BIẾT BAO CUỘC HÔN NHÂN, ĐỀU BẠI DƯỚI TAY MỘT ĐIỀU NHỎ NHẶT NHẤT

BIẾT BAO CUỘC HÔN NHÂN, ĐỀU BẠI DƯỚI TAY MỘT ĐIỀU NHỎ NHẶT NHẤT

01.
Bạn thử nghĩ xem cảnh này có quen không: khi hai cha con ngồi trên sofa xem TV, thì người mẹ vừa mới về đã tất bật từ phòng bếp ra phòng khách, tuy đang nhặt rau nấu cơm, nhưng đầu óc vẫn không quên quần áo vẫn chưa giặt của cả nhà.

Những cảnh tượng như vậy quả thực không hiếm thấy.

Rất rất nhiều người phụ nữ sau khi đi làm về vẫn phải một mình lao đầu vào việc nhà. Kiểu vất vả này tích lũy dần theo năm tháng, không được thấu hiểu, không được giải phóng, dần dần trở thành áp lực vô hình vô cùng lớn.

Nhiều khi, không phải họ không mệt, chỉ là họ không nói, mà vẫn luôn âm thầm làm những công việc mà những thành viên khác trong gia đình không muốn làm.

Nhưng, những giọt nước mắt xót xa đằng sau mỗi cuộc hôn nhân, sự vất vả và khó khăn của người phụ nữ, không nên bị xem nhẹ như vậy.

02.
Thỉnh thoảng, trong những bài viết phân trần về vấn đề muôn thuở là “việc nàng dâu”, có những bình luận như thế này: “Làm mâm cơm, rửa vài cái bát thôi chứ có phải lên núi đao xuống biển lửa đâu mà cứ phải làm loạn lên như vậy!”

Thật sao? Hãy thử điểm một chút những việc mà một người phụ nữ “chuẩn vợ hiền dâu đảm” phải làm trong một ngày:

Nghĩ xem hôm nay ăn gì, đi chợ, rửa rau, nấu cơm, làm thức ăn, rửa bát, dọn dẹp, quét nhà hút bụi, lau nhà, thu dọn quần áo, phơi quần áo, dọn dẹp rác thải, chăm sóc cha mẹ chồng, nếu có con nhỏ thì sương sương thêm 300 việc lớn bé nữa…

Còn chưa kể bị chính ông chồng làm gián đoạn, kéo dài thời gian làm việc nhà.

“Vợ ơi, tất của anh đâu?”

“Vợ ơi, là hộ anh cái áo sơ mi.”

“Vợ ơi, giờ anh đang bận làm việc, lát rồi anh ăn.”

Chỉ có người đích thân trải nghiệm rồi, mới biết được rằng làm việc nhà vất vả tới đâu.

Có một bộ phim tài liệu, Reus và vợ Briana kết hôn với nhau được 2 năm, nhưng hai vợ chồng lại thường xuyên cãi vã.

Briana ở nhà làm nội trợ, không chỉ phải một mình làm tất cả việc nhà và còn chăm sóc 2 đứa con.

Mỗi ngày đều rất vất vả, nhưng lại không nhận được sự cảm thông của chồng.

Reus thường hay ca thán tính nhẩm số lần vợ dùng yến mạch thay “cơm nhà”, nói vợ dành quá nhiều thời gian cho con cái, không làm tròn trách nhiệm.

Reus quyết định vừa làm cơm vừa chăm con để thị phạm cho vợ biết việc nhà đơn giản ra sao.

Nhưng chưa được mấy hôm, Reus sụp đổ.

Con nhỏ vừa đặt xuống là khóc ầm lên, con lớn thì cứ đi qua đi lại trong bếp.

Reus đành phải vừa ôm con vừa tranh thủ lúc con im một lúc để đi nấu cơm.

Chỉ là làm có bữa cơm thôi mà khiến Reus vội vàng, đau sụn cả lưng, và đó là cuộc sống mà vợ anh ngày ngày phải trải qua.

Cuối cùng anh từ bỏ chấp niệm và định kiến của mình, thừa nhận sự vất vả của vợ, đồng thời quyết định sau này sẽ chia sẻ việc nhà với vợ.

Có nhiều người luôn cho rằng việc nhà rất đơn giản, phủ nhận sự vất vả và mệt mỏi của nó, rồi đổ cho người phụ nữ rằng “đơn giản vậy cũng làm không xong.”

Mà không biết rằng, người phụ nữ mỗi ngày phải lặp lại công việc vất vả, máy móc này, đồng thời sẽ không bao giờ có ngày làm xong, cộng thêm với việc người thân không thông cảm, không coi trọng những nỗ lực họ bỏ ra, thật khiến người khác phiền lòng!

03.
Nam lo sự nghiệp, nữ chăm việc nhà, quan niệm truyền thống này khiến rất nhiều nam giới, thậm chí là cả một bộ phận nữ giới cho rằng phụ nữ làm việc nhà là điều vô cùng hiển nhiên.

Ngay cả người phụ nữ hiện đại có công việc, có sự nghiệp, về nhà rồi vẫn phải vào bếp nấu cơm, giặt quần áo, nếu không sẽ bị gán cho cái tội “chỉ biết công việc không để ý tới nhà cửa, gia đình.”

Còn đàn ông thì dù chỉ làm có chút việc thôi đã được khoác lên cái tiếng “đàn ông tốt”, “ông chồng của năm.”

Sự đối lập trong khái niệm này, chính là nguồn gốc của mâu thuẫn trong gia đình.

Những kẻ có thói quen vung tay mặc kệ sẽ không bao giờ có thể hiểu được rằng một mình làm đi làm lại công việc nhà như một cái máy, không chỉ làm hao tổn thể lực mà còn là bào mòn cả tinh thần.

L. là một trường hợp vì mâu thuẫn việc nhà mà ly hôn.

L. hình dung mình như một “vú em”, khi chị đang giặt quần áo, thì chồng ở bên ngoài phàn nàn vì sao chưa đi đổ rác, để anh ta đi làm mệt cả ngày về rồi lại còn phải ngửi mùi rác.

L. không chịu được, nước mắt tuôn trào, bao nhiêu tủi thân bấy lâu bốc lên ngùn ngụt.

Sau khi giặt xong quần áo, chị dắt theo con gái về nhà mẹ, ngày thứ hai tìm luật sư làm đơn ly hôn.

Người ngoài cho rằng chị chuyện nhỏ xé to, nhưng L. lại nói, nó không đơn giản chỉ là chuyện đổ rác.

Con lúc nhỏ hay quấy khóc, chồng chê phiền, bỏ ra ngoài uống rượu.

Điều hòa nhà hỏng, gọi mãi không thấy thợ tới, chồng đẩy hết sang cho vợ đi thương lượng giải quyết.

Cãi nhau với một nhà hàng xóm trong khu, chồng lại ở phía xa nhìn.

“Nhiều lúc tôi cũng hoang mang tự hỏi mình là không biết mình tìm được chồng hay là tìm được một đứa con mà không cần đẻ.”

Những điều mà người khác cho là nhỏ nhặt này lâu dần trở thành áp lực vô hình rất lớn trong hôn nhân, cuối cùng, đè bẹp cuộc hôn nhân này.

Mâu thuẫn trong việc nhà lâu dài, nó giống như khi bạn thả con ếch vào nồi nước ấm vậy, nó sẽ dần dần xóa sổ đi những cảm xúc trong cuộc sống một cách âm thầm.

Thử tự hỏi xem, một người phụ nữ hết mình nỗ lực, ở cùng với một người đàn ông không biết cảm kích, vậy thì làm sao có thể xây dựng nên được một gia đình hạnh phúc.

04.
C. hiện mang thai 7 tháng và cô muốn chồng có thể giúp mình một chút việc nhà, B., chồng cô vui vẻ đồng ý, nhưng cứ chần chừ nói lát nữa sẽ làm.

Sau 3,4 lần hối thúc nhưng chồng vẫn ngồi ỳ ra đó, C. quyết định tự mình dọn dẹp.

Đây chẳng phải là tấm gương phản chiếu của biết bao gia đình ư.

Đối diện với việc nhà, một vài đàn ông hoặc là chần chừ, hoặc là trốn tránh, có thể không làm sẽ không làm.

Lâu dần, họ trở nên lười biếng, phụ nữ cũng ngày một cảm thấy bất công.

Muốn thay đổi hiện trạng một mình lao động này, phụ nữ bắt buộc phải bỏ ngay quan điểm việc gì cũng ôm đồm đi.

Chần chừ cũng được, làm không tốt cũng không sao, nhưng nhất định phải để đàn ông tham gia vào, đồng thời có thưởng hoặc cổ vũ khích lệ họ.

Chỉ cần nhận được sự khẳng định, họ mới có động lực tiến bộ, gia đình mới hào thuận.

Gia đình tôi thực ra cũng hay vì chuyện làm việc nhà mà cãi nhau.

Có một lần, tôi nhờ chồng đi rút quần áo, anh ấy rất vui vẻ đồng ý, đồng thời lập tức đi làm.

Nhưng lúc tôi bước ra từ phòng bếp, phát hiện ra quần áo vứt đống trên sofa, nhất thời vô cùng bực mình.

Chồng tỏ ra tủi thân nói, em chỉ bảo anh rút chứ có bảo anh gấp đâu.

Tất nhiên, đây tất nhiên không chỉ là vấn đề ai lời ai chăm, mà là vì đối với vấn đề làm việc nhà, quan điểm của hai chúng tôi khác nhau. Trong mắt anh ấy “rút quần áo” chỉ đơn thuần là rút nó từ trên mắc xuống là xong.

Còn với tôi, “rút quần áo” không chỉ là rút quần áo từ trên mắc xuống, mà còn là thu gọn giá treo quần áo và mắc quần áo lại, đồng thời gấp gọn gàng rồi cho chúng vào tủ.

Vì vậy, phần lớn các trường hợp là đàn ông mà nhúng tay vào việc nhà thì có thể sẽ còn làm loạn thêm hơn.

Còn phụ nữ, vì không muốn cãi vã, vì muốn mọi thứ được làm nhanh chóng và đúng ý hơn nên luôn tự mình làm việc nhà.

Lâu dần, mâu thuẫn giữa hai bên nảy sinh.

Vì vậy, hãy kịp thời ngồi lại nói chuyện với nhau, dẫn dắt chồng đi vào con đường “việc nhà” một cách từ từ.

Chỉ dẫn từ từ, lặp lại nhiều lần, có vậy mới có thể đạt được sự đồng thuận về việc phân chia công việc nhà và tránh những cuộc cãi vã không cần thiết.

05
Nhiều khi, phụ nữ không phải kiểu “so đo khắt khe”, muốn tính toán xem tôi đổ rác bao lần, anh rửa bát mấy lần.

Thứ mà họ thực sự quan tâm là thái độ của bạn đời khi làm việc nhà.

Có thể làm tốt, và có tâm đi làm tốt hay không, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Dù quần áo bị gấp ngược, dù bát rửa bát xong bếp vẫn hơi bừa bãi, thì cũng vẫn hơn là nằm ườn trên sofa, làm việc nhà bằng mồm, như vậy càng khiến người khác khó chịu hơn.

Dù cho tới cuối cùng người phụ nữ vẫn phải đi dọn dẹp lại một lần nữa, nhưng sự chủ động muốn chia sẻ việc nhà đó thôi cũng đủ khiến việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Thời đại nam lo sự nghiệp, nữ lo việc nhà đã qua rồi, phụ nữ cũng cần kiếm tiền nuôi gia đình, nam giới cũng cần chia sẻ trách nhiệm việc nhà mà họ vốn dĩ cũng nên gánh vác.

Muốn duy trì hạnh phúc gia đình, thì phải học cách hiểu được nỗi vất vả của đối phương, và dùng những hành động thực tế để thể hiện trách nhiệm của mình trong gia đình.

Nếu đã lựa chọn sống với nhau cả đời, phải sẵn sàng đối mặt và làm mọi thứ cùng nhau.

Nhà lớn xe sang cũng phải cùng nhau kiếm, quét nhà rửa bát cũng hãy cùng nhau làm.

Dẫu sao thì, tiền có nhiều tới đâu, nhà có lớn tới đâu, cũng sẽ chẳng thể bằng được sự chân thành, và sẻ chia mà người nhà dành cho nhau.

Nguồn: Sưu tầm

#vinhtran

#trainghiemsong

#sapareviewtattantat

Cùng tham gia nhóm Sapa Review Tất Tần Tật để cùng đi du lịch giá rẻ nhé

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *