơ sở để bàn về việc Nặc Ông Chân Ponhea Chan chết (sử Cao Miên) hay được thả ở Quảng Bình (sử Việt). Theo tài liệu “FROM THE KHMER ROUGE TO HAMBALI: Cham Identities in a Global Age” (Eng Kok-Thay, Ph.D. 2013) thì “năm 1659, Nặc Ông Chân đã được phóng thích vì chúa Nguyễn muốn ông ta gây ảnh hưởng lên người kế nhiệm, nhưng Chân đã chết trên đường trở về vương quốc. Chân sau đó được các nhà sư Phật giáo Khmer hỏa táng theo nghi thức Phật giáo, dù rằng ông đã chuyển sang đạo Hồi. Tro cốt của ông được chôn cất trong một ngôi chùa ở Sài Gòn”. Tôi cho rằng thông tin này xác thực, như đoạn sau ta sẽ thấy trên bàn cờ Cao Miên, vua Xiêm chúa Nguyễn không quan tâm ông này hay ông kia theo Phật hay Hồi, miễn là chấp nhận làm “phiên thuộc”, cho nên chuyện chúa Nguyễn thả chả lạ. Chuyện Nặc Ông Chân chết trên đất Sài Gòn nhiều khả năng là do tranh chấp quyền lực và xung đột tôn giáo trong nội bộ Cao Miên mà thôi.
[3]Theo Christopher Buyers thì công nữ Ngọc Vạn, có 2 người con gái, con đầu chính là vợ hai của Outley đã nói ở trên, người con gái còn lại của công nữ Ngọc Vạn là công chúa Devi Panya, lấy Nặc Nộn – Ang Non I và có với nhau 1 người con trai chính là vua Chey Chettha III, saubị Nặc Ông Chân – Ponhea Chan sát hại cùng với chồng, cha chồng.
[4][5]ĐNTL chép: “Sai cai cơ đạo Nha Trang dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm (con Quận công Nguyễn Văn Nghĩa là Thống suất dinh Quảng Bình) đem quân cứu nước Chân Lạp. Trước là Nặc Ô Đài (Ang Chey) nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang, nhưng còn sợ vua là Nặc Nộn (Ang Non), chưa dám hành động, bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi Nặc Nộn về tội cự mệnh. Nặc Nộn cả sợ, chạy về Thái Khang. Dinh thần đem việc báo lên. Chúa nói rằng : ‘Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu’. Bèn sai Dương Lâm làm Thống binh, tướng thần lại thủ hợp là Nguyễn Diên Phái làm Tham mưu, Văn Sùng (không rõ họ) làm Thị chiến, đem quân đi đánh. Bọn Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đánh úp phá các lũy Sài Gòn (nay là tỉnh lỵ Gia Định) và Bích Đôi [Gò Bích], chặt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ô Đài hoảng sợ chạy chết (*), Nặc Thu (Ang Saur) đến quân môn xin hàng.Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng Nặc Thu (Ang Saur) là dòng đích thì phong làm vua chính, đóng ở thành Long ức [U Đông], Nặc Nộn (Ang Non) làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống. Thế là nước Chân Lạp yên.” (*) Đại Nam Liệt Truyện chép: “Nặc Ô Đài chạy trốn, bị đồ đảng giết chết”.
Như vậy sử Việt và sử Cao Miên lại khác nhau. Theo sử Cao Miên thì không có chuyện Ang Saur (Nặc Thu) ra hàng mà thực ra ông đánh bại quân viễn chinh Việt Nam 5 tháng sau chiến thắng của quân Việt, đuổi Ang Non (Nặc Nộn) chạy qua lại Việt Nam. Cái chuyện ĐNTL chép “dòng đích làm vua chính” , “dòng thứ làm vua thứ hai” sặc mùi “nho gia” trịch thượng, xảo biện cho lần “can thiệp” không thành công, phải co rút về giữ vùng SaìGòn.
Tuy thế qua ĐNTL ta thấy là Xiêm La chống lưng cho Ang Chey và Ang Saur, điều mà sử Miên lấp liếm (lúc bấy giờ chính là một trong bảy vị “đại đế” trong lịch sử của Thái Lan: Narai). Không thấy sử Việt chép về quân số viện binh Việt trận này, mà lại nói rằng quân số viện binh Thái là .. xạo. Nhưng sử Cao Miên chép trận này giằng co gần cả năm, mà lúc này (năm 1673-1674), 2 Đàng nghỉ binh “lấy sông Gianh làm giới tuyến (phía nam sông là Nam Hà, phía bắc sông là Bắc Hà). Từ đấy Nam Bắc nghỉ binh”, cho thấy chúa Nguyễn hoàn toàn có thể đưa nhiều binh vào đánh trận này và số binh của Thái có khi là thật. Không chép quân số mà chỉ nói hàm hồ về tin thắng trận, cho thấy nhiều khả năng trận này quân chúa Nguyễn chết cũng nhiều nhưng vì “mặt mũi” nên hổng chép vào, đại khái kiểu như ĐNTL chép “quân Trịnh chết xác chất thành đống, quân ta cũng bị thương và chết rất nhiều”, đó là với quân Trịnh còn chép kiểu thế, thì chuyện trên đất Miên sao chép rõ ra được.
Mà để ý rằng trước là tranh chấp giữa thế hệ con của Chey Chetta II (thân Xiêm) và ông chú Outey (thân Việt), nay lại là tranh chấp giữa chính các cháu của Outey (thân Xiêm) và ông chú Ang Tan (con Outey – thân Việt), cũng lại là kẻ theo Xiêm người theo Việt.
Ván cờ 200 năm
Đây không phải là lần đầu tiên các xung đột quyền lực trong nội bộ hoàng gia gây thảm họa cho dân tộc họ. Trước đó, tranh chấp hoàng gia góp phần đánh dấu chấm hết cho đế quốc Khmer. Người Thái phía tây dần hùng mạnh xâm chiếm, trước là Sukhothai sau Ayutthay, và khi người Thái thoát khỏi Miến Điện thì Cao Miên trở thành chư hầu của người Thái, mãi cho tới Chey Chetta II tìm ra một thế lực cân bằng với Xiêm nằm ở phía đông: Việt.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên hoàng gia Khmer cùng vương quốc Cao Miên “khiêu vũ giữa bầy sói”, và đó chưa phải là lần cuối cùng để tìm kiếm sự tự trị mong manh ở vùng hạ lưu Mekong. Những diễn biến này cho thấy số phận người Khmer và Cao Miên trong những chuyển giao quyền lực vùng của các nước lớn và thân phận dễ bị tổn thương của họ trong dòng chảy của biến động khu vực.
Từ thời điểm này 1658 khi chúa Nguyễn – vua Xiêm nhảy vào can thiệp sâu trong nội bộ hoàng gia Cao Miên với ông vua thứ nhất ở Oudong và vua thứ hai ở SaìGòn, cho tới năm 1847-1848 khi Thiệu Trị và Tự Đức tuyên bố rút quân, xác lập lại trật tự ở Cao Man với tư cách chư hầu của Huế và Băng Cốc. Ngót nghét trong gần 200 năm, Cao Miên là bàn cờ tranh chấp, một canh bạc chính trị giữa Xiêm – Việt, để sau đó thành ván cờ tàn trong nỗ lực tìm kiếm một quyền lực bên ngoài khu vực để dựa dẫm của người Khmer: Pháp.

Thủy Quân của chúa Nguyễn

Nhân dịp thủy quân chúa Nguyễn thắng “hơi to” ngoài khơi Bà Rịa, nói một chút về đạo quân không những giúp chúa Nguyễn vững vàng trước chúa Trịnh mà còn là quân cờ cực mạnh giúp chúa Nguyễn ngang cơ với vua Xiêm trên bàn cờ Cao Miên.
Thuận Hóa, Quảng Nam (sau này là Thuận Quảng) là vùng đất hẹp theo chiều ngang, các cơ sở đều nằm gần ngay sát biển, phía Đông là một dãi đồng bằng nuôi sống cả vùng. Cùng với địa hình bị cắt xẻ bởi những con sông chạy theo hướng Tây Đông, nhà sư Thích Đại Sán đã gọi biển Đàng Trong là “Cửa ngõ của Vương đô”: “Cửa biển là cửa ngõ của Vương đô, Thuận Hóa, để đi thông qua các phủ khác. Vì đất nước Đại Việt chỉ là một dải núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi day mặt ra biển, núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp…” Vì vậy để phù hợp với địa hình gắn liền với biển và những sông ngòi chằng chịt, các chúa Nguyễn đặc biệt rất coi trọng xây thủy quân. Nói không quá khi cho rằng lúc này sức mạnh của thủy quân quyết định sự tồn vong và phát triển của Đàng Trong.
Trong các thế kỷ XVI và XVII thủy quân chúa Nguyễn được các giáo sĩ, nhà sư và thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong đánh giá rất cao và không thua kém gì so với với thủy quân châu Âu đặc biệt về chiến thuyền.
Theo các giáo sĩ Alexandre de Rhodes, Cristophoro Borri, Bénigne Vachet, De Choisy hay những người đại diện của Công ty Đông Ấn Poivre và Chapman, thì chúa Nguyễn có khoảng độ 200 đến 300 chiến thuyền, kích cỡ gần bằng thuyền tây lúc bấy giờ, trọng tải ước chừng khoảng 100–150 tấn, được trang bị thêm súng hỏa mai và đặc biệt là súng thần công (đại bác).
Thủy binh được huấn luyện rất có kỷ luật và nghiêm ngặt, những người lính tinh nhuệ, rất hăng hái và dũng cảm “Cần phải biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng những phạm nhân hay người bị án khổ sai để chèo thuyền… Người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm, với mái chèo, súng và dao, họ can đảm tấn công và trong hỗn chiến, họ tỏ rõ lòng dũng cảm hiếm có của họ”. Các chúa Nguyễn còn thành lập một trường tập bắn cho đại bác (thần công), và có những bục bắn chỉ dành cho thủy quân.
Trận thủy chiến được nhắc nhiều nhất của thủy quân chúa Nguyễn phải là trận thắng với các chiến hạm Hà Lan năm 1644. Đây là một trận chiến thể hiện được sức mạnh của thủy quân trước chiến hạm Hà Lan và cũng là một thông điệp mạnh gửi tới âm mưu của Đàng Ngoài. Có 2 lý do để Đàng Ngoài buộc phải từ bỏ ý định của mình “Công cuộc khôi phục Đàng Trong dĩ nhiên phải bỏ một cách nhục nhã” (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài – Alexandre de Rhodes) đó là “Lũy Thầy” trên bộ và Thủy Quân chúa Nguyễn trên biển. Vua Lê – chúa trịnh Đàng Ngoài mang binh đánh vào Đàng Trong đều không thiếu đường biển khi thì đánh vào cửa Nhật Lệ, khi thì cửa Gianh nhưng tất cả đều thất bại trước thủy quân của chúa Nguyễn.
Về phần Cao Miên, như ta biết rằng không có một biên giới tự nhiên nào giữa họ và người Thái, nên chả lạ gì khi người Thái hùng mạnh thì họ xua voi sang là tới ngay thủ đô cũ của Cao Miên (có lẽ Chey Chetta II dời đô là vì thế). Thế thì điều gì giúp Đàng Trong trở thành đối trọng với Xiêm La khi rõ ràng về mặc địa lý có phần xa xôi hơn rất nhiều ? Câu trả lời là Thủy Quân. Cứ để ý các đoạn sử các phần sau thì sẽ thấy y như rằng câu trước bên Việt tuyên bố (vì lý do gì đó) mang binh sang thì câu sau đã là đánh ở … thủ đô Cao Miên, các vua Cao Miên mỗi lần “oán giận, bỏ việc triều cống” thì y như rằng sẽ “chằng xích sắt ngăn cửa sông”. Đó là do thủy binh Việt ngược dòng MeKông là tới thủ đô Cao Miên. Cho nên quân Cao Miên và Xiêm “làm cầu phao và xích sắt” để chặn thủy quân chúa Nguyễn trong trận 1674, nhưng họ vẫn thua, quân chúa Nguyễn chỉ thua ở thời điểm “năm tháng sau” thì hẳn là do bị đánh trên .. đất bằng thủ đô Cao Miên rồi.
TÓM LẠI, THỦY QUÂN ĐÀNG TRONG – ÔNG KẸ TRÊN SÔNG/BIỂN LÚC BẤY GIỜ.
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
Quân lực Việt Nam chống ngoại xâm và nam tiến – Phạm Văn Sơn
Thủy quân chúa Nguyễn qua góc nhìn của người nước ngoài đương thời – Đoàn Anh Thái
Xứ Đàng Trong Năm 1621 – Cristoforo Borri
ĐNTL
Wiki

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *