Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ Nhất, các cuộc cách mạng đã làm sụp đổ đế quốc Nga. Tháng 3 năm 1918, chính quyền Bolshevik của nước Nga Xô Viết đã ký hiệp ước Brest-Litovsk với các cường quốc phe Trung Tâm. theo đó từ bỏ nhiều lãnh thổ thuộc Đế quốc Nga. Một trong những vùng đó là nước Belarus ngày nay. Lãnh thổ Belarus từ lâu trước kia là vùng đất gắn kết với Đại công quốc Lithuania, sau đó là Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania. Nhưng sau khi Ba Lan suy yếu và bị phân chia bởi 3 cường quốc Nga-Phổ-Áo vào thế kỷ 18. Belarus sau đó trải qua thời kỳ Nga hóa mạnh mẽ, mà một trong những biểu hiện rõ nhất là quốc gia này bị đặt tên sai lệch thành ''Byelorussia'' – điều làm người Belarus cảm thấy khó chịu khi nhắc tới. Nhân việc Đế quốc Nga sụp đổ, những người dân tộc Belarus đã đứng lên thành lập nhà nước độc lập cho người Belarus trên các vùng lãnh thổ truyền thống của họ.
Thực chất, ý tưởng về một nhà nước Belarus độc lập đã có từ tháng 12/1917, chỉ hơn 1 tháng sau khi Cách mạng tháng 10 nổ ra. Từ ngày 5 đến ngày 18/12/1917, tại Nhà hát trung tâm thành phố Minsk, các đại biểu trên khắp Belarus tập trung về họp tại Đại hội Nhân dân toàn Belarus lần thứ Nhất. Đại hội mang tính lịch sử này, đáng tiếc đã không thể thống nhất được những thành phần đảng phái ở Belarus khi đó, mà nhất là việc những người Bolshevik Belarus không chấp nhận một nhà nước do giới tư sản Belarus đứng đầu. Đại hội thất bại, và thậm chí người Bolshevik Belarus còn định vũ trang tấn công lại chính phủ dân tộc Belarus, tìm cách hợp nhất với Xô Viết Nga. Nhưng đến tháng 2/1918, quân đội Đức đã tiến vào Belarus, thiết lập vùng ảnh hưởng theo hiệp ước Brest. Người Bolshevik bị đẩy lùi về phía Đông, xa khỏi thủ đô Minsk. Không lâu sau đó, hiệp ước Brest-Litovsk chính thứ được ký giữa nước Nga Xô Viết và các cường quốc Trung tâm. Nhân sự kiện đó, ngày 25/3/1918, các lãnh đạo dân tộc của Belarus đã thông qua Hiến chương thứ 3 (2 hiến chương khác trước đó được coi là tiền đề) – tuyên bố độc lập và lập nên nước Cộng hòa Nhân Dân Belarus. Hiến chương tuyên bố:
''Теперь мы, Рада [Совет] Белорусской Народной Республики, сбрасываем с родного края последнее ярмо государственной зависимости, которое насильно набросили российские цари на нашу свободную и независимую страну.
С этого времени Белорусская Народная Республика провозглашается Независимым и Свободным Государством. Сами народы Белоруссии, в лице своего Учредительного Сейма, примут решение о будущих государственных связях Белоруссии.''
''Chúng tôi, Hội đồng Rada của Cộng hòa Nhân dân Belarus, tuyên bố kéo quê hương mình khỏi cái ách cuối cùng của sự lệ thuộc, khi mà các Sa hoàng Nga đã cưỡng bức lấy đi tự do và độc lập của chúng tôi.
Kể từ lúc này, Cộng hòa Nhân dân Belarus tuyên bố là một Quốc gia Độc lập và Tự do. Chính các dân tộc Belarus, được đại diện bởi các đại biểu của họ, sẽ quyết định các vấn đề nhà nước trong tương lai của đất nước Belarus''.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng lúc đó lãnh thổ Belarus đang bị Đức chiếm đóng. Người Đức coi tuyên ngôn độc lập của người Belarus là phi pháp, không công nhận họ, nhưng cũng không định tiêu diệt họ. Ba Lan, Xô Viết Nga và hầu hết các nước châu Âu cũng không công nhận (hoặc không biết đến) nhà nước Belarus vừa thành lập. Cộng hòa Nhân dân Belarus sau khi thành lập chỉ được nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine láng giềng cùng các nước Baltic là Estonia và Lithuania (quốc gia gần gũi nhất với Belarus) công nhận.
Về quốc kỳ, sau khi độc lập đã có 2 ý tưởng riêng biệt về lá cờ mới của Belarus. Trong giới lãnh đạo, kiến trúc sư Klawdziy Duzh-Dushewski định vẽ lá cờ Belarus gồm một sọc đỏ trên nền trắng, dựa theo 2 màu chính trên Huy hiệu Pahonia truyền thống của Đại Công quốc Lithuania. Còn trong giới bình dân, bà lão Matrona Markevich tự tay thêu một hoa văn truyền thống xa xưa của người Belarus, với hy vọng nó sẽ được in lên lá cờ đầu tiên của nước Belarus độc lập. Tuy nhiên nguyện vọng này không thành. Cộng hòa nhân dân Belarus đã chọn lá cờ trắng-đỏ-trắng của ông Klawdziy Duzh-Dushewski làm lá cờ đầu tiên của nước Belarus độc lập. Sau này khi độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, lá cờ này cũng là lá cờ đầu tiên mà Cộng hòa Belarus sử dụng. Còn bà Matrona Markevich và gia đình đã bị thanh trừng năm 1937 trong cuộc thanh trừng của Stalin ở Belarus. Nhưng điều rất may mắn, là anh trai bà – ông Mikhail Katsar đã sống sót và sau này trở thành Viện trường Viện văn hóa dân tộc Belarus dưới thời Liên Xô. Vì vậy mà năm 1951, khi Belarus thuộc Liên Xô thiết kế lá cờ mới, ông Mikhail Katsar đã đưa hoa văn của em mình lên lá cờ. Và đó chính là hoa văn trên lá cờ hồng lục của Belarus ngày nay.
Dù vậy, thực tế là Cộng hòa Nhân dân Belarus không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Belarus (ngay bản thân vùng kiểm soát của họ cũng bị Đức chiếm một phần). Ở phía Đông Belarus, một nhà nước Xô Viết được thành lập đầu năm 1919, lấy tên là Cộng hòa XHCN Xô Viết Byelorussia. Dù tồn tại song song với Cộng hòa nhân dân Belarus, các nhà sử học không coi Cộng hòa XHCN Xô Viết Byelorussia – là chính quyền đại diện của người Belarus, mà là của người Nga. Ngay cái tên Byelorussia đã mang tính chất Nga hóa của chính quyền này. Chính quyền Cộng hòa XHCN Xô Viết Byelorussia chỉ tồn tại chưa đầy một tháng – đến cuối tháng 2 năm 1918 nó đã sáp nhập với Hồng quân và trở thành một nước Cộng hòa lập nên Liên Xô sau đó.
Sau khi Đức thua trận trong WW1, Hồng quân đã hủy bỏ hiệu lực của hiệp ước Brest – Litovsk và đưa quân chiếm lại các vùng lãnh thổ cũ. Tháng 2 năm 1919, Hồng quân tràn vào miền Đông Belarus, đe dọa chính phủ Cộng hòa Nhân dân Belarus. Chưa hết, nước láng giềng Ba Lan nhận thấy tình hình đã đưa quân từ phía Tây vào Belarus. Đây chính là mở đầu cho cuộc chiến Liên Xô – Ba Lan nổi tiếng lịch sử. Bị kẹp giữa 2 gọng kìm ngoại bang, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Belarus buộc phải bỏ thủ đô, sau đó phải đến lưu vong ở nước láng giềng anh em Lithuania. Ở trong nước, các cuộc kháng chiến chống Ba Lan của người Belarus dưới sự chỉ huy của chính phủ lưu vong vẫn tiếp diễn đến năm 1925 mới bị dập tắt hoàn toàn. Nước Cộng hòa Nhân dân Belarus trên danh nghĩa chấm dứt hiện diện vào năm 1919 khi bị Ba Lan xâm lược, nhưng về mặt chính phủ thì Rada Cộng hòa nhân dân Belarus vẫn tồn tại dưới hình thức một chính phủ lưu vong, kéo dài đến tận Thế chiến 2 sau này.
Trong thế chiến thứ 2, Đức Quốc xã đã ngỏ ý hợp tác với chính phủ lưu vong của Cộng hòa nhân dân Belarus để tái lập nước Belarus độc lập khỏi Liên Xô. Tuy nhiên, chính phủ Belarus đã bác bỏ, công khai ủng hộ quân Đồng minh phương Tây. Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, thì vùng Baltic cũng bị Liên Xô sáp nhập, khiến chính phủ Cộng hòa Nhân dân Belarus lưu vong phải di chuyển đến Tây Âu, hoạt động phân tán. Tuy vậy, với việc Belarus độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, đa phần thành viên của Rada Cộng hòa nhân dân Belarus đã trở về, gia nhập Mặt trận Bình dân Belarus, khối chính trị lớn nhất ở Belarus sau độc lập. Nước Belarus tái độc lập lấy tên đơn giản là Cộng hòa nhân dân Belarus, với lá cờ lấy lại lá cờ trắng-đỏ-trắng của Cộng hòa Nhân dân Belarus khi xưa.
Đến năm 1995, sau cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý, đưa ông Alexander Lukashenko lên làm Tổng thống Belarus. Lá cờ Belarus được thay thế, lấy lại lá cờ Hồng-Lục nhưng bỏ biểu tượng ngôi sao và búa liềm, và bên trái là hoa văn do bà Matrona Markevich thêu năm 1917. Do đối địch với Tổng thống Lukashenko, một số ít nhân vật lấy danh nghĩa ủng hộ Rada Cộng hòa nhân dân Belarus khi xưa, đã tái lập chính phủ lưu vong ở nước ngoài. Và vì vậy đến ngày nay, Rada Cộng hòa nhân dân Belarus vẫn được coi là chính phủ lưu vong lâu đời nhất thế giới, nhưng trên thực tế bản chất đã bị thay đổi và chính trị hóa khá nhiều. Người dân Belarus ngày nay thường vẫn chỉ coi Cộng hòa Nhân dân Belarus là nhà nước mang tính lịch sử – nhà nước độc lập đầu tiên của người Belarus – chứ không mang ý nghĩa chính trị đối đầu với Tổng thống Lukashenko như nhiều người lợi dụng ngày nay.