Những ý tưởng khác nhau về cách xây dựng “ ý thức quốc gia ( patriotism)” và sự thất bại của từng trường hợp:
1. Miến Điện: Triều đại Toungoo
Vào thế kỷ 16, Miến Điện còn đắm chìm trong thời chiến quốc với 6 quốc gia cát cứ. Một trong số đó, tiểu quốc Toungoo bất ngờ trở thành người thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của một cá nhân kiệt xuất là Bayinnaung – “ Người chinh phục mười phương”. Trong hơn nửa thế kỷ cầm quyền, ông không chỉ thống nhất đất nước mà còn chinh phục hầu hết các vương quốc láng giềng. Bao gồm:
– Manipur ( thuộc Bangladesh ngày nay).
– Ayutthaya; Lanna ( thuộc Thái Lan ngày nay).
– Lanxang ( tiền thân của Lào).
– Các bang người Shan ở vùng biên giới với Vân Nam ( thuộc Trung Quốc ngày nay).
Như vậy, tính luôn các tiểu quốc cát cứ thời chiến quốc Miến, Bayinnaung đã chinh phục tổng cộng 11 vương quốc trong thời gian ông cầm quyền. Thế nhưng, nhà vua lại lúng túng không biết làm sao để cai trị và thống nhất chúng thành một quốc gia duy nhất. Ý tưởng của ông là thiết lập một đế quốc kiểu Mandala, trong đó Toungoo là minh chủ quyền lực nhất, vây quanh là 10 quốc gia chư hầu trung thành. Vì thế, ông đơn giản là lật đổ các vị vua thù địch, rồi cắt cử anh em mình hoặc những người ông cho là “thân Miến” vào vị trí quốc vương các nước chư hầu. Bên cạnh đó, ông ra lệnh các nước phải gửi thái tử của họ đến Toungoo để học tập, hy vọng sẽ giáo dục được những người này thành những chư hầu trung thành với Miến Điện mai sau.
Kế hoạch của Bayinnaung thất bại thảm hại. Các nước chư hầu cứ lặp lại quy trình “ phản – bị thay vua – lại phản.” khiến ông phải đánh dẹp liên tục. Công tác giáo dục “ mầm non tương lai” cũng không đi đến đâu. Naresuan, một trong những người học trò đó, về sau đã lãnh đạo Ayutthaya nổi dậy lật đổ ách thống trị của ngoại bang. Đế quốc Toungoo sụp đổ chỉ một thời gian sau khi Bayinnaung qua đời. Thê thảm hơn, các “ anh em” được ông cắt cử làm vua ở 5 tiểu quốc Miến khi xưa thậm chí còn điềm nhiên ngồi nhìn, để mặc “ minh chủ Toungoo” bị Ayutthaya xâm lược và cướp phá.
= > Nguyên nhân thất bại:
Hình thái Mandala, mà nói thẳng ra là một dạng phong kiến phân quyền “ 1 minh chủ – nhiều chư hầu.” theo kiểu Westeros, mang rất nhiều tính bất ổn. Nó trao cho các chư hầu quyền tự trị quá lớn, mà sự cố kết của vương quốc phụ thuộc vào uy thế và tiềm lực của “ minh chủ”. Lẽ dĩ nhiên, chinh phục càng nhiều vương quốc, các cuộc nổi loạn xảy ra càng nhiều, “minh chủ” càng quá tải.
Ý tưởng giáo dục các thái tử về lòng yêu…ngoại bang rất ngây thơ và cần tiến hành trong nhiều thế hệ mới mong phát huy hiệu quả. Ngay cả khi thành công, không có gì bảo đảm những vị vua thân Miến có thể chống lại nổi phong trào chống Miến đang diễn ra trong vương quốc họ. Cách chữa bệnh đằng ngọn của Bayinnaung không chỉ khó thực hiện mà còn kém hiệu quả.
Tác dụng tích cực duy nhất của chúng, cuối cùng lại là… giúp ông có được sự kính trọng của đông đảo người Thái sau này. Khi nhìn lại lịch sử, họ thường có xu hướng lãng mạn hóa mối quan hệ giữa Bayinnaung và Naresuan. Rằng: “Bayinnaung vẫn tận tâm dạy dỗ Naresuan, dù biết rõ rằng người học trò này sẽ làm sụp đổ đất nước mình mai sau.”. Bayinnaung trở thành một trong số rất ít vua Miến không bị người Thái ghét, dù ông là một trong hai người từng xâm lược thành công Thái Lan.
· Hình 1: Tượng Bayinnaung
· Hình 2: Đế quốc Toungoo thế kỷ 16, bao gồm các nước chư hầu
· Hình 3: Thế giới quan kiểu Mandala