Trận Chalons – Trận đánh bảo vệ Văn Minh Phương Tây trước cơn lốc hung bạo từ phương Đông
(trích Sir Edward S.Creasy, Edward Gibbon, Jordanes…)
Vào thế kỷ thứ năm, đế quốc La Mã liên tiếp gặp dịch bệnh, nạn đói, thiên tai tàn phá và bắt đầu suy yếu. Khắp nơi, các xứ đô hộ, thuộc địa, bảo hộ nổi lên chống lại sự thống trị của La Mã.
Những đại tướng La Mã cũng bất phục tùng trung ương, và tự lập làm vua. Gây ra những cuộc nội chiến vô cùng thảm khốc. Dân chúng lầm than, bất mãn xã hội giữa các tầng lớp nhân dân với giai cấp quý tộc ngày càng tăng cao. Hoàng đế La Mã buộc phải dời đô về phương đông, lấy thành Constantinople là đế đô, Roma chỉ còn là một kinh đô phụ của phần lãnh thổ phía Tây mà thôi!
Đồng thời, theo sử gia Edward Gibbon, Ki tô giáo đã làm sụp đổ căn bản xã hội, chính trị, kinh tế cổ truyền vững chắc của đế quốc La Mã, và họ vẫn chưa dựng được những căn bản mới để duy trì sự thống nhất của đế quốc [1]. Giữa lúc đó, thì từ phía Đông một đạo quân hùng mạnh ào ạt tiến vào chà đạp, tàn phá tất cả: quân Hung Nô do đại đế Attila chỉ huy.
Quân Hung Nô vốn là 1 liên minh những bộ lạc du mục ở vùng Siberia, Mông Cổ, Trung Á [2]. Vào thời bấy giờ các bộ lạc Hung Nô đã qui tụ dưới quyền chỉ huy của 1 tướng lãnh đại tài, khôn ngoan, mưu trí, và không man rợ như những truyền thuyết đã kể lại.
Attila khôn ngoan, và thông minh đến độ ông đã biết lợi dụng thánh kinh Thiên Chúa Giáo, huyền thoại Ba Tư, lịch sử La Mã, để tăng thêm uy tín, khi ông xưng hiệu: Attila, Hậu Duệ của anh hùng Nimrod (được mô tả trong cựu ước Thiên Chúa Giáo), như 1 vị vua tài ba, 1 nhà thiện xạ, lớn lên trong vùng Angaddi, nhân danh Thiên Chúa, làm vua dân Hung Nô, dân Goths (các bộ lạc phía Đông Châu Âu), dân Danes (vùng Bắc Âu), và dân Medes (Ba Tư), biệt hiệu “Sự Kinh Hoàng của thế giới”.
Vào lúc câu chuyện mở đầu, tức là giữa thế kỷ thứ năm, quân Hung Nô lúc này đang ở giai đoạn cực thịnh. Ở vùng Trung Đông, Ba Tư đại đế bị vua Hung Nô dùng kế nghi binh giết chết, quân đội của ông ta bị hủy diệt trên chiến trường. Đế chế Ba Tư vương triều Sassanid chính thức trở thành chư hầu của Hung Nô. Tại Ấn Độ, quân Hung Nô đã tiêu diệt đế chế Gupta và thiết lập sự thống trị của mình ở Bắc Ấn Độ. Ở Trung Hoa, quân đội Trung Quốc chống không nổi, nhanh chóng bị tiêu diệt đến người cuối cùng, vua Mẫn Đế nhà Tây Tấn bị bắt và xử tử. Triều đại Tây Tấn nhanh chóng diệt vong. Quân Hung Nô tiếp tục tràn sang Trung Á, Đông Âu và bắt đầu tiến vào Châu Âu. Quân Hung Nô đi tới đâu, thành trì đổ nát đến đó. Cỏ cây không mọc được. Xác người chất đống cao hơn cả thành. Vào thời cực thịnh, chưa một đạo quân nào chống cự nổi những kỵ binh Hung Nô thiện chiến trên chiến trường.
Sau khi thiết lập căn cứ vững chắc tại vùng đồng bằng Hungary. Quân Hung Nô do Attila chỉ huy tiến vào vùng Balkan (lúc này đang nằm dưới sự cai trị của Đông La Mã), quân Đông La Mã thua hết trận này đến trận khác và họ đánh thẳng đến kinh thành Constantinople. Tưởng chừng như 3 lớp tường thành vững chắc của Đế Đô có thể ngăn cản người Hung thì 1 trận động đất bất ngờ xảy ra, khiến nhiều mảng tường thành và tháp canh hư hỏng nghiêm trọng. Đông hoàng đế Theodosius II thấy khó chống được nên nài nỉ giảng hòa với cái giá phải trả hàng năm là 2100 cân vàng (pound).
Lúc này, lại thêm 1 câu chuyện kì lạ nổi tiếng trong lịch sử xảy đến với Attila, cho ông ta cái cớ hợp pháp để tiến hành chiến tranh chống lại Tây Đế Chế. Honoria, em gái của hoàng đế Tây La Mã, bị phát hiện dan díu với người quản gia, kết quả của mối tình lén lút này là Honoria có thai và bị biệt giam. Trong cơn tức giận, cô ta lén lút gửi cho Attila chiếc nhẫn của mình cùng lời cầu hôn và yêu cầu được cứu giúp. Attila xử lí việc này bằng cách đề nghị: tiến quân cứu “vị hôn thê tương lai”, và đòi của hồi môn là 1 nửa đế chế La Mã.
Lúc đó, chiều hướng càng có lợi cho Attila khi hai tù trưởng các bộ lạc Franc (tiền thân người Pháp + Đức) xích mích nhau, một người thì cầu cứu với La Mã, người kia dĩ nhiên phải xin Attila che chở. Thế là Attila có thêm một đồng minh, giúp ông vượt qua sông Ranh (Rhine) mà không bị ngăn cản, Quân Hung Nô đến đâu lại chinh phục thêm những bộ lạc địa phương, và tuyển mộ thêm rất nhiều binh lính bản xứ. Theo các sử gia đương thời, thì tổng số quân viễn chinh Đế Quốc Hung Nô và chư hầu lên đến 700.000 người, trong đó số người trực tiếp chiến đấu lên đến 250.000 [3].
Vượt qua sông Rhine. Attila đánh bại đạo quân ít ỏi của vua Burgundy. Sau chiến thắng này Attila chia đại quân làm hai cánh, một cánh tiến về phía Tây Bắc chiếm giữ các thành phố ở xứ Gaul (Pháp ngày nay), trong lúc cánh quân chính do Attila chỉ huy thì ngược dòng sông Moselle, tiến vào vùng lãnh thổ của các bộ lạc Goth dưới quyền vua Theodoric, bên kia sông Loire. Đại quân của Attila tiến đánh thành phố Orleans, dự định vượt sông Loire ở đó rồi tiến đến Roma.
Đầu năm 451, quân Hung Nô bắt đầu vây thành Orleans. Trong lúc đó, đại tướng La Mã Aetius đã cố gắng qui tụ được một đạo quân khá mạnh mà ông hy vọng một khi hợp với quân Visogoth của vua Theodoric mà ông đã liên minh, có thể ngăn chặn được Hung Nô. Ông dùng mọi cách, từ thuyết phục, kêu gọi đến lòng ái quốc, đến mua chuộc, thuê mướn, để tuyển mộ thêm lính, ông còn dùng lại các cờ hiệu của đại quân La Mã thời trước để nâng cao tinh thần binh sĩ. Quanh đạo quân chủ lực này, Aetius cũng cố gắng phổi hợp những lực lượng phụ lực mà ông có thể qui tụ được từ những bộ lạc bản xứ. Cùng thời gian, vua Theodoric cũng cố gắng mộ thêm quân. Thành Orleans vẫn chống cự được quân Hung Nô vây thành, và ngăn chặn không cho quân Hung Nô vượt qua sông Loire. Sau nhiều cuộc điều động binh đội khó nhọc, hai lực lượng của đại tướng La Mã Aetius và của vua Theodoric bắt tay nhau được, ở phía nam sông Loire. Tổng số lực lượng quân Đồng Minh lúc này lên đến 80.000 quân trực tiếp tham chiến.
Khi hay tin liên quân La Mã và Visigoth tiến đến gần thành Orleans, Attila triệt thoái quân đội lùi về phía sông Marne. Ông không muốn phải giao tranh với kẻ thù khi chỉ có một cánh quân, vì vậy ông phải lùi lại, và chờ cánh quân kia đến tiếp viện. Vùng đồng bằng Catalaunian được chọn làm vùng dừng quân tạm của Attila, nơi đó còn được gọi là thành Chalons- Sut-Marne (Thành Chalons trên bờ sông Marne). Nếu hiểu địa thế vùng này, người ta có thể hiểu tại sao quân Hung Nô chọn địa điểm này làm nơi quyết chiến. Đây Ià một vùng bằng phẳng và khô cứng, rất tiện cho việc sử dụng và điều động kỵ binh, vốn là lực lượng hùng mạnh nhất của Hung Nô.
Liên quân La Mã – Visigoth đuổi theo, và cuối cùng giáp mặt với kẻ thù mà họ gọi là man di, trên cánh đồng Catalaunian.
Đội quân La Mã của tướng Aetius dàn trận ở cánh trái chiến trường. Quân Visigoth của Theodoric thì dàn quân ở phía cánh phải. Quân Alan của vua Sangipan, một đồng minh không đáng tin cậy lắm của tướng Aetius, thì được xếp vào giữa hai cánh quân.
Phía Hung Nô, thì Attila chỉ huy chủ lực kỵ binh tinh nhuệ ở trung quân, còn những bộ lạc chư hầu của ông thì được bố trí ở hai cánh tả, hữu.
Trước khi giao tranh. Trong các cuộc điều động cuối cùng, quân La Mã của tướng Aetius đã chiếm một ngọn đồi cao nhìn xuống sườn phải của quân Hung Nô. Attila nhận thấy tầm quan trong của cao điểm này, đã khởi đầu trận chiến bằng cách huy động toàn bộ cánh phải cùng với 1 phần chủ lực trung quân tiến hành 1 cuộc tấn công dữ dội lên lực lượng La Mã chiếm giữ ngọn đồi, nhằm làm giảm áp lực của quân La Mã vào cánh phải của mình.
Quân La Mã nhờ chiếm được địa lợi, đã trút 1 trận mưa tên, máy bắn đá lên đầu quân xâm lược. Đẩy lui hết lần này đến lần khác các cuộc tấn công của phía Hung nô, và bắt đầu tràn xuống đè nặng áp lực lên cánh phải của Attila.
Trong lúc đó, vua Theodoric dẫn đầu lực lượng kỵ binh Visigoth của ông, đánh mạnh vào cánh trái quân Hung Nô, thật không may, vị vua can đảm bị một ngọn giáo của quân địch đâm cho ngã ngựa, và bị những đàn ngựa của kỵ binh ông dẫm nát. Nhưng quân Visigoth bây giờ do con trai ông là thái tử Thorismond cầm đầu, vẫn tiến lên, đánh tan cánh trái quân địch rồi quay lại đánh tạt sườn trung quân Hung Nô, lúc đó đang giao tranh quyết liệt với quân Alan (đồng minh của La Mã).
Nhận thấy trận chiến có chiều hướng bất lợi, Attila không dám kéo dài, bèn hạ lệnh cho trung quân rút lui, rồi tháo chạy vào thành lũy doanh trại cố thủ. Quân cung nỏ của Hung Nô đẩy lui được những đợt tấn công liên tiếp của quân Visigoth. Tướng La Mã Aetius không tiến đánh doanh trại Attila, cũng không đặt kế hoạch bao vây. Attila vẫn bảo tồn được lực lượng trung quân và hữu quân. Đêm xuống, trên chiến trường chỉ còn xác người ngựa chết la liệt, và những tiếng rên khóc của những kẻ bị thương, tiếng hí thê thảm cùa những con ngựa hấp hối.
Sáng hôm sau, Attila đinh ninh sẽ bị quân La Mã tấn công, nên đã đặt những quân cung nỏ trên bờ thành lũy chờ đối phó. Ông quyết định dù có thua cũng sẽ không để ai bắt sống được, bèn chất những củi khô, yên ngựa thành đống lớn cùng với tất cả những kho tàng châu báu cướp được bấy lâu nay, rồi đem thê thiếp đem theo trong quân lên đứng trên đó, và ra lệnh khi quân địch tràn qua các phòng tuyến cuối cùng, thì nổi lửa hỏa thiêu ông.
Nhưng sáng hôm sau, quân La Mã và các đồng minh đã lùi ra xa, và không có 1 dấu hiệu gì chứng tỏ họ định vây hãm doanh trại của Hung Nô. Attila được thong thả đem tàn quân rút lui. Cho đến nay, vẫn không ai hiều rõ lý do nào đã xui khiến tướng La Mã Aetius không vây hãm và tiêu diệt nốt tàn quân Hung Nô, khi phần thắng đã chắc chắn nằm trong tay người La Mã.
Người ta chỉ dự đoán rằng vị đại tướng La Mã khôn ngoan này đã không muốn cho quân đồng minh Visigoth của mình hưởng một vinh quang chiến thắng quá lớn. La Mã vốn đã suy yếu, nếu thái tử Thorismund vừa lên ngôi thay cha trở thành kẻ chiến thắng đạo quân hùng mạnh nhất thế giới, thì ông ta có thể qui tụ được những bộ lạc và những vùng đất từng bị quân Hung Nô chiếm đóng, để thành lập một đế quốc mới chắc chắn lớn mạnh hơn đế quốc La Mã, và khi đó, thì chẳng khác nào La Mã tránh khỏi họa Hung Nô, để rồi rơi vào một họa khác chưa chắc đã nhẹ hơn: họa Visigoth.
Vì vậy tướng La Mã Aetius khuyên tân vương Thorismund hãy lui quân, và như vậy là một mặt ông đã đẩy lui được quân Hung Nô, mặt khác cũng tránh cho La Mã sự đe dọa của quân Visigoth.
Sau khi lui lại, và củng cố Ịực lượng, quân Hung Nô vẫn tiếp tục quấy phá Tây Âu, nhưng không bao giờ còn tiến xa được hơn nữa.
Hai năm sau, Attila từ trần, và đế quốc rộng lớn mà ông thành lập tan rã rất mau chóng, Hung Nô chỉ còn là cái tên đi vào lịch sử đối với dân chúng Tây Âu, được kèm thêm biệt hiệu: “Lời nguyền rủa của Thiên Chúa”.
Có thể nói trận Chalons là 1 trong những trận đánh quan trọng nhất lịch sử văn minh Phương Tây. Nếu chẳng may Aetius và quân La Mã thua trận này, có thể dòng lịch sử của thế giới đã khác, Đế Quốc Hung Nô sẽ thay thế đế quốc La Mã, và thiết lập một nền văn minh hung bạo tại Châu Âu, tồn tại trong nhiều thế kỷ. Và có lẽ những di sản văn minh Hy-La đã không tồn tại đến ngày nay, để rồi phát triển thành nền văn minh soi sáng cho cả nhân loại đến tận bây giờ.
Chú thích:
[1] Sử gia Edward Gibbon trong cuốn “The History of the Decline and Fall of the Roman Empire” đã nói rằng do Ki Tô Giáo bác bỏ quyền thống trị thần thánh của Hoàng đế La Mã, khiến quyền lực trung ương của Đế chế bị suy giảm. Nhà thờ và Giáo Hoàng có quyền lực và sức ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng càng khiến cho các vấn đề chính trị, xã hội La Mã đang khủng hoảng ngày càng trầm trọng thêm. Tuy nhiên nhận định của ông bị rất nhiều học giả sau này bác bỏ vì các yếu tố thảm họa khác trong kinh tế, chính trị, quân sự của La Mã nghiêm trọng hơn nhiều.
[2] Hung Nô trong Tiếng Việt và Tiếng Trung là tên gọi chung cho các dân tộc du mục đại thảo nguyên Á-Âu.
[3] Đây là 1 con số khổng lồ vào thế kỷ thứ 5 và rõ ràng có sự phóng đại không nhỏ. Theo các sử gia hiện đại ước lượng thì lực lượng Hung Nô rơi vào khoảng 300.000 trong đó số binh sĩ thật sự rơi vào khoảng 80.000-120.000.
Theo dõi series các trận đánh bảo vệ văn minh Phương Tây vào tối thứ 7 hàng tuần nhé các bạn!