Cuối triều Minh, xã hội Trung Hoa rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Tình hình hết sức bi đát, nạn đói xảy ra ở khắp nơi, loạn lạc và thiên tai càng khiến cho ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Năm 1645, số ruộng cày cấy cả nước giảm chỉ bằng 35% số ruộng canh tác năm 1602. Việc tập trung và thôn tính ruộng đất diễn ra cao độ, 90% dân số nông thôn không có ruộng để canh tác.
Dân liên tục bị đánh thuế, tăng thuế, một phần để bù cho chi phí chiến tranh. Có Liêu hướng (tiền đánh quân Liêu- Ghi theo bản dịch của NDC, còn tại sao đến lúc này vẫn ghi Liêu thì mình chịu) chỉ trong 3 năm đời Vạn Lịch tăng lên tới 5,2 triệu lượng bạc, đến khi lưu khấu nổi lên lại đánh tiếp tiền Tiễu hướng và luyện hướng (Tiền đánh phỉ) lên tới 16,9 triệu lượng bạc. Theo báo cáo của triều đình, trong từ 1482 đến 1520, chi phí biên phòng vào khoảng 430.000 lượng/năm nhưng đến đời Gia Tĩnh con số lên tới 1,1 triệu lượng, đời Long Khánh đến 2-3 triệu lượng, nhưng vậy mà có vẻ vẫn còn chưa đủ .
Mức thuế liên tục tăng, có khi đến 7,8 lần gây ra cảnh dân cùng tài tận, loạn lạc trỗi dậy. Trong khi dân chúng nghèo hèn bị vét đến đồng thuế cuối cùng thì các vương tử và quan lại, những người tập trung gần hết ruộng đất trong dân lại không phải chịu thuế. Theo giáo sĩ Mateo Ricici thì:
“ Những người có liên hệ huyết thống với hoàng gia đều được trợ cấp bằng tiền của dân chúng. Hiện nay, số người đó tính ra đã trên 6 vạn người và vẫn tiếp tục tăng, đủ biết gánh nặng lớn đến thế nào. Đám người đó không giữ chức vụ gì, chỉ sống một cuộc đời nhàn hạ và hoang đàng …”
Tình hình trở thành một cái vòng lẩn quẩn, giặc giã nổi dậy phải tăng thuế, kẻ địch ngoài biên ải tiến đánh phải tăng thuế, thuế tăng dân chúng đói khổ chịu không nổi lại phải phản, binh lính không có lương đào ngũ đi làm giặc, rồi triều đình lại phải dẹp rồi lại phải tốn, đã vậy còn phải nuôi báo cô một đống hạng vô dụng, nhiều việc tiêu xài hoang phí, chẳng hạn lễ đăng quang của Sùng Trinh phải chi hết 2,5 triệu rưỡi lượng bạc để khao quân, tướng lãnh còn khai khống số để thâm lạm tiền của triều đình khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ.
Nạn đói xảy ra ở khắp nơi, Thiểm Tây Diên An, người dân đói quá phải ăn cả vỏ cây và đất, có nơi ăn thịt cả trẻ con. Dưới đời Thành Hóa, nhiều vùng cả nghìn dặm bỏ hoang, người chết đầy đồng. Đời Gia Tĩnh ba năm đại hạn, đi hơn trăm dặm không nghe một tiếng gà gáy, cha con vợ chồng đổi cho nhau để ăn thịt, nên gọi là chợ người.
Giới trung lưu một chút cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì có thể bị vu oan giá họa để tống tiền bất cứ lúc nào như tình cảnh nàng Kiều đời Gia Tĩnh được khắc họa qua tác phẩm của Nguyễn Du.
======================================
Đây là tình cảnh cuối triều đại, nơi mà những mối họa trong quốc gia cùng bùng phát, nạn tập trung và thôn tính đất đai cũng gây ra những hậu quả hết sức trầm trọng.
Việt Nam chúng ta, trong nhiều thời kỳ, cũng là một bức tranh thu nhỏ của cái tình trạng này, chẳng hạn như cuối thời Lê, hoặc những năm cuối thời Trịnh – Nguyễn khi rơi vào tình trạng nhân mãn, nạn thôn tính đất đai, mua quan bán chức, tham quan nhũng nhiễu trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Mà một khi đã như thế thì chỉ còn cách đập hết đi để xây lại mà thôi.