TỪ AIA-RU ĐẾN PHÚ YÊN: MỘT TRANG SỬ THỜI MỞ CÕI1. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào Nam và vù…

TỪ AIA-RU ĐẾN PHÚ YÊN: MỘT TRANG SỬ THỜI MỞ CÕI1. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào Nam và vù…

TỪ AIA-RU ĐẾN PHÚ YÊN: MỘT TRANG SỬ THỜI MỞ CÕI
1. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào Nam và vùng đất Phú Yên
Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử cuộc mở cõi về phương Nam nói riêng xem việc Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558 là một cột mốc lịch sử rất quan trọng. Biên niên sử nhà Nguyễn – Đại nam Thực Lục ghi lại một biểu dâng của Trịnh Kiểm lên vua Lê về sự kiện này như sau: “…Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam…”[1].
Sau bức công văn này, Nguyễn Hoàng và tùy tùng của mình vào Nam, một phần để tránh xa khỏi tầm kiểm soát của Trịnh Kiểm, phần khác muốn xây dựng giang san riêng cho mình để ngày càng thoát ra khỏi ảnh hưởng của các chúa Trịnh. Nguyễn Hoàng đã tiến hành thu phục nhân tâm, khuyến khích và tổ chức các lưu dân đến định cư trên vùng đất Thuận – Quảng, tổ chức sản xuất, thúc đẩy ngoại thương và dần dần xây dựng các thiết chế tư tưởng, chính trị, kinh tế mới hầu thoát ra khỏi ảnh hưởng của chúa Trịnh.
Khi đã đủ thực lực để chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn Hoàng đã tiến hành xây dựng một vương quốc riêng cho mình, hầu làm đối trọng với chúa Trịnh dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Nguyễn Hoàng và các chúa về sau một mặt lo chống cự với chúa Trình ở Đàng Ngoài mặc khác chuẩn bị lo thực hiện công cuộc mở đất về Nam, nhầm đáp ứng các yêu cầu của sự trường tồn và phát triển của gia tộc nói riêng và dân tộc nói chung.
Lúc bấy giờ, ranh giới giữa Đại Việt và Champa đèo Cù Mông (ngày nay là ranh giới tự nhiên giữa Bình Định và Phú Yên), trong khi đó, nước Champa ở phía Nam tiếp tục suy yếu. vùng đất phía Nam đèo Cù Mông bấy giờ được người Chăm gọi là Aiaru, đây có thể là một tiểu quốc của Champa nhưng cũng đôi lúc thuộc tiểu quốc Kauthara (Khánh Hòa) của vương quốc Champa, vùng đất này có ranh giới phía Bắc là đèo Cù Mông (giáp Bình Định) và phía Nam là đèo Cả (giáp Khánh Hòa) mà ngày nay chính là vùng đất Phú Yên.
Vùng đất ấy, lần đầu tiên được sử liệu Việt Nam nhắc đến với tên gọi nước Hoa Anh mà ngày nay còn di chỉ khảo cổ học Thành Hồ. Năm 1471, sau khi chinh phạt Champa, sát nhập vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Định ngày nay vào lãnh thổ Đại Việt, vua Lê Thánh Tông chia vùng phía Nam làm ba vùng: một vùng lãnh thổ còn lại của người Champa do một hàng tướng người Chăm là Bồ Trì Trì nắm giữ ở tại Panduranga (nay là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), một vùng là nước Nam Bàn ở phía Tây nước Hoa Anh (nay là Bắc Tây Nguyên) do hai tiểu vương mà sử Việt gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá đứng đầu, và thứ ba là nước Hoa Anh do Hoa Anh vương đứng đầu ở phía Nam Đại Việt, tiểu quốc này có thể là vùng đất Aiaru hay Phú yên ngày nay[2].
Vùng đất này, ngày xưa là một khu vực quan trọng của người Chăm, nơi có lịch sử thương mại trao đổi hàng hóa với khu vực rừng núi phía Tây, nơi định cư của người bản địa Tây Nguyên ngày nay, trong đó có xứ sở của vua Lửa – vua Nước của người Jarai. Vùng đồng bằng của xứ ấy, được con sông Ba (con sông dài nhất Tây Nguyên chảy xuống Phú Yên, đổ ra cửa biển Tuy Hòa) bồi đắp, nay chính là vựa lúa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ. Phía Đông xứ ấy là biển, nơi cư dân Champa cổ chuyên hoạt động nghề thủy sản và thương mại với phố cổ Chợ Dinh nổi tiếng một thời (năm ngay dưới chân tháp Nhạn thuộc thành phố Tuy Hòa ngày nay) chỉ đứng sau thương cảng Hội An và Thị Nại.
2. Lương Văn Chánh và công cuộc di dân đầu tiên vào đất Aiaru (Phú Yên sau này)
Đến trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam, vùng đất này vẫn thuộc Champa, mãi cho đến năm 1611, vùng đất này mới chính thức thuộc về Đàng Trong. Nhưng trước đó hơn mười năm và còn lâu hơn thế nữa, những cư dân người Việt đầu tiên đã đến đây, do công cuộc tổ chức di dân của chúa Nguyễn, mà Lương Văn Chánh là người phụ trách.
Thời điểm những năm 90 của thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Hoàng ở Thăng Long, nhưng ông vẫn rất quan tâm đến vùng đất phương Nam. Lúc bấy giờ, Lương Văn Chánh, hiện là Tri huyện Tuy Viễn. Nhận thấy được tài năng của con người này, chúa Nguyễn Hoàng, với tư cách Tổng trấn Thuận – Quảng, ra sắc chỉ ngày mồng 6 tháng 2 năm 1597, ra lệnh cho Lương Văn Chánh đem dân vào khai khẩn vùng đất tiếp giáp ở phía Nam huyện Tuy Viễn, bên kia đèo Cù Mông, tức là tỉnh Phú Yên ngày nay[3].
Lệnh chỉ của Nguyễn Hoàng ghi rõ: “…Thị Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn văn: Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tịch khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ nhưng xuất thủ khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Niễu đẳng xứ thượng chí nguồn di, hạ chí hải khấu, kết lập gia cư địa phận khai canh hoang nhàn điền thổ thành thục liễm thuế như lệ. Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội. Tư thị”.
Sắc chỉ trên viết bàng tiếng Hán, ở trên là phiên âm hán ngữ. dịch ra đại ý có nội dung như sau: “Nay báo cho Phù Nghĩa Hầu lương Văn Chánh , tòng quân lâu ngày có công, quyền ở huyện Tuy Viễn, trấn An Biên rằng: liệu suất kiểm kê hộ tịch các thôn phường ở Bà Thê xã, đến các vùng Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Bà Niễu, trên từ vùng cao của di, dưới đến tận vùng biển, kết lập gia cư, thôn làng khai canh, phát điền thu thuế. Không được nhũng nhiễu dân, nếu không thì xử tội, nay chiếu”.
Như vậy, trước năm 1611, khoảng 14 năm, những lưu dân đầu tiên đã được tổ chức di dân vào vùng đất Phú Yên để khai phá., lập nên xóm làng. Từ huyện Tuy Viễn, sang vùng đất núi phải băng qua một dãy núi chảy dài theo hướng Tây – Đông đổ ra biển, với nhiều đỉnh cao 600 – 700 m, Cù Mông là địa danh đầu tiên dược nhắc đến trong tờ ông lệnh trên, cũng là địa điểm thứ nhất của người Việt khi vào đây, Cù Mông ngày xưa chính là toàn bộ thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân ngày nay.
Điểm định cư thức hai là Bà Đài, sau là Xuân Đài, có thể là huyện Tuy An ngày nay. Bà Đài rộng hơn Cù Mông, có công sông Cái chảy qua, diện tích lưu vực gần 200km vuông, sông về đến hạ lưu chia ra làm năm nhánh, bồi tụ phù sa cho những cánh đồng nhỏ hẹp, nhưng luôn mầu mỡ. Bà Đài cũng là vùng trù phú nhất vùng.
Bà Diễn, vùng đất này khô cằn hơn Bà Đài, nhưng rộng lớn, chim bay mỏi cánh, dưới sông cá lội, lại có con sông Đà Rằng chảy qua bồi đấp quanh vùng, tạo nên một vùng đồng bằng có vựa lúa lớn nhất miền Trung. Sông đến địa phận Phú Yên, làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Sơn Hòa và huyện Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn.
Điểm định cư thứ tư, theo tờ công lệnh chính là Bà Niễu hay Bà Nông, là vùng châu thổ con sông Bàn Thạch, mà ở hạ lưu chảy qua huyện Đông Hòa gọi là sông Đà Nông. Đây là vùng đất cuối cùng trên lộ trình di dân của công lệnh, ở phía Nam nó giáp đèo Cả, cư dân ở đây thời đó nhìn về phía Nam sẽ thấy ngọn núi Đá Bi linh thiên, cao vời vời, còn để lại truyền thuyết khi xưa về việc vua Lê Thánh Tông mở cõi.
Nhưng, sự kiện trên được hầu như không được các sử liệu chính thống của nhà Nguyễn là Đại Nam Thực Lục ghi nhận, sử liệu này chỉ chú ý đến sự kiện chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong chinh phạt Champa và sát nhập vùng đất Phú Yên vào năm 1611. Trừ cuốn, Đại Nam Liệt truyện, có chép rất chi tiết về quê quán và sự kiện ông chiêu dụ dân vào đất Phú Yên Khai phá trước đó và sách cũng chỉ ra khiếm khuyết trên của Đại Nam Thực Lục[4]. Mặt khác, cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí cũng bổ sung thêm và xác nhận thêm vai trò của Lương Văn Chánh trong quá trình khai mở đất Phú Yên[5].
Nhưng theo chúng tôi, sự kiện Lương Văn Chánh được giao tổ chức di dân vào khai phá vùng đất Phú Yên khi chúa Nguyễn chưa chính thức xác lập vùng đất Đàng Trong vào lãnh thổ của chúa Nguyễn là một sự kiện quan trọng. Nó có thể được xem như là một dấu ấn đánh dấu sự có mặt của những tiền nhân người Việt đầu tiên ở vùng đất Phú yên và đó cũng là một bước đệm, một tiền đề quan trọng để sau này chúa Nguyễn chính thức sát lập chủ quyền ở vùng đất mà lúc này vẫn còn thuộc Champa.
3. Sát nhập xứ Aiaru và thành lập dinh Phú Yên
Như vậy, cho đến trước năm 1611, xứ Aiaru vẫn thuộc về Champa, mặt dù những lưu dân Việt đã có mặt tại vùng đất này từ mười mấy năm, nhưng cư dân Việt tại đây vẫn chỉ là dân ngụ cư, chưa có địa vị làm chủ thật sự. Chính lúc này, chúa Nguyễn Hoàng đủ sức để chống lại quân Trịnh và bắt đầu nghĩ đến việc tiến về phương Nam, chính thức đặt chủ quyền của mình ở xứ sở phía Nam đèo Cù Mông.
Sử liệu nhà Nguyễn, ghi lại về sự kiện này như sau: “…Tân hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho ha huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy…”[6]. Còn biên niên sử ghi nhận ông vua Champa thời kỳ này là Ponit trị vì từ năm 1603 đến năm 1613 về sự kiện này, sử liệu Champa còn để lại ghi nhận không nhiều nên ít có để đối chiếu ở đây [7].
Phan Khoang chép về sự kiện này như sau: “Bấy giờ xứ Quảng Nam vào đến phủ Hoài Nhân và biên giới cực Nam là huyện Tây Viễn (nay là Tuy Phước), bên kia Tuy Viễn là đất của Chiêm Thành. Năm Hoằng Định thứ 12 (1611) thì sang xâm lấn biên giới. Chúa (Thái Tổ Nguyễn Hoàng) sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem
quân đi đánh, lấy đất Phú Yên ngày nay, đặt làm một phủ, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa và sai Văn Phong làm Lưu thủ phủ Phú Yên”[8].
Về nhân vật Văn Phong, sử liệu không cho ta biết nhiều chi tiết về họ, lai lịch. Nhưng Đại Nam Thực Lực ghi nhận vào năm 1629: “…Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huốn) được cử đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên…”[9]. Điều này cho biết vùng đất Phú Yên sau khi thuộc sự cai quản của chúa Nguyễn còn có nhiều người Chăm sinh sống, và chắc rằng xung đột giữa người Chăm và chính quyền chúa Nguyễn thỉnh thoảng vẫn xảy ra[10].
Sau khi, chính thức sát nhập vùng đất ấy vào xứ Đàng Trong, Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết chúa Nguyễn đặt phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập dinh Trấn Biên sau đổi thành dinh Phú Yên[11]. Theo Đào Duy Anh, lúc đầu Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam, năm 1739, mới lập thành dinh Trấn Biên sau là Phú Yên, cũng theo ông, huyện Đồng Xuân thời ấy nay là các huyện Đồng Xuân, Tuy An và một phần huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa là vùng đất còn lại của Phú Yên ngày nay[12].
Đến giai đoạn này, lãnh thổ nước Đại Việt đã vượt qua đèo Cù Mông, tiến đến dãy Đại Lãnh với núi Đá Bia linh thiêng, như là minh chứng lịch sử chứng kiến cuộc Nam tiến cho dân tộc Việt, để rồi từ đó người Việt sẽ còn tiến xa hơn vượt qua dãy Đại Lãnh, bắt gặp xứ sở trần hương huyền thoại, lãnh thổ của tiểu quốc Kauthara – Champa, và xa hơn nữa vượt qua lãnh thổ Champa, tiến về vùng đất Thủy Chân Lạp bắt gặp vùng đồng bằng màu mở quanh lưu vực sông Mekong.
Sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào Nam và khai mở đất Phú Yên là một dấu ấn quan trọng trong tiến trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt, đó sẽ là tiền đề
cho các chúa sau này theo đuổi chính sách của tiên chúa mà tiếp tục một mặt Bắc cự quân Trịnh, mặt khác mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Đối với những lưu dân Đại Việt trên đường lánh nạn nhân mãn gia tăng, đói kém và chiến tranh từ phía Bắc, vùng đất mới trù phú này thật sự là một điểm định cư lý tưởng, nơi từ đó sẽ có các đám lưu dân khác tiếp tục theo chân chúa Nguyễn về Nam. Phương Nam, đâu chỉ là chốn vạn đời dung thân của mỗi gia tộc chúa Nguyễn đó còn là chốn dung thân muôn đời cho vạn vạn người dân Việt “không có quyền sống trên vùng đất cũ” (cách nói của PGS. Huỳnh Lứa). Những bước chân nhỏ bé của họ về phương Nam, thật sự là một bước dài của lịch sử.
Đ.T.D
Chú thích:
[1] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002): Đại Nam Thực Lục – Tiền Biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.31.
[2] Đào Duy Anh (2005): Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.236 – 237.
[3] Trần Viết Ngạc (2001): “Lương Văn Chánh: Người khai phá đất Phú Yên“, tạp chí Xưa và Nay số 106 , Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tr.26-27.
[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1993): Đại Nam Liệt truyện, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.89.
[5] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2006): Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.93 – 94.
[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002): sđd, tr.40.
[7] Dohamide và Dorohiem (1965): Dân Tộc Chàm Lược Sử, Saigon, tr.139.
[8] Phan Khoang (2000): Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.125.
[9] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002): sđd, tr.49.
[10] Nguyễn Thị Hậu (2008): “Nguyễn Hoàng và bước đầu tiên vào vùng Nam Trung Bộ”, trong kỷ yếu hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.69.
[11] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2006): sđd, tr.74.
[12] Đào Duy Anh (2005): sđd, tr.204.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Dohamide và Dorohiem (1965): Dân Tộc Chàm Lược Sử, Saigon.
  2. Đào Duy Anh (2005): Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.
  3. Nguyễn Thị Hậu (2008): “Nguyễn Hoàng và bước đầu tiên vào vùng Nam Trung Bộ”, trong kỷ yếu hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  4. Phan Khoang (2000): Việt sử xứ Đàng Trong,Nxb Văn học, Hà Nội.
  5. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1993): Đại Nam Liệt truyện, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  6. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002): Đại Nam Thực Lục – Tiền Biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2006): Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  8. Trần Viết Ngạc (2001): “Lương Văn Chánh: Người khai phá đất Phú Yên“, tạp chí Xưa và Naysố 106, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *