Trong các nhà cách mạng ở Mỹ Latinh thế kỷ 20, thủ tướng Maurice Bishop của đảo quốc Grenada là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất. Cần biết rằng sân bay quốc tế duy nhất của Grenada lấy theo tên nhà cách mạng này: Sân bay quốc tế Maurice Bishop. Đó là cách mà người nhân Grenada thể hiện sự tri ân và tưởng nhớ đến nhà cách mạng Marxist đã có công đưa hòn đảo Grenada nhỏ bé đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội mà thành quả của nó còn tồn tại đến ngày nay. Ông được biết tới với con đường Xã hội chủ nghĩa ôn hòa, ham mê nó đến mức lấy tên lãnh tụ Lenin đặt cho con trai mình. Chỉ tiếc rằng, cuộc đời của ông lại kết thúc trong bị kịch: bị chết không phải trong tay kẻ thù, mà trong tay đồng chí.
1/ Maurice Bishop và cách mạng Grenada.
Maurice Bishop vốn không phải cư dân gốc của đảo Grenada. Ông sinh năm 1944 trên đảo Aruba lúc đó là thuộc địa của Hà Lan. Giống như nhiều cư dân gốc Phi trên các đảo Carribean lúc đó, gia đình ông tìm cách chuyển đến một thuộc địa của Anh để tìm cuộc sống tốt hơn, và đã đến đảo Grenada. Được hưởng nền giáo dục tiên tiến của Anh Quốc, Maurice Bishop trở thành một sinh viên xuất sắc và được du học ở Anh, sau đó học tiếp ở Mỹ rồi lấy bằng Luật sư.
Nhưng quãng thời gian sinh viên cũng là lúc Bishop tiếp nhận những tư tưởng của các cuộc cách mạng lúc đó. Ông rất quan tâm đến cách mạng Cuba, và thường xuyên đi lại giữa Anh với các nước Tiệp Khắc, Đông Đức – những nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Maurice Bishop cũng thừa nhận ông chịu ảnh hưởng lớn bởi các nhà cách mạng là Fidel Castro, Che Guevara hay Julius Nyerere (tổng thống nước Tanzania – cha đẻ cách mạng châu Phi). Tác phẩm ảnh hưởng lớn nhất tới Maurice là ''Ujamaa: Tiểu luận về Chủ nghĩa xã hội'' – được coi là ''tuyên ngôn cách mạng của châu Phi'', một tác phẩm lớn được xuất bản rộng ở Anh Quốc và khắp châu Phi thời đó. Để thể hiện sự ngưỡng mộ với các cuộc cách mạng XHCN, sau này con trai út của Maurice Bishop đã được đặt tên là: VLADIMIR LENIN BISHOP.
Đến năm 1970, Maurice Bishop trở về quê nhà và gia nhập sự nghiệp chính trị. Năm 1973 ông tham gia lãnh đạo một phong trào Marxist mới lấy tên là ''Phong trào New Jewel'' (viên ngọc mới), đấu tranh đòi quyền lợi cho cư dân da màu trên đảo vốn chiếm 80% dân số. Thời điểm đó, Maurice Bishop là cư dân gốc Phi hiếm hoi của Grenada được giáo dục đầy đủ ở Anh Quốc, nên ông trở thành nhân vật có uy tín rất lớn, đồng thời cũng là mục tiêu truy bắt của cảnh sát Grenada, lúc này dưới chính quyền của Thủ tướng Eric Gairy.
Trong quá trình đấu tranh, sự kiện bước ngoặt với Maurice Bishop và toàn bộ Grenada là sự kiện ''Thứ Hai đẫm máu'' năm 1974. Thứ hai ngày 21/1/1974, một cuộc biểu tình lớn của công nhân da đen diễn ra. Cảnh sát đã đàn áp bằng hơi cay, sau đó bắn đạn thật làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Một trong những người bị bắn chết chính là cha của Maurice Bishop. Đau đớn vì cái chết của cha, Maurice Bishop cùng một số đồng đội đã chuẩn bị vũ khí, chất nổ để tấn công chính quyền Eric Gairy. Tuy nhiên, ngay trước ngày Quốc khánh Grenada 7 tháng 8, Bishop bị cảnh sát bắt giữ với vũ khí và chất nổ, cáo buộc tội âm mưu giết người. Nhưng ông nhanh chóng trả tiền tại ngoại và đi sang Mỹ, nơi ông làm Luật sư cho đến năm 1979.
Năm 1979, thủ tướng Eric Gairy của Grenada tham nhũng bị quốc hội phế truất. Phong trào cánh tả New Jewel được ủng hộ rộng rãi đã lên thành lập chính quyền, và tuyên bố đưa Maurice Bishop về nước lãnh đạo.
2/ Cải cách Grenada và quan hệ quốc tế của Bishop.
Maurice Bishop lên nắm quyền năm 1979, tuyên bố ''xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Grenada''. Bishop ngay lập tức thiết lập quan hệ với Cuba, và được nước này giúp đỡ rất nhiều trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Dưới thời Bishop, Cuba đã thường xuyên cử một lực lượng hơn 1.400 kỹ sư, nhân viên dân sự đến Grenada để giúp nước này xây dựng công trình phục vụ người dân. Một trong những công trình quan trọng nhất, là việc xây một sân bay lớn ở cực nam đảo Grenada, thay thế cho sân bay cũ kỹ ở cực Bắc. Điều này được dự định sẽ thu hút khách du lịch đến với Grenada, đóng góp nguồn thu ngoại tệ cho nước này. Tuy nhiên, khi xây dựng đường băng, Cuba đã âm thầm tính toán việc biến đường băng để máy bay quân sự hạ cánh.
Trong các cải cách khác, Maurice Bishop ưu tiên xóa bỏ phân biệt chủng tộc và thúc đẩy bình đẳng giới. Chính quyền ban bố sắc lệnh bình đẳng ngay lập tức cho phụ nữ trong các vị trí xã hội. Họ được trả lương tương đương nam giới và được nghỉ thai sản. Mọi tài sản đặc quyền của người gốc Âu, gốc Ấn và các nhà tài phiệt điều bị tịch thu và chia lại. Đặc biệt, giáo dục của Grenada dưới thời Bishop rất thành công. Với kinh nghiệm giáo dục ở Anh quốc, Bishop biến Grenada thành một hòn đảo với tỷ lệ biết chữ rất cao, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Một minh chứng rõ ràng là Grenada trở thành nơi hiếm hoi ở Carribean có hàng nghìn sinh viên Mỹ đến học tập, vì chi phí rẻ nhưng chất lượng hàng đầu trong khối thịnh vượng chung.
Trong quan hệ quốc tế, Maurice Bishop thân thiết với Cuba và các nước XHCN khác, đặc biệt là Đông Đức, Liên Xô, Bắc Triều Tiên,… trong khi cố gắng cân bằng quan hệ với phương Tây. Đặc biệt ông mạnh mẽ bác bỏ ý định quân sự hóa hòn đảo, nên đã từ chối triển khai quân đội Cuba với số lượng lớn ở đây. Điều đó làm mối quan hệ với lãnh đạo Fidel Castro của Cuba gặp nhiều trục trặc, và Cuba đã âm thầm câu kết với các lãnh đạo cứng rắn trong quân đội Grenada để âm mưu giết Bishop. Ngược lại, với nhận định về vị thế cân bằng ít nguy hiểm của Grenada và hàng nghìn sinh viên Mỹ đang học tập, chính quyền Tổng thống Reagan nổi tiếng cứng rắn nhất của Mỹ, cũng nhận định rằng ''không cần thiết phải can thiệp vào Grenada'' và chấp nhận chính quyền cánh tả Grenada tồn tại.
3/ Tham vọng của Fidel Castro và bi kịch của Maurice Bishop.
Như đã nói ở trên, việc Maurice Bishop theo đường lối ôn hòa, không cho quân đội Cuba triển khai trên đảo làm Fidel Castro phật ý. Vì thế, Cuba đã âm thầm liên kết với các lãnh đạo cứng rắn hơn, ở đây là phó thủ tướng Bernard Coard và tướng quân đội Hudson Austin. Điều này dẫn đến căng thẳng trong nội bộ chính quyền cách mạng Grenada, cản trở các cải cách xã hội và khiến Maurice Bishop bị cô lập trong chính quyền.
Tuy nhiên, Maurice Bishop vẫn được ủng hộ rất lớn bởi người dân. Trong một ý định nôn nóng làm chính biến, quân đội Grenada đã bắt giữ Bishop vào một ngày năm 1983, nhưng điều này làm người dân Grenada hết sức bất bình. 30.000 dân cư, chiếm 1/3 dân số Grenada đã xuống đường phản đối vụ binh biến, làm quân đội phải vội vã thả Bishop. Tuy nhiên, có lẽ đã biết âm mưu của Cuba và quân đội chống lại mình, Maurice Bishop trong cuộc phỏng vấn sau đó đã nói một câu nổi tiếng: ''”Soy hombre muerto” (tôi là người đã chết rồi!).
Bishop đoán không sai. Đến tháng 10 năm 1983, quân đội do tướng Hudson Austin lãnh đạo đã một lần nữa bắt giữ Maurice Bishop và nội các của ông. Sau khi đưa họ đến một pháo đài cũ, quân đội Grenada đã xử bắn Thủ tướng Bishop, 3 bộ trưởng và 4 tùy tùng. Sau đó thậm chí họ còn cắt ngón tay của thủ tướng để cướp nhẫn và sau đó thiêu xác. Hài cốt của Bishop không còn có thể tìm thấy chính xác.
Nhà cách mạng Marxist của Grenada đã kết thúc cuộc đời một cách không thể bi thảm hơn: chết trong tay đồng chí. Điều may mắn còn lại, là vợ và 3 con ông: Nadia, John và Vladimir Lenin đã kịp chạy đến Canada trước đó và sống yên ổn sau này.
4/ Grenada sau cái chết của Bishop.
Sau khi sát hại Bishop, chính quyền quân sự Grenada của tướng Hudson Austin đã nhanh chóng quân sự hóa hòn đảo này, định biến Grenada thành ''pháo đài'' chống Mỹ theo đúng nghĩa đen. Chính quyền nhanh chóng bắt lính, đưa quân số lên 5.000 quân trong tổng số 100.000 dân. Cùng với đó, Grenada cũng mở toang cửa cho quân đội Cuba ồ ạt tiến vào. May bay vận tải của Cuba ồ ạt vận chuyển vũ khí, đạn dược, pháo phòng không và vật liệu đến Grenada xây pháo đài. Họ cũng kịp đưa hơn 800 quân Cuba cùng hàng chục cố vấn từ Liên Xô, Đông Đức, Bulgaria, Triều Tiên,…đến giúp Grenada.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phản ứng nhanh gọn của chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan phá vụn. Chỉ vài ngày sau khi Bishop bị sát hại, tổng thống Reagan mượn cớ ''sinh viên Mỹ bị đe dọa'' đã cho quân tấn công hòn đảo Grenada nhỏ bé, bóp nát mọi kế hoạch xây dựng pháo đài của Cuba trên đảo. Cuộc tấn công chớp nhoáng chỉ trong 4 ngày, lật đổ chính quyền quân sự Grenada, bắt giữ toàn bộ lính Cuba và thu giữ kho vũ khí Liên Xô khổng lồ trên đảo. Mọi ý đòi biến Grenada thành ''pháo đài'' chống Mỹ tan thành mây khói.
Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt từ khối thịnh vượng chung do Anh dẫn đầu, Mỹ đã thất thế về ngoại giao trên trường quốc tế, phải chấp nhận rút quân ngay lập tức khỏi Grenada. Grenada được trao trả độc lập, nhanh chóng khôi phục nền dân chủ, ngày nay trở thành một hòn đảo du lịch phát triển ở Carribean. Đặc biệt, Grenada đã giải thể quân đội, trở thành nước trung lập tuyệt đối.
Ngày nay, người dân Grenada đánh giá rất cao vai trò của nhà cách mạng Maurice Bishop và phong trào New Jewel, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội của Grenada. Trong một hành động biểu tượng, Grenada sau này đã đặt tên cho sân bay quốc tế duy nhất của họ – chính là sân bay trước kia Cuba xây cho máy bay quân sự hạ cánh – thành Sân bay Quốc tế Maurice Bishop như hành động tri ân nhà cách mạng vĩ đại của nhân dân Grenada.
Tham khảo: Forward Ever! Three Years of the Grenadian Revolution (Tác giả Maurice Bishop). Cách mạng ở Grenada có một khẩu hiệu nổi tiếng: ''Forward Ever! Backward Never''.