Phân biệt giữa sách và truyệnChúng ta cần phân biệt giữa sách…

Phân biệt giữa sách và truyện

Phân biệt giữa sách và truyện

Chúng ta cần phân biệt giữa sách và truyện. Không phải nội dung những cuốn dày dày đều giống nhau. Sách khác truyện, sách là phi hư cấu, truyện là hư cấu. “Thế giới phẳng” là sách. “Đồi gió hú” là truyện.
Sách viết về các vấn đề có thật trong xã hội, như tư tưởng của các vĩ nhân. Nội dung sách là các nhận định, góc nhìn của tác giả về các vấn đề trong xã hội như: kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, tôn giáo… Sách cũng có thể là hồi ký cá nhân hoặc từ điển, nhưng trong đó tất cả đều phải là sự thật, không hư cấu.
Còn truyện là hư cấu. Truyện kể về cuộc đời của các nhân vật trong truyện, ở thời đại xã hội nào đó, có thể có thật hoặc hư cấu. Phần lớn những tình tiết, như mẫu thuẫn hay hội thoại là hư cấu. Nếu các phần đó cũng là thật thì truyện trở thành hồi ký hoặc sách lịch sử.
Truyện có thể là truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Truyện ngắn thì có phạm vi đề cập nhỏ hơn, ít nhân vật hơn và tất nhiên ngắn hơn. Còn tiểu thuyết thì dài hơn, nhiều nhân vật hơn, phạm vi đề cập rộng hơn, nhiều tình tiết, mâu thuẫn và hội thoại hơn.
Khi đọc truyện, những điều mà người đọc cảm nhận được là: vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống…; sự hào hiệp của các anh hùng, sự nhanh trí trong các pha hành động, sự mạo hiểu trong các chuyến phiêu lưu, sự ly kì trong các cuộc điều tra phá án…
Tác giả khéo léo có thể làm truyện căng thẳng, hồi hộp đến những tình tiết cuối cùng… Nhưng quan trọng hơn là qua đó tác giả hướng người đọc đến những giá trị cao đẹp, đến chân thiện mỹ: yêu cái đẹp, yêu quê hương, ngưỡng mộ các anh hùng, căm thù những kẻ xấu xa, độc ác, hắc ám… Thông điệp chính của tác giả thường ẩn chứa trong các nhân vật chính.
Mọi chuyện sẽ khác đi khi ta đọc sách. Sách là những điều có thật, không hư cấu. Sách là góc nhìn của tác giả về một vấn đề, trong một lĩnh vực nào đó của xã hội. Đó là những nhận định, quan điểm, chính kiến của người viết. Sách lưu lại kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của nhân loại. Là tư tưởng của các vĩ nhân, túi khôn của nhân loại.
📷
Năm 1999, Bill Gates có bốn lời khuyên cho giới trẻ Việt Nam: “1. Thư giãn cho tốt, 2. Tìm một công việc mình yêu thích, 3. Đọc là kĩ năng quan trọng nhất, 4. Hãy gia nhập internet… !”. Tại sao ông lại cho đọc là quan trọng nhất?… Theo tôi, là do: thứ nhất, tri thức hàng nghìn năm qua để lại nhiều dưới dạng viết. Thứ hai, người bình thường khả năng đọc thường tốt hơn nghe.
Không người thày nào có thể đi theo ta đến cuối cuộc đời. Nếu có người thày như thế, thì người đó cũng phải học, vì kiến thức đổi mới không ngừng. Mà để học, người thày đó lại phải đọc. Tự học là tố chất quan trọng nhất của một trí thức. Trong tự học, đọc lại là quan trọng nhất. Đọc là đối thoại với các nhà thông thái, có người sống cách ta hàng trăm, hàng ngàn năm.
***
Tôi không thích đọc truyện. Tứ đại danh tác Trung Hoa tôi chưa đọc hoàn chỉnh cuốn nào – Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du Kí, Hồng Lâu Mộng. Tôi chỉ nghe đài, xem phim. Mỗi tác phẩm tôi chỉ đọc vài đoạn mình quan tâm. Rồi các truyện ngắn hay tiểu thuyết kinh điển khác như:
Ba chàng lính ngự lâm, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ, Tiếng gọi nơi hoang dã, Đồi gió hú, Kiêu hãnh và định kiến, Thép đã tôi thế đấy, Ông cố vấn, Không gia đình, Ruồi trâu, Bố già, Sherlock Holmes, Harry Potter… Tôi chỉ đọc lõm bõm vài cuốn. Mỗi cuốn lại đọc vài đoạn. Đến bây giờ cũng không nhớ được bao nhiêu.
Sự phát triển của hai loại công nghệ in ấn và thông tin cũng có mặt trái. Sách và truyện bây giờ xuất bản nhiều, rất nhiều… Đi đâu cũng thấy giới thiệu cuốn này, chào bán cuốn nọ. Hạt giống tâm hồn, khai trí đổi mệnh… Sẽ là rất bực mình nếu vớ được cuốn mà “anh tác giả lôm côm” gặp “nhà xuất bản tồi tệ”.
Xem phim cũng như đọc truyện vậy. Ta không nên phân biệt giữa các loại hình này. Theo thói quen, người ta vẫn cho rằng đọc truyện là cao cấp, là sang hơn xem phim, nghe đài… Nhưng thưc ra, truyện không hay cũng như phim rẻ tiền. Đọc sách cũng như xem các chương trình khác ngoài phim truyện: du lịch, ẩm thực, khoa học…
Ta để ý thì sẽ thấy, nếu sách nào viết về vấn đề ta quan tâm thì ta thường ta đọc rất nhanh, đọc ngấu nghiến cho đến hết thì thôi. Còn sách nào không viết về các vấn đề đó thì ta thường đọc rất lâu, rất ngại…
Vậy sách “dạy” chúng ta trực tiếp, còn truyện “dạy” chúng ta – gián tiếp – qua các nhân vật. Nếu bạn nào còn trẻ hay có nhiều thời gian, thì hãy đọc truyện. Còn nếu muốn tìm tòi, nghiên cứu thì hãy đọc sách. Ai thấy mình thiếu hụt nhiều kiến thức cơ bản, thì việc đầu tiên là nên đọc lại sách giáo khoa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *